Những trận đánh ác liệt của chiến sĩ Đoàn tàu không số

Ngày đăng: 05:10 02/07/2019 Lượt xem: 722

NHỮNG TRẬN ĐÁNH ÁC LIỆT CỦA CHIẾN SĨ ĐOÀN TẦU KHÔNG SỐ.

           Ký của Phạm Tiến Đặng
Ấp 1, xã Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai


Buổi chiều sau khi cùng nhau đi thực địa về, chúng tôi thống nhất với nhau, kiểu dùng cơm tối "đèn nhà ai, người lấy rạng". Rồi như đã hẹn, 19 giờ tôi cùng hai anh Tư Quý, Ba Phong đến tư gia đồng chí Tư Việt - Chủ tịch Hội Truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Cà Mau. Nơi anh em CCB cũng như những cựu lính Đường Hồ Chí Minh trên biển đặt cho cái tên thân thương "Khu ăn nhậu bình yên của lính" ! Đó là một căn nhà cấp bốn, nằm sâu trong con hẻm cụt, nhưng có đủ trái cây, hoa lá cùng những đàn gà, đàn vịt được anh chị chăm sóc bằng lúa và các loại rau mà con người hiện đại ngày nay hay gọi nôm na là thực phẩm sạch. Chúng đủ để con cháu khi rảnh về cải thiện và đồng đội hứng lên kéo đến, vặt vài ba con làm mồi nhậu lai rai và cùng nhau đờn ca tài tử. Bốn chúng tôi cùng ngồi quanh bàn trà dưới mái vòm sân dịu mát, thoang thoảng mùi hương hoa nguyệt quế vừa nhâm nhi  nước trà, vừa nghe các anh Tư Việt, Ba Phong và Tư Quý những người lính chiến trên những con tàu không số năm xưa bắt đầu câu chuyện.      
          Tư Việt vào đề trước:
          -Thật tiếc hôm nay hai đồng chí Tân, Thơm đang ở Thành phố Hồ Chí Minh tuổi cao sức yếu không về được. Hai đồng chí này chính là những người lính đã cùng Thủ trưởng Bông Văn Dĩa đi chuyến tàu gỗ vận tải đầu tiên mang tên "Phương Đông 1" đưa 30 tấn vũ khí vào cửa Vàm Lũng tháng 10 năm 1962, bàn giao cho lực lượng vũ trang nhân dân Quân khu 9 an toàn. Ba chúng tôi ngồi đây hôm nay thuộc tốp thứ hai của đoàn tầu không số. 
          Tư Việt (Nguyễn Văn Việt) nhập ngũ tháng 4 năm 1965. Tham gia vào đoàn tầu không số với nhiệm vụ hoa tiêu, bởi anh học hỏi và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm đi biển từ người cha và các lão nông ngư phủ  - từ cách nhìn nước chuyển mầu, chim bay, cá bơi ngửa,  xấp, mầu mây... Là biết biển lặng bình yên hay đã gần có giông, có  bão. Tối đến nhìn các vì sao là định vị rõ hướng đi. Bởi thời đó chúng ta hoàn toàn không có trong tay những thiết bị hiện đại để trang bị cho những con tầu không số. Mà nếu có, cũng không thể dùng. Vì tầu và máy bay địch được trang bị hiện đại sẽ dò ra hướng di chuyển của tầu ta mà bao vây, tiêu diệt. Làm vậy thì có khác chi "lạy ông tôi ở bụi này". Trang bị cho những con tầu không số thời đó thật đơn sơ, chỉ với chiếc la bàn và tấm bản đồ hải phận. Đã lên tầu là tất cả dựa vào kinh nghiệm và lòng quả cảm, ý chí gang thép của người chiến sỹ HQND. Kể tới đó, Tư Việt dừng lại với tay lấy chiếc bình thủy nước sôi châm thêm vào bình trà cho bớt đặc, Nhấp ngụm nước trà, anh tiếp :
          -Chuyến trước, đó là vào một tháng giữa năm 1965, sau khi tụi tôi cặp bến Vàm Lũng giao hàng cho đơn vị tiếp nhận an toàn. Thủy triều lên, tàu chúng tôi lại âm thầm nhổ neo, lên đường vượt biển ra Bắc trong đêm tối. 
