Trường Sơn - Ký ức huyền thoại và khát vọng tương lai , hồi ức của Nghiêm Viết Báo, Chủ tịch Hội Trường Sơn thị trấn Xuân An, Hà Tĩnh

Ngày đăng: 03:24 07/05/2019 Lượt xem: 1.071
TRƯỜNG SƠN - KÝ ỨC HUYỀN THOẠI VÀ KHÁT VỌNG TƯƠNG LAI

                                                 Nghiêm Viết Báo

(Chủ tịch Hội Trường Sơn Thị trấn Xuân An, UV Ban Chấp hành Hội Trường Sơn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh)

      Trong không khí cả nước long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh,  trong niềm bùi ngùi xúc động tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí Nguyễn Hữu Vũ (tức Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - Tư lệnh lâu năm nhất của Đoàn 559) và các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc độc lập, chúng ta thêm một lần nữa có thể khẳng định rằng: mở đường Trường Sơn là một quyết định đúng đắn, một sáng tạo độc đáo về chiến lược, chiến thuật quân sự của Đảng ta. Tuyến đường Trường Sơn được khởi nguồn từ nỗi nhớ, từ trái tim khắc khoải hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt của Bác Hồ kính yêu. Đường Trường Sơn còn là biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế cao cả Việt -Lào-Campuchia. Đường Trường Sơn đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

1. Trường Sơn - các chặng đường lịch sử

      Từ khát khao cháy bỏng với miền Nam, Bác Hồ đã khởi xướng ý tưởng và chủ trì họp Ban Chấp hành Trung ương mở rộng, quyết định thành lập Đoàn công tác Quân sự đặc biệt (ngày 05/5/1959), lấy tiên hiệu là Đoàn 559, biên chế thành Tiểu đoàn 301 (ký hiệu D301) là đơn vị giao liên đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn chúng ta. Người chỉ huy đầu tiên của Đoàn là đồng chí Võ Bẩm.Địa điểm xuất phát đầu tiên của Đoàn là khe Hó (thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đến điểm cuối là Pa-lin (kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5). Như vậy, điểm khe Hó là cột mốc đầu tiên của cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

      Đoàn 559 đã nhiều lần đổi tên cho phù hợp với tình hình chiến trường. Tháng 4 -1965, đoàn 559 được nâng cấp thành Bộ Tư lệnh 559 (Từ 3-4-1965, trong các văn bản không gọi là Đoàn 559. Lúc này, đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm Tư lệnh. Đến 01-1-1967, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên làm Tư lệnh (cho đến 3-1976). Ngày 29-7-1970, Bộ Tư lệnh 559 đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Giai đoạn này, để đáp ứng tình hình chiến trường miền Nam và nước bạn Lào, Campuchia, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được tổ chức quy mô, hợp thành các binh chủng gồm 8 sư đoàn và nhiều Trung đoàn trực thuộc khác.

      Sau giải phóng miền Nam, kết thúc nhiệm vụ lịch sử, Bộ đội Trường Sơn được tổ chức lại với nhiệm vụ mới - xây dựng kinh tế và quốc phòng. Tháng 10-1977, Binh đoàn 12 được thành lập, kế tục sự nghiệp của Đoàn 559, do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn làm Tư lệnh. Về mặt quân sự, gọi là Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12, quân số gồm 15.000 người, được tổ chức thành nhiều binh chủng hợp thành, dưới Bộ Tư lệnh có nhiều Sư đoàn, Lữ đoàn, Trung đoàn (Bộ Tư lệnh ở Thanh Xuân, Hà Nội). Về kinh tế, gọi là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, dưới có nhiều công ty cấp Sư đoàn, Lữ đoàn, Trung đoàn...

