Đưa gia đình xem triển lãm "Kiêu hãnh Trường Sơn"

Ngày đăng: 05:08 22/06/2019 Lượt xem: 2.123
       ĐƯA GIA ĐÌNH THĂM “KIÊU HÃNH TRƯỜNG SƠN”

      Tôi có 2 đứa cháu nội trai. Hai cháu đều học giỏi. Một ngày chủ nhật giữa tháng 6 năm 2019, hai vợ chồng tôi quyết định đưa 2 cháu tới thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam – nơi đang trưng bày triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn”.
      Hai vợ chồng tôi lần lượt giới thiệu cho hai cháu nội về những gian trưng bày của “Kiêu hãnh Trường Sơn”. Tôi giới thiệu với hai cháu nội về hình ảnh, hiện vật liên quan đến các nữ chiến sĩ Trường Sơn trong chiến tranh; giới thiệu về những kỷ vật của bạn tôi - Liệt sĩ Hà Thị Tuyết Lan, người cùng tốt nghiệp lớp Y sĩ Phú Thọ và vào Trường Sơn một ngày với tôi. Chị đã hy sinh tại Binh trạm 37 Nam Lào; hình ảnh của tôi – bà nội 2 cháu trong gian trưng bày. Các cháu rất thích thú khi được xem bộ đồ khám bệnh ở Trường Sơn của tôi: Tai nghe, hộp đựng xilanh tiêm… Tôi giảng giải cho các cháu biết: Chiếc tai nghe kia bà nội đã dùng khám bệnh cho nhiều thương bệnh binh – đồng đội của bà ở Trường Sơn; chiếc xi lanh và kim tiêm kia, bà đã tiêm thuốc cho nhiều thương bệnh binh ở Trường Sơn…Còn ông nội Lê Văn Xuân của các cháu cũng đã vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1967 cho tới năm 1971...
     Tôi giới thiệu: Năm 1968 bà nội phải cùng đồng đội của bà hành quân mang vác ba lô nặng, trèo đèo lội suối vượt Trường Sơn suốt gần 3 tháng trời mới vào được nơi công tác. Đó là Bệnh xá Binh trạm 36 đóng ở Nam sông Bạc thuộc tỉnh Tà Ven Oọc nay là tỉnh Sê Công, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Hai cháu nội của tôi đã hỏi:
  • Sao ngày ấy các bà không đi ô tô cho nó nhanh hả bà?
  • Ngày ấy làm gì có sẵn ô tô như bây giờ. Mà nếu đi ô tô thì máy bay của Mỹ nó săn đuổi, bắn phá vô cùng nguy hiểm. Hàng triệu lượt bộ đội từ miền Bắc phải vượt Trường Sơn vào giải phóng Miền Nam như bà.  Nếu bây giờ đi xe ô tô chỉ mất 30 giờ thôi. Nhưng ngày ấy bà đã phải đi bộ vất vả, gian khổ như thế. Hôm nào cháu thử đeo ba lô sách vở của cháu đi lên từ tầng một lên tầng bốn xem có mệt không? Còn trên vai bà nội lúc đó nặng gần 30 ki lô gam trang bị cá nhân và đồ quân y. Đi bộ trèo đèo lội suối từ sáng tới gần tối mới tới được trạm dừng nghỉ đấy. Nghe thế, hai đứa cháu của tôi lè lưỡi kinh ngạc.
      Hôm ấy, khi gia đình chúng tôi đang xem triển lãm thì có mấy cô gái tây cũng vào xem triển lãm. Hai cháu nội của tôi liền “bắn” tiếng Anh giới thiệu với hai cô khách tây về bà nội trong ảnh triển lãm và bà nội đang đứng trước mặt họ. Hai cô du khách vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Họ đề nghị được chụp ảnh kỷ niệm với tôi trước tấm pano có hình ảnh của tôi, khiến tôi cũng bất ngờ.
       Sau ấy, hai vợ chồng tôi còn dẫn 2 cháu đi thăm các gian triển lãm của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để các cháu hiểu về truyền thống yêu nước và đảm đang của phụ nữ Việt Nam…
      Sau khi rời triển lãm, tôi hỏi các cháu:
  • Cảm tưởng của hai cháu hôm nay sau khi xem triểm lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” thế nào?.
     Hai cháu đều nói: “Rất thích và tự hào về bà nội ạ”.
     Vợ chồng tôi nhìn nhau mỉm cười. Thế là ngày chủ nhật hôm nay có ý nghĩa vì chúng tôi đã truyền được cho hai đứa cháu nội truyền thống của gia đình và truyền thống Trường Sơn Anh hùng. Ít nhất là các cháu cũng hình dung phần nào về Trường Sơn qua hình ảnh, hiện vật, qua lời kể về bộ đội Trường Sơn – đồng đội một thời của bà nội các cháu.
 
     CTV Nguyễn Thị Kim Quy.



Hai vợ chồng tôi và 2 cháu nội bên tấm pano giới thiệu hình ảnh các nữ chiến sĩ Trường Sơn trong đó có hình ảnh của tôi.



Hai cháu nội của tôi thích thú xem bộ dụng cụ quân y của bà nội ngày ở Trường Sơn.
 


Hai vị khách du lịch châu Âu gặp gỡ người trong ảnh và ngoài đời.



Hai bà cháu bên góc giới thiệu về những kỷ vật của Liệt sĩ Hà Thị  Tuyết Lan, đồng đội của tôi hy sinh tại Binh trạm 37 Nam lào.





tin tức liên quan