Nhớ mãi những lần được gặp bác Đỗ Mười - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 04:10 06/10/2018 Lượt xem: 2.443
 NHỚ MÃI NHỮNG LẦN ĐƯỢC GẶP BÁC ĐỖ MƯỜI
                                                              Phạm Thành Long
 
     Từ thời chống Mỹ, cứu nước, tôi đã rất ngưỡng mộ bác Đỗ Mười. Ngưỡng mộ bởi theo những đồng chí công tác với bác thì bác Đỗ Mười là một người sắc sảo, nhiệt huyết, thẳng thắn và tận tâm với công việc. Điều khiến tôi khâm phục ở bác là ý thức học tập và thói quen đọc sách. Tìm hiểu thân thế sự nghiệp của bác, ngày ấy tôi đã biết bác là một trong số ít các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã tốt nghiệp lớp đại học kháng chiến do Bác Hồ chỉ thị tổ chức tại chiến khu Việt Bắc. Lớp đại học kháng chiến do những giáo sư kháng chiến ở Việt Bắc như Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Ngụy Như Công Tum… tham gia giảng dạy. Thói quen đọc trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với bác từ thời tuổi trẻ cho tới lúc cuối đời. Một thói quen đẹp không phải ai cũng có.  
       Sau Đại hội VI – Đại hội Đổi mới của Đảng ta tháng 12 năm 1986, bác Đỗ Mười được Đảng phân công là Bí thư Thường trực Trung ương Đảng. Đầu năm 1987, Đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn chúng tôi tổ chức học Nghị quyết Đại hội VI. Bác Đỗ Mười được Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Đảng ủy cơ quan mời tới nói chuyện với Hội nghị. Hôm ấy, tôi vô cùng ấn tượng với cách nói sôi động, nhiệt huyết của bác. Nhiều lần cả hội trường ồ lên thích thú vì cách “giảng” Nghị quyết của bác không giống ai. Bác tạo cho người nghe một cách ấn tượng, dễ hiểu và thật khó quên. Bác phân tích, so sánh cái mới về tư duy đổi mới về kinh tế của Đảng ta. Là người đã từng lăn lộn nhiều năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội thương, rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng…Những thí dụ đưa ra để so sánh của bác vô cùng sinh động và rất thực tế. Tôi nhớ, bác đang say sưa phân tích thì đồng chí Thư ký của bác đi lên, nói nhỏ vào tai bác điều gì đó. Ngay lập tức, bác quay xuống hội trường và nói:
    -Xin lỗi các đồng chí. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mời tôi về gấp để giải quyết công việc quan trọng và khẩn cấp của Trung ương. Vì thế, tôi phải dừng ở đây. Hẹn các đồng chí Đoàn Thanh niên vào dịp khác. Nói rồi bác dơ tay chào mọi người và bước rất nhanh ra khỏi hội trường.
      Thật tiếc, buổi nói chuyện của bác Đỗ Mười về Nghị quyết Đại hội VI đã dừng lại giữa chừng.
     Lần thứ 2, tôi được gặp bác là vào dịp tháng 3 năm 1995. Sáng chủ nhật hôm ấy, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhận lời đến gặp mặt Ban Biên tập báo Tiền phong, Ban Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong và Ban Biên tập báo Nhi đồng tại hội trường tầng 2 Tòa soạn báo, số 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Vì là cuộc gặp thân mật nên Tổng Bí thư rất thoải mái khi nói chuyện với chúng tôi. Tôi ngồi cách Tổng Bí thư chừng gần hai mét nên nhìn cụ rất rõ.
     Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện rất thoải mái và gần gũi. Cụ chỉ đồng chí Lê Đức Thúy, Trợ lý của Tổng Bí thư nói đại ý: - Thời đại bây giờ nếu không học hỏi thì sẽ rất lạc hậu. Đây này, Trợ lý Tổng Bí thư tôi vừa cho đi học Ha – vớt về đấy (đồng chí Lê Đức Thúy sau này là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Học để mà làm việc. Bác Hồ ngày xưa rất chăm lo chuyện học hành của cán bộ. Thời kỳ kháng chiến gian khổ như thế mà ông Cụ vẫn cho mở lớp Đại học kháng chiến. Tôi may mắn được học lớp này. Rồi Tổng Bí thư trao đổi tiếp: “Đảng, Nhà nước ta vừa có quyết định lịch sử là phong tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho các bà mẹ đã có công to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Năm 1994, tôi đã phát hiện ra bài báo của Bác đăng trên báo Nhân dân năm 1951. Ông Cụ đề xuất phải phong danh hiệu Anh hùng cho các Bà Mẹ Việt Nam có công lao với đất nước, hiến dâng những người con ruột thịt của mình cho sự nghiệp kháng chiến của dân tộc… Ngày ấy mà Bác đã nghĩ tới vấn đề này rồi. Tầm nhìn của Ông Cụ luôn vượt trước thời gian… Như các đồng chí đã biết, theo đề nghị của chúng tôi, ngày  29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Pháp lệnh về việc phong tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho các bà mẹ có công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Phải tới tận hôm nay chúng ta mới có điều kiện để làm một việc mà Bác đã đề xuất từ rất sớm… Hóa ra một chủ trương lớn bắt nguồn từ một bài báo của Bác Hồ như thế - Tôi nghĩ.