2. Trường Sơn - ký ức không thể nào quên

      Giờ đây chúng ta cùng nhau hồi tưởng lại một vài dấu ấn trong chặng đường 16 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.Con đường Trường Sơn ngày càng vươn dài khắp tuyến dọc ngang từ Bắc vào Nam. Đường dây 559 có tới 90 trạm giao liên, gồm 14 trạm ở trong rừng, còn lại ở ngoài dân. Nhắc đến trạm giao liên, phải nói đến kỷ niệm khó quên của bất kỳ người lính nào vào chiến trường miền Nam chiến đấu là trạm Cự Nẫm (đi thuyền qua sông Gianh rồi đến sông Son). Đây được gọi là trạm cuối cùng, bởi vì bộ đội đến trạm này là sắp bắt đầu cho các trận đánh, nên ai nấy thiếu gì đều được cấp phát bổ sung đầy đủ, bởi vì sau đó là bom đạn, là sốt rét rừng, là những trận đánh quyết tử, là có những đồng đội ra đi mãi mãi không về.

      Sau Hiệp định Pari (1969-1973), ngày 27-11-1972, Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng Đường Hồ Chí Minh để vận tải bằng cơ giới, khởi đầu từ km số 0 là thị trận Lạt - Tân Kỳ - Nghệ An nối đến tận Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước - dài hơn 20.000.000 km gồm hệ thống 5 trục dọc, 21 trục ngang (riêng đường Đông Trường Sơn có chiều dài 1920 km). Từ đây, đường được nâng cấp xây dựng, quy mô, quân đi rầm rập ngày đêm bằng cơ giới.

      Môi trường hoạt động hồi đó vô cùng nghiệt ngã, hiểm nguy nên đoàn phải thực hiện mệnh lệnh: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Người lính Trường Sơn phải nếm chịu muôn vàn vất vả, gian nguy: phải sống trong rừng với điệp trùng dốc đèo, vách đá, vực sâu. Những chặng hành quân là hành trình “vạch lá tìm đường”, ngày ngày “nộp thuế máu cho sên vắt, nộp màu da trai cho sốt rét rừng” và oằn mình dưới mưa bom bão đạn quân thù, luôn cận kề cái chết.

      Nhưng con đường đẹp nhất của tuổi trẻ là con đường ra trận. Bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến háo hức, chấp nhận gian khổ, hy sinh dù có chết chóc, đau thương mà không hề yếu mềm, bi lụy. Họ vào chiến trường mà “tiếng hát át tiếng bom”, lòng “vui như trẩy hội”, háo hức nhiệt thành: “Mày lên đường hôm trước/ Tao ra đi hôm sau/ Trường Sơn gánh cả nước/Hai đứa mình đuổi nhau”. Không biết bao nhiêu bài thơ, câu hát về Trường Sơn đã hòa cùng đại ngàn hùng vĩ như bản hòa ca về một quá khứ Trường Sơn và người lính Trường Sơn anh hùng mà tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng: “Đêm Trường Sơn chúng cháu nhìn trăng, nhìn mây/ Cảnh về khuya như vẽ”. Trường Sơn là nơi gặp gỡ, hẹn hò, là nơi nảy nở tình yêu bất chợt, không toan tính mà vô cùng mãnh liệt, thủy chung, son sắt và tràn trề hy vọng. Đó là cuộc gặp vội vã của cô giao liên tải đạn và anh lính hành quân chiều nắng tắt trao nhau cái bắt tay vội vã, run rẩy với lời “hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”. Đó là o thanh niên xung phong chọc ghẹo anh lính lái xe “không kính” để đón nhận câu trả lời hóm hỉnh: “Xe không kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ mất rồi”. Nhưng tình yêu riêng tư, trong bối cảnh đó đã hòa cùng tình yêu Tổ quốc, để rồi mỗi cá nhân mang trái tim yêu cháy bỏng đó đã tự tin, bình thản, chấp nhận những “cuộc chia ly màu đỏ” mà để lại cho đời những những “cánh nhạn lai hồng” bất tử. Giữa mịt mù lửa đạn quân thù, những con người trẻ tuổi, trẻ lòng vẫn đùa nhau “Thạch Kim” thành “Thạch Nhọn”. Rồi người lính nuôi quân bên bếp Hoàng Cầm hát vang bài “Nổi lửa lên em” để động viên mấy chàng lính trẻ “nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”... Đến cô bác sĩ quân y hát ru thương binh, hồn nhiên giữa rừng già khét mùi khói đạn như tập làm người mẹ trẻ yêu đời hy vọng đến ngày đất nước khải hoàn.

