QUÂN TĂNG CƯỜNG HÀ NỘI VÀO TRƯỜNG SƠN
NGUYỄN KIM CHÚC
Năm 1965 Đế quốc Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi “chống Mỹ, cứu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp thanh niên lên đường ra trận. Cũng từ đó mà từ ngày 1 tháng 8 năm 1967, quân và dân thủ đô Hà Nội có thêm một nhiệm vụ là: Ngoài chỉ tiêu tuyển, giao quân cho các đơn vị chủ lực, còn phải trực tiếp tuyển, huấn luyện, tổ chức hành quân vào Nam, giao cho các mặt trận, với đội hình Tiểu đoàn tập trung. Ngày ấy được gọi là quân tăng cường. Tiểu đoàn 24 Thủ đô là một trong những tiểu đoàn quân tăng cường ấy …
Ngày 4 tháng 11 năm 2018, tại nhà văn hóa tổ dân phố 12 thị trấn Đông Anh -Thành phố Hà Nội. Hơn 180 cựu quân tăng cường thuộc Tiểu đoàn 24 họp mặt kỷ niệm tròn 50 năm ngày hành quân vào tuyến lửa chi viện cho tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Năm mươi năm trước những cựu quân nhân tăng cường ngồi đây, phần lớn còn rất trẻ mới rời ghế nhà trường. Cả Tiểu đoàn có 20 đồng chí dưới 17 tuổi. Nhưng cũng có nhiều đồng chí đã trên 30 tuổi, từng là Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch, Trưởng công an xã. Nhận lệnh đi B có hơn 20 đồng chí với nhiều lý do khác nhau được ở lại hậu phương. Nhưng không một ai ở lại. Tất cả hăm hở ra đi với tâm thế của “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của Thủ đô Hà Nội 22 năm về trước.
Trung úy Vũ Tiến Sự thay mặt cho Ban Liên lạc Tiểu đoàn đọc diễn văn kỷ niệm. Dù đã ở tuổi 80 nhưng ông vẫn còn cường tráng, hăm hở như năm nào ra trận. Ông nhấn mạnh:
- Chúng ta vinh dự và tự hào được là cựu quân tăng cường của Thủ đô. Qua 7 năm trực tiếp chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn. Tiểu đoàn 24 quân tăng cường Thủ đô đã thực sự trưởng thành về mọi mặt. Thực hiện đúng lời hứa với nhân dân Thủ đô: “Đã đi là đến, đã đến là quyết chiến, quyết thắng trở về”…
Tiểu đoàn 24 quân tăng cường Thủ đô được thành lập ngày 14/7/1968, tại xã Đa Tốn - huyện Gia Lâm - Thành phố Hà Nội do Thượng úy Nguyễn Văn Đấu làm Tiểu đoàn trưởng. Hơn 800 chiến sỹ ở huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh, huyện Từ Liêm và các khu nội thành được biên chế vào bốn Đại đội với phiên hiệu: C45; C46; C47; C48 và Tiểu đoàn bộ. Cả tiểu đoàn hành quân về xã Phú Mãn - huyện Lương Sơn - Tỉnh Hòa Bình rèn luyện kỹ chiến thuật, tập luyện để đi B. Sau hơn 100 ngày lăn lê bò toài, học đánh công đồn, đánh xe cơ giới, đánh địch trong thành phố … Toàn Tiểu đoàn qua kiểm tra 100% đạt khá và giỏi. Từ những chàng trai sống ở nông thôn, những anh công nhân, trí thức, học sinh sinh viên sau gần 4 tháng rèn luyện với khẩu hiệu: “Thao trường đổ mồ hôi - chiến trường đỡ đổ máu”. Họ đã trở thành những chiến sỹ: “Chân đồng - vai sắt - mặt ngựa - bụng thần tiên”. Trở thành những chiến binh thực thụ sẵn sàng xung trận. Chiều 5/11/1968, cả Tiểu đoàn lặng lẽ hành quân về ga Tía (Thường Tín, Hà Tây). Xa xa những chiếc nón trắng, những chiếc khăn tay của những bà mẹ, người vợ, người em … vẫy gọi tiễn đưa người thân ra trận.
Xuống tàu ở ga Hoàng Mai, cả Tiểu đoàn bắt đầu cuộc hành quân bộ. Đoàn quân đi qua các nẻo đường miền tây của Tổ quốc. Vượt qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Vượt qua đèo cao, sông suối; qua các trọng điểm ác liệt: Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc … qua phà Xuân Sơn, phà Long Đại ác liệt để vào đường 20 Quyết Thắng. Thế rồi trong một ngày mưa tầm tã cả Tiểu đoàn vượt qua trọng điểm Cua chữ A và bắt đầu trở thành những người lính Trường Sơn thực thụ. Các Đại đội 47, 48 bổ xung cho Binh trạm 16, còn Đại đội 45, Đại đội 46 về Binh trạm 9 …
Đại tá Nguyễn Tính - Trưởng ban liên lạc Quân tăng cường Thủ đô bước lên diễn đàn. Vẫn dáng dấp của người lính chiến năm xưa: Bước đi chắc chắn, tự tin, lưng vẫn thẳng, mắt vẫn sáng. Không ai ngờ cụ đang ở tuổi 95. Chẳng sách vở gì, nghĩ gì nói thế. Tiếng cụ sang sảng:
- Thưa các đồng chí! Từ năm 1967 đến năm 1974 Hà Nội đã đưa được 42 Tiểu đoàn quân tăng cường vào bổ xung cho các đơn vị quân giải phóng tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam: Từ Quảng Trị tới miền Tây Nam Bộ và trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Thời kỳ ấy các tỉnh với khẩu hiệu rầm rộ: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Thì Hà Nội của chúng ta ngoài “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đều đặn cứ khoảng 2 tháng lại tổ chức được một Tiểu đoàn với hơn 800 quân. Các tiểu đoàn này được huấn luyện bài bản, được trau dồi kỹ chiến thuật, vào trận là chiến đấu tốt. Đó là một kỳ tích. Tiểu đoàn 24 của chúng ta cuối năm 1968 vào tăng cường cho tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Đó cũng là một kỳ tích. Chúc mừng các đồng chí … Rồi ông nói về chiến công của quân tăng cường Hà Nội trên các chiến trường; về cuộc sống đời thường của các cựu quân tăng cường hiện nay và mong muốn hội của cựu Quân tăng cường Hà Nội có nhiều đóng góp cho việc giữ gìn truyền thống của cựu Quân tăng cường Thủ đô.
