3 lần đến Trường Sơn - Nguyễn Đăng Toản

Ngày đăng: 09:16 13/10/2018 Lượt xem: 527
BA LẦN ĐẾN VỚI TRƯỜNG SƠN

                     CCB Nguyễn Đăng Toản

Tôi là Nguyễn Đăng Toản – Đại tá, nguyên chủ nhiệm Khoa Xăng dầu – Học viện Hậu cần, nay đã gần 90 tuổi, xin được có vài cảm nghĩ nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn.  
 

 
Lần thứ nhất: Đang công tác ở Trường Sỹ quan Hậu cần, tôi được  điều động về phụ trách quản lý và tham gia giảng dạy lớp Trung cấp Xăng dầu đầu tiên ở Trường Trung cấp Xe xăng. Khi ấy Trường đóng quân ở Xóm Trại xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đang học năm thứ nhất thì cuối tháng 11/1968 nhận được lệnh của Cục Xăng dầu - Tổng cục Hậu cần đưa cả lớp đi thực tế tham gia xây dựng tuyến đường ống nối liền với tuyến đường ống tam giác lửa, Bến Thủy, Linh Cảm - Nam Đàn vào đường vận tải chiến lược Trường Sơn. Một đơn vị với 56 con người, hầu hết là tốt nghiệp THPT đi làm nghĩa vụ quân sự được tuyển chọn, tham gia học lớp này. Họ tuổi đời mới 18-20 chưa có kinh nghiệm gì, nhất là với 8 đồng chí nữ tuổi còn rất trẻ, nhiều bỡ ngỡ, chưa có nghiệp vụ, nhưng thời chiến được lệnh là đi. Sau hai ngày chuẩn bị đơn vị lên đường vượt trên 400 cây số trong thời chiến là khá vất vả, song đã đến địa điểm quy định đúng thời hạn. Đến công trường được nhận nhiệm vụ xây dựng tuyến đường ống Mặt Bích ở công trường X40. Với tuyến ống này thì cả thầy lẫn trò chúng tôi đều chưa hề biết. Vừa làm, vừa học dùng các đêm trăng để tự học với nhau trong lắp ráp, song đã hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy định, đảm bảo được chất lượng, đợt tiếp theo lại có lệnh điều động đi làm đường ống dã chiến ở công trường 18. Đoạn đường này qua nhiều trọng điểm đánh phá ác liệt như:  Khe Tang, Khe Ve, Xóm Trứng, Đường 12, Bãi Dinh, C50, Cổng Trời,… Đơn vị với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đã khắc phục mọi khó khăn vất vả, vượt qua mọi thiếu thốn vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Tuyến đường này là tuyến lắp ráp khó khăn nhất với đơn vị vì phải vượt nhiều núi cao, suối sâu, đặc biệt qua đoạn đường Vua Hàm Nghi thời Cần Vương đi qua. Nơi đây nhiều năm không có bóng chân người. Muỗi, vắt nhiều vô kể. Đơn vị đã tranh thủ mọi thời gian hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lắp ráp, nối tuyến ống dã chiến hướng vào chiến trường. Chúng tôi được cán bộ kỹ thuật của công trường đánh giá cao, được lãnh đạo Chỉ huy Cục biểu dương. Điều vui là chúng tôi đã được công trường đã tặng danh hiệu “Con chim Đại Bàng”. Sau hai tháng hoàn thành tốt nhiệm vụ ở hai công trường, chúng tôi trở về trường tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ học tập, tốt nghiệp 100% đạt yêu cầu, có trên 80% khá giỏi.