          Nơi chúng tôi ra tập kết nhận hàng là một khu vực cực kỳ bí mật ở vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Có thể nói nơi này "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Trong những ngày chờ bốc hàng lên tàu và anh em kỹ thuật điều chỉnh máy móc, trang thiết bị. Chúng tôi được nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe, giải trí. Nhưng không được tự do đi ra ngoài một mình. Xem phim đã có xe bịt bùng của đơn vị chở tới rạp, xem xong lên xe đưa tận vào trong doanh trại. Hàng ngày "Hợp tác xã" đánh cá chúng tôi vẫn kẻ vá, người phơi lưới. Sắp xếp chuẩn bị ngư cụ, đồ ăn, thức uống cho một chuyến đi đánh bắt xa bờ. Chúng tôi chỉ luyện tập các phương án tác chiến, cách xử lý, ứng phó và hội họp... khi màn đêm buông xuống.
          Bốc đủ hàng, con tàu hai đáy cõng trên mình gần trăm tấn vũ khí, khí tài. Trên mui là ngư cụ. Đêm xuống, mười sáu anh em "ngư phủ" trong thủy thủ đoàn chúng tôi âm thầm tạm biệt thành phố Hoa Phượng đỏ, nhổ neo xuất bến. Đầu tiên chúng tôi cho tầu đi về phía đảo Hải Nam, Trung Quốc rồi lách ra hải phận quốc tế, sau đó men theo vùng biển Philippines hướng vào vịnh Thái Lan rồi men theo biển Miền Nam lẫn vào các tầu, thuyền đánh cá. Chuyến vào bến  đó không biết có phải sơ sẩy phương hướng định vị do biển động, hay nàng tiên cá trên biển giỡn đùa che mắt, mà thuyền trưởng tụi tôi cho tầu đi lầm vào con rạch ngay sát một đồn địch. Tên gác trên chòi quét đèn pha sáng chói vào tầu, ra lệnh cho chúng tôi cặp vào bờ dừng lại. Một tốp lính do tên thiếu úy đồn phó chỉ huy nhảy xuống tay lăm lăm súng định khám xét tầu. Tên thượng sỹ có hai cánh tay xăm trổ rồng, phượng đến yêu cầu chúng tôi trình thẻ căn cước để kiểm tra đối chiếu. Nhìn thẻ và kiểm mặt từng "ngư phủ". Kiểm đến tên Nguyễn Văn N...ngụ tại...Tên thượng sỹ già bỗng nheo mày, gật gật đầu rồi mỉm cười ý nhị. Sau khi nghe cánh "ngư phủ" chúng tôi than vãn, rên rỉ một hồi vì biển động, tầu chạy lòng vòng máy hỏng. Tôm cá đánh bắt về ngày mai chắc gì vợ con đủ tiền mua gạo...Tên thượng sỹ già bỗng lên tiếng:
-Trình thiếu úy. Tôi đã kiểm tra kỹ, tất cả bọn này đều là ngư phủ quanh vùng. Việt cộng gì cái bọn nhìn mặt ngu ngơ, chất phác thế này biết ngay tụi nó không có lấy một con chữ, chỉ biết hàng ngày kéo lưới, quăng chài kiếm gạo.
Nói rồi tên thượng sỹ giục:
-Đ má tụi bay không biết chọn vài con cá ngon biếu ngài thiếu úy chút về làm mồi, nhậu vài ly cho đỡ mỏi lưng sao !
          Hai đứa "ngư phủ ngô nghê" tụi tôi vội vàng chọn mấy con cá ngon nhất kính lên ngài đồn phó.
