Hành trình ra Bắc vào Nam, hồi ức của Thiếu tướng Bảy Viễn, Hữu Nhân ghi

Ngày đăng: 10:11 15/05/2019 Lượt xem: 2.206

                     
                              Hành trình ra Bắc vào Nam


Thiếu tướng Lê Quang Viễn (Bảy Viễn), nguyên Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Đồng Tháp kể ,Hữu Nhân ghi


Thiếu tướng Lê Quang Viễn (Bảy Viễn)


                 Ra Bắc

 Đội 2000 là đội biệt động được thành lập vào năm 1952 với 48 đồng chí do tôi làm đội trưởng, đồng chí Lê Văn Chiêu làm chính trị viên. Sau bổ sung thêm hai đồng chí nữa làm đội phó là Lê Hồng Huệ và Nguyễn Văn Bảy. Đội có 12 đảng viên do đồng chí Chiêu làm bí thư. Tất cả anh em đều  được huấn luyện đặc công hóa và công binh và đi thực tập ở Cam pu chia hai tháng. Đông xuân năm 1953 – 1954, hưởng ứng chiến trường chung, đội 2000 của chúng tôi bám trụ ở hai xã Mỹ Hiệp Sơn và Vọng Thê thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Châu Hà, phát triển lên khu vực tôn giáo thuộc vùng quản lý của Hai Ngoán (Lâm Thành Nguyên), Mỹ Đức và hướng xuống Long Xuyên. Đội đánh diệt đại đội 12 thuộc lực lượng Hòa Hảo ở kinh 12 (Láng Linh), kết hợp với một đại đội của tiểu đoàn 307 đánh diệt đồn chợ Mặc Cần Dưng.

            Sau trận đánh đó, đội tôi được lệnh chuyển quân chuẩn bị tập kết. Tạm biệt các đồng bào, đồng chí địa phương chúng tôi về đóng quân ở Nam Thái Sơn (nay thuộc huyện Hòn Đất – Kiên Giang) rồi ra Vàm Rầy xuống ghe vượt biển về đóng quân ở Thứ Chín thuộc quận An Biên học tập chuẩn bị tập kết ra Bắc. Mấy ngày ổn định đóng quân xong, tôi được lịnh chuẩn bị đi học chính trị. Suốt một ngày, giao liên thay phiên chèo xuồng đưa tôi xuống ngã tư Phó Sinh (Hồng Dân – Bạc Liêu). Lên nhà tiêp nhận, tôi được phổ biến mình được chọn ra Bắc học.

            Đoàn sĩ quan quân sự chúng tôi có 24 người, cũng là đoàn ra Bắc đầu tiên trước khi các đơn vị khác còn đang chuẩn bị tập kết. Lúc đó, chúng tôi lấy danh hiệu là phái đoàn sĩ quan của Ủy ban Liên hợp để điều động lực lượng tập kết. Từ căn cứ ở Phó Sinh, chúng tôi được tàu đưa ra Ngã bảy Phụng Hiệp, nghỉ đêm tại nơi làm việc của Ủy  ban Liên hợp. Bảy giờ sáng hôm sau, Pháp cho hai chiếc xe cùng một trung đội lính Lê dương hộ tống chúng tôi lên Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu). Tới nơi, chúng tôi được bí mật  đưa xuống tàu cùng với một đoàn của miền Đông tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc. Mấy ngày lênh đênh trên biển, tàu chúng tôi cập bến Sầm Sơn. Lên bờ, chúng tôi lội bộ về Thanh Hóa. Đến nơi, nhận được tin Hà Đông đã hoàn toàn thuộc về ta, chúng tôi lại tiếp tục lên đường thẳng tiến. Dừng chân tại Hà Đông vài ngày đợi tình hình yên ổn, chúng tôi tiếp tục đi bộ lên Sơn Tây. Từ Sơn Tây, chúng tôi mới được ngồi xe lên biên giới. Lại phải cắt đường rừng đi bộ để đảm bảo bí mật. Vòng vo mãi cả ngày trời mệt lả mới được bạn đón về trường Sĩ quan Lục quân của ta đóng tại Quế Lâm –  Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là trường quân sự của ta với sức chứa lên đến cả ngàn người. Giảng viên do người Việt Nam và các chuyên gia của bạn trực tiếp giảng dạy về quân sự và lý luận chính trị. Khóa đào tạo sĩ quan có nhiều anh em từ miền Nam ra. Năm 1956, chúng tôi trở về nước. Bản thân tôi được tham gia vào cuộc chỉnh huấn cải cách ruộng đất ở cuối cùng ở miền Bắc vào tháng 3/1956. Sau đó, tôi được bổ nhiệm trung đội trưởng thuộc trung đoàn 660 của miền Tây Nam bộ. Lúc đó, các đơn vị bộ đội ở miền Tây Nam bộ đã tập kết ra Bắc thành lập được bốn trung đoàn 656,658, 660 và 664. Vậy là hơn mười năm làm bộ đội cụ Hồ, cho đến lúc này tôi mới thật sự trở thành người lính chính quy được Đảng và Nhà nước đào tạo đàng hoàng.

