CHUYỆN NGHĨA TÌNH CỦA TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN
Nguồn:FB nhà báo Dương Đức Quảng (Nguyên Vụ trưởng Vụ báo chí,Văn phòng chính phủ)
Khi còn công tác ở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tôi có ba năm trước khi đi học ở nước ngoài được cử làm Phóng viên đặc biệt, chuyên trách đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn. Thời ấy tin của TTXVN đưa về hoạt động của Tổng Bí thư là tin độc quyền, các báo đều sử dụng như nhau, không có tin riêng của từng báo như bây giờ.
Trong những năm được tháp tùng để đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn tôi được nghe nhiều, biết nhiều chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông và được biết chuyện cư xử thật tình nghĩa của ông đối với ân nhân của mình.
Ông Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7-4-1907 tại Quảng Trị trong một gia đình nông dân. Năm 1920 ông học hết tiểu học rồi học hết năm thứ nhất trung học (đệ thất) thì nghỉ. Năm 1926 ông làm nhân viên Sở hỏa xa, bẻ ghi đường ray xe lửa Đà Nẵng. Năm 1930 ông gia nhập đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1931 là Ủy viên Ban tuyên huấn thuộc Xứ ủy Bắc kỳ. Tháng 4-1931 ông bị Pháp bắt ở Hải Phòng, bị kết án 20 năm tù, bị đầy lên Nhà tù Sơn La, năm 1936 được trả tự do. Năm 1937 ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.
Năm 1939 ông Lê Duẩn được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, năm 1940 bị Pháp bắt lần thứ 2, bị đầy ra Côn đảo với án tù 10 năm. Năm 1945 Cách mạng tháng Tám thành công, ông được đón về đất liền. Năm 1946 ông từ Sài Gòn ra Hà Nội, làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một thời gian. Sau đó, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông trở về Nam Bộ và từ 1946 đến 1954 ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Chính ủy Bộ tư lệnh Nam Bộ. Năm 1951 Đại hội Đảng lần 2 tại chiến khu Việt Bắc, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào Bộ chính trị. Năm 1952 ông Lê Duẩn ra Việt Bắc họp Hội nghị Trung ương Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ lại làm phụ tá tới đầu năm 1954 ông được cử làm quyền Bí thư Trung ương cục miền Nam.
Năm 1954-1957 ông ở lại hoạt động bí mật lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam, tới năm 1957 được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi ra Hà Nội để giữ chức quyền Tổng bí thư Đảng thay thế ông Trường Chinh từ chức sau sai lầm của Cải cách ruộng đất. Tháng 9-1960 tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, ông Lê Duẩn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đến năm 1976 và từ năm 1976 giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến năm 1986. Ông mất ngày 10-7-1986, thọ 79 tuổi.
Ông Lê Duẩn là người giữ chức Tổng bí thư lâu nhất, 25 năm và 303 ngày, của Đảng Cộng sản Việt Nam, người có uy quyền cao nhất trong Đảng. Ông là người thảo ra “Đề cương cách mạng miền Nam”, sau đó được Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Khóa II thông qua. Từ bản Đề cương này, hàng loạt phong trào đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam nổ ra, mở đường cho cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược và Ngụy quyền tay sai ở miền Nam, dẫn đến thắng lợi ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước khi được cử làm Phóng viên Đặc biệt chuyên đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn, tôi được nghe đến tên ông từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Năm 1969, khi Bác Hồ mất, tôi được Bộ Biên tập TTXVN cử vào Vĩnh Linh đưa tin và viết bài về tấm lòng của quân và dân vùng giới tuyến đối với Bác Hồ kính yêu trong những ngày cả nước để tang vĩnh biệt Người. Ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi về Tổng Bí thư Lê Duẩn là ngày 9-9-1969 được cùng với lãnh đạo và cán bộ, đồng bào Đặc khu Vĩnh Linh dự Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch trong một căn hầm nửa nổi nửa chìm ở thị trấn Hồ Xá, cùng hướng về thủ đô Hà Nội nghe Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt quân và dân cả nước đọc Điếu văn vĩnh biệt Hồ Chủ tịch được truyền trực tiếp qua Đài Tiếng nói Việt Nam và nghe đọc 5 Lời thề của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước trước anh linh Người. Cả hội trường nơi địa đầu tuyến lửa miền Bắc ngày ấy nghẹn ngào, nức nở theo từng lời đọc Điếu văn của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Sau này, nhiều lần được xem cuốn phim ghi lại hình ảnh Lễ tang Hồ Chủ tịch tại Quảng trường Ba Đình, nghe lại giọng nói và xem lại hình ảnh của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… trong Lễ tang lòng tôi nghẹn ngào, xúc động.
Năm 1979 Tổng bí thư Lê Duẩn vào thăm tỉnh Phú Khánh. Trong chuyến vào thăm tỉnh Phú Khánh ấy, diến ra cuộc gặp gỡ rất cảm động giữa Tổng Bí thư và một ân nhân của Tổng Bí thư mà rất ít người biết. Trong những ngày ở Nha Trang, Tổng Bí thư Lê Duẩn đề nghị Tỉnh ủy Phú Khánh, mà trực tiếp là ông Nguyễn Xuân Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, giúp ông tìm lại một cơ sở cách mạng ở Nha Trang mà ông nói là một ân nhân lớn, suốt đời ông mang ơn.