      Cả một khung trời kỷ niệm, khói lửa, đau thương mà nồng nàn thi vị. Dọc Trường Sơn, địa danh nào, binh chủng nào, đơn vị nào cũng hóa thành thơ, thành nhạc. Cho đến trạm giao liên cuối cùng vẫn còn nghe âm vang “màu hoa đỏ phía rừng xa” mà hình dung một dáng hình đất nước “Việt Nam máu và hoa” lãng mạn, lung linh và oai hùng, lẫm liệt... Những chiến sĩ Trường Sơn chúng ta luôn xứng đáng và mãi mãi xứng đáng là những chiến sĩ được chiến đấu trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại.

2. Để Trường Sơn còn mãi

      Vô vàn cảm xúc khó phai mờ về Trường Sơn một thời. Kể làm sao hết được, mỗi người một câu chuyện, mỗi người một kỷ niệm, bao đắng cay, ngọt ngào một thuở... Những người còn lại là lắng đọng Trường Sơn, là hiện thân của Trường Sơn một thời tuổi trẻ, là nhân chứng sống của Trường Sơn còn lại hôm nay. Chúng ta hồi tưởng lại muôn vàn ký ức để nhớ về chính mình, về đồng đội mình, về những năm tháng không thể nào quên của cả dân tộc. Nhưng chúng ta, những người lính Trường Sơn càng không nên nói về mình nhiều quá. “Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó thì chưa biết mình”. Một lớp người chúng ta đã đến đó, đã sống, chiến đấu, đổ mồ hôi, xương máu ở đó, chính là “đã biết mình”. Giờ hãy dành cho các thế hệ mai sau họ nghĩ suy, họ làm, họ nói.

      Chúng ta là những người may mắn, được gặp nhau đây là hạnh phúc lắm rồi, còn bao đồng chí, đồng đội chưa và có thể mãi mãi không về nữa. Và trách nhiệm của chúng ta còn nhiều trong việc phát huy truyền thống Trường Sơn, phẩm chất người lính cụ Hồ trong việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống dân tộc, về đạo lý uống nước nhớ nguồn và tỏa sáng Trường Sơn trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước nói chung. Chúng ta phải làm gì, để thế hệ trẻ hiểu nhiều hơn về lịch sử, biết tri ân các bậc tiền nhân, biết tôn trọng, bảo vệ và phát huy truyền thống của cha ông để lại,  khi việc học sử, tìm hiểu lịch sử hiện nay đang có phần bị xem nhẹ. Trong khi đó, đường Trường Sơn Việt Nam đã được cả thế giới biết đến, cả thế giới khâm phục, ngưỡng mộ (kẻ cả những lực lượng đối nghịch) và cũng đang được tìm tòi, nghiên cứu nhằm khám phá những điều kỳ diệu, bí ẩn và phi thường trong cuộc chiến thần kỳ của dân tộc Việt Nam. Quân đội Mỹ đã đánh giá: “Đường Trường Sơn Việt Nam là một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự thế kỷ XX”. Còn nhân dân ta thì coi: “Đường Trường Sơn như người mẹ trong gia đình dấu mặt để các con nhận tuyên dương”. Có lẽ chúng ta phải luôn bảo vệ sự thật lịch sử, bảo vệ những chiến công, thành quả của cách mạng như những điều thiêng liêng nhất. Mai sau, ai nhắc đến Trường Sơn, chính là tôn trọng lịch sử. Ai nhớ tới Trường Sơn là tri ân những người đã ngã xuống cho nước nhà thống nhất hôm nay”.

