Những điều nhớ về Trường Sơn yêu dấu...

Ngày đăng: 09:24 16/06/2019 Lượt xem: 609
 Những điều nhớ về Trường Sơn yêu dấu...
CHU CÔNG DÂU
Hội Trường Sơn Đông Hưng, Thái Bình
                      
       Thế là đã xa Trường Sơn mấy chục năm rồi. Xa cái nôi đầy thân thương và biết bao kỷ niệm. Trường Sơn với chúng tôi, những người lính đã từng chia ngọt sẻ bùi cứ mãi mãi âm vang. Có thể những người của thế hệ trẻ hôm nay chưa hiểu hết được điều đó, nhưng với những người đã từng ®æ máu xương cho Trường Sơn hùng tráng, những người thấm đẫm mồ hôi cho Trường sơn xanh tươi thì suốt cuộc đời chẳng bao giờ nguôi ngoai quên được.
           Tôi bỗng nhớ. Đúng là nhớ chẳng bao giờ quên.  Sau mùa xuân Đại thắng năm 1975,  khi  đơn vị tôi đã trở thành đơn vị Anh hùng trong chiến dịch. Chúng tôi được lệnh trở lại để xây dựng con đường huyền thoại Trường Sơn. Mùa mưa năm ấy, mưa nhiều ngày  không dứt. Nước lũ ở ngầm Ly Tôn như gào lên đè bẹp bao gềnh đá. Nơi tôi ở, dòng sông cuộn vào, vấp phải một mũi đá to, tiếng nước xé lên ngày đêm như xé vải.  Chính gian phòng chúng tôi ở, gồm bốn chàng lái xe con, nước cứ muốn liếm đi. Đúng là nước đã xơi của chúng tôi cả một vạt rau xanh và đang có âm mưu liếm cả cột nhà. Phía bờ Nam Ly Tôn, thung lũng do đại đội 1 vận tải đóng quân, nước đã ngập tràn. Kho gạo của đại đội do chuyển không kịp nên năm tấn gạo ướt nước chảy ròng ròng. Xe ô tô ngập ngang bánh. Khốn nỗi mưa có ngớt đâu mà chuyển gạo mang lên xe ô tô. Lệnh của trung đoàn ngày hôm sau số gạo này phân phối cho các đơn vị để dùng ngay. Đường tắc. Nước mênh mông. Thế là cơ quan trung đoàn bộ và các đơn vị lân cận đành phải xơi gạo qua ngâm nước. Nấu cơm đến ngày thứ hai là biết ngay. Cơm chua. Cực chẳng đã, anh Cử, Trưởng ban Hành chính sáng tác ra món bún chua. Tổ nuôi quân oằn mình giã bột. Ối giời ôi, có đời thuở nào mà ăn bún suốt tám ngày. Bún sáng. Bún trưa, bún chiều.  Mâm nào cũng đầy hụ những bún. Anh Thái Sầm, Trưởng bộ phận tuyên giáo “Cáo ốm”, ăn cháo, ăn mì tôm rồi cũng phải xơi  bún  ngon lành. Anh hay đùa: Chị em nuôi quân giã bún trông"gớm" lắm.  Nhiều bữa, vui cùng chúng tôi, anh bảo: " Tớ, kỳ bún này sụt mấy cân".
Cũng ở chốn này, Lê Minh Hiệu, trợ lý chính sách, quê Quỳnh Khê, Quỳnh Phụ, Thái Bình lại có tài rèn luyện thật đặc biệt. Sáng nào cũng vậy, cứ thể dục xong là anh nhảy xuống sông tắm. Bất kể ngày nắng, ngày mưa, ngày nhiệt độ vỡ trời hay dưới mười độ C. Chỉ có một mình anh rèn luyện. Có bữa, tắm xong lên nhìn anh mà tôi cảm thấy thương. Hai hàm răng va vào nhau lập cập. Cả người run bần bật như bị sốt rét ác tính. Mặc, anh vẫn cứ thử sức với trời. Ấy vậy mà anh khỏe, chẳng ốm đau gì. Thật lạ. Cái thứ rèn khác người mãi mới bãi bỏ được, vì đến Thành Mỹ (Quảng Nam) đơn vị ở cách xa sông, chỉ có lạch nước nhỏ thì sao mà dìm người được. Sau, anh chuyển ra phía Bắc và lên Lai Châu.
        Có một lần về đại đội 2 công tác. Anh Tốn Đại đội trưởng cứ đùa tôi: Này chú mày, trẻ trung, chiều cũng xuống suối mà tắm chứ. Cái chữ "tắm " của anh nghe nó kéo dài lắm. Chả là, đại đội anh đóng quân khuất sau cái vụng nước của con suối. Khổ nỗi, suối chảy vòng quanh. Hai bên bờ suối cây cối um tùm .Sau giờ làm việc, cả một trung đội chiến sĩ gái kéo nhau ra suối. Cậy thế áp đảo, họ chẳng sợ cây rừng có mắt. Anh Nhung, đại đôi phó bảo: Thế này, chỗ vụng kia nếu không có nước chảy khéo cá chết mất. Rồi anh cười vang.