          Bọn lính đồn theo chân tên thiếu úy nhảy lên bờ. Tên thượng sỹ già còn dặn với theo chúng tôi:
-Lần sau ra khơi, vào lộng phải cẩn thận. Thời gian này thượng cấp đã phát hiện có Việt cộng trà trộn. Không dính đạn Quốc gia, cũng dính đạn Việt cộng là khổ đó nghen! Sau này chúng tôi được cấp trên cho biết: Nguyễn Văn N...và người thượng sỹ già là bạn, cùng quê đều là cơ sở cách mạng của ta cài vào nội bộ địch. Đồng chí N trong một trận chống càn đã vô tình dính đạn của du kích hy sinh." 
          Ba Phong xen vào :
-Kể về trận đánh ác liệt một mất, một còn giữa tầu ta và tầu địch, thì anh Tư Quý đang ngồi đây là nhân vật chính. Còn tôi khi đó tham gia công tác với nhiệm vụ làm trinh sát, hoa tiêu dẫn đường.
          Tôi hỏi Ba Phong :
          -Anh kể cho nghe trinh sát và hoa tiêu dẫn đường của người lính đoàn tầu không số là làm những gì ?
          Ba Phong quê ở xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (nay là huyện Ngọc Toàn) tỉnh Trà Vinh kể:
          -Tôi nhập ngũ tháng tư năm 1967. Được phân công về ghe Thái Lan, do chú Ba Tam phụ trách ở bến Trà Vinh. Hàng ngày cũng như các ngư phủ bình thường ra biển đánh bắt cá tôm, câu mực. Nhưng nhiệm vụ chính là quan sát di biến động, thời gian, tần xuất hoạt động của tầu chiến địch. Cũng như phát hiện bọn chỉ điểm, gián điệp trà trộn trong ngư phủ... Tụi tôi thu lượm thông tin, nắm rõ tình hình rồi báo cáo cấp trên để có phương án xử lý. Khi nào tầu không số của ta chuẩn bị cặp bến, tôi được nhận mật khẩu từ cấp trên rồi bắt liên lạc và hướng dẫn cho những con tầu không số của ta luồn lách cặp bến an toàn. Đến năm 1972 do yêu cầu nhiệm vụ, tôi được điều về vùng biển Cà Mau tham gia chiến đấu tại Vàm Lũng cho đến ngày giải phóng.
Tư Quý từ đầu đến lúc này chỉ ngồi im lặng uống trà, lắng nghe anh em đồng đội kể chuyện giờ mới vào chuyện.
          -Quê tôi, nơi mà trước đây anh em lính mình hay chọc quê nhau "ăn rau má, phá đường tầu" - Thanh Hóa ấy mà. Từ giải phóng đến giờ tôi vẫn không về quê hương sinh sống. Nơi miền quê với đủ đầy bà con, anh em dòng họ. Quê tôi có con đê uốn lượn, trải dài ven bờ sông Mã và những lũy tre làng, nơi chiều về bao cánh diều bay lượn vi vu tiếng sáo… Đẹp lắm. Nhưng tôi vẫn quyết định cư tại vùng đất mũi này là bởi hai lý do: Một là tôi đã gắn bó với vùng đất và con người nơi đây. Đồng bào, bà con cô bác không những đã giúp đỡ, chở che cho tôi trong suốt cuộc đời binh nghiệp mà còn là quê hương của bà xã. Nhà mẹ vợ - cũng chính là nhà cơ sở cách mạng đã từng giúp đỡ, chăm sóc cho tôi khi bị thương, đau ốm trong cuộc chiến. Tôi và cô ấy có cảm tình, rồi yêu, cùng hứa sẽ đợi chờ và cưới nhau sau ngày giải phóng.
