20 tháng tái ngũ trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 - Phạm Thành Long
20 THÁNG TÁI NGŨ TRONG CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI 17-2-1979
Phạm Thành Long
Đúng 40 năm trước, giờ tôi vẫn nhớ như in không khí của Tòa soạn báo Thiếu Niên Tiền Phong khi những ngày diễn ra cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ngày 17/2/1979.
Ngày ấy, Tòa soạn báo của tôi ở 15 Hồ Xuân Hương, từ khi rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội - cùng toà nhà với báo Tiền Phong.
Không khí Tòa soạn khi ấy căng như dây đàn. Tổng Biên tập Lê Trân sau khi dự cuộc họp khẩn cấp do Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn – Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo triệu tập nghe phổ biến tình hình và sự chỉ đạo của cấp trên trước cuộc chiến tranh xâm lược bất ngờ của Trung Quốc. Sau đó, Ban Biên tập, Chi ủy, BCH Công đoàn và BCH chi đoàn (tôi là Ủy viên BCH Công đoàn và Bí thư Chi đoàn) để họp bàn kế hoạch đối phó với cuộc chiến tranh bất ngờ này. Bất luận tình hình diễn biến như thế nào thì việc xuất bản tờ báo cho các em vẫn phải được duy trì. Đó là tư tưởng chỉ đạo và thống nhất cao của Lãnh đạo cơ quan. Sau đó Tòa soạn bàn phương án sơ tán Tòa soạn về một địa điểm phù hợp nếu cuộc chiến tranh diễn biến xấu hơn. Trong chiến tranh chống Mỹ (ăn 1967 và 1972), Báo TNTP đã 2 lần sơn tán về xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Tây. Nhưng với cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc lần này thì Tam Hiệp xem ra không còn phù hợp để sơ tán trong cuộc chiến tranh này… Rồi, lãnh đạo “bộ tứ” còn bàn chuyện phân công các tốp phóng viên đi Lạng Sơn, Quảng Binh, Cao Bằng để phán ánh cuộc chiến đấu chống lại giặc Tàu của quân và dân ta. Lãnh đạo cơ quan cũng chỉ đạo cán bộ, phóng viên tích cực chuẩn bị cho gia đình chủ động đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo này của giặc Tàu.
Tôi mới từ Cục Sản xuất Vật liệu, Tổng cục Xây dựng Kinh tế, Bộ Quốc phòng chuyển ngành về Tòa soạn ngày 30/4/1977. Là “lính mới”, nhưng tôi cũng đã có nhiều chuyến công tác khá ấn tượng. Tôi nhớ nhất là từ ngày 25 đến 31/12/1978, tôi tham gia đoàn công tác lên Cao Bằng và Lạng Sơn. Ngày ấy, tôi đã được chứng kiến không khí chuẩn bị đối phó căng thẳng với Trung Quốc của cán bộ, chiến sĩ, các thầy cô giáo, các em học sinh cùng ông bà bố mẹ tại các địa phương biên giới. Chúng tôi đã cùng thầy và trò trường cấp II Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng lên thăm cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Sóc Giang, xã Trường Hà. Nơi đây cách hang Pắc Pó chỉ gần 2 km. Tôi đã chụp khá nhiều ảnh cán bộ, chiến sĩ của đồn với các em học sinh địa phương. Những anh lính biên phòng đẹp trai, hiền lành và còn rất trẻ. Phần lớn chỉ mười tám đôi mươi. Các anh từ quê hương Quan họ Hà Bắc lên đây. Họ đều vừa tốt nghiệp lớp 10. Đồn Biên phòng Sóc Giang, Trường Hà Nằm trên một điểm cao. Từ đây phóng tầm mắt ra có thể nhìn bao quát được toàn bộ thị trấn, khu vực cửa khẩu và phía bên kia biên giới. Đồn phó còn dẫn tôi lên tận một điểm chốt biên giới của đồn sát với đường biên. Anh chỉ cho tôi xem hệ thống bố trí hàng rào và mìn phòng thủ chạy dọc theo sát đường biên… Tôi đã kịp ghi chép và chụp nhiều hình ảnh đẹp với nhiều cách nhìn khác nhau tại đồn biên phòng này… Số báo TNTP đầu tháng 1 năm 1979 đã kịp có bài viết và hình ảnh của chuyến đi đầy ý nghĩa này.
