THIẾU TƯỚNG HỒ ANH THẮNG ĐÃ VIẾT SAI SỰ THẬT
Phạm Thành Long
Trưởng ban Tuyên truyền – Thi đua Hội TSVN
ĐT: 0984 108 450.
Email: khoaluonghts@gmail.com
Phải nói ngay rằng, tôi vô cùng ngạc nhiên khi đọc ký ức của Thiếu tướng Hồ Anh Thắng : “Đường Trường Sơn – Ký ức những bàn chân” đăng trên Trang web của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Hồi ức “Đường Trường Sơn – Ký ức những bàn chân” của Hồ Anh Thắng đầy dẫy sự tượng tượng – tất nhiên là không có thật - về những chuyện mà ông và đồng đội ông “chứng kiến” trên đường hành quân vượt Trường Sơn 45 năm trước.
Trước hết là Tướng Hồ Anh Thắng không hề phân biệt được Binh trạm và Trạm giao liên khác nhau thế nào. Vì thế, tác giả đã viết:
“…Mỗi chặng đường dài chừng một ngày hành quân bộ thì Đoàn 559 đặt một binh trạm. Binh trạm thường là một vị trí bằng phẳng rộng, có thể trú được cả tiểu đoàn bộ binh và là nơi tiếp tế bổ sung lương thực, vũ khí đạn dược cho đoàn quân ra vào”.
Xin thưa với tướng Hồ Anh Thắng rằng, Binh trạm ở Trường Sơn là một tổ chức đặc thù tương đương cấp lữ đoàn. Mỗi Binh trạm của Trường Sơn thường có từ 6 đến 7 tiểu đoàn binh chủng (có Binh trạm có tới 8 tiểu đoàn), gồm: Các Tiểu đoàn giao liên, công binh, pháo cao xạ, xe ô tô vận tải, bộ binh, các đại đội thông tin, kho, bộ binh, bệnh xá, trạm phẫu thuật, chuyên gia giúp Bạn Lào… Trước năm 1973, Bộ đội Trường Sơn có 27 Binh trạm nằm trong đội hình các Bộ Tư lệnh khu vực (tương đương cấp Sư đoàn) và trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
“Những Binh trạm” mà ông Hồ Anh Thắng nói tới chính là các Trạm giao liên bộ. Những trạm giao liên này có nhiệm vụ đưa đón “quân vào”, tiếp nhận “quân ra”. Trạm giao liên bộ Trường Sơn là đơn vị tương đương cấp đại đội. Tuy nhiên mỗi trạm giao liên chỉ có từ 25-40 cán bộ, chiến sĩ. Phụ trách toàn tuyến giao liên bộ của Trường Sơn do 13 Tiểu đoàn với 60 Trạm giao liên bộ đảm nhiệm. Giao liên cơ giới có 13 Trạm, Giao liên thuyền có 3 Trạm. Nơi trú quân cho các đơn vị hành quân vào chiến trường thường gọi là “Bãi khách”.
Về tên gọi, Tướng Hồ Anh Thắng đã nhầm lẫn khi gọi Bộ đội Trường Sơn (vào thời điểm năm 1972 khi ông vượt Trường Sơn vào chiến trường) là Đoàn 559. Đây cũng là nhầm lẫn của rất nhiều người – kể cả những cán bộ cao cấp quân đội. Cũng giống như tên gọi của Đảng ta, mỗi thời kỳ có tên gọi khác nhau: Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam. Bộ đội Trường Sơn cũng có tên gọi khác nhau: Thuở ban đầu là Đoàn công tác quân sự đặc biệt – gọi tắt là Đoàn 559 (vì thành lập ngày 19/5/1959). Ngày 3/4/1965, Quân ủy Trung ương quyết định đổi tên Đoàn 559 thành Bộ Tư lệnh 559 – tương đương cấp Quân khu. Ngày 29/7/1970, Quân ủy Trung ương lại ra quyết định đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn – thường gọi là Bộ đội Trường Sơn. Bộ Tư lệnh Trường Sơn là đơn vị tương đương cấp Quân khu và chỉ huy toàn bộ lực lượng của quân đội ta hoạt động ở Nam - Hạ Lào. Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường kể từ thời điểm này. Về tên gọi của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn các thời kỳ nó không chỉ phản ánh sự trưởng thành của Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn mà còn thể hiện quy mô tổ chức, nhiệm vụ mà nó đảm nhận.
