-----------------------------------------------------------------------------------------------
MỘT VỊ TƯỚNG SUỐT ĐỜI VÌ NƯỚC, VÌ DÂN
"Văn lo vận nước, văn thành Võ. Võ thấu lòng dân, võ hóa Văn"
"Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó"- Đó là tâm niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng đầu tiên và vị Tổng Tư lệnh duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sinh ra bên dòng sông Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, từ một nhà giáo dạy môn lịch sử, ông đã thể hiện tài năng xuất chúng trong lĩnh vực quân sự và được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng khi mới 37 tuổi. Đại tướng giữ chức Tổng Tư lệnh Quân đội trong 30 năm, chỉ huy quân đội thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ mà dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó.
NHÀ QUÂN SỰ KIỆT XUẤT
Theo Trung tướng Hồng Cư, tài thao lược của Đại tướng thể hiện rõ ràng nhất tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, Trung tướng Hồng Cư là Phó Chính ủy Trung đoàn 36, đại đoàn 308. Ấn tượng sâu sắc của ông về Đại tướng đó là việc Đại tướng đã suy nghĩ 11 đêm liền, đến nỗi trắng cả tóc, để đưa ra được quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời của Đại tướng là chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", một quyết định vô cùng sáng suốt và đúng đắn để làm nên một "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu".
Trung tướng Hồng Cư nhấn mạnh: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy cao nhất, Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người mà hiện nay trong nước và thế giới ngưỡng mộ và yêu mến. Đó là người học trò xuất sắc của Bác Hồ, thực hiện đúng là vì nước vì dân, "dĩ công vi thượng". Bác Hồ có dạy cho các vị tướng 6 chữ là "Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung", thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thực hiện đầy đủ nhất, trọn vẹn 6 chữ ấy và là người thực hiện xuất sắc nhất nhiệm vụ Bác Hồ giao”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tôn vinh là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua. Danh tiếng của ông được bạn bè năm châu bốn biển ngưỡng mộ sâu sắc. Các dân tộc châu Phi và Mỹ La-tinh tin rằng chiến thắng Điện Biên Phủ do ông chỉ huy là khởi nguồn cho nền độc lập hôm nay của họ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đọ sức và đánh thắng 10 đại tướng của Pháp và Mỹ. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông là "Đại tướng 5 sao", William Westmoreland gọi ông là "Tướng huyền thoại". Trong Bách Khoa toàn thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như là một trong những danh nhân quân sự.
Nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Mỹ Lady Borton đã sống, làm việc và gắn bó với Việt Nam hơn 35 năm. Bà là nhà văn Mỹ duy nhất có mặt ở cả hai miền Nam - Bắc thời chiến tranh. Bà đã viết nhiều bút ký về chiến tranh về Việt Nam. Cùng với việc viết cuốn sách Hồ Chí Minh – Một chân dung, bà đã dịch cuốn Hồi ức Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sửcủa Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang tiếng Anh. Điều bà Lady Borton trân trọng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó là mọi suy nghĩ, hành động của họ đều là vì nhân dân.
“Tướng Giáp là học trò của Hồ Chí Minh. Trên khắp thế giới có lẽ chỉ có ở Việt Nam gọi Chủ tịch nước là Bác và gọi Tổng tư lệnh và Anh Cả. Cái đó rất đặc biệt và rất là Việt Nam. Ông Giáp bắt đầu từ nhân dân mà ra, ông ấy suy nghĩ về nhân dân. Ông ấy suy nghĩ về kế hoạch, chiến lược nhưng thực hiện là nhân dân. Ông ấy thường nói không có dân không có gì, có dân thì có tất cả”, bà Lady Borton bày tỏ.
DANH TƯỚNG NHÂN VĂN
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng. Điều chúng ta học tập ở Đại tướng rất nhiều, nhưng trước hết đó là lòng yêu nước và cách mạng triệt để, có phẩm chất bình dị, sống đôn hậu, gần gũi các tầng lớp nhân dân, cần kiệm.
Ông Phạm Thế Duyệt luôn luôn khắc ghi những trăn trở của Đại tướng:"Là lớp đàn anh, cha chú, nhưng đồng chí Võ Nguyên Giáp rất ân tình, có việc gì góp ý được, nhất là thời kỳ tôi làm thường trực Bộ Chính trị và thời kỳ làm mặt trận, có việc gì đồng chí đều có sự góp ý đến nơi đến chốn, những việc đồng chí quan tâm đến sự phát triển xây dựng Đảng, xây dựng phát triển đất nước và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Có việc gì đồng chí đều gửi những lá thư riêng cho tôi hoặc là bảo tôi đến gặp trao đổi và đồng chí dặn dò những điều nên suy nghĩ".