Lúc này, tôi không dám nghĩ về thầy và trò trường cấp II xã Trường Hà và cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Sóc Giang, Trường Hà trong cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc. Chắc chắn Trường Hà, Hà Quảng sẽ là một điểm xâm lược tàn bạo của Trung Quốc. Vì, tại đây tỉnh lộ 203 nối thông với Trung Quốc. Sau này, tôi mới biết tỉnh lộ 203 xã Trường Hà là nơi bộ binh, xe tăng của giặc Tàu tấn công ồ ạt sang Trường Hà để vào sâu nội địa của ta. Và một điều chúng ta không thể tưởng tượng được là bọn xâm lược Trung Quốc đã dùng bộc phá để phá sập hang Pắc Pó tại xã Trường Hà… Sau này, năm 1984, tôi có dịp quay trở lại Trường Hà, lên thăm đồn biên phòng Sóc Giang. Nhiều đồng chí trong những bức ảnh tôi chụp cuối tháng 12/1978 đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu chống lại giặc Tàu, tháng 2/1979...
7 giờ 15 phút sáng 10/3/1979, tôi có mặt tại Tòa soạn. Tổng Biên tập Lê Trân gọi tôi vào phòng làm việc của ông. Ông bắt tay tôi, rồi chậm dãi hỏi thăm:
-Cô Điệp thế nào, vẫn đi làm đấy chứ?
-Vâng ạ.
-Gia đình Thành Long có khó khăn gì không? Ông hỏi tiếp.
-Dạ vẫn bình thường ạ.
-Thế bây giờ Thành Long phải đi xa thì có khó khăn gì không? Ông hỏi tiếp. Tôi thấy hơi lạ về thái độ hôm nay của Tổng Biên tập.
-Dạ không có vấn đề gì đâu anh. Mặc dù cháu Diệp Anh của em chưa được 2 tuổi… Nhưng sao anh lại hỏi thế ạ? Tôi hỏi lại.
-Thành Long bình tĩnh nhé. Thành Long có Quyết định Tổng động viên của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội Trần Vỹ đấy.
Lúc này tôi hơi bất ngờ nhưng khá bình tĩnh. Ở chiến trường, tôi từng đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm nên không đến nỗi bị động trước các tình huống bất ngờ.
-Theo Ban Tổ chức Trung ương Đoàn phổ biến khi đưa Quyết định Tổng động viên của Thành Long cho tôi đã thông báo: Các sĩ quan dưới 30 tuổi của Hà Nội đều được gọi Tổng động viên trong đợt này. Thành Long nằm trong số ấy. Tổng Biên tập nói rồi ông đưa cho tôi tờ Quyết định.
Tôi đọc kỹ dòng chữ cuối cùng ghi trong tờ Quyết định: “17 giờ ngày 10/3/1979 đồng chí phải có mặt tại Trường Quân chính Quân khu Thủ đô đóng tại xã Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội để nhận nhiệm vụ”.
Sau khi cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ít ngày thì Quân khu Thủ đô được thành lập. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế, Bộ Quốc phòng vừa được điều ra làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã được Bộ Chính trị triệu hồi về giữ chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Thế là tôi lại là sĩ quan dưới sự chỉ huy của Tướng Đồng Sĩ Nguyên rồi…
Tôi chỉ còn đúng 10 tiếng đồng hồ để từ biệt cơ quan và gia đình lên đường tái ngũ. Tôi xin phép Tổng Biên tập gọi từ chiếc điện thoại trong phòng của ông cho vợ tôi. Khi tôi thông báo nhanh việc tôi có Quyết định tái ngũ từ lệnh Tổng động viên, vợ tôi không tin, tưởng tôi nói đùa. “Em xin phép cơ quan về đi. Anh phải về nhà chuẩn bị tư trang đây”. Tôi nói. Đến lúc này vợ tôi mới tin là sự thật…
Tôi nhanh chóng rời cơ quan về nhà chuẩn bị.
