Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong ký ức gia đình

Ngày đăng: 09:16 09/04/2019 Lượt xem: 574


       Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong ký ức gia đình


                                                   Nguồn:Báo Điện tử VnExpress

Người con thứ tư của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hi sinh ở biên giới phía Bắc đầu năm 1979, khi đang làm đại đội trưởng pháo binh.


Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng gắn bó với tuyến đường Trường Sơn vừa qua đời. Nhớ về cha mình, ông Nguyễn Sỹ Hưng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty hàng không Việt Nam kể, trong cuộc đời binh nghiệp, tướng Nguyên sớm giữ những trọng trách quan trọng trong quân đội, nhưng ông không bao giờ ưu tiên việc dễ dãi cho con cháu, ngược lại luôn khích lệ người thân xung phong làm việc có ích cho đất nước.

Trong số những người con của tướng Đồng Sỹ Nguyên thì con thứ tư Nguyễn Tiến Quân từ nhỏ đã có chí hướng theo con đường binh nghiệp. Khi có giấy báo thi đại học, Quân giấu gia đình để thi tuyển vào quân đội. Lúc này ông Nguyên ở chiến trường không hay biết gì cả. Về sau ông mới biết nhưng không trách con. Ông căn dặn con, vào quân đội phải xác định trước sẽ gặp khó khăn, gian khổ và có thể hi sinh. Khi con nhập ngũ, ông xuống tận đơn vị nhờ rèn luyện con nghiêm khắc.

Người con thứ tư của ông Nguyên đã kịp tham dự chiến dịch Hồ Chí Minh trong đội hình quân đoàn I tiến về Sài Gòn tháng 4/1975.

Cuối năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc ngày càng căng thẳng, người con Nguyễn Tiến Quân của ông xin quay về đơn vị chiến đấu. Khi đó, tướng Đồng Sỹ Nguyên là Tư lệnh kiêm chính uỷ Quân khu Thủ đô. Ông không ngăn cản con mà chỉ nói: "Mọi việc do con quyết định".

Con ông đóng quân cách biên giới 10 km. Tết năm đó, ông mang theo mấy bao thuốc lá và ít bánh mỳ đến thăm, nói con mang chia cho anh em trong đơn vị. "Với cương vị của ba tôi lúc đó, nếu ông nói một câu thì sẽ giúp con được chuyển về đơn vị khác ở hậu phương an toàn hơn. Nhưng ba tôi không làm vậy, vì với ông, nếu tổ chức đã phân công thì phải thực hiện nhiệm vụ", ông Hưng kể.

Đó cũng là lần cuối ông Nguyên được gặp con. Hơn mười ngày sau, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra và đại đội trưởng pháo binh Nguyễn Tiến Quân đã anh dũng hy sinh.

Tướng Đồng Sỹ Nguyên nhận tin dữ khi đang chủ trì cuộc họp quan trọng ở Bộ Xây dựng, nén nỗi đau, ông tiếp tục điều hành cuộc họp. Sau đó, ông về động viên vợ và gia đình. Khi Trung Quốc rút quân, ông phóng xe ngay lên biên giới để tìm thi thể con.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng con cháu trong gia đình. Ảnh: Gia đình cung cấp. 

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và các con cháu. Ảnh: Gia đình cung cấp. 

Trong ký ức của ông Hưng, phần lớn cuộc đời tướng Nguyên dành cho các chiến dịch, nhưng ông luôn dành tình cảm và quan tâm đến gia đình từ những việc nhỏ nhất.

Cưới nhau từ năm 1947, hơn mười năm sau, ông Nguyên và vợ đã có sáu người con. Biết mình thường xuyên ở chiến trường, vợ một mình tần tảo nuôi con vất vả, ông rất thương vợ và chưa một lần đánh hay mắng con. Vị tướng oai phong ở chiến trường khi về nhà luôn tìm cách làm gương cho các con, con cháu soi vào.

Ông lặng lẽ quan sát để biết tỉ mỉ những điểm mạnh, điểm yếu của con, từ đó tìm cách khích lệ và khắc phục. Biết con trai lớn thích chơi bóng đá nên khi về phép, ông đến câu lạc bộ Thể Công xin một quả bóng cũ về cho con. "Đó là sự khuyến khích rất lớn để tôi nuôi dưỡng niềm say mê thể thao", ông Nguyễn Sỹ Hưng nhớ lại.

"Trong lòng chúng tôi, ba tôi là người vĩ đại. Ông không chỉ đóng góp lớn cho đất nước mà còn chăm chút từng vấn đề nhỏ trong gia đình. Chúng tôi đi đến đâu cũng bắt gặp những tình cảm nồng hậu của người dân dành cho ba", ông Hưng nói.Dù đam mê bóng đá, được câu lạc bộ Thể Công ngỏ ý tuyển dụng làm cầu thủ, nhưng vì đất nước còn chiến tranh, ông Hưng quyết định gác lại đam mê để đi bộ đội. Nhận được cuộc gọi của con, ông Nguyên đồng ý và khuyên con rằng: "Ba biết con là người ham học, nhưng bây giờ đất nước có chiến tranh, là thanh niên phải lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, sau này hết chiến tranh con có thể về học tiếp". Nhờ lời động viên của bố mà ông Hưng quyết tâm nhập ngũ, trở thành chiến sĩ phi công.

