Ký ức Trường Sơn - Vương Tâm

Ngày đăng: 05:50 24/07/2018 Lượt xem: 846


---------------------------------------------------------------

Ký ức Trường Sơn

         Bố tôi nhắc đến chuyện lên Hà Nội không biết bao nhiêu lần. Lý do thì không thể gạt đi bởi lẽ theo ông, đây là sự đáp ơn trả nghĩa cho người đã cứu sống ông cách đây hơn ba chục năm ở mặt trận Trường Sơn.
         Quê tôi miền trung xa xôi là một trở ngại không nhỏ. Nhưng điều quan trọng là mãi tới hai mươi năm sau, ông mới dò tìm được địa chỉ của người nữ chiến sĩ đã hiến máu để ông thoát chết trong tình trạng nguy cấp nhất.
Sau ngày giải phóng, ông được giải ngũ, trở về vùng biển và sinh ra tôi. Ông luôn luôn ru tôi bằng những vần thơ mà ông tự viết ra mỗi khi nhớ tới đồng đội. Ðặc biệt với cô gái Hà Nội xinh đẹp ngày nào đã đem lại cuộc sống lần thứ hai cho ông. Ngày một lớn lên, hai bím tóc của tôi được ông gìn giữ và tết thành đuôi sam, có kẹp một cái cặp ba lá và găm một bông hoa hồng bằng nhựa xinh đẹp. Tôi hỏi, thì ông nói:
         - Bố nhớ, cô gái Hà Nội ấy có đôi bím tóc dài và làn da trắng hồng, cô luôn cười như con và hát suốt ngày. Cô y tá ấy tên là Hoa.
         Rồi khi tôi đã mười lăm tuổi, ông càng ngày càng đăm chiêu. Có lẽ vì ông rất nhớ đến người nữ chiến sĩ ấy. Gặng hỏi mãi, mẹ tôi mới cho tôi hay rằng, đã mười năm nay bố con đã đi nhiều nơi để hỏi dò tin tức địa chỉ của cô Hoa mà không được. Ông buồn, vì lo rằng nếu sau này đến khi già và chết đi mà không gặp được người nữ y tá ấy thì khó mà nhắm mắt xuôi tay. Thế rồi thỉnh thoảng những ký ức của trận mạc ngày ấy cứ dội về trong ông. Có lần ông kể lại vanh vách mọi điều cho tôi nghe về cái ngày khốc liệt ấy. Trong cơn mê man bất tỉnh vì vết thương trúng động mạch chảy nhiều máu bên thái dương. Tưởng như đã chết, ấy thế rồi mọi việc đã được cứu vãn khi cô y tá Hoa, người Hà Nội, đã tình nguyện hiến máu của mình vì chỉ mình cô có nhóm máu hợp với bố tôi. Và thế rồi, khi hồi sức lại trong cơn nửa tỉnh, nửa mê, bố tôi kể lại rằng cô Hoa đẹp như nàng tiên trong rừng vậy. Những ngày sau đó, bố tôi được chuyển về hậu cứ để tập trung chữa trị vết thương. Và trong đầu óc ông chỉ còn ghi nhớ lại như in đôi bím tóc của người nữ chiến sĩ ấy. Ông cũng nghe các bác sĩ gọi cô ta bằng cái tên là Hoa và ông cứ ân hận mãi vì không được gặp lại nữ y tá ấy để có một lời cảm tạ. Ông nói lúc ấy vẫn còn yếu không cất nổi lời và chỉ nhìn người con gái ấy mà rơi hàng nước mắt để tỏ lòng biết ơn.

 

Ảnh minh họa
 
         Nghe ông kể đến cả chục lần câu chuyện xảy ra ngày ấy mà không lần nào tôi ghìm nổi xúc động mỗi khi thấy ông rơm rớm nước mắt. Nhiều lúc tôi cũng cứ nói, sau này lớn lên tôi sẽ tìm bằng được cô Hoa để cho ông gặp lại. Mẹ tôi cũng an ủi bố tôi và cũng mong cho cái ngày gặp mặt ấy chóng tới. Nhưng rồi mọi điều cứ bặt vô âm tín. Cũng có khi tôi nghĩ, thời gian sẽ trôi qua, chắc bố tôi cũng sẽ nguôi ngoai nỗi mong nhớ sâu nặng ấy. Nhiều lần, tôi và mẹ tôi bàn, đừng bao giờ nhắc đến những chuyện nào dính dáng tới chiến tranh để bố tôi khỏi phải động lòng. Nhưng không hiểu sao những câu thơ của bố tôi chẳng có thể xóa nhòa trong tâm trí tôi. Bởi lẽ từ bé tôi đã thuộc lòng những nỗi niềm trắc ẩn ấy. Nhất là những lúc vẩn vơ nghĩ ngợi bên bàn học, mỗi khi nghe tiếng thở dài của bố tôi, khi những câu thơ ấy lại hiện lên:
 
Máu hồng cứu cuộc đời ta
Biết bao năm tháng thật là ơn sâu.