      Ngày 13-5-2011, Bộ trưởng Nội vụ đã ra Quyết định số 1032/QÐ-BNV, cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh Việt Nam. Hội Truyền thống Trường Sơn ra đời, một lần nữa ghi nhận sự đánh giá của Ðảng và Nhà nước đối với lịch sử Ðường Trường Sơn huyền thoại. Việc thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn còn là cơ hội để hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ và TNXP Trường Sơn năm xưa cùng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 hôm nay - tiếp tục phát huy truyền thống Trường Sơn anh hùng trong sự nghiệp đổi mới, trong cuộc sống mới. Việc thành lập Hội còn mở ra cơ hội để tập hợp thế hệ trẻ và những người yêu mến Trường Sơn nhằm tuyên truyền, giáo dục họ hiểu biết về lịch sử của con đường mang tên Bác, để họ tiếp bước cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với quy luật khách quan và của lòng người.Yếu tố sống còn của Hội Trường Sơn là nghĩa tình đồng đội, điều mà trong mục đích tôn chỉ khi thành lập Hội đã nêu rõ. Song giữa nói và làm còn một khoảng cách đáng băn khoăn.

      Nhìn thực tế hôm nay, chúng ta không khỏi so sánh: Ngày chiến trận, nghĩa tình đồng chí, đồng đội đẹp đẽ, vô tư lắm, gần gũi, chân thực, không giả dối, cao xa, nhường nhau cái sống, cái chết, chia nhau chút vật chất trong tiêu chuẩn định lượng... Bây giờ đất nước thanh bình, thì lại có xu hướng phân chia theo lợi ích nhóm, ích kỷ cá nhân. Trong số những người lính Trường Sơn năm xưa may mắn trở về, không ít người mang di chứng chiến tranh, đang ngày đêm âm thầm chịu đựng những cơn đau hành hạ của vết thương cũ khi trái gió trở trời. Và cũng còn không ít người có công vì những lý do nào đó mà chưa được thừa nhận, chưa hưởng chế độ chính sách đáng được hưởng. Trong khi Đảng và Nhà nước đang tìm mọi giải pháp để đền đáp cho những đối tượng người có công với cách mạng thì không ít kẻ trục lợi, cơ hội, lợi dụng chiến tranh, lợi dụng lịch sử để toan tính lợi ích cá nhân.

      Tất nhiên, chúng ta, những người lính Trường Sơn, không được phép kể công với dân, với nước, nhưng cũng không khỏi chạnh lòng, trăn trở khi bắt gặp thái độ thờ ơ, vô cảm hay phủ nhận chiến tích của đồng đội, của những người có công hay còn có người nhận thức mơ hồ, “ngộ đoán” rằng: “Trường Sơn rồi sẽ mai một”, “không có nguồn phát triển hội viên mới”, “cần phải nhập vào một tổ chức khác”...

      Đúng là hội viên Hội Trường Sơn hầu hết là già yếu, sức trẻ đã vắt kiệt ở chiến trường, không thể xông pha như thời trai trẻ nữa. Bây giờ họ phát huy truyền thống và phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ chủ yếu chỉ thể hiện bằng quan điểm, lập trường tư tưởng, bằng niềm tin vào Đảng, thể hiện qua tác phong, lối sống đặng làm gương trong gia đình và xã hội. Nhưng đâu phải chiến tranh đã lùi xa là ký ức, truyền thống trong chiến tranh cũng mất. Chẳng lẽ đất nước đã thái bình lại bỏ tượng đài, bia đá rêu phong, lạnh lẽo, trở thành vật vô tri, vô giác? Ẩn sâu trong tượng đài, bia đá, từ sâu thẳm lòng đất Trường Sơn có giọt mồ hôi lẫn máu xương lưu giữ dáng hình cha ông. Đường Trường Sơn là tượng trưng cho hào khí dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ oai hùng, thì cả dân tộc phải muôn đời gìn giữ và phát huy trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước hôm nay và mai sau.

