VỀ THĂM ĐỒNG ĐỘI
Ghi chép của Thành Long
Sáng chủ nhật, 2/6/2019 chúng tôi đã hành hương về Đồng Văn, An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội thăm những đồng đội của tôi ngày xưa. Đại tá Phạm Tiến Ích cùng phu nhân và Phó Tổng Biên tập Nguyễn Cảnh Hồng cùng về thăm đồng đội với chúng tôi.
Từ cây xăng An Phú tại Km 43+500 trên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi rẽ trái, đi hơn 1 ki lô mét nữa là tới nhà Trần Văn Đăng. Con đường nhựa vào nhà Đăng trải áp phan rộng rãi. Nhà anh tọa lạc cạnh ngã ba đường. Một ngôi nhà xây 3 tầng rộng đẹp nổi bật giữa khu vực có rất nhiều nhà cao tầng xây hai bên đường. An Phú là xã miền núi của huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Vậy mà hạ tầng và nhà cửa của dân toát lên sự giàu có, khác xa với khải niệm về “một xã miền núi”.
Trần Văn Đăng chạy ra đón chúng tôi. Anh xi nhan cho 2 chiếc ô tô của chúng tôi đỗ trước 2 ngôi nhà 3 tầng liền tường với ngôi nhà của anh.
-Các anh cứ đỗ đi. Nhà của nhà em tất đấy mà. Tôi vô cùng ngạc nhiên về cơ ngơi của một người lính Trường Sơn như anh.
Vừa bước vào nhà của Đăng, mấy đồng đội của tôi đã chạy ra bắt tay. Hóa ra hôm nay Trần Văn Đăng đã mời nhiều đồng đội của tôi tới gặp mặt. Tôi nhận ra Trung úy Đỗ Đình Khương, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn huyện Mỹ Đức. Anh cùng tuổi Sửu với tôi nhưng vào Trường Sơn năm 1968. Quê anh ở Phùng Xá – cùng làng với Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông. Anh Tá và tôi cùng được cô giáo dạy văn Đông Mai – chị ruột nhà thơ Xuân Quỳnh làm chủ nhiệm lớp cấp 3. Những lần cô Đông Mai từ Sài Gòn ra Hà Nội, anh Đỗ Trung Tá đều điện cho tôi tới cùng gặp mặt cô... Khi tôi vào Binh trạm 35 thì anh Khương đã là Trung đội phó thông tin Binh trạm bộ 35 rồi. Ngày ấy, tôi được điều về làm lính Đại đội 2 hậu cần Binh trạm 35 đóng ở Bản Hạt Vi, phía nam con sông Bạc nổi tiếng với cụm trọng điểm ngầm Bạc vô cùng ác liệt của Trường Sơn. Khi Binh trạm bộ 35 di chuyển về Phù Trường, tôi được điều về công tác tại Tuyên huấn Binh trạm. Tại đây, tôi và anh Khương cùng trải qua trận B52 nhớ đời vào 4 giờ 30 sáng ngày 2/1/1972… Anh Nguyễn Công Chiếm, Chủ tịch Hội TS xã Đồng Tiến, Ứng Hòa, Hà Nội. Anh bằng tuổi tôi. Chiếm và Đăng cùng nhập ngũ, cùng đi Trường Sơn một ngày với tôi. Ở tiểu đoàn 594, Trung đoàn 12 Hà Tây của 3 chúng tôi, Đăng và Chiếm là liên lạc của Tiểu đoàn. Còn tôi là Tiểu đội trưởng của Đại đội 4. Ngày ấy, tôi khá nổi tiếng toàn Tiểu đoàn khi làm Phó Bí thư Liên chi đoàn, từng chủ bút tờ báo tường “Tia Lửa” đoạt giải Nhất toàn Trung đoàn. Tôi là một trong 2 chiến sĩ của Tiểu đoàn 594 được Trung đoàn tặng Giấy khen sau gần 3 tháng