Lần thứ hai: Tháng 2/1969, tôi được điều động về Cục Xăng dầu công tác ở Phòng Khí tài và Phòng Xe máy. Trong thời gian này nhiều đợt được đi cùng Thủ trưởng Cục vào tuyến vận tải chiến lược của Bộ Tư lệnh 559. Đặc biệt tháng 5/1970, được đi cùng với đoàn của Chủ nhiệm Tổng cục Đinh Đức Thiện và bí thư Trần Lư. Chúng tôi đi kiểm tra tuyến vận tải chiến lược. Những đợt đi với các Thủ trưởng tôi đã học tập được nhiều tác phong, phương pháp giải quyết công việc kịp thời, được các đơn vị rất hoan nghênh. Đường Trường Sơn lúc này đã có nhiều nét khác, được vươn sâu hơn vào với chiến trường. Những điều thu hoạch được qua những chuyến đi cùng đoàn với các Thủ trưởng sau này tôi đã vận dụng vào giảng dạy công tác bảo đảm ở Khoa Xăng dầu - Học viện Hậu cần đạt kết quả cao. Tháng 10/1970 tôi lại được trên điều động trở lại Trường Sỹ quan Hậu cần. Những kinh nghiệm ở chiến trường đã giúp tôi xây dựng mô hình đường ống với đủ các điều kiện, yếu tố gần sát như tuyến đường để giảng dạy, được lãnh đạo chỉ huy đánh giá tốt.

Lần thứ ba: Quý 4/1974, tôi lại được nằm trong đoàn cán bộ giáo viên của Học viện với đủ các ngành: Xe, Xăng, Vận tải, Hậu cần… đi vào tăng cường cho hậu cần miền Đông Nam Bộ (B2). Theo kế hoạch lúc đầu là hai năm. Lần này nhập tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn tôi thấy đã quá nhiều thay đổi, đường dọc, đường ngang, đường chính, đường phụ, đường suối… nhiều đoạn đường kín có tính bảo đảm bí mật cao. Những con đường nhỏ đã trở thành những con đường lớn để triển khai vận tải cơ giới. Bên cạnh các trục đường còn có những hệ thống tuyến đường ống dẫn dầu từ miền Bắc vào đến gần miền Đông Nam Bộ.  Nhiều trạm giao liên cơ giới mới được xây dựng để đón khách vào chiến trường và về hậu phương thật chu đáo, nghĩa tình. Về trường Hậu cần của B2 đang chuẩn bị triển khai công việc thì tôi nhận được lệnh về ngay Cục Hậu cần Miền để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ kế hoạch 2 năm đã rút xuống 1 năm, rồi 6 tháng. Được chứng kiến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mang tên Hồ Chí Minh, được chứng kiến cảnh các đoàn dân sự với đủ các ngành, các giới, được thấy các binh đoàn cơ động để vào chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi thấy vô cùng tự hào. Dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác, toàn dân đoàn kết một lòng, tất cả cho tiền tuyến, tất cả đánh thắng giặc xâm lược. Ngày 30/4/1975 kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thu về một mối. Tôi lại được trở về Trường và tiếp tục công tác giảng dạy.
Nhớ lại những lần được tiếp xúc với tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn, tôi càng thấy được sự vĩ đại của dân tộc ta, của quân đội ta. Tôi được chứng kiến diễn biến của chiến dịch ở các hướng, càng thấy sức mạnh của quân đội ta, đặc biệt là của Bộ đội Trường Sơn…

Một vài cảm tưởng của tôi để tri ân những đồng đội, những đồng chí đã có mặt trên con đường này, nhiều đồng chí đã hy sinh trên con đường này để đất nước ta có như ngày hôm nay.
 Xin được tóm tắt bằng mấy câu văn vần:

Mở đường đại lộ Trường Sơn
Từ nhỏ đến lớn đường thông tuyệt vời
Con đường chiến lược sáng ngời
Góp phần thắng giặc đẹp tươi nước nhà
Ba mươi năm kháng chiến dân tộc ta
Đoàn kết thống nhất trẻ già có nhau
Nói làm thực sự hàng đầu
Vì dân, vì nước ta đâu quản gì
Theo đường Đảng, Bác dẫn đi
Việt Nam Tổ quốc cực kỳ vinh quang
Đánh đuổi xâm lược bước sang
Dựng xây Tổ quốc đàng hoàng hơn xưa
Dân dàu nước mạnh thi đua
Phát huy truyền thống đẹp mùa lập công.
 
 
 
 
tin tức liên quan