          Tôi nhập ngũ năm 1963, được tuyển luôn về đoàn tầu không số. Sau thời gian huấn luyện. Năm 1964, lúc này hạm đội 7 của Mỹ đã phong tỏa vịnh Bắc bộ. Chúng tôi đi hai chuyến bằng tầu gỗ vào Bến Tre giao hàng cho đơn vị tiếp nhận trót lọt, an toàn. Năm 1965, hai chuyến tàu vào Cà Mau bình an. Đến chuyến thứ 5, khi tầu chúng tôi từ vùng hải phận quốc tế hướng vào vịnh Thái Lan. Đêm đó trời trong, mây tạnh. Biển mẹ bình yên, dịu mát. Tốp thủy thủ xuống ca, xuống tầng dưới tranh thủ nghỉ ngơi, dưỡng sức. Những người lính trong ca trực chúng tôi vẫn luôn trong tư thế tỉnh táo, sẵn sàng trong mọi tình huống. Bỗng...trong sóng biển dập dờn trước mặt, xuất hiện ba tàu địch dàn thành gọng kìm vây quanh "tàu cá". Một tàu chiến Mỹ cùng hai tầu tuần duyên của Việt Nam Cộng hòa dọi pha đèn sáng lóa, tiến lại gần đòi kiểm tra tàu. Tốp anh em "ngư phủ" trên mui đã được đào tạo, huấn luyện rất kỹ từ trước hết sức bình tĩnh, khôn khéo "diễn đúng vai" của những ngư dân rủi do đi đánh cá - máy tầu bị hỏng, sửa chữa mãi nên về muộn. Hôm nay tay trắng về không, mai sớm chưa biết kiếm tiền đâu cho vợ con mua gạo. Một tàu địch sáp lại, mấy tên lính ngụy nhảy qua tàu, tay lăm lăm khẩu AR15 lên đạn rốp rốp. Phía dưới boong, những người lính đang nghỉ đã nhận được tín hiệu báo động. Trong tay họ những khẩu AK cùng B40 đạn cũng đã lên nòng. Tên trung úy toán trưởng nhìn đống ngư cụ còn ướt mèm đang long tong nhỏ nước trên boong, với vài chục ký cá con sống, con chết nằm chình ình trên ván, nghe lũ "ngư phủ" hiền lành, chất phác "ôn nghèo, kể khổ"... Chắc thấy động lòng. Hắn liền khoát tay ra lệnh cho lũ lính rút về tàu. Thuyền trưởng, người lớn tuổi nhất bọn, gọi tôi chọn ra ít cá ngon, gửi mấy xếp về làm nồi lẩu, bồi dưỡng cho có sức để canh chừng bọn Việt cộng trà trộn, giữ cho dân "ngư phủ" chúng tôi được hàng ngày bình yên ra khơi vào lộng. 
          Thoát qua tàu địch chừng hơn mười hải lý, hơn một giờ sáng, đảo Hòn Khoai đã mờ mờ hiện ra trước mặt. Thuyền trưởng cho tàu tiến sát gần bờ chỉ cách chừng một vài hải lý, rồi men ngược về phía cửa Vàm Lũng. Canh đúng đầu sáng, tàu bà con ngư phủ ra khơi là tàu ta sẽ trà trộn tiến vào. Sáng đó là vào mùa thu năm 1965. Cửa Vàm Lũng lặng yên. Những con sóng nhẹ nhấp nhô trên mặt biển. Thỉnh thoảng từng bày chim từ rừng đước dáo dác bay lên lượn vòng gọi bày inh ỏi. Cửa biển không một bóng thuyền. Với kinh nghiệm dầy dạn, cùng linh cảm của người lính biển chúng tôi biết đã có biến. Từ gần trong bờ, bỗng hàng loạt những khóm cây di động băng băng tỏa ra bốn hướng bao gọn tàu chúng tôi vào giữa. Những nòng súng trên tầu chiến địch chĩa thẳng vào con tầu nhỏ hai đáy của chúng tôi, nhưng tôi vẫn chưa "ngửi thấy mùi sẵn sàng khai hỏa" của những tên xạ thủ đang lô nhô núp sau ụ súng. Chắc chúng quyết bắt sống chúng tôi để thu hồi cho được con tàu gần trăm tấn đang chở đầy súng đạn và các loại thiết bị, khí tài. Trên trời trực thăng hạ độ cao quần sát rạt trên đầu. Chúng bắt đầu dải truyền đơn dày xếp lớp, trắng xóa trên boong tàu chúng tôi và nổi lềnh bềnh trên biển. Những ụ súng bên tầu chiến địch quay nòng uy hiếp. Từ máy bay và tàu địch vây quanh, chúng léo nhéo gọi loa chiêu hàng. Điều lạ là chúng gọi đúng tên chính trị viên, thuyền trưởng và hầu hết số anh em trong thủy thủ đoàn. (Sau này chúng tôi được biết kẻ phản bội chính là một người lính trong thủy thủ đoàn lần đó cáo bệnh xin ở nhà, vì mê gái. Đã bị chính một con “Thiên nga” cám dỗ mà quay lại phản bội tổ chức và anh em đồng đội). Tôi nhẩm đếm có khoảng gần 40 tàu tuần duyên và tầu chiến địch. Trong bờ, ba phân đội chiến đấu của ta được trang bị một số khẩu 12 ly 7 cũng sẵn sàng nhả đạn vào tầu địch, để chia lửa với những người lính thủy đang bị bao vây ngay ngoài cửa biển. Dân quân, du kích và những người dân trung kiên chuẩn bị sẵn sàng tiếp ứng, di chuyển, bảo vệ, chở che cho những người lính biển một khi bơi lọt vào bờ.