          Tôi vẫn nhớ cái dáng điệu của anh Nhung. Với cái nhìn xa xăm diệu vợi…Thời tiết  ở Trường Sơn thât là khắc nghiệt. Đã hai năm anh chưa được nghỉ phép. Da đen đi nhiều. Cô vợ ở quê, mới cưới, thời gian ở với nhau chưa được là bao. Công việc thì ngập đầu. Mà mưa thì mưa tối ngày. Nắng thì nắng như muốn bong cả lớp da.  Rồi, việc gì đến cứ đến. Hôm ấy, mưa như trút nước. Ngầm Da Ka Rông, nước lớn,  xe ô tô không qua nổi. Trung đoàn 515 trụ ở phía ngoài,  đường cũng đã bị sạt lở nhiều đoạn.  Từ cầu Ta Lau về Trung đoàn 99 chỉ có cách duy nhất là đi bộ  Đúng cái lúc gay cấn  ấy, vợ anh Nhung vào thăm chồng.  Qua mấy người bạn đồng hương, điện xuống đơn vị, chàng đại đội phó đội mưa, vượt lầy đi đón vợ. Thế mới biết tình yêu đến với  Trường Sơn gian khổ mà cũng cao đẹp nhường nào. Trung đoàn trưởng Vũ Như Thường khi ngồi trên xe con đến làm việc với đại đội 2 đồng thời chở cả hai vợ chồng anh Nhung về đơn vị. Ông bảo: “ Mùa mưa , vợ anh nào vào Trường Sơn, lúc về,  đơn vị tặng thêm một Giấy khen”. Rồi ông cười, làm cả xe cũng cười theo. Chẳng biết sau chuyến đi thăm chồng đó, vợ anh Nhung  có “kết quả” gì  và có được tặng “Giấy khen” nào không? Nhưng với tôi, tôi cứ nghĩ,  những năm tháng ấy bao người phụ nữ đã  thủy chung chờ chồng, chờ người yêu, họ chẳng tiếc tuổi thanh xuân của mình. Chính Trung đoàn trưởng của tôi, ông cũng  bảo: Lấy vợ mười năm mà sống với nhau thời gian cộng lại chưa đầy hai tháng. Những người lính ra trận, còn những người vợ ở hậu phương lúc nào cũng hướng về mặt trận mong chờ. Họ mong chờ tin chiến thắng, họ mong chờ tin  những người thân yêu của mình.
               Tết năm Bính Thìn 1976. Một cái Tết khó quên. Chiều 29 Tết Chính ủy Nguyễn Duy Tâm bảo tôi: Cậu chuẩn bị xe tốt, mai ta đón Tết cùng anh em C2, D30. Ba giờ chiều, xe xuất phát. Buổi sáng, trời mưa như trút nước. Nhiều vũng nước trên mặt đường chưa kịp khô. Đường trơn, vì từ trung đoàn bộ vào các đơn vị phía trong đường đang mở. Qua D24, gặp ba chiến  sĩ vác từ trong rừng ra những cành cây, có hoa, trông  giống hoa đào, thật đẹp. Một số chiến sĩ gái khá tươm tất đang cùng nhau đi về lán đường dây thông tin của Đoàn bộ. Chắc là thăm đồng hương. Tôi đoán vậy. Chiều của ngày cuối năm, thời tiết dìu dịu,  hình như thời gian đi nhanh hơn. Không vội vã, mà  như muốn níu kéo cái thời khắc của năm cũ dài hơn. Trời vẫn tối rất mau. Cây bên đường im ắng. Mọi  người cũng về các đơn vị để dự bữa cơm tất niên của lính.  Chiếc xe con rẽ vào con đường nhỏ qua cái cổng chào làm bằng nứa và mấy cây gỗ tròn, tiến sát tới nhà Ban chỉ huy đại đội. Sau cái bắt tay của lãnh đạo đơn vị, tôi lủi ra ngoài bờ suối xem lính nhà mình chuẩn bị Tết ra sao. Thật bất ngờ. Sát mép nước, tiểu đội anh nào đang rán cá thơm phức. -  Lại đánh trộm rồi . - Không phải đâu. - Câu được đấy. Cuộc đối thoại ngắn với một chàng lính mà tôi chẳng rõ tên, không rõ mặt cứ chập chờn theo ánh lửa chốc chốc lại bùng lên. Đêm cuối năm, trời tối, ánh đèn dầu từ các gian nhà ở của lính sáng yếu ớt nhưng tỏa ra hơi ấm lạ thường, thoảng hương vị Tết. Rồi những tiếng lao xao, những tiếng chạm cốc chúc mừng một năm mới thắng lợi. Đêm ấy, tôi dự buổi liên hoan chào năm mới ở đại đội mà lòng dâng lên những nỗi niềm khó tả. Thì ra nỗi nhớ nhà cứ thường trực trong tôi, nhất là lúc giao thừa. Cả đai đội đỏ đèn đến chừng hơn một giờ sáng  mới tạm im ắng. Đêm chuyển của một ngày mới đã bắt đầu. Nó là giao điểm của cả một năm mới đầy niềm vui.