Trước khi tôi ra về, Tổng Biên tập Lê Trân nắm tay tôi dặn:
-Thành Long chuẩn bị khẩn trương rồi có mặt ở cơ quan lúc 14 giờ nhé. Tòa soạn chuẩn bị gặp mặt tiễn Thành Long tái ngũ đấy.
Tôi vâng dạ rồi nhanh chóng phi xe máy về nhà. Hàng ngày tôi đi làm bằng xe đạp. Nhà tôi ở 107C phố Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội, cách Tòa soạn chỉ hơn 2 km nên cũng tiện. Không hiểu sao hôm nay tôi lại đi làm bằng xe máy – chiếc Honda C50. Tôi nhanh chóng phi xe về nhà.
Vợ tôi từ cơ quan ở dưới Giáp Bát giờ này cũng đã về nhà. Cháu Diệp Anh được vợ tôi đón từ nhà trẻ Việt Triều về nhà để tiễn bố…Tôi biết Hồng Điệp khá lo lắng trước việc tôi đột ngột tái ngũ nhưng vẫn bình tĩnh chuẩn bị cho tôi một số tư trang cần thiết… Ngày ấy gia đình tôi ở Xuân Mai chưa có điện thoại nên tôi không làm cách nào để báo tin cho bố mẹ tôi về việc tôi được lệnh nhập ngũ. Tôi bảo với vợ tôi:
-Thôi em ạ. Mình sẽ báo tin sau với bố mẹ thôi. Vợ tôi gật đầu đồng tình:
-Tháng 12/1978, chú Phạm Việt Tiến (từ Đài Truyền hình Việt Nam) nhập ngũ. Bây giờ đến lượt anh tái ngũ. Em sợ bố mẹ sẽ sốc.
-Anh không sợ bố mẹ bị sốc đâu. Vì ngày trước, anh Thuấn (anh trai tôi) lên đường vào Nam chiến đấu thì tháng sau, tôi cũng nối bước vào chiến trường. Trong hơn một tháng, bố mẹ tôi nhận liền 2 tin anh em tôi vào Nam chiến đấu. Hai cụ vẫn đứng vững. Nhất là cha tôi, một người lính chống Pháp, nên cụ khá bình tĩnh trước hai sự kiện này…
Khi tạm biệt để tôi lên cơ quan tập trung, vợ tôi lúc này mới dơm dớm nước mắt. Tôi biết em đã phải dồn nén thế nào trước sự kiện bất ngờ này của tôi…
Đúng 14 giờ, cả Tòa soạn đã gặp mặt để tổ chức một cuộc liên hoan nhẹ tiễn tôi lên đường.