Là người cùng quê Lệ Thủy (Quảng Bình) với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Đỗ Quí Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông học tập được rất nhiều điều từ Đại tướng: "Tôi nhận thấy ở ông là một con người hết sức khiêm nhường nhưng hết sức nghiêm túc. Và tôi cũng thấy ở ông tất cả những đức tính của một con người kiên quyết trong công việc, một vị tướng tài ba nhưng là một con người hết sức nhân ái. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài thao lược và tài cầm quân rất sắc sảo, nhưng cũng là một vị tướng hết sức nhân văn".
Hơn 20 năm chụp ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá-Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng (Báo Quân đội nhân dân) có hàng nghìn tấm ảnh có giá trị về Đại tướng. Điều mà Đại tá- Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng trăn trở nhất là làm thế nào thể hiện được chân thực nhất hình ảnh của Đại tướng trong những phút bình dị nhất. Vì vậy, ông chụp Đại tướng về thăm quê, Đại tướng trồng cây ở Quảng Bình, Đại tướng ăn ngô rang ở nhà, Đại tướng thắp hương lên bàn thờ tiên tổ, Đại tướng say sưa bên cây đàn Piano... Hình ảnh Đại tướng sau 50 năm trở lại thăm hầm chỉ huy ở Điện Biên Phủ, cầm chai Lavie lên uống khiến Đại tá Trần Hồng rất thích thú. Theo Đại tá Trần Hồng, "ở góc độ nào ông cũng thể hiện phẩm chất sáng ngời của một vị Đại tướng gần dân. Về Quảng Bình thi ông là lão nông và ông xuống dòng Kiến Giang quê hương cũng như một ngư dân, lên Điện Biên thì ông như một người dân tộc thực thụ, ông nói và sinh hoạt như đồng bào vậy".
Là một nhà giáo đã nghỉ hưu, ông Lê Hà bày tỏ sự kính phục trước tài năng và nhân cách cao đẹp của Đại tướng. Theo ông Lê Hà, Đại tướng am hiểu rất sâu về lịch sử dân tộc Việt Nam và chính Đại tướng đã góp phần ghi thêm những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Trong quá trình dạy học, ông Lê Hà luôn coi cuộc đời của Đại tướng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Ông mong thế hệ trẻ lấy đó làm kim chỉ nam cho hoạt động tương lai, cho sự nghiệp của mình để đóng góp cho đất nước ngày càng phồn vinh.
Nhắc lại quãng đời binh nghiệp của Đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên kể, dù giao cho anh việc võ, nhưng Bác Hồ vẫn gọi anh là Văn. “Phải chăng, Bác Hồ muốn căn dặn làm việc võ nhưng phải trên nền văn. Đúng như câu đối của một cựu chiến binh phường Thành Công (Hà Nội) khái quát về anh: Văn lo vận nước văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân võ hóa Văn.
Về tấm lòng nhân văn, nhân ái của Đại tướng, Đại tá Trịnh Nguyên Huân, trợ lý của Đại tướng, nhớ lại những kỷ niệm của ông với Đại tướng suốt 35 năm qua. Trong những kỷ niệm ấy có buổi đầu gặp mặt Đại tướng, khi ấy ông Huân mới ở tuổi 33, cấp bậc đại uý, còn Đại tướng đã “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.
“Vậy mà tôi vẫn thấy Đại tướng rất đỗi gần gũi, thân tình. Cảm giác ấy, tình cảm ấy cho đến bây giờ vẫn vậy. Vợ tôi bị huyết áp cao, Đại tướng cho bác sỹ riêng của mình đến khám; con tôi bị ốm phải đi viện, Đại tướng yêu cầu bàn giao công việc cho người khác, bảo tôi về chăm con”, ông Huân kể.
Bạn Quỳnh Chi, Sinh viên Đại học Hà Nội, bày tỏ: “Thế hệ trẻ hôm nay sinh ra trong hòa bình, được biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp phần nhiều qua sách vở và bài học. Qua những bài học, những câu chuyện được nghe, được xem, hình ảnh của ông vô cùng vững chãi trong lòng thế hệ trẻ cũng như trong lòng nhân dân Việt Nam. Hơn thế nữa, bạn bè thế giới cũng rất kính trọng ông vì sự tài ba và những phẩm chất vô cùng quí giá trong nhân cách, sự gần gũi, bình dị của ông. Chính điều này đã khẳng định sức sống trường tồn của Đại tướng trong lòng nhân dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng của Nhân dân, suốt cuộc đời vì nước vì dân, đúng như câu đối của một cựu chiến binh phường Thành Công (Hà Nội) kính dâng lên Đại tướng:
"Văn lo vận nước, văn thành Võ. Võ thấu lòng dân, võ hóa Văn"./.
Phạm Sinh sưu tầm tổng hợp