            Một năm sau, từ ba trung đoàn, ta thành lập Sư đoàn 338. Sư đoàn có trường huấn luyện hạ sĩ quan mang phiên hiệu D15. Tôi được phân công về trường. Tháng 5/1958, tôi nhận hàm trung úy phụ trách cán bộ đại đội rồi trợ lý chính trị cho tiểu đoàn huấn luyện. D15 mở 2 lớp huấn luyện hạ sĩ quan. Học viên gồm các hạ sĩ quan tân binh lấy từ những con em miền Nam ra học tập ở miền Bắc. Đây là nguồn sĩ quan – hạ sĩ quan được đào tạo cho miền Nam sau này. Việc huấn luyện các tân binh ở D15 đang tiến hành suôn sẻ thì tôi được lệnh của đại tá Tô Ký, sư trưởng kiêm chính ủy sư đoàn 338 gọi lên bàn giao công việc để chuẩn bị trở lại miền Nam.

            Tôi và 28 đồng chí cán bộ được đưa về khu quân sự gần sân bay Gia Lâm để học chuyên môn theo các phương pháp dành cho hoạt động tình báo như cách sử dụng các phương tiện cơ giới và thông tin, sử dụng các loại vũ khí, chất nổ… Thật ra, không ai ngờ cục diện chiến trường miền Nam thay đổi nhanh chóng. Từ U Minh hạ qua Đồng Tháp Mười lên Đông Nam bộ… đâu đâu cũng có lực lượng vũ trang ra đời. Rải rác khắp miền Nam vang lên những tiếng súng báo hiệu cho một xu thế cách mạng mới bắt đầu. Tôi biết được điều này là do tháng 8/1958, từ miền Nam ra báo cáo tình hình cách mạng miền Nam với Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẫn đến thăm đoàn và nói chuyện về miền Nam đồng thời chỉ thị cho chúng tôi một số nội dung cụ thể để đáp ứng yêu cầu trong đó.

            Vậy là mấy tháng học các phương pháp hoạt động tình báo trong lòng địch không còn phù hợp trước tình hình cách mạng có sự thay đổi mới.Chúng tôi tổ chức học lại các công tác về binh chủng hợp thành với nội dung chủ yếu là chiến thuật phục kích, tập kích, đánh đồn và phương pháp huấn luyện cho các lực lượng vũ trang. Tình hình chiến trường miền Nam càng lúc càng cấp bách. Trở về sớm chừng nào là có lợi cho trong đó chừng đó. Chúng tôi học ngày, học đêm với phương châm “tháng khôn tuần, tuần không ngày, ngày không giờ”. Một tuần lễ, chúng tôi phải nuốt trọn một chương trình bình thường phải học hơn cả tháng. Ngày lý thuyết, đêm thực hành. Khoác ba lô lên vai, lặng lẽ đi bộ rời khỏi Hà Nội lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Bãi Cháy (Quảng Ninh) để thực tập các bài tập mang nặng trèo đồi vượt núi chuẩn bị cho chuyến vượt Trường Sơn. Mỗi người phải mang nặng từ 30kg rồi tăng dần lên 42kg đi suốt từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng. Trực tiếp huấn luyện quân sự là đồng chí Trần Văn Trà lúc này là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn, về chính trị là đồng chí Phạm Hùng lúc này là Phó thủ tướng. Có một buổi được nghe đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nói chuyện.