huấn luyện đi B. Tại Lễ xuất quân vào chiến trường, tôi được chọn là người tuyên thệ 10 lời thề trước cờ… Vào Binh trạm 35, Chiếm và Đăng cùng được điều về làm chiến sĩ giao liên Trạm 62, Tiểu đoàn 12 giao liên Binh trạm 35. Khi làm tuyên huấn Binh trạm, tôi có những lần đi công tác xuống Trạm 62 của Chiếm và Đăng. Trần Văn Đăng tuổi Dần. Về Trạm 62, Đăng được phân công làm nuôi quân, còn Chiếm là chiến sĩ cáng thương. Sau đó, Đăng được Binh trạm cho đi học lớp quản lý, trở về Trạm làm quản lý hậu cần. Trần Văn Đăng chuyển về Sư đoàn bộ 472 làm quản lý quân nhu. Năm 1973, chàng trai xã An Phú bị chiến sĩ quân y Nguyễn Bích Xạ, “hớp hồn”. Xạ tuổi Tỵ, quê xã Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội. Họ dũng cảm báo cáo lãnh đạo. Trung đoàn giao liên cơ giới 572 đã giới thiệu về địa phương cho Đăng và Xạ cưới nhau. Sau tân hôn, Xạ về đoàn an dưỡng. Còn Đăng lại tiếp tục trở lại chiến trường…
Hóa ra toàn bộ 4 đồng chí trong Thường trực Hội Trường Sơn Mỹ Đức đều có mặt đông đủ để đón chúng tôi.
Chúng tôi chào hỏi nhau. Bao chuyện cũ chiến trường, chuyện Hội hôm nay cứ tuôn trào.
Thiếu tá Hoàng Văn Động, Chủ tịch Hội Trường Sơn Mỹ Đức khoe:
-Mỹ Đức chúng tôi tổ chức kỷ niệm 60 năm Trường Sơn hoành tráng lắm anh Thành Long ạ. Chỉ tiếc các anh trên Hội quá bận không về dự được. Hôm ấy 140 đại biểu hội viên đại diện cho hơn 600 hội viên Trường Sơn toàn huyện về dự. 60 đại biểu các ban ngành. Đặc biệt là toàn bộ Ban Thường vụ Huyện ủy và Thường trực Ủy ban Nhân dân huyện không thiếu một ai. Tất cả đã tới chia vui cùng anh em chúng tôi. Hôm ấy huyện tặng chúng tôi 40 triệu đồng. Các đơn vị, cơ quan ban ngành tới dự tặng chúng tôi hơn 20 triệu nữa. Chi phí toàn bộ cho Lễ kỷ niệm hết 40 triệu. Chúng tôi còn dư ra 20 triệu làm quỹ anh ạ...
Anh Khương, tự hào khoe:
-Hội Trường Sơn Mỹ Đức được lãnh đạo Huyện cấp cho một trụ sở khang trang lắm anh ạ. Có lẽ đẹp nhất trong Hội Trường Sơn các quận huyện của Hà Nội đấy. Chúng tôi bắt tay chúc mừng các anh.
Anh Động nhấn mạnh:
-Hôm nào anh Thành Long và Ban Tuyên truyền – Thi đua phải về Mỹ Đức với chúng tôi một chuyến nhé. Tôi cười và bắt tay anh.
-Xin hứa. Nhưng cuối tháng 10 anh nhé. Về Hội Trường Sơn Mỹ Đức, các anh phải dẫn anh em chúng tôi đi thăm vài hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi cơ.
Trần Văn Đăng chỉ ngay vào anh Đỗ Đình Khương, nói:
-Anh Khương làm kinh tế giỏi đấy anh. Phùng Xá quê anh Khương là làng nghề dệt khăn mặt khăn tay. Gia đình anh ấy làm ăn khá lắm.
-Nghề dệt chỉ đủ ăn thôi anh. Mỹ Đức nhiều anh em Trường Sơn kinh tế khá anh ạ. Các anh về, chúng tôi dẫn đi gặp nhiều anh em làm ăn tốt lắm.
Tôi chìa tay bắt tay anh Khương, anh Động.