Lớp thanh niên Thủ đô ngày ấy mặc áo lính ra đi chống Mỹ cứu nước. Người còn trở về nay đã trở thành những cựu chiến binh lớn tuổi. Đồng chí Nguyễn Văn Trân - Bí thư Thành ủy Hà Nội thời ấy đã khẳng định: “Quân tăng cường Thủ đô (1967 - 1975) là một hiện tượng lịch sử đặc biệt của lực lượng vũ trang Thủ đô và của Đảng bộ, nhân dân Hà Nội”. Ông nêu ý tưởng: “Để cho nhân dân Hà Nội và cả nước, cùng các thế hệ tiếp nối biết, vinh danh và tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ và sự đóng góp của cựu chiến binh Quân tăng cường Thủ đô, tôi thấy cần dành chỗ xây dựng khu tượng đài tưởng niệm cho xứng tầm và nối liền mạch với truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của Thủ đô” 1…
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Đại đội trưởng Đại đội 45 Tiểu đoàn 24 thời ấy chia sẻ: “Tới Quảng Bình Tiểu đoàn giao cho Binh trạm 16 Đại đội 47 và Đại đội 48 để gùi thồ hàng ở làng Ho, Cầu Khỉ. Sau này mới trở thành lính đường ống xăng dầu trong đội hình Trung đoàn 592 Trường Sơn. Hai Đại đội 45 và 46 bổ xung cho Binh trạm 9 cửa khẩu. Thời ấy Mỹ đánh phá rất ác liệt. Bom đạn Mỹ trút xuống cửa khẩu suốt ngày đêm. Đường tắc xe cháy, ta gặp rất nhiều khó khăn. Tiểu đoàn 24 Quân tăng cường Thủ đô được bổ xung vào ngay tọa độ lửa này. Tổn thất đầu tiên của Tiểu đoàn là sự hy sinh của hai tiểu đội trưởng Đỗ Hồng và Trọng Ngô thuộc Đại đội 46 trên trọng điểm Pha Băng Nưa. Cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 24 Quân tăng cường Thủ đô có mặt trên khắp các tuyến đường, trên những trọng điểm ác liệt: Cua chữ A, đèo Phu La Nhích, ngầm Tà Lê, ngầm Tha Mé, ngã ba Lùm Bùm, ngã ba La Hạp … Binh chủng nào của Trường Sơn cũng có lính Tiểu đoàn 24 Quân tăng cường Thủ đô chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần xứng đáng vào chiến thắng vẻ vang của đất nước.
Trung tá Nguyễn Văn Học, Ủy viên Ban liên lạc Tiểu đoàn 24 nói về những tấm gương hy sinh của đồng đội với đầy cảm xúc tiếc thương. Trong cuộc chiến đấu này Tiểu đoàn mất đi 23 người con ưu tú. Đồng chí Ngô C46 lấy vợ được 3 ngày xung phong đi bộ đội đã hy sinh; Đồng chí Trọng C48 có giấy gọi đi học nước ngoài không đi, xung phong đi bộ đội cũng anh dũng hy sinh. Nhiều đồng chí hy sinh trên mâm pháo, trên đường lắp ống xăng dầu … Hơn 40 đồng chí trong Tiểu đoàn là thương binh. Đồng chí Lương Định đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, trở lại giúp bạn vác ống qua vùng có bom từ trường. Bom nổ Lương Định bị thương rất nặng để lại tấm gương sáng chói cho đồng đội noi theo …
Trên hàng ghế đại biểu của lễ kỷ niệm 50 năm ngày lên đường vào Nam chiến đấu của Tiểu đoàn 24 Quân tăng cường Thủ đô còn có Đại tá Mai Trọng Phước, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu; Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu Chủ tịch Hội đường ống xăng dầu Trường Sơn; Thượng tá Phạm Văn Thăng – Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Hà Nội; Nhạc sỹ Trường Sơn Đào Hữu Thi … Tuy đã ở tuổi 95 nhưng Đại tá Mai Trọng Phước vẫn lên bục hát bài hát truyền thống của Bộ đội Xăng dầu. Và tất nhiên nhạc sỹ Đào Hữu Thi lại cùng với mọi người hát vang bài ca do mình sáng tác - Bài hát: “Nỗi nhớ cựu chiến binh”.
Tạm biệt nhau mọi người mang quà kỷ niệm đỏ thắm sách theo với hàng chữ: “D24 - BTL. Thủ đô. Kính tặng” với lòng bùi ngùi lưu luyến. Hẹn nhau 5 năm nữa gặp mặt lúc đó “ai còn, ai mất” đây.
1. Trích trong “Lời giới thiệu” KÝ ỨC CHIẾN TRANH
Tập 4 của đ/c Nguyễn Văn Trân.