              Sáng, chúng tôi lên đường. Trời mờ sương. Nhìn dãy PêKe xanh bàng bạc tôi nhớ những ngày ở Sa Mưu, Đường Chín cũng màu xanh của điểm cao năm trăm trong dịp Tết năm ngoái mà chưa biết tình hình chiến sự ra sao. Bây giờ thì đổi khác rồi. Đất nước đã giải phóng, dẫu vẫn còn bao nỗi nhọc nhằn gian khó. Và chúng tôi lại tiếp tục sự nghiệp của mình trên Trường Sơn. Sáng mồng một Tết, đường vắng, lại vừa đi vừa ngắm cảnh nên xe đi rất chậm. Lên đèo Pê Ke cũng chẳng gặp người nào. Sang bên kia đèo, đường mới mở, gặp trời mưa trông mà ớn. Không có biển chỉ dẫn, không có người mà hỏi thăm đường, đành cứ theo vệt xe mới đi chiều qua tôi cho xe vào đường mới. Giời ạ! Mới đi một quãng ngắn xe patinê quay bánh tít mù mà không sao qua được. Nhìn trước, nhìn sau chẳng có ai. Tôi đi nhặt đá về kê vào bánh xe. Lại vù ga. Cũng không được. Chính ủy Nguyễn Duy Tâm loay hoay thế nào mà vác về một ống dẫn dầu to tướng. Kê đá vào, bẩy bánh xe. Cũng không lên. Đúng lúc đó có hai cô bạn bộ đội, quần áo tươm tất. Tôi đoán là đi chúc Tết. Chắc là bộ đội đường ống xăng dầu đi thăm đồng hương. Như chết đuối vớ được cọc, tôi vồn vã như từng gặp, từng quen lâu rồi: “Hai em ơi, giúp anh đẩy xe lên với”.  Thật may, hai bạn rất nhiệt tình. Cả Chính ủy nữa là ba. Hò dô, nào đẩy. Thật bất ngờ, hai bánh sau của chiếc xe Zep quay tít. Cả luồng nước lẫn cả bùn cuốn theo và vẩy đầy lên mặt, lên người hai cô bạn bộ đội. Xe vẫn không qua được chỗ lầy. Nhìn lại tôi không ga xe nữa, bởi các cô đã lấm hết cả rồi. Bao nhiêu lời xin lỗi cũng vô dụng. Tôi chỉ ân hận mình không dặn các cô đứng vào giữa phía sau xe thì làm gì đến nỗi. Và cũng ân hận chẳng kịp hỏi tên cùng địa chỉ đơn vị chỉ cảm ơn mà đến bây giờ sau bao nhiêu năm rồi vẫn còn áy náy. Cuối cùng thì xe cũng ra khỏi vũng lầy để đời ấy bằng chiếc xe húc của đơn vị 82 ra kéo. Trời quá trưa. Đói mền. Quần áo lấm hết. Có điều hình ảnh của hai người bạn gái cứ day dứt tôi hoài suốt mấy chục năm qua. Tôi láng máng biết các cô quê ở Thanh Hóa. Chẳng hiểu những dòng chữ tạ ơn này có đến với các cô không, nhưng nó cũng làm vơi đi nỗi niềm của Trường Sơn ngày ấy đối với tôi.
                       Vâng, Trường Sơn, mãi mãi là Trường Sơn của Trung Đoàn trưởng Vũ Như Thường, cả Chính ủy Nguyễn Duy Tâm, của tất cả anh Nhung, anh Sầm, anh Hiệu, anh Tốn và hai cô bạn bộ đội hết mực thương yêu kia. Không những thế, nó còn là chiếc nôi yêu của bao thế hệ những chiến sĩ anh hùng, dẫu họ chưa có tên trong bài viết nhỏ này. Họ hy sinh cả tuổi thanh xuân tràn đầy ước vọng cho Trường Sơn, cho Tổ quốc và có nhiều người nằm lại vĩnh viễn mãi mãi với Trường Sơn. Có thể nói Trường Sơn yêu dấu là thế.  Trường Sơn, với tôi luôn là niềm tin yêu và chứa chan hạnh phúc. Bởi vậy, lúc nào tôi cũng nhớ Trường Sơn.
 
                                                                                   CCD

tin tức liên quan