-Tôi hứa chắc chắn sẽ về thăm các anh vào cuối tháng 10. Tôi nói rồi lấy trong túi ra tặng các anh mỗi người 2 cuốn truyện của tôi: “Chết oan vì lời đồn” và “Đêm cuối cùng ở Trường Sơn”. Riêng Trần Văn Đăng tôi đã tặng hôm gặp vợ chồng Đăng ở cuộc họp mặt Tiểu đoàn Nữ Trưng Trắc, Hà Nội. Hôm ấy, tôi đã đề nghị hai cặp vợ chồng lính Trường Sơn “Tuy – Chí” và “Đăng – Xạ” cùng chụp chung bức ảnh kỷ niệm. Tuy và Chí ở Tiểu đoàn 102, E32 Sư đoàn 471. Tuy và Xạ cùng nhập ngũ và cùng vào Binh trạm 32 Trường Sơn một ngày. Hai nữ chiến sĩ Trường Sơn cùng lấy chồng ở Trường Sơn. Nhà Tuy nằm gần lớp học cấp II của tôi, nên tôi biết Tuy từ nhỏ. Tuy và Chí kết hôn muộn hơn Đăng – Xạ 2 năm. Tuy và Chí cưới nhau khi Sư đoàn 471 chúng tôi đóng quân ở Tổng kho Long Bình, Đồng Nai. Tôi lấy cuốn sách ảnh “Hội Trường Sơn – 8 năm một chặng đường” ra tặng vợ chồng Đăng – Xạ. Trang 46 của cuốn sách có bức ảnh tôi chụp hôm nào hai cặp uyên ương ở Trường Sơn: Đăng – Xạ và Tuy – Chí. Vợ chồng Đăng – Xạ khá bất ngờ về món quà này.
Đăng dẫn tôi đi thăm cơ ngơi của anh. Liền kề phía sau ngôi nhà chính của anh là ngôi nhà mà vợ chồng anh xây cho vợ chồng cậu con trai thứ hai. Ngôi nhà này cũng 3 tầng, tọa lạc trên diện tích 800 mét vuông. “Cháu trai thứ hai là giáo viên THPT. Hôm nay cháu phải đi coi thi nên không thể ở nhà để đón các bác được”. Phía bên kia đường, đối diện với ngôi nhà của con trai thứ, Trần Văn Đăng khoe đang cho xây dựng ngôi nhà thờ và 2 phòng ngủ. “Vợ chồng em ít bữa nữa sẽ vào đây ở cho yên tĩnh tuổi già anh ạ”. Đăng nói.
-Như vậy là Đăng xây tới 5 ngôi nhà? Mình bái phục cậu đấy!
-Anh không biết đâu. Năm 1984 em phục viên, quân hàm Đại úy. Hai vợ chồng chả có gì. Thời bao cấp mà, khổ lắm anh ạ. Bọn em xoay sở làm đủ thứ để nuôi 5 cháu ăn học nên người…
-Tớ bái phục vợ chồng cậu. Đẻ ngần ấy con mà cháu nào cũng tốt nghiệp đại học. Hình như có 2 cháu là Thạc sĩ phải không? Tôi hỏi lại. Đăng gật đầu:
-Làng em là làng Đồng Văn mà anh. Không nhà nào ở thôn em con cái không tốt nghiệp đại học, anh ạ. Truyền thống hiếu học từ xa xưa rồi. Thế nên làng mới có tên là Đồng Văn.
Tôi biết, nhiều năm nay, Đăng có nghề làm cây thế và làm đá cảnh phong thủy. Anh đã làm hàng trăm vườn đá cảnh cho nhiều gia đình, nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhiều nơi. Còn Xạ thì có quầy bán thuốc tại nhà… Cây và đá đã cho vợ chồng Đăng cái cơ ngơi hôm nay mà trăm người ước muốn. Nhưng điều mà tôi cảm phục nhất ở người đồng đội là ý chí vươn lên của một người lính Trường Sơn trong anh. Nghề của anh hoàn toàn không phải nghề gia truyền. Anh tự mày mò học rồi lao vào làm và đã thành công. Cái quan trọng nhất là ý chí, tầm nhìn về hướng đi. Xã hội phát triển. Cuộc sống giàu lên thì nhu cầu của con người ta về cái đẹp cũng phát triển theo. Đá cảnh và cây thế không chỉ để làm đẹp mà còn thể hiện sự hài hòa về phong thủy cho một ngôi nhà, cho một công sở, một doanh nghiệp… Mà cái đẹp thì rất vô giá. Vì thế mà cái nghề mới của chàng lính Trường Sơn Trần Văn Đăng cũng rất có giá… Tôi mừng thầm cho bạn…
Quay trở về ngôi nhà, Đăng nhìn đồng hồ rồi dục chúng tôi:
-Bây giờ bọn em đưa các anh và các chị ra tham quan đầm sen nhé. Đi muộn lát nữa trời nắng đấy.