Nhất là có những câu ông tự oán mình:
 
Trách sao mình lại phụ người
Giọt đào ấm áp làm tôi đau lòng.

 
         Ấy thế rồi, có lần ông đi biệt luôn hàng tháng trời. Ông viết thư về kể rằng mình đã lần mò dần ra được địa chỉ của mấy người nữ chiến sĩ có cái tên Hoa ở Hà Nội. Sau đó lại nghe mọi người mách cái cô Hoa mà cho máu ông ngày ấy đã lấy chồng, cũng là bộ đội cùng đơn vị, ở tận Mai Châu, Hòa Bình cơ. Tưởng đến như thế, ông nản chí, mà sẽ không còn áy náy gì nữa. Nhưng quả là tôi đã nhầm, bố tôi vẫn tìm được những người đồng đội ở Hòa Bình để mong họ cho được tung tích người nữ y tá ngày xưa ấy. Cô gái tên là Hoa lấy chồng ở Mai Châu.
         Ngẫm vậy, tôi cho là họ khó có thể tìm được cô y tá cho bố tôi. Mẹ tôi dỗ ông cứ bình tĩnh chờ, ngay khi biết được địa chỉ của người nữ y tá ấy cả nhà sẽ cùng đi thăm. Tôi cũng nghĩ mẹ tôi an ủi thế chứ chả có hy vọng gì. Nhưng không ngờ, một ngày đẹp trời, sau một ngày, tôi vừa bước sang tuổi hai mươi, thì có người đưa thư đến. Tôi cứ ngỡ đó là món quà sinh nhật muộn của mình. Người đưa thư gọi to:
         - Ông Ðạt có thư nhé!
         Bố tôi từ dưới bếp chạy ra như một ngọn gió vậy. Quả là trời không phụ lòng người. Bố tôi bóc thư và đọc vanh vách cái địa chỉ bí ẩn mà bấy lâu nay ông mong chờ. Ông khóc tu tu lên như con trẻ vậy. Mẹ tôi vừa đi chợ về phải vỗ về nói lạc hướng đi:
         - Có cút rượu và bánh đa để ông ăn mừng đây!
         Ông ôm chầm lấy mẹ tôi mà năn nỉ:
         - Bà nhớ đấy nhá. Phải đưa tôi đến tận nơi để cảm tạ ơn trời bể của người ta. Bà đã hứa có nhớ không?
         Tôi nhìn hai người ôm nhau mà muốn chực òa lên khóc vì hai mái đầu bạc đầy gió biển ấy đã rung rinh qua bờ vai gầy guộc với nỗi xúc động khôn tả.
         Ngay lập tức tối ấy, tôi viết lá thư gửi theo địa chỉ cô Hoa mà đồng đội của bố tôi cung cấp cho. Nghe nói nhà cô Hoa không có điện thoại riêng nên khó mà liên lạc ngay được. Mẹ tôi hứa rằng nếu có thư hồi âm của cô Hoa thì sẽ hẹn ngày lên Mai Châu ngay để cho bố tôi đỡ sốt ruột. Tôi cũng mong vậy. Bởi lẽ với bố tôi việc đi thăm được cô Hoa là một việc làm có ý nghĩa lớn lao nhất trong đời. Và cái ngày hẹn lên đường ấy đã đến. Bố tôi như sống lại thời trai tráng vậy. Có lúc ông còn hát ầm lên những câu ca về Trường Sơn:
         Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người, có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác, dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát...
         Mẹ tôi chỉ cười rồi nói:
         - Rõ nỡm, gần sáu chục rồi cứ làm như mình còn trẻ lắm.
         Nói rồi bà hỏi:
         - Nào, mai ông định mặc bộ quần áo nào đây?
         Ngay lập tức chẳng cần suy nghĩ, bố tôi nói to:
         - Bộ quân phục mà tôi đã để dành bấy lâu nay đó...