          Chính trị viên và Thuyền trưởng nhận định: Tầu địch vây quanh, nên chúng cũng không dám nhả đạn, sợ không trúng tầu ta mà gậy ông lại đập lưng ông. Nên quyết định bẻ lái cho tầu chạy lòng vòng lách qua tầu địch. Cuộc quần nhau, rượt đuổi giữa tầu ta và tầu chiến địch như tụi trẻ trâu chúng tôi khi còn nhỏ, chia làm hai phe thường tụ tập chơi trò bịt mắt bắt dê hay tập kích bắn bùm. Cuộc đấu trí giữa sống và chết, làm căng thẳng thần kinh tột độ nhưng cũng thật là thú vị. Lệnh của Thuyền trưởng và Chính trị viên: Nhằm giảm thiểu thiệt hại về người ở mức thấp nhất, cứ mỗi lần tầu ta lách vào gần bờ là vài ba thủy thủ phải thoát khỏi tầu, nhảy ngay xuống biển tìm mọi cách vào bờ. Cuối cùng trên tầu chỉ còn lại Thuyền trưởng, Chính trị viên và Máy trưởng sẽ gài bộc phá, phá hủy tầu - Quyết tử.
          Lần đầu tầu ta lách vào được gần bờ, ba đồng chí thoát tầu. Một đồng chí bơi được chưa đầy trăm mét, bị tàu địch xả súng bắn chết. Hai đồng chí vừa bơi vừa lặn đã thoát được vào bờ. Được dân quân, du kích đón ngay đưa vào vị trí an toàn. Địch đã phát hiện ra chiến thuật “câu giờ” của ta, luồn lách để thả người. Chúng gọi trực thăng đổ quân, dàn trận ven bờ biển hòng bắt sống những người lính thủy. Cuộc chiến trên bờ cũng vô cùng ác liệt. Một bên chỉ có ba phân đội chiến đấu của ta cùng một số dân quân, du kích. Bên kia là một tiểu đoàn biệt kích được trang bị vũ khí tận răng. Ngoài biển, sau ba lần tầu ta đánh võng luồn lách qua tầu địch đã nhả được chín "ngư phủ" xuống biển bơi vào. Lúc này cả địch và ta đã hết sức kiềm chế. Tầu địch bắt đầu bắn sát sạt trên đầu uy hiếp chúng tôi. Cứ sau mỗi loạt sung thì loa phóng thanh từ máy bay trên trời, từ tầu chiến địch lại léo nhéo kêu gọi ta dừng tầu để "hưởng lượng khoan hồng của chính phủ Quốc gia, được ưu đãi về lấy vợ đẹp con ngoan, nhà lầu xe hơi..." Lúc này trên tầu còn lại bảy cán bộ, chiến sỹ. Đã điên máu sẵn vì địch xả súng sát hại ba đồng đội chúng tôi ngay trước mắt, loa phóng thanh thì cứ léo nhéo điếc óc, inh tai kêu chúng tôi buông súng đầu hàng. Được lệnh chiến đấu từ Thuyền trưởng. Tôi rê ngay nòng súng B40 nhắm vào chiếc tầu chiến gần nhất siết cò. Miệng chửi “đm...mày, bố mày hàng nè”. Một cột lửa sáng lóe chùm lên ngay giữa thân tầu, kèm theo là những tiếng la thất thanh của quan, lính địch. Con tầu bị xé làm đôi tròng trành vài cái rồi chìm dần xuống