Ký ức Trường Sơn - Ghi chép của Thành Công - Báo ĐT Tuyên Quang

Ngày đăng: 08:33 20/09/2018 Lượt xem: 622

Ký ức Trường Sơn


TQĐT - Đầu tháng 7 này, Đoàn đại biểu của tỉnh ta hành trình về Quảng Trị dâng hương và khánh thành công trình cải tạo Khu mộ liệt sỹ tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Chúng tôi cùng nhau thắp nén tâm nhang cầu chúc anh linh các anh hùng liệt sỹ siêu thoát. Trước vong linh các anh chúng tôi càng thấy rõ hơn bổn phận của thế hệ hôm nay đối với những hy sinh trời biển của các anh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

“Đồng đội ơi, tôi đã về đây”

Đại tá Tạ Văn Bang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành viên Đoàn đại biểu của tỉnh không giấu nổi xúc động khi “gặp lại” những người đồng đội chung chiến hào năm xưa đã ngã xuống đất này. Trước làn khói hương nghi ngút, trái tim ông nghẹn lại, ký ức một thời trận mạc ùa về...


Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang dự Lễ khánh thành công trình cải tạo
Khu mộ liệt sỹ của hai tỉnh tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Trong số 109 phần mộ liệt sỹ của tỉnh an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn có 2 người bạn cùng quê với ông Bang là liệt sỹ Hầu Văn Tý và Lưu Văn Chỉ ở xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa. Ông Bang nhớ lại, tháng 6-1968, những chàng trai tuổi đôi mươi của xã Tân Thịnh theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tự nguyện lên đường nhập ngũ. Ông và bạn Hầu Văn Tý cùng huấn luyện tân binh tại đơn vị Bình Ca 4 (xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn), sau đó được biên chế vào Tiểu đoàn K818, Trung đoàn 9 thuộc Mặt trận B4. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn K818 nhận lệnh làm nhiệm vụ giữ tuyến đường dây 559 bảo vệ hành lang đường và các trạm giao liên. Hiểu được vai trò quan trọng của các trạm giao liên nên địch ra sức đánh phá nhằm phá vỡ mối liên lạc giữa các khu tuyến Đà Nẵng - Nam Bộ, Lào - Campuchia. Tiểu đội K818 sau 3 ngày tham gia tập kích vào đại đội của Mỹ trên trục đường tuyến khu vực Côcava (biên giới huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và Lào) năm 1972, đồng đội Hầu Văn Tý đã anh dũng hy sinh. 

Với ông Bang, đó là sự mất mát không thể bù đắp, đớn đau cho đến giờ dường như vẫn chưa thể nguôi ngoai. Người bạn tri kỷ gắn bó từ thủa ấu thơ, ước mơ lớn lên “được làm chú bộ đội” cầm súng đánh giặc sống mãi trong ký ức ông, trở thành biểu tượng bất tử thôi thúc ông làm thật nhiều điều có ích cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Trên cương vị của mình, từ năm 2012 đến nay, ông Bang đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ kinh phí hỗ trợ các cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sỹ làm được 55 nhà ở mới; thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách và các dự án chăn nuôi giúp đồng đội của mình vươn lên, sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Tỷ lệ hộ nghèo toàn hội hiện chỉ còn 8%, tỷ lệ hộ hội viên khá giàu chiếm trên 60%.

Đã ba lần ông Bang về lại chiến trường xưa viếng mộ đồng đội, ông thấy thanh thản hơn bởi khu mộ liệt sỹ của tỉnh đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm xây cất phù hợp với cảnh quan chung của Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Khu mộ được xây dựng dưới những tán cây rừng cổ thụ tỏa mát làm dịu đi nắng gió Trường Sơn như đổ lửa. Trước anh linh đồng đội, nước mắt ông Bang cứ tự trào ra. “Tý ơi, các đồng đội ơi, tôi đã về đây, các anh có nghe thấy tiếng tôi không…”, giọng ông lạc vào cơn gió rì rào như câu chuyện thâm trầm của người lính trận.


Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn ghi sổ lưu bút
tại nhà trưng bày Thành cổ Quảng Trị.