       “Mất con nhưng Tổ quốc còn mẹ ơi”, và không thể mất, bởi hãy còn đó Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn). Còn các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân vẫn đang ngày đêm chung sức duy tu, tôn tạo, phục chế, bảo tồn và xây dựng trên khắp tuyến đường Trường Sơn và các di tích lịch sử trên cả nước, để giữ cho một Trường Sơn huyền thoại trong chiến tranh có thể tỏa sáng rực rỡ trong hòa bình. Như vậy thì ta có thể khẳng định rằng: nguồn còn vô tận, và nguồn chính là đồng bào và Tổ quốc Việt Nam bất diệt.

      Tuy nhiên, công tác chính sách đối với người có công còn biết bao nhiêu việc phải làm. Cách đây chưa lâu, trong các nghĩa trang liệt sĩ còn có nhiều mộ chí ghi là “liệt sĩ vô danh” và thuật ngữ này vẫn còn trên các hình thức truyền thông đại chúng. Điều đó đã chạm vào nỗi đau tận cùng của bao bà mẹ có con ra trận không về. Bởi lẽ ngày anh sinh ra, cha mẹ đã đặt cho anh cái tên khai sinh, và khi vào quân ngũ anh cũng được gọi tên điểm mặt theo sổ trích ngang quân tịch. Bom đạn quân thù có thể xóa đi, khiến anh “không một tấm hình, không một dòng địa chỉ”. Nhưng tên anh vẫn còn. Quê hương, cha mẹ, người thân đang tháng ngày đau đáu đợi tin anh. Vẫn biết rằng công việc quản lý dữ liệu ban đầu và công tác giám định AND bây giờ còn nhiều khó khăn, trở ngại, tuy nhiên, không nên ghi là “liệt sĩ vô danh”, mà phải ghi là “liệt sĩ chưa tìm được tên” mới phải, mới đúng với hoàn cảnh thực tế hiện tại và trách nhiệm của những người còn sống.

      Hội Trường Sơn hiện nay đã có chỗ đứng của mình: xếp thứ 46 trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặc dù là một tổ chức xã hội, không mang màu sắc chính trị (áp dụng theo Luật Hội, tháng 11/2016, Quốc hội khóa 14 thông qua), nhưng rõ ràng Hội có truyền thống vẻ vang, có kỳ tích đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và cũng đang có những thành quả nhất định trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước hiện nay. Nói truyền thống Trường Sơn huyền thoại có nghĩa là Trường Sơn mang màu sắc riêng, không pha trộn, là trường tồn, bất tử với thời gian và lòng người hậu thế. Chiến tranh đã lùi xa, Trường Sơn đã đi vào lịch sử, nếu không có sự tuyên truyền, giáo dục về lịch sử thì lịch sử không thể là tấm gương soi giúp thế hệ mai sau soi vào cả quá khứ, hiện tại và tương lai với sự trân trọng, biết ơn và rút ra những bài học quý giá. Và bản thân Hội cũng cần nhanh chóng xây dựng mô hình, giải pháp có tính khả thi để hoạt động có hiệu quả, xứng đáng với truyền thống của mình, với lịch sử và tiếp tục đóng góp hữu ích cho hiện tại và tương lai. Chúng ta tin rằng, với sự nỗ lực của các hội viên - những người lính Trường Sơn bất khuất, cùng với sự đồng thuận của xã hội, niềm tin của nhân dân cũng như sự đúng đắn, sáng suốt trong đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, thì sẽ thực hiện được. Và Trường Sơn, người lính Trường Sơn, Hội truyền thống Trường Sơn sẽ còn mãi, không chỉ trong quá khứ, huyền thoại, mà trong niềm tin, khát vọng của tương lai.

                                                                                                   N.V.B

tin tức liên quan