Bà xã tôi và bà xã của Phạm Tiến Ích cùng hai cô em của bà xã tôi sôi động hẳn lên. Họ đã hẹn nhau từ trước khi lên đường: Mang áo dài để chụp ảnh với đầm sen mà. Trước khi ra thăm hồ sen mọi người đứng trước cổng ngôi nhà của vợ chồng Đăng Xạ chụp mấy bức ảnh kỷ niệm về ngôi nhà bề thế, rộng đẹp này.
Đầm sen An Phú cách không xa nhà Đặng Xạ. Nó rộng tới mấy chục héc - ta. Nó đang được quản lý bởi Đoàn Thanh niên xã An Phú. Ở đây mùa này có khá nhiều dịch vụ phục vụ khách tham quan. Đặc biệt là có quầy chụp ảnh và in ảnh kỷ niệm đầm sen lên áo phông phục vụ khách du lịch. Mùa này sen đang nở. Hương sen thoang thoảng thơm trong gió. Gần một giờ “vật vã’ chụp ảnh và thăm đầm sen chúng tôi trở lại ngôi nhà Trần Văn Đăng ăn trưa. Nhiều gia đình không quên mua những bó hoa sen. Ngày mai là Mồng Một âm lịch mà.
Hôm nay, vợ chồng Đăng Xạ thiết đãi anh em chúng tôi nhiều món ăn thật ngon. Ốc nhồi om gia vị, lươn cuốn thịt với lá mướp, vịt cỏ Vân Đình quay… Bên mâm cơm, nhiều câu chuyện chiến trường, nhiều ký ức cứ tuôn trào…
Trước lúc chia tay, Trần Văn Đăng dặn đi dặn lại chúng tôi: "Mỗi năm các anh các chị cố gắng hai ba lần về đây như thế này nhé!". Tôi cười: "Sẽ cố gắng!".
Chia tay các anh, tôi rất vui. Vui vì không chỉ được gặp lại những đồng đội năm nào mà còn vui vì ai trong các anh cũng có gia đình đầm ấm, hạnh phúc, kinh tế phát triển. Con cháu các anh đều trưởng thành, được học hành nên người. Đấy là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất mà những người lính Trường Sơn chúng ta đều mong ước. Niềm vui của tôi còn được nhân lên khi biết, các anh - những đồng đội của tôi khá thành đạt, hôm nay họ lại hết lòng vì đồng đội. Các anh đều đang giữ trọng trách Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Mỹ Đức.
PTL
Bức ảnh chúng tôi chụp kỷ niệm bên đầm sen.
Bức ảnh đồng đội tôi chụp bên đầm sen: Từ trái sang: Đỗ Đình Khương, Nguyễn Công Chiếm, Hoàng Văn Động, Nguyễn Văn Khuyến, Trần Văn Đăng và Chủ tịch xã Đồng Tiến Nguyễn Văn Biết.
Bức ảnh các phu nhân của chúng tôi chụp kỷ niệm khi thăm đầm sen.
Bức ảnh kỷ niệm trước ngôi nhà ba tầng bề thế của đồng đội Trần Văn Đăng, Phó Chủ tịch Hội TS huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Hai đồng đội đồng niên: Thành Long và Đình Khương (Phó Chủ tịch Hội TS Mỹ Đức).
Đồng đội chúng tôi gặp lại nhau tại gia đình Trần Văn Đăng, thôn Đồng Văn, An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội.
Chúng tôi chúc nhau sức khỏe trong ngày gặp mặt đồng đội.