Mùa Thu đẹp nhất...
Nguồn:Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân, năm nay bước sang tuổi 95. Sống gần trọn một thế kỷ, chứng kiến bao đổi thay của quê hương, đất nước, nhưng với ông, mùa thu Tháng Tám năm 1945 luôn là mùa thu đẹp nhất.
Ông kể rất nhiều chuyện về ngày 2-9-1945, ngày mà ông và những thành viên trong đội tự vệ thành Hà Nội may mắn được chứng kiến lễ mít tinh, được nghe giọng nói trầm ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên bố trước quốc dân đồng bào về một nước Việt Nam độc lập.
Ông bảo rằng cứ mỗi dịp Quốc khánh 2-9, ông lại ra Quảng trường Ba Đình, chầm chậm bước đi trên thảm cỏ để nhớ về kỷ niệm của những ngày này cách đây hơn 70 năm.
Ông nhớ những ngày cuối tháng 8 năm 1945, không khí rạo rực lắm, đi đâu người ta cũng bàn tán về việc Việt Minh giành chính quyền ở nhiều nơi và sẽ có một buổi lễ mít tinh lớn ở Hà Nội. Rồi ông giải thích: Lúc đó, chính quyền nhân dân ở các địa phương đã ra đời, nhưng chính quyền Cách mạng Trung ương vẫn chưa được thành lập. Tại Hà Nội, những tốp lính đầu tiên của quân Tưởng đã xuất hiện trên đường phố. Người ta truyền tai nhau về việc Cụ Hồ sẽ về Hà Nội trong lễ mít tinh, ai cũng háo hức. Mãi sau này ông mới biết rằng Bác Hồ về Hà Nội từ ngày 25-8-1945 và ở tại số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập, một văn kiện lịch sử quan trọng khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Càng đến gần ngày mùng 2 tháng 9, không khí ở Thủ đô Hà Nội càng sôi động, náo nức. “Đoàn quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc...”, những lời ca Cách mạng vang lên hào hùng từ sớm tới khuya. Cờ, sao mỗi lúc một nhiều hơn, đẹp hơn. Cờ bay đỏ nhà, đỏ phố. Hà Nội cùng cả nước náo nức chuẩn bị cho ngày lịch sử: Ngày độc lập của dân tộc.
Sáng 31-8-1945, một khán đài cho buổi lễ mít tinh được gấp rút dựng lên ngay tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Để xây dựng khán đài, nhiều người dân đã đến góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván. Công tác bảo vệ cho Bác Hồ và lễ mít tinh cũng được chuẩn bị ở mọi nơi. Anh em tự vệ chúng tôi được phân công làm công tác bảo vệ tại chợ Đồng Xuân.
Đúng ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, từ rất sớm, ở mọi ngả đường đến Quảng trường Ba Đình, dòng người đổ về tấp nập, nô nức, phấn khởi như trẩy hội. Nắm tay tôi, ông bảo:“Khoảnh khắc ấy thiêng liêng, tự hào lắm cháu ạ, một cảm giác khó tả trào dâng! Từ đó, ông và các bạn đồng trang lứa thấy được trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước. Vậy là ông quyết tâm đi theo bộ đội”.
“Thiêng liêng”, “tự hào”,”sung sướng”, là những cụm từ được nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp nhắc đến nhiều nhất khi nhớ về ngày 2-9-1945. Ông bảo, không thiêng liêng, không tự hào sao được khi người dân Việt Nam, từ lầm than nô lệ bước lên vị trí của người dân làm chủ.
|
Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp (người đứng thứ 7 từ trái sang) chụp ảnh cùng Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc năm 1951. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Nhìn ánh mắt, nụ cười và cả cái cách ông nâng niu, trân trọng những tấm ảnh kỷ niệm, tôi nhận ra niềm tự hào ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Và giống như triệu triệu người dân Việt Nam, niềm tự hào ấy được tạo nên từ khát vọng độc lập của cả một dân tộc. Chính khát vọng độc lập đã thôi thúc thế hệ của Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp với những con người tài trí, kiên trung một lòng đi theo cách mạng, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, rồi “nếm mật nằm gai” làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và tiếp đó là một thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Niềm tự hào ấy đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết tinh lòng yêu nước từ sức sống bền vững, trí tuệ và sáng tạo của dân tộc Việt Nam.
Chiều thu vàng trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội, đi bên vị đại tá, nhà báo - chiến sĩ, người đã từng đi qua chiến tranh lửa đạn, tôi như thấy mùa thu cũng đẹp hơn. Một niềm tự hào, một khát vọng mới trong tôi đang cháy bỏng.