   …Các nhà báo, nhất là nhà báo của Đoàn Thanh niên, phải chịu khó đọc và học nhé. Không đọc và học sẽ bị lạc hậu đấy. Ngày nào tôi cũng đọc, đọc nhiều lắm. Đọc mới vỡ ra nhiều chuyện… Rồi Tổng Bí thư trao đổi về vai trò và vị trí của Đoàn Thanh niên trong công cuộc đổi mới đất nước là gì? Báo chí của Đoàn làm gì trong sự nghiệp đổi mới này…
    Buổi nói chuyện của Tổng Bí thư hôm ấy thật ấn tượng. Không có khoảng cách giữa người đứng đầu của Đảng với các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan báo chí của Đoàn. Cách nói của bác Đỗ Mười thật cuốn hút và nhiều thông tin. Bác nói một cách sinh động, không có một chút khuôn mẫu nào.
    Lần thứ ba, tôi được gặp bác Đỗ Mười là lúc bác tới dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ Thành phố Hà Nội. Năm ấy bác Đỗ Mười đã nghỉ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trước giờ khai mạc, Ban Tổ chức mời các đồng chí Lãnh đạo vào phòng khách của Cung Thiếu nhi Hà Nội. Bác Đỗ Mười đến sớm. Bác tươi cười bắt tay các đồng chí các mặt tại phòng khách. Sau khi yên vị, bác Đỗ Mười tươi cười hỏi đồng chí Chủ tịch Hội đồng đội Thành phố:
     -Này đồng chí. Hôm nay các đồng chí muốn tôi nói với các cháu chuyện gì đây? Đồng chí Chủ tịch Hội đồng đội Thành phố tỏ ra lúng túng thưa:
     -Dạ bác nói chuyện gì cũng được ạ. Tôi và tất cả mọi người trong phòng cùng cười vang.
    -Thế là đồng chí cho phép tôi nói thoải mái nhé. Nhưng tôi nói chỉ nói mươi mười lăm phút thôi. Nó dài là các cháu thiếu nhi không thích đâu. Rồi bác cười rất thoải mái. Tất cả chúng tôi cùng ồ lên cười trước sự gần gũi, thân mật của bác Đỗ Mười – Người công dân ưu tú số một của Thủ đô.
     Đúng như bác Đỗ Mười “đã hứa”, hôm ấy bác đã “trò chuyện thân” mật với các cháu ngoan Bác Hồ Tiêu biểu của Thủ đô. Nhiều lần các cháu đã vỗ tay ầm ầm vì thích thú trước những câu hỏi và căn dặn chân tình, gần gũi của bác với các cháu…
     Bác Đỗ Mười, trên cương vị là Bí thư Thường trực, bác là người đồng chí “trợ thủ quan trọng” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau Đại hội Đảng lần thứ VI. Rồi từ năm 1988, bác được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Có thể nói, bác Đỗ Mười là người thực hiện xuất sắc, đưa Nghị quyết đổi mới của Đảng ta đi vào cuộc sống bằng các quyết sách cụ thể của Chính phủ. Tại thời điểm này Liên xô và các nước Đông Âu sụp đổ thì trên cương Tổng Bí thư bác đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương vượt qua một cách xuất sắc thời kỳ khủng khoảng niềm tin về chủ nghĩa xã hội, kiên trì đường lối đổi mới, từng bước đổi mới thành công trên nhiều lĩnh vực nhất là đổi mới về kinh tế và giữ vững sự ổn định chính trị. Giai đoạn 1991-1997, trên cương vị là Tổng Bí thư, bác Đỗ Mười đã ghi dấu ấn mở ra thành công rực rỡ về đường lối đối ngoại đa phương hóa: Mỹ xóa bỏ cấm vận với Việt Nam, đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam; nối lại quan hệ ngoại giao toàn diện với Trung Quốc; Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các nước Đông Nam Á…
     Hình ảnh bác Đỗ Mười một nhà lãnh đạo sôi nổi, dân giã, gần gũi, thân thiết, ham làm việc tới cuối cuộc đời. Bác Đỗ Mười luôn bám sát thực tiễn để suy ngẫm, hình thành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chỉ thị Số 30 của Đảng về "Quy chế dân chủ ở cơ sở" ra đời chính là từ những chuyến đi công tác thực tiễn mà Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đề nghị với Bộ Chính trị ban hành một Chỉ thị quan trọng, góp phần đổi mới chỉnh đốn, xây dựng Đảng ta trong thời kỳ đổi mới.
     Hình ảnh bác nói chuyện, bàn tay trái của bác vung lên rất mạnh hoặc vỗ vai người đứng gần nói chuyện với mình một cách thân mật đã trở thành “thương hiệu” rất riêng của bác Đỗ Mười. Điều mà người dân (trong đó có tôi) cảm phục vì bác và bác gái - Bác sĩ Tạ Thị Thanh cùng gia đình của bác không có “tiếng tăm” gì khiến người dân phải ta thán, xì xào. Mọi người khi nhắc đến bác và gia đình đều với sự kính trọng chân thành. Tòa soạn báo Thiếu niên Tiền phong của tôi ở cách ngôi nhà của bác, số 11 phố Phạm Đình Hổ chỉ hơn 100 mét. Vì thế những chuyện đời thường về bác và gia đình chúng tôi không xa lạ gì.
     Đúng như lời ghi vào sổ tang của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “…Đồng chí Đỗ Mười là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại…”. Vâng đúng, bác Đỗ Mười là “người học trò xuất sắc” trên cả phương diện đạo đức, lối sống và tư tưởng của Người.
 
     Hà Nội, Ngày Quốc tang 6/10/2018
 
tin tức liên quan