Tổng Bí thư Lê Duẩn kể, năm 1946 ông được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử vào Nam bằng đường biển. Vào đến Nha Trang, biển động dữ dội, không thể đi tiếp, để giữ bí mật về chuyến đi, tổ chức bố trí để ông tạm tránh ở bến Chụt. Ông được dẫn về nhà một giao liên mật ở 21 Bến Chợ (cạnh chợ Đầm) Nha Trang. Đó là nhà của bà Nguyễn Thị Hảo, người nữ giao liên mật trong vỏ bọc hợp pháp là người buôn rau lê-ghim (rau sống) từ Đà Lạt cung cấp cho thị trường Nha Trang, có chồng phục vụ ăn uống cho thực dân Pháp. Chồng bà Hảo không hề biết bà là Việt Minh. Trong vai là người em họ của bà Hảo từ miền Trung vào Nha Trang kiếm việc làm, ông Lê Duẩn đã nương nhờ cơ sở này, sống an toàn giữa nanh vuốt kẻ thù. Phẩm chất vô cùng đáng kính của bà Hảo mà ông Lê Duẩn ghi nhớ suốt đời là bà sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cán bộ cách mạng. Khi ông Huỳnh Trúc, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Phú Khánh được ông Nguyễn Xuân Hữu giao nhiệm vụ tìm được địa chỉ nhà bà Hảo, các vị lãnh đạo của tỉnh đề nghị Tổng Bí thư Lê Duẩn là để tỉnh đưa xe đón bà Hảo đến biệt thự Cầu Đá, nơi Tổng Bí thư nghỉ để Tổng Bí thư gặp. Tổng Bí thư Lê Duẩn không đồng ý. Ông nói: “Trong chiến tranh sống chết cận kề, cơ sở sẵn sàng hy sinh để che chở và bảo vệ mình, bây giờ hòa bình rồi sao không đến tận nhà để thăm và cảm ơn họ mà lại làm thế?". Cuộc gặp diễn ra sau đó tại nhà bà Hảo rất cảm động. Khi đó gia đình bà Hảo còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Bà có con trai đi lính ngụy còn đang phải tập trung cải tạo, chồng lại nấu ăn cho quân Pháp, nên không thuộc diện được cấp tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm hàng tháng như nhiều gia đình khác. Trong tâm trạng lo lắng, buồn bã như thế, Bà Hảo không bao giờ nghĩ lại có chuyện một cán bộ Việt Minh chỉ ghé qua nhà bà ít bữa từ hơn ba chục năm trước nay làm to như vậy mà vẫn còn nhớ đến bà, tìm đến thăm. Cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư Lê Duẩn tại căn nhà của bà Nguyễn Thị Hảo ở 21 Bến Chợ thành phố Nha Trang diễn ra thật cảm động. Tổng Bí thư Lê Duẩn rất vui khi gặp lại ân nhân cũ, tặng bà một chút quà, chỉ là chút sâm, chút đường sữa nhưng nặng nghĩa tình của Tổng Bí thư đối với bà Nguyễn Thị Hảo. Căn nhà của bà Hảo bây giờ đã trở thành một di tích cách mạng rất có ý nghĩa của thành phố Nha Trang.
Sau này tôi còn được nghe một câu chuyện "đối nhân xử thế" khác của ông Lê Duẩn cũng rất thú vị. Ông Đậu Ngọc Xuân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác và Đầu tư với nước ngoài, có một thời gian làm Thư ký rồi Trợ lý của Tổng Bí thư Lê Duẩn kể lại thái độ của Tổng Bí thư với ông Việt Phương và tập thơ Cửa mở gây xôn xao dư luận một thời. Năm 1970, nhà thơ Việt Phương, Thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ thời kỳ chống Pháp xuất bản tập thơ Cửa mở, trong đó có những bài thơ, câu thơ gây "sốc" cho nhiều người. Có nhiều người thích thơ của ông nhưng cũng có không ít người, trong đó có cả cán bộ cấp cao và một số vị lãnh đạo văn hóa, văn nghệ khi đó cho rằng Cửa mở "có vấn đề".. Đã có cả một cuộc họp do một vị lãnh đạo cấp cao chủ trì kéo dài mấy tiếng đồng hồ để mổ xẻ, lên án tập thơ và đòi kỷ luật nhà thơ Việt Phương. Trước đó, khi sang thăm Liên Xô, Tổng Bí thư Lê Duẩn được con gái là lưu học sinh ở bên đó đưa cho bố đọc tập thơ Cửa mở của ông Việt Phương. Vì thế khi biết có cuộc họp để phê phán tập thơ này và đòi kỷ luật ông Việt Phương, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã bất ngờ đến dự, điều không hề xảy ra trước đó. Tổng Bí thư nói tập thơ Cửa mở không có vấn đề gì phải bàn và "nếu các anh thấy anh Việt Phương có vấn đề, thì đưa anh Việt Phương sang giúp tôi, không làm Thư ký cho anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) nữa!". Và thế là cuộc họp phê phán tập thơ Cửa mở và đòi kỷ luật nhà thơ Việt Phương đã không thành!
Đó chỉ là những chuyện rất nhỏ về Tổng Bí thư Lê Duẩn mà tôi được biết trong thời gian làm Phóng viên Đặc biệt, chuyên trách đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư mà đến Tết này, qua mấy chục năm rồi tôi vẫn không quên.
D.Đ.Q
Chú thích ảnh: Tổng Bí thư Lê Duẩn (thứ 2, phải sang) đang xem các sản phẩm từ dâu tằm trong chuyến thăm huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam năm 1983 (Nhà báo Dương Đức Quảng ngoài cùng, trái)