            Một sáng trung tuần tháng 12/1959, theo kế hoạch thì chúng tôi phải ra thao trường nhưng được lệnh ở nhà tập súng ngắn. Ăn sáng xong một lát thì thấy có một chiếc xe ca đến. Đồng chí phụ trách lớp thông báo: “Các đồng chí khẩn trương lên xe. Trưa nay, chúng ta được đồng chí Phạm Hùng mời đến nhà dùng cơm”. Gần 10 giờ sáng, xe đưa chúng tôi đến nhà đồng chí Phạm Hùng. Tôi tự nghĩ có lẽ đây là bữa cơm tiễn đưa chúng tôi.

            Đang đứng trò chuyện với nhau trước sân nhà đồng chí Phạm Hùng thì chúng tôi thấy có một chiếc xe đỗ lại trước cổng. Đồng chí Phạm Hùng chạy ra nói lớn: Hôm nay, Bác Hồ đến thăm các đồng chí. Các đồng chí chuẩn bị đón Bác. Chúng tôi cùng đứng ngây người ra không nói được lời nào. Bác bước xuống xe cùng với hai đồng chí cảnh vệ đi nhanh về phía chúng tôi. Chúng tôi cùng ùa vào phòng khách của đồng chí Phạm Hùng. Tôi để ý thấy hai anh cảnh vệ đứng phía nào thì chắc Bác sẽ ngồi phía đó nên chọn cho mình chiếc ghế cạnh đấy. Vậy là, tôi được gần Bác nhất. Bác quay sang hỏi đồng chí Phạm Hùng:

            - Anh em đến đủ chưa ? Công việc chuẩn bị xong hết chưa ?

            - Báo cáo Bác, rồi cả ạ. – Đồng chí Phạm Hùng nhìn chúng tôi một lượt rồi trả lời Bác.

            Bác ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống rồi nói:

            - Hôm nay Bác đến thăm các chú. Nhiệm vụ và kế hoạch thì đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Trần Văn Trà đã thay mặt Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao cho các chú rồi. Bác chỉ chúc các chú lên đường mạnh giỏi.

            Ngừng lại một chúc Bác nói tiếp:

            - Các chú về Nam cho Bác gửi lời thăm các cụ, các đồng bào, đồng chí Nam bộ dồi dào sức khỏe, cố gắng chiến đấu và công tác tốt để Bác sớm được vào thăm miền Nam. Các chú về Nam lần này, là đoàn quân sự đầu tiên nên phải hết sức giữ bí mật. Ta giữ bí mật không phải vì ta sợ chúng mà là đừng để chúng hiểu được ý đồ của ta. Các chú nên nhớ rằng trên đường đi, con đường nào gian khổ nhất là con đường an toàn nhất và gần nhất.

            Bác vừa dứt lời thì đồng chí phó đoàn chúng tôi đứng dậy định hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Bác tin cậy thì Bác đã khoát tay:

            - Bác hiểu chú định nói gì với Bác rồi. Thôi, không còn nhiều thời gian đâu. Bác chúc các chú sớm về đến Nam bộ.

            Bác bước ra về, chúng tôi nhìn theo cho đến khi chiếc xe đưa Người khuất tầm mắt mình mới thôi. Trở về doanh trại, chúng tôi họp chi bộ lấy lời dạy của Bác viết thành bức tâm thư gởi lên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Đó cũng là nghị quyết của chi bộ chúng tôi suốt trên đường về Nam sau này. Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, Đoàn chúng tôi đổi tên là B500. Mỗi thành viên trong đoàn đều đổi tên mới. Trong văn kiện hay xưng hô cứ theo đó mà gọi như: Trưởng đoàn Tăng Thiên Kim (cán bộ hóa học thuộc Trường Sĩ quan lục quân) gọi là Tư Chương, hai Phó đoàn Lê Thành Nhơn gọi là Tư Vũ, Nguyễn Tấn Sĩ đổi là Hai Phong. Tôi là Lê Quang Viễn được đổi là Lê Nguyễn (Bảy Nguyễn). Sau đoàn B500 thì còn có một đoàn nữa do anh Ba Cung (thiếu tướng Phùng Đình Ấm) chỉ huy (đoàn B90) cũng vào tới căn cứ Nửa Lon. Sau đó, cả 2 đoàn cán bộ đều được đưa về căn cứ của xứ ủy Nam bộ ở Mã Đà.