Khi ông Hồ Anh Thắng vào chiến tường ngày 2/5/1972 mà gọi Bộ đội Trường Sơn là "Đoàn 559" thì không khác gì bây giờ chúng ta gọi “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam hay Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương” vậy!
Tướng Hồ Anh Thắng lại viết:
“…Dưới tán rừng già bí mật, nhưng có những binh trạm được tổ chức như một doanh trại kết hợp với một bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số”.
Xin khẳng định ngay là để bảo đảm bí mật, các Trạm giao liên bộ của Bộ đội Trường Sơn trên đại ngàn Trường Sơn không có Trạm giao liên nào “được tổ chức như một doanh trại kết hợp với một bản của đồng bào dân tộc thiểu số” như trong bài viết của ông Hồ Anh Thắng cả.
Với cái mạch “tưởng tượng” ấy, Tướng Hồ Anh Thắng viết tiếp:
“…Binh trạm nào ở hai đầu đường hành quân cũng đều có một cổng chào làm bằng tre nứa, cây rừng. Mặt cổng chào đường hành quân vào thì có khẩu hiệu: “Kính chào những người con ưu tú của miền Bắc XHCN vào giải phóng miền Nam”. Mặt cổng chào đi ra thì có khẩu hiệu: “Kính chào những người con ưu tú đã hoàn thành nhiệm vụ trở về”…
Đúng là một sự tưởng tượng kinh hoàng!
Ngày ấy, việc “đi B” là chuyện bí mật, không công khai. Mỹ ngụy cố tìm cho ra bằng chứng về việc “Việt Cộng Bắc Việt” “xâm lược Miền Nam Việt Nam” để tố cáo với quốc tế. Các chiến sĩ của ta trước khi đi B đều được phổ biến: hình ảnh, tài liệu, giấy tờ liên quan đến Miền Bắc đều phải gửi lại ở hậu phương. Vì thế mặc dù trên Trường Sơn “quân đi như trảy hội” nhưng không bao giờ có chuyện viết khẩu hiệu công khai ở các Trạm giao liên như “mô tả” của ông Hồ Anh Thắng.
Tôi đọc đoạn mô tả trên đây của tướng Hồ Anh Thắng cho các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của Hội Tuyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí minh Việt Nam (gọi tắt là Hội Trường Sơn Việt Nam) trong buổi giao ban thường kỳ của Hội. Tất cả đều cười ồ lên. Những người cất tiếng cười ấy là những vị Tướng, những vị Đại tá, Thượng tá từng lăn lộn trên khắp nẻo của Trường Sơn từ những năm 1962, 1963, 1964, 1965… 1970, 1971… Họ cười về sự tưởng tượng ngây thơ, không đúng sự thật của người viết!
Ông Hồ Anh Thắng viết tiếp:
“…Có những chặng đường hành quân, đơn vị đến trạm thì trước đó binh trạm vừa hứng hàng loạt bom B-52, rừng tan nát, trên những cành cây còn vương những mảnh vải quân phục, những búi tóc con gái thanh niên xung phong...
Có những đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn đang hành quân bị B-52 xóa sổ hoàn toàn”.
Xin thưa luôn: Ở các trạm giao liên Trường Sơn không phải là địa bàn hoạt động của Thanh niên xung phong. Vì thế không có chuyện có “trên những cành cây còn vương những mảnh vải quân phục, những búi tóc con gái thanh niên xung phong...”!!!???
Và trong lịch sử 16 năm xây dựng và chiến đấu của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn thì chưa “có những đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn đang hành quân bị B-52 xóa sổ hoàn toàn” như mô tả của ông Hồ Anh Thắng.