Tổng Biên tập Lê Trân đã nói những lời chân thành có cánh khi nhận xét về tôi trong quãng thời gian gần 2 năm làm phóng viên của báo… Rồi ông thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao tặng tôi Huy chương Vì Thế hệ trẻ cao quý của Đoàn. Theo tiêu chuẩn lúc bấy giờ, cán bộ Đoàn phải có thời gian công tác Đoàn 12 năm liền. Nhưng vì tôi là cán bộ Đoàn từ cuối năm 1966 nên dù công tác ở cơ quan Trung ương Đoàn mới tròn 23 tháng nhưng tôi đã được đặc cách trao tặng Huy chương cao quý này. Rồi ông trao Giấy chuyển lương cho tôi. Lúc này, tôi đang hưởng lương phóng viên bậc 4: 86 đồng (hơn lương trung úy quân đội đúng 1 đồng)…
16 giờ, chiếc xe com măng ca “đít tròn” đưa tôi lên Bắc Hồng tập trung. Hai tháng trước, chiếc xe con này của Tòa soạn cũng đã đưa chúng tôi lên Cao Bằng và Lạng Sơn công tác. Ngôi trên xe, tôi nhớ đến câu chuyện các anh chị ở Tòa soạn kể về nguồn gốc của chiếc xe con này. Chiếc xe Gatz 69 này là chiếc xe mà Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Đỗ Mười từng sử dụng trong nhiều năm. Khi cụ Mười nhận xe Volga thì cụ chuyển chiếc xe này cho báo TNTP sử dụng. Phó Tổng Biên tập – Bí thư chi bộ Quản Tập và Trưởng phòng Hành chính – Trị sự Hoàng Me thay mặt Tòa soạn đi cùng tôi lên tập trung và bàn giao cho đơn vị.
Đúng 17 giờ, chúng tôi có mặt tại trường Quân chính Quân khu Thủ đô…
Tôi đã tập huấn lớp cán bộ phân đội tại Trường Quân chính Quân khu đúng 3 tháng. Tôi đã có 3/3 môn đạt điểm mười trong kỳ thi tốt nghiệp (Chính trị - Hậu cần và Chiến thuật). Ngày 31/5/1979, tôi cầm Quyết định về làm Trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn 321 Quân khu Thủ đô. Lúc này Sư đoàn đang đóng quân ở xã Đường Lâm, Sơn Tây…
Chiến sự ở biên giới lúc này đã bớt căng thẳng. Từ Sư đoàn 321, tháng 8 năm 1980, tôi được Quân khu điều về tăng cường làm Trợ lý Tuyên huấn Ban Chỉ huy Quân sự Quận Đống Đa, Hà Nội. Đến ngày 12/11/1980, tôi lại được cầm quyết định chuyển ngành lần thứ 2 trở lại báo TNTP công tác…
Thế là chặng đường 8 năm 10 tháng trong quân ngũ của tôi đã khép lại. 20 tháng tái ngũ trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn đẹp. Tôi đã xác định đúng đắn trách nhiệm của mình khi trở lại quân đội. Tôi đã học tập nghiêm túc. Tốt nghiệp lớp tập huấn với thành tích xuất sắc nhất lớp tập huấn của 2 đại đội sĩ quan tái ngũ của Quân khu Thủ đô lúc bấy giờ. Kết thúc lớp tập huấn, tôi đã được nhà trường tặng Giấy khen. Khi về nhận nhiệm vụ tại Ban Tuyên huấn sư đoàn 321 – đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện quân dự bị động viên của Quân khu, tôi đã có bài thơ “Tự hào Sư đoàn Phù Đổng” – Tên của Sư đoàn 321, và vở kịch ngắn “Tình huống bất ngờ” tôi viết mang đi Hội diễn Quân khu Thủ đô năm 1980 đã đoạt 2 giải A. Bài thơ “Tự hào Sư đoàn Phù Đổng” được Quân khu chọn mang đi dự Hội diễn Toàn quân năm 1980 đã đoạt giải A về tiết mục ngâm thơ… Và sẵn có “máu nghề nghiệp”, trong 20 tháng tái ngũ ấy tôi đã có gần 30 bài báo và truyện có chất lượng đăng trên báo Chiến sĩ Thủ đô…
Khi cầm quyết định chuyển ngành lần thứ nhất, tháng 4/1977, tôi không bao giờ nghĩ mình có cơ hội khoác áo lính lần thứ hai. Nhưng cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc của Trung Quốc đã buộc những người lính từng trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ như tôi lại phải khoác áo lính lên đường bảo vệ Tổ quốc.
20 tháng tái ngũ ấy đã để lại trong tôi những ngày tháng thật khó quên.
Hà Nội, ngày 19/2/2019