            Đúng 4 giờ ngày 25 tháng 12 năm 1959, chúng tôi rời Hà Nội lên đường.

            Vào Nam

            Chuyến xe đưa đoàn chúng tôi gồm 28 người đi suốt hai ngày một đêm mới đến được Vĩnh Linh. Chúng tôi dừng chân lại một doanh trại bộ đội chờ trời tối chuẩn bị vượt sang bên kia vĩ tuyến 17. Nơi chúng tôi qua sông là làng Ho của người Vân Kiều nằm dọc theo phía Tây Trường Sơn thuộc huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Nói là sông chớ thật ra chỉ là con suối nhỏ. Các anh đưa tôi đến đây rồi quay về. Tất cả những gì thuộc về miền Bắc phải kiểm tra lần nữa và bỏ lại hết. Hồi ở miền Hà Nội, chúng tôi đã bỏ lại một lần rồi nhưng có vài anh em luyến tiếc những kỷ vật nên có mang theo thì giờ đây cũng phải đành bỏ lại. Mỗi người chỉ mang trên mình chiếc ba lô nặng 36 kg gồm quần áo, thuốc trị bệnh và lương thực dữ trự cho 7 ngày đường. Vũ khí, mỗi người được mang hai khẩu súng. Tôi chọn cho mình một khẩu carbine và một súng ngắn. Đạn mang theo bao nhiêu tùy thích. Tuy nhiên suốt cả chặng đường từ đó về đến Trung ương cục miền Nam chúng tôi chưa một lần nào nổ súng với địch vì sợ lộ bí mật.

            Cắt rừng mà đi, vừa đi vừa tổ chức làm sao cho được những trạm giao liên đưa đón tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn sau này. Ngày ấy, chúng tôi đâu nghĩ rằng mình là một trong những người góp phần khai mở con đường Trường Sơn huyền thoại. Một số trạm giao liên của đoàn B500 ngày đó dần dần trở thành những binh trạm hùng mạnh giữa rừng Trường Sơn, suốt cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã đón đưa không biết bao nhiêu lượt người trùng trùng tiến ra mặt trận giải phóng miền Nam. Đêm đầu tiên qua sông Bến Hải, đoàn dừng chân ngủ giữa rừng. Vùng đất đầu tiên chúng tôi đặt chân lên là Quảng Trị - Thừa Thiên thuộc khu V. Lúc đó, khu V đã có liên hệ thường xuyên với miền Bắc nên việc anh em địa phương cử người ra đón chúng tôi còn tương đối dễ dàng. Hầu như dọc theo khu V, nơi đoàn qua đều có tổ chức sẵn trạm liên lạc. Đường thì phải leo núi, xuyên rừng mà đi. Ba ngày đầu tiên ai cũng thấm mệt vì không quen với những vất vả gặp phải. Chui qua rừng chằng chịt dây leo, người qua lọt thì ba lô đằng sau vướng lại. Phải loay hoay gỡ ba lô ra rồi mới đi tiếp. Có những con dốc cao trên 60 độ, gót giày người leo trước như giẫm lên đầu người sau mà bước. Rồi còn gặp phải đá rớt. Vô ý để một tảng đá rơi sẽ kéo theo cả một góc núi sạt lở. Mỗi khi gặp đá lăn như vậy thì phải dừng lại nép người vào gốc cây. Đá lăn ngang người nào tìm cách ôm chặn nó lại không để tiếp tục rơi nhanh xuống nữa. Tôi cũng đã có lần ôm ghì một hòn đá giập cả mấy đầu ngón tay. Thấy gian nan nguy hiểm, quá một số anh em đề nghị xuống núi chọn con đường gần bản làng có người qua lại để đi dễ và mau tới hơn. Lúc đó chúng tôi lại nhớ đến lời Bác dạy trước lúc chia tay miền Bắc. Kỳ lạ thay khi nhắc đến Bác tự dưng chúng tôi lại hừng hực quyết tâm vững bước lên đường. Thêm mấy ngày cắt rừng nữa, chúng tôi đến ngã ba Khe Sanh. Vượt đường cái thì sợ chạm trán với toán tuần tiễu của đích liên tục qua lại. Trên núi có một cái cống thoát nước do Pháp xây. Chúng đóng một cái bót ngay trên nóc cống. Phải mất bốn ngày dừng lại nghiên cứu, đoàn mới tìm ra lối đi. Chờ đêm xuống chúng tôi vượt đường rừng chui qua hang. Người đi trước gắn lên ba lô mình một thanh củi mục. Người đi sau nhìn theo ánh sáng lân tinh phát ra từ thanh củi ấy mà đi theo. Tốp đầu qua được nhưng tốp sau nhìn những ánh sáng cũng từ củi mục phát ra hai bên đường tưởng là trên ba lô đồng đội thành ra bị lạc. Phải quay lại tìm kiếm. Gần sáng chúng tôi mới lọt qua được miệng cống bên kia chui vào rừng đi tiếp.