biển. Ở mạn tầu bên trái đồng chí Chính trị viên của chúng tôi cũng vừa phụt trúng vỡ toác đầu mũi một tầu, nó chúi đầu ngụp sâu xuống biển. Thuyền trưởng đã bị thương, máu tuôn ướt đẫm tay trái, tay phải anh vẫn ghì chặt vô lăng bẻ lái cho con tầu chúng tôi luồn lách. Máy trưởng xả hết tốc lực, dừng, hãm bất ngờ phối hợp nhuần nhuyễn cùng Thuyền trưởng để thoắt qua tầu địch. Bọn tầu địch học ta cũng bắt đầu đánh võng, súng trên tầu chúng xả đạn qua tầu chúng tôi như vãi trấu. Thuyền thưởng bị thương lần thứ hai, viên đạn xẹt qua đầu, bứng luôn mảng da và tóc trên trước trán, trơ vùng xương trắng hếu, máu nhuộm đỏ lòm trên gương mặt. Anh vẫn lệnh cho thủy thủy còn lại rời tàu và quyết định hủy tầu được phát ra cùng một lúc. Ba đồng chí thuyền viên cùng lao xuống, lặn vào lòng biển. Thuyền trưởng cùng máy trưởng đã hy sinh. Tôi xin ở lại cùng Chính trị viên sống mái với quân thù và hủy tầu. Đồng chí Chính trị viên buộc tôi phải chấp hành mệnh lệnh rời tầu. Tôi quăng súng ra xa rồi lao mình xuống biển. Lặn qua tầu địch. Thấy tầu ta tắt máy, dừng lại. Tốp tầu địch tưởng ngon ăn, muốn lập được công “bắt sống được tầu vận chuyển vũ khí của Việt cộng”, liền sáp tới. Tôi vừa trồi đầu lên lấy hơi để lặn tiếp thì nghe một chuỗi tiếng nổ ầm vang, tạo lên xung động sóng đánh dạt những chiếc tầu chiến địch đang bám sát gần. Vũ khí trên tầu ta phát nổ làm tử thương thêm một số binh lính, sỹ quan địch, làm thủng thêm mấy tầu chiến địch.
          Chính trị viên, Thuyền trưởng, Máy trưởng của chúng tôi đã anh dũng hy sinh cùng với con tầu. Biển mẹ ôm các anh vào lòng. Sóng biển thì thầm ru những người lính Hải quân nhân dân kiên cường ngàn thu yên giấc!
          Tôi bơi vào bờ, lách theo rừng đước rậm rạp. Vừa di chuyển vừa căng tai, căng mắt quan sát động tĩnh xung quanh. Di chuyển ước chừng hơn một ki lô mét, tôi được anh em dân quân, du kích địa phương đón và đưa về hậu cứ an toàn.
          Tôi hỏi Tư Quý:
-Vậy trận nào quần nhau với tầu địch mà anh em ở đây thường nhắc về chuyện anh phụt tới 5 quả B40 nhấn chìm một lúc bốn tầu chiến địch ? 
          Tư Quý vừa nhấp xong ngụm trà, anh khẽ à lên một tiếng kể tiếp...

           (Mời đọc tiếp kỳ sau: Cà Mau mảnh đất tình người)

Một số hình ảnh từ Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh trên biển ở Cà Mau

  










































 
tin tức liên quan