Sự tưởng tượng của Tướng Hồ Anh Thắng đã không có giới hạn, khi ông mô tả:
“… Đêm ấy chúng tôi dừng lại ở Binh trạm 35. Có một chuyện tôi không thể nào quên được. Xế chiều, chúng tôi hành quân đến binh trạm thì gặp mấy người lính đi ra. Họ cho biết binh trạm chúng tôi sắp đến chiều hôm qua B-52 địch mới rải bom, một tiểu đoàn bộ đội đang dừng nghỉ hy sinh hết. Nghe tin ấy cả đại đội chúng tôi không ai nói với ai nhưng sự lo lắng lộ rõ trên gương mặt.
Trong hoàng hôn xế chiều, cảnh tan hoang của một khu rừng vừa bị bom B-52 rải xuống thật là bi thảm. Đó đây còn vương vãi tăng võng, quần áo, ba lô… và lẫn cả thịt người chưa thể nào dọn hết”.
Tôi xin khẳng định rằng, thời điểm ông Thắng và đơn vị hành quân vào Binh trạm 35 thì không có bất cứ một trận B-52 nào đánh vào các Trạm giao liên của Binh trạm 35 cả (Binh trạm 35 có các Trạm giao liên bộ: 54, 55, 56, 60 và 61). Và càng không có chuyện “một tiểu đoàn bộ đội đang dừng nghỉ hy sinh hết”. Tôi có thể khẳng định ngay rằng: Đây là chi tiết bịa đặt hoàn toàn.
Tôi vào Trường Sơn và làm lính Binh trạm 35 từ cuối năm 1970. 4 giờ sáng ngày 2/1/1972, B-52 có đánh vào Cơ quan Binh trạm bộ Binh trạm 35, đóng ở thung lũng Phù Trường. Thời điểm ấy, tôi là lính Tuyên huấn, Ban Chính trị Binh trạm 35. Trận bom ấy, ngôi nhà hầm của chúng tôi đã bị một quả bom đào khoét mất một góc. (Ngôi nhà hầm của chúng tôi trước đó đã nhường cho Trung tướng Trần Văn Trà và đoàn tùy tùng của ông ở khi ông ra Bắc công tác và trở lại Miền Nam). Trận B-52 hôm ấy cả Binh trạm bộ hy sinh một đồng chí trợ lý công binh và một vài người bị thương. Bom B-52 trận ấy cũng đã trùm sát vào bãi khách của Trạm giao liên 54. Rất may là Bãi khách của Trạm giao liên 54 đêm ấy không có đoàn hành quân nào trú chân cả. Đây là sự thật. Vì tôi là người trong cuộc.
Có thể kết luận rằng: Sự tưởng tượng về việc B-52 xóa số “các đại đội, tiểu đoàn hành quân” vào chiến trường ở các Trạm giao liên Trường Sơn của tướng Hồ Anh Thắng là bịa đặt. Lịch sử Bộ đội Trường Sơn không hề có chuyện này. Còn một số chi tiết khác trong bài viết cũng không đúng sự thật, nhưng chỉ với vài trích dẫn nêu trên cũng cho thấy Thiếu tướng Hồ Anh Thắng đã viết sai khá nhiều rồi!
Lịch sử Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tuy đã cách xa 43 năm rồi. Nhưng các nhân chứng sống của Trường Sơn thì vẫn còn tới hơn 31 vạn hội viên là những bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn ngày ấy. Không ai trong họ quên những năm tháng đầy gian khổ hy sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào ấy. Xin hãy viết đúng sự thật vốn có của lịch sử. Đừng để người đọc hôm nay, nhất là con cháu chúng ta hiểu sai về lịch sử Trường Sơn.
Điều đáng buồn là một Thiếu tướng như ông Hồ Anh Thắng lại có bài viết với rất nhiều “sự tưởng tượng” một cách sai sự thật như thế!
Những người lính Trường Sơn ở Cơ quan Hội Trường Sơn Việt Nam rất mong nhận được sự hồi đáp của Tướng Hồ Anh Thái về bài viết “Đường Trường Sơn – Ký ức những bàn chân” của ông.