            Tết năm 1960, chúng tôi dừng lại ở Quảng Trị ăn Tết và chờ bắt liên lạc với phía trước. Nhiều anh em đuối sức đành phải bỏ bớt đồ dùng cá nhân. Có người chỉ chừa lại một bộ quần áo duy nhất mặc trên người. Thậm chí dây thắt lưng vừa đến đâu chừa đến đó, đoạn thừa ra phải cắt bỏ. Đồ đạc để lại đem vô rừng chôn thật kỹ để tránh địch phát hiện. Lúc đầu, mỗi người mang theo lỉnh kỉnh những lon gô đựng thuốc, lon nấu cơm, lon nấu nước uống. Nay thì thuốc cho vào túi ni lon, ba người thành một tổ chừa lại ba lon gô. Có đồng chí ngay cả gạo dữ trữ cũng không mang nổi, anh em trong đoàn phải chia nhau ra mang tiếp. Ăn cơm với lương khô và canh rau rừng liên tục, đoàn chúng tôi ai cũng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu xuống sức. Bác sĩ Thanh, mang trên mình bộ đồ phẫu thuật nặng năm ký, anh em chia nhau tiếp chỉ còn lại một ký mà vẫn đi không muốn nổi. Hai tiếng miền Nam lúc đó hơn bao giờ hết lại vang lên trong tim thúc giục chúng tôi bằng mọi giá phải vượt qua tất cả. Cố gắng lắm, đoàn mới đến được Sơn Hà – Kon Tum. Dừng lại chờ móc nối liên lạc với tuyến trước. Tại Kon Tum lúc này, lực lượng vũ trang địa phương đã nổi dậy cướp chính quyền giải phóng một số xã. Nhu cầu của địa phương cần chúng tôi huấn luyện một thời gian. Nhìn cảnh đồng bào khổ sở, vất vả chúng tôi không đành bỏ đi cho được. Một tổ tìm cách bắt liên lạc. Tổ khác làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự. Anh em còn lại vào rừng vừa cùng bà con lên nương trồng sắn vừa giáo dục công tác tư tưởng. Riêng bác sĩ Thanh phụ trách giảng dạy cho một số chị em người dân tộc về chính trị và cách băng bó vết thương, sử dụng các loại thuốc thông thường để trị bệnh. Tôi, đồng chí Vẻ và đồng chí Tân huấn luyện quân sự. Hai tháng ở Kon Tum, chúng tôi dần hồi phục sức khỏe. Nhưng cái được và cái vui hơn là chúng tôi đã huấn luyện cho anh em du kích ở đây nhiều bài học về quân sự khác nhau như đặc công, trinh sát, bộ binh phối hợp. Sau lớp học, anh em còn được tổ chức thi bắn đạn thật. Trường bắn sâu tít trong rừng. Bia bắn là thân cây rừng. Bắn xong, đẽo vỏ cây xóa hết dấu vết để giữ hoàn toàn bí mật. Ở Kon Tum đoàn chúng tôi tổ chức nơi đây một trường huấn luyện quân sự cấp tốc và xây dựng mô hình một ấp chiến đấu.

