Chiến lợi phẩm từ rừng - Hồi ức Phạm Thành Long

Ngày đăng: 03:18 13/08/2018 Lượt xem: 864
    CHIẾN LỢI PHẨM TỪ RỪNG
 
                                                                Phạm Thành Long
 
      Một ngày cuối mùa khô năm 1972, tôi được phân công xuống tiểu đoàn 41 công binh công tác. Tiểu đoàn công binh 41 phụ trách giao thông ngầm Bạc và Đèo Long - Cua Đá - một tuyến đường vô cùng ác liệt của Binh trạm 35.  Để đi cho gần, tôi đã chọn đường tắt. Con đường tắt này trước đây một lần tôi đã từng đi qua. Bây giờ nó khác quá. Hình như lối đi tắt này ít được sử dụng nên bây giờ rất khó nhận ra lối mòn.
       Thế là tôi bị lạc đường.
     Tiểu đoàn bộ 41 ở phía nam con đường. Tôi ngồi nghỉ để định thần lại phương hướng, rồi quyết định cắt rừng đi về hướng nam. Tôi buộc phải băng qua một khe núi khá sâu. Từ khe núi này lại phải trèo lên một đỉnh núi. Đoạn núi này cây cối rập rạp vô cùng. Vừa đi tôi phải dùng dao găm phát đứt những sợi dây rừng chằng chịt chắn lối. Bi đông nước mang theo đã hết. Cổ họng khát khô. Không biết bao giờ mới lần ra được đường lớn đây ? Sự lo lắng đã xuất hiện. Nhưng chẳng biết từ lúc nào một tứ thơ đã xuất hiện trong đầu. Tôi nhẩm đọc:
“Tìm đường nên lạc xuống khe.
Tưởng ra đường lớn, ai dè khe sâu.
Gai dây quấn trước, lôi sau.
Càng đi càng thấy khe sâu, rừng già.
Bốn bề rừng phủ bao la
Bụng thì đói, miệng như là sát vôi…”
     Vừa nằm vật ra đất để nghỉ, tôi chợt nhìn thấy một chiếc dù pháo sáng treo lơ lửng trên một bụi nứa trước mặt. Tôi mừng hun. Tưởng là xúi quẩy, ai dè lại hên đến thế.
     Đêm đêm, máy bay Mỹ đã thả hàng chục quả pháo sáng trên bầu trời trọng điểm ngầm Bạc trên đường 128 A Trường Sơn. Tuy nhiên, khi pháo sáng tắt cũng là lúc gió đã mang những chiếc dù pháo sáng này tới những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn. Người nào may mắn mới bắt gặp được một chiếc dù pháo sáng. Hôm nay tôi là một người may mắn.
      Nhìn chiếc dù pháo sáng nằm trên ngọn bụi nứa, tôi mừng đấy nhưng cũng lo. Chắc chắn phải đốn hạ vài cây nứa mới mong kéo được chiếc dù xuống mặt đất. Mà trong tay tôi lại chỉ có một chiếc dao găm nhỏ.
      Tôi quên mệt lao vào chặt tỉa từng cây nứa lớn. Đến cây nứa cuối cùng mà chiếc dù còn mắc lại trên ngọn, tôi mệt muốn đứt hơi. Đôi tay rã rời. Tôi cố nhảy lên níu vào cây nứa rồi dùng sức nặng của cơ thể kéo nó ngả xuống. Chiếc dù pháo sáng còn rất mới. Hình như chúng vừa mới được thả ít ngày. Dưới chiếc dù là một ống đuya ra chứa chất phát sáng trong ấy. Tôi dùng dao cắt sợi dây dù gắn vào ống pháo sáng để gập chiếc dù và những sợi dây dù để vào ba lô. Chiếc ống pháo sáng đành phải bỏ lại. Tiếc đấy, vì ống pháo sáng làm được khá nhiều việc: gò thành ca đựng nước, hộp đựng thuốc đánh răng, hộp đựng dao cạo râu…Nhưng lúc này tôi chả còn hơi sức đâu mà vác chiếc ống pháo sáng luồn lách giữa rừng.
      Tôi ngồi nghỉ trong sự han hỉ, lâng lâng của một người lính thắng trận.
     Đột nhiên có ba tiếng nổ lớn liên tiếp vang lên. Có lẽ đấy là tiếng mìn phá đá của công binh. Tôi định thần xác định hướng nổ của nó. Ôi ! Thế là mừng rồi. Đường 128 A đang ở phía sau ngọn núi trước mặt. Thế là tôi lại khoác ba lô xuyên rừng.
     Sau nửa giờ tiếp tục luồn rừng, tôi đã tìm ra được đường lớn. Mừng muốn chết. Vừa đi, cái tứ thơ ban nãy lại xuất hiện trong đầu tôi. Tôi nhẩm đọc tiếp:
“Đinh ninh phải ngủ rừng thôi
Đường không tìm thấy, không người hỏi thăm
Bỗng ba tiếng nổ ầm ầm
Như tiếng bộc phá dánh hầm đâu đây
Lần ra thì thật mừng thay
Đường đây mà tưởng hôm nay ngủ rừng”!
      Rồi cứ nghĩ đến chiếc dù lấy được trên ngọn nứa đang nằm gọn trong ba lô, tôi vừa vui lại vừa buồn cười.
Chẳng hiểu sao, một bài thơ lại xuất hiện rất nhanh trong đầu. Tôi vừa đi vừa nhẩm đọc:
                                      “Lạc đường, ngồi nghỉ thấy trên đầu
                                       Chiếc dù pháo hiệu mới hay lâu
                                       Mà treo lơ lửng trên ngọn nứa
                                       Gió đẩy đung đưa giữa rừng sâu ?
                                       Đúng rồi rừng dẫn ta đến lấy
                                      Có phải là bị lạc rừng đâu !”
       Tôi nhẩm đọc bài thơ tự an ủi mình mà không nhịn được cười. May mắn  mà cũng lạ lùng thật.
      Ít tháng sau, anh bạn Nguyễn Chí Công ở bộ phận tuyên truyền với tôi được cử đi học in lưới ở Bộ Tư lệnh Trường Sơn trở về. Để làm một cái bàn in tranh cổ động, nhưng chúng tôi không có loại lưới in được dệt từ lụa tơ tằm. Thế là cái dù pháo sáng tìm thấy trong rừng của tôi ngày nào được mang ra thử nghiệm thay thế. Không ngờ nó lại dùng rất tốt.
      Cái bàn in lưới bằng dù pháo sáng tìm được trong rừng ấy đã giúp chúng tôi sản xuất ra hàng ngàn khẩu hiệu, hàng ngàn bức tranh cổ động gửi tới các đơn vị để cổ vũ cho các đợt công kích của chiến dịch.
Bọn Mỹ đâu có ngờ rằng, chính sản phẩm chiến tranh của chúng lại cung cấp cho bộ đội Trường Sơn thứ công cụ thật hữu hiệu. Công cụ sản xuất ra loại  sản phẩm kêu gọi, thúc giục tinh thần đánh Mỹ của những người lính Trường Sơn.

Ngầm Bạc một ngày tháng 2/1972.
 
 
 
 
tin tức liên quan