         Thật ra, tôi cũng thấy hồi hộp như mẹ tôi. Cả hai cũng nóng lòng muốn biết thực hư về người đã hiến máu để cứu sống bố tôi như thế nào? Chuyến đi thật xa. Phải mất hai ngày từ Ðiện Bàn, Quảng Nam, chúng tôi mới lên tới Hòa Bình. Chuyển xe tới ba bến, tôi và mẹ mệt bã người, chỉ riêng bố tôi vẫn dẻo dai và cứ mong chóng tới nơi. Ông liên tục động viên rằng sắp tới nơi và bắt mẹ con tôi ăn uống mọi thứ cho khỏe người để còn đi tiếp. Trước mắt chúng tôi tấm biển chỉ dẫn xuống thung lũng Mai Châu đã xuất hiện. Bố tôi cứ tấm tắc khen rằng cô Hoa khéo chọn nơi xứ lạ, đẹp như tranh vẽ vậy. Ông nói nhiều đến nỗi mẹ tôi phải nhắc khéo ông rằng đừng hớn hở đến thế. Ông chợt ngượng nghịu rồi hỏi một câu bâng quơ làm mẹ tôi phì cười. Tôi cũng thấy vui.
         Vừa tới thị trấn huyện, bố tôi đã xăm xăm đi tới hỏi ngay một bà mế gặp đầu tiên. Mế già hơi nặng tai nhưng vẫn hiểu ra và hỏi lại:
         - Có phải con cái Hoa người Hà Nội lên không?
         - Ðúng ạ! Nhà cô ấy ở đâu hả mế?
         - Cứ đi đi, cái Hoa thì cả thị trấn này biết lố. Ðến cuối đường hỏi có người dắt tay đi đấy.
         Thế là hai mẹ con tôi phải cố rảo bước để bắt kịp bố tôi đang nhanh chân đi trước. Có mấy người đi theo chúng tôi. Một anh chàng trẻ tuổi dắt tay bố tôi thật đúng như lời mế già nói. Anh kể rằng mế Hoa đang dạy cho các lũ trẻ biết cách tự cai ma túy ở nhà và còn biết tự chữa bệnh cho mình bằng cái lá, cái rễ cây trên rừng. Bố tôi đột nhiên hỏi:
         - Sao lại gọi là mế Hoa. Cô y tá Hoa chứ?
        - Bây giờ không còn cô Hoa ngày xưa nữa mà chúng con gọi là mế Hoa rồi, vì mế đã trở thành người Thái rồi mà. Cả cái bản Lác này chỉ biết gọi  mế Hoa thôi... Nào mời cả nhà ta vào đi.
         Bố tôi chẳng nói chẳng rằng chạy ngay vào trong lán. Ông không ghìm nổi xúc động hỏi ngay:
         - Mế Hoa đâu?
        Bỗng dưng bố tôi sững người nhìn một người phụ nữ luống tuổi mặc bộ quân phục đã bạc mầu. Tôi rụt rè bước theo ông mà ngắm người nữ chiến sĩ nhỏ bé đang run rẩy trước những gì bất ngờ xảy đến. Mái tóc bạc của bà đã rụng bớt đi. Vẫn khuôn mặt trái xoan gầy guộc ngày nào mà bố tôi tả lại trong trí nhớ. Nhưng giờ đây đôi mắt đã đục mờ theo thời gian. Bố tôi đột ngột đứng nghiêm, giơ tay chào:
         - Báo cáo đồng chí Hoa, tôi có mặt!
         Cô Hoa, người nữ y tá xinh đẹp như nàng tiên của bố tôi ngày nào, giờ đây thật sự mỏng mảnh. Bà run tay và nghẹn ngào hỏi:
         - Có phải đấy là đồng chí Ðạt ở Trường Sơn ngày ấy?
         Bố tôi chẳng còn giữ được bình tĩnh nữa chạy tới ôm ghì lấy bà rồi khóc nấc lên:
         - Ôi! Ân nhân của tôi. Người cải tử hoàn sinh cho tôi. Xin đội ơn người.
       Thế là hai người lính già cứ nhạt nhòa nước mắt. Họ không để ý rằng những học sinh đang ngồi dưới kia ngơ ngác và xúc động đến nhường nào. Tôi đứng lặng đi vì thấy mẹ tôi đang đứng sau cánh cửa lớp cũng tuôn trào nước mắt. Tôi bước tới cầm lấy tay người nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa mà nghẹn từng lời:
         - Mế Hoa... Con là con gái của mế đây!
         Nói rồi tôi cũng bật khóc. Bởi lúc này tôi mới thấm thía rằng chính nhờ dòng máu của mế Hoa mà mình mới được sinh thành và lớn lên trong những ngày tháng đẹp đẽ này. 
         
         VƯƠNG TÂM

         PS sưu tầm

tin tức liên quan