Người cháu nội Nguyễn Sỹ Thành lại rất nhớ những lần cả nhà đi du lịch, đến đâu thấy rừng là ông Đồng Sỹ Nguyên lại mắc "bệnh nghề nghiệp". Ông kêu cả nhà dừng xe, xuống tận nơi quan sát, hỏi han xem những cánh rừng ở đó được trồng thế nào, bảo vệ ra sao. Mỗi lần đi qua đoạn đường hư hỏng, ông cũng dừng lại hỏi mọi người xem vì sao lại như vậy.

"Khi tôi đi về muộn, ông không trách mắng nhưng vẫn thắp điện trong phòng để đợi tôi về mới ngủ. Thấy vậy, lần sau tôi ý thức phải chủ động về sớm. Đó là cách ông dạy chúng tôi", anh Thành nhớ lại.

Một lần, anh Thành dẫn cô nhà báo người Anh đến hỏi chuyện ông về tuyến đường Trường Sơn để làm tư liệu. Nữ nhà báo rất ngạc nhiên vì trí nhớ phi thường của ông, sau bao nhiêu năm ông vẫn nhớ tỉ mỉ từng viên đá, hòn sỏi, cành cây ở các cung đường, cột mốc.

"Đầu tháng 3/2019, dù sức khoẻ ông đã yếu, nhưng khi nghe tôi kể chuyện về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức ở Hà Nội, ông vui lắm", anh Thành nhớ lại.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam vẫn ấn tượng với những đóng góp của tướng Đồng Sỹ Nguyên trong việc xây dựng cầu Chương Dương ở Hà Nội. Ông Long kể, trước thập niên 1980, Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Vì vậy, phương tiện đi lại rất khó khăn. Ở bên này, hằng ngày, xe cộ nối đuôi nhau xếp hàng đến quốc lộ 5, bên kia cầu kéo dài tận Phan Đình Phùng.

Khi làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Đồng Sỹ Nguyên đề xuất làm cầu Chương Dương. Đây là cây cầu đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng trên tinh thần "tự lực cánh sinh".

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Gia đình cung cấp. 

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Gia đình cung cấp. 

Mùa xuân năm 1983, khi người dân thủ đô đang vui Tết Nguyên đán thì những công nhân bắt đầu đóng cọc xuống lòng sông chuẩn bị xây cầu. Lúc đầu, Bộ Giao thông Vận tải dự định sẽ xây dựng cầu treo. Tuy nhiên, khi đã đóng cọc chuẩn bị xây dựng thì các chuyên gia góp ý làm cầu treo không đảm bảo kỹ thuật. Lúc này tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đưa ra quyết định táo bạo, đó là thay đổi phương án thiết kế từ cầu treo thành cầu cứng.

Ông tận dụng lại những thanh sắt còn thừa từ việc xây dựng cầu Thăng Long và các dầm cầu đường sắt để dựng nhịp cầu Chương Dương. Nhờ sự đốc thúc của ông mà cầu Chương Dương đã hoàn thành vượt tiến độ, khánh thành vào giữa năm 1985, trở thành cây cầu quan trọng nối hai bờ sông Hồng của thủ đô.

Trong quá trình xây cầu Chương Dương, ông Đồng Sỹ Nguyên còn cho làm đường dẫn lên cầu (đường Nguyễn Văn Cừ) to đẹp, nối thẳng ra đầu quốc lộ 5. Ông cũng là người quyết định làm quốc lộ 5 với bốn làn xe như hiện nay. Tuyến đường Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Sở đến Hà Đông do ông Nguyên quyết định mở rộng đến bây giờ vẫn cơ bản được giữ nguyên.

Năm 1996, dù đã 73 tuổi, nhưng tướng Nguyên vẫn hăng hái đảm nhận vai trò là đặc phái viên của Chính phủ trong việc xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ông là người chỉ đạo trực tiếp và linh hồn của tuyến đường này. 



Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên qua đời hồi 11h42 ngày 4/4 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi. Lễ tang ông được tổ chức theo nghi thức cấp Nhà nước.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh năm 1923 tại Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông tham gia cách mạng từ năm 1938 và một năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông là phái viên Bộ Tổng tư lệnh, tham gia nhiều chiến dịch. Giai đoạn 1954 - 1955 ông phụ trách công tác trao trả tù binh chiến tranh. Sau đó, ông giữ nhiều chức vụ như: Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần; tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (1967-1975); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Năm 1974, ông được phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Giai đoạn 1982 - 1991, ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Uỷ viên trung ương Đảng khoá IV; uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị khoá V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; đại biểu Quốc hội khoá I, VI, VII, VIII.


tin tức liên quan