            Lúc này, qua đài chúng tôi biết tình hình chiến sự miền Nam có nhiều thay đổi lớn. Lực lượng vũ trang nổi lên đồng loạt khắp nơi. Anh em trong đoàn ruột gan nóng cồn cào muốn sớm lên đường nhưng vẫn chưa bắt liên lạc được với tuyến trước nên đành tiếp tục ở lại chờ đợi. Chúng tôi lại từng tổ chia nhau huấn luyện từng nội dung một. Cách sử dụng vũ khí. Công tác đặc công. Cách di dời làng khi bị địch tấn công. Đặc biệt sử dụng các loại bẫy đá, nỏ, cung tên của chính người dân tộc làm vũ khí đánh trả. Tôi kết hợp với những điều học được trong thời chiến tranh chống Pháp, ở nhà trường và tình hình thực tế địa phương viết thành quyển sách hướng dẫn dùng vũ khí tự tạo đánh địch.

            Liên lạc với phía trước đã thông, đoàn chia tay bà con lên đường. Qua Kon Tum, Đắc Lắc đến Ngã ba Biên giới. Nam bộ hiện ra trước mắt chúng tôi khiến ai cũng bàng hoàng xúc động không nói thành lời. Lúc đoàn đi, mang theo bản đồ vẽ từ năm 1931. Nay mọi địa hình địa vật hoàn toàn thay đổi. Nhiều bản làng trong bản đồ đã di dời không còn chỗ cũ nữa. Liên lạc ở Nam bộ chưa ra kịp. Cả đoàn phải nhịn đói bảy ngày trong rừng, ăn củ mài, môn nước và những thứ có thể tìm được để cầm hơi chờ đợi. Phía sau chúng tôi là khu V, lui lại một chút là có lương thực ngay nhưng trong chúng tôi không một ai dám lui. Tình hình khu V lúc đó đang thiếu cán bộ nhất là cán bộ quân sự trầm trọng, sợ lui về các anh giữ lại thì không sao về được Nam bộ.

            Chín ngày trôi qua. Cả đoàn quyết định băng rừng qua quốc lộ 14. Trong kia, các anh cũng cử người ra đón. Đêm đó, chúng tôi ngồi bên bìa rừng chờ liên lạc. Gặp được các anh, chúng tôi ùa ra ôm chầm khóc không thành tiếng. Cả đoàn đi trong các phum, sóc như chạy, đôi chân cứ líu ríu, cuống quýt vì mừng. Nam bộ đây rồi ! Niềm khát khao vô hạn được trở về Nam chiến đấu đã trở thành hiện thực. Tháng 12/1959, từ Hà Nội chúng tôi lên đường. Tháng 12/1960, chúng tôi về tới chiến khu Đ. Một năm ròng với bao khó khăn, 28 anh em trong đoàn vẫn nguyên vẹn, không một ai phải ở lại dọc đường. Vậy là chúng tôi đã hoàn thành lời hứa với Bác, với Đảng. Sau bảy ngày ở chiến khu Đ, đoàn đến Xứ ủy báo cáo và nhận nhiệm vụ. Đoàn chúng tôi còn vinh dự tham gia cuộc mít tinh ra mắt Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra mắt ngày 20/12/1960 tại Bời Lời – Tây Ninh. Sau đó, tôi cùng 4 đồng chí khác được phân công về T3 (khu 9). Một chặng đường chiến đấu khác gian khổ hiện ra trước mắt nhưng tôi vẫn vững niềm tin vào ngày thắng lợi cuối cùng.

                                                                                                            Hữu Nhân ghi

 

           

 

 

 

           

tin tức liên quan