Khu mộ liệt sỹ của hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn vừa được cải tạo, nâng cấp với kinh phí 450 triệu đồng do ngân sách địa phương của hai tỉnh đóng góp. Ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn xúc động nói: “Sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang xây dựng khu mộ liệt sỹ làm ấm lòng và vơi đi phần nào những mất mát của thân nhân các liệt sỹ. Đây là sự tri ân sâu sắc đối với những người con của quê hương đã ngã xuống đất này vì nền hòa bình, độc lập của nước nhà”. Hàng năm, Ban Quản lý đón nhiều đoàn đại biểu của tỉnh Tuyên Quang về đây thăm viếng khu mộ, trong đó có những người lính trận năm xưa đi tìm đồng đội; những người vợ tóc đã pha sương, con em của người lính đi tìm cha, tìm chồng. Họ lần theo danh sách liệt sỹ của tỉnh tại khu mộ và đã khóc òa khi không thấy tên người thân của mình ở đây - Ông Ái bùi ngùi chia sẻ.

Cánh chim hòa bình

Tiếp tục hành trình, Đoàn đại biểu của tỉnh dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị. Tại đây, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đã ghi sổ lưu bút tại nhà truyền thống và nhà trưng bày gắn liền với những kỷ vật thiêng liêng của những người lính trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh ở vùng đất này. Đồng chí xúc động viết: Xin kính cẩn nghiêng mình cảm tạ các anh đã góp phần giành độc lập cho Tổ quốc. Chúng tôi xin hứa tiếp bước các anh sẽ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với công lao trời biển của các anh vì nền độc lập của nước nhà...

Tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn thỉnh 9 hồi chuông cầu cho anh linh các anh siêu thoát ở cõi vĩnh hằng. Tiếng chuông vang vọng núi rừng Trường Sơn, mang theo những lời tri ân của các tầng lớp nhân dân tỉnh Tuyên Quang với công lao của các liệt sỹ... những cánh chim bồ câu dập dờn sà xuống khu vực Đoàn đại biểu của tỉnh làm lễ dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ. Ông Tạ Văn Bang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh bảo rằng, ông liên tưởng “linh hồn của các liệt sỹ như nhập vào những con chim bồ câu, biểu tượng của khát vọng hòa bình. Các anh đã ngã xuống, xương máu các anh xây đắp nền hòa bình cho dân tộc. Tiếng chuông biểu trưng cho hiệu lệnh trong quân ngũ, báo hiệu giờ lên đường, giờ nghỉ, giờ ăn cơm… Nghe tiếng chuông, những cánh chim hòa bình sà xuống xếp thành hàng lối như những chiến binh chào đón những người thương yêu của mình”.


Đại tá Tạ Văn Bang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh (bên phải) cùng các thành viên trong đoàn
thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Trong cuộc chiến đấu ác liệt chống phản kích để bảo vệ thị xã Quảng Trị suốt 81 ngày đêm (28-6 đến 16-9-1972), Thành cổ Quảng Trị đã hứng chịu 328 nghìn tấn bom do quân thù dội xuống, vùng đất này trở thành một nơi hoang tàn, đổ nát. Chị Trần Thị Xuân Lan, hướng dẫn viên du lịch tại Thành cổ Quảng Trị cho biết, chị đã từng gặp nhiều người Tuyên Quang về đây tìm kiếm hài cốt người thân, những cựu binh ở Chiêm Hóa đi khắp chiến trường xưa tìm đồng đội nhưng… tất cả đều rơi vào vô vọng. Các anh vĩnh viễn nằm lại đất này để lại trong lòng người thân và những người đồng đội của mình nỗi day dứt khôn nguôi. Từ mảnh đất Tân Trào lịch sử, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng đã đề ra những quyết sách lớn cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân đến Thành cổ Quảng Trị là hành trình lịch sử tiếp nối tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân ta lập nên những chiến công hiển hách cho non sông thu về một mối. 

Thành cổ Quảng Trị hôm nay cây trái đã lên xanh nhưng núi sông nơi này vẫn còn thấm máu đào của các Anh hùng Liệt sỹ. Ta vẫn nghe đâu đó câu thơ vọng lại: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi hòa sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Ghi chép: Thành Công
PS st Theo ĐT Tuyên Quang

 


tin tức liên quan