Không chùn bước dù có thể hy sinh
Trong căn nhà nhỏ trên phố Nguyễn Viết Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào một buổi chiều mưa cuối tháng 7, chúng tôi được trò chuyện cùng Anh hùng LLVTND, Đại tá Âu Văn Hùng với nhiều kỉ niệm về một thời binh nghiệp hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng.
Quê gốc tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, chàng thanh niên Âu Văn Hùng nhập ngũ từ năm 1965. Khi đó, anh vẫn là học sinh trường bổ túc công nông và đúng đợt gọi tuyển quân vào lực lượng phòng không không quân. Trải qua nhiều vòng tuyển chọn và huấn luyện, Âu Văn Hùng được dự khóa học bay của Quân chủng Phòng không – không quân.
Tới tháng 9-1966, ông được cử sang Liên Xô dự khóa học bay với máy bay L-39. Do trong nước, cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra đang trong giai đoạn ác liệt, phi công Âu Văn Hùng cùng với các đồng đội phải học tiếng Nga cấp tốc trong khoảng 3 tháng để có thể hiểu được ngôn ngữ cơ bản.
Cảm giác lần đầu tiên được ngồi trong buồng lái để lái chiếc máy bay của ông dường như rất khó tả. Khi cất cánh lên, cả một đường chân trời hiện ra với khung cảnh thật kì vĩ giữa trời và đất mà chỉ có bay lên cao mới cảm nhận được.
Trong hai năm 1968 và 1969, ông được học các kĩ năng lái máy bay Mig-17, một loại máy bay chiến đấu có tốc độ và khả năng tác chiến cao hơn loại máy bay L-39. Phải mất khoảng nửa năm ông mới học xong lý thuyết để có thể lái được chiếc Mig-17. Quá trình học bay và huấn luyện rất kĩ càng và gian nan với những bài bay phức tạp, đòi hỏi phi công phải có thể lực tốt và tinh thần thép trong mỗi chuyến bay.
Tháng 10-1969, phi công Âu Văn Hùng hoàn thành khóa học và từ Liên Xô bay trở về nước. Ông được biên chế vào Trung đoàn không quân 923, Binh chủng Không quân và đóng quân ở sân bay Kép (Bắc Giang). Tại đây, ông tiếp tục được huấn luyện và cuối năm 1970 vào trực ban chiến đấu.
Năm 1975, ông được biên chế vào Trung đoàn không quân 927 thuộc Sư đoàn không quân 372 và tiếp tục được huấn luyện bay với loại máy bay Su-22 và máy bay A-37.
Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Tây Nam của đất nước, phi công Âu Văn Hùng đã xuất kích 50 lần và có 45 lần đánh trúng nhiều điểm mục tiêu. Mỗi lần nhận nhiệm vụ từ chỉ huy, ông luôn nêu cao quyết tâm chiến đấu và chiến thắng nên một khi đã lên buồng lái, trong tim mình chỉ có hai chữ “Tổ quốc” mà thôi. Dù có có thể sẽ hi sinh cũng không chùn bước.
|
Trong tâm tưởng của Anh hùng không quân Âu Văn Hùng, mỗi lần vào buồng lái máy bay chiến đấu trong tim chỉ có hai chữ “Tổ quốc” mà thôi. Ảnh: Khánh Huy |
Kí ức vợ chồng “gặp nhau lần nào cũng vội”
Trong dòng kí ức của mình về những năm tháng thời chiến đó, Anh hùng Âu Văn Hùng không thể nào quên được kỉ niệm về chuỗi ngày tháng rất dài vợ phải một mình sinh con, nuôi con và xa chồng.
“Sau khi được người thân giới thiệu cho một cô gái tên Chung học ở trường trung cấp cơ khí (gần khu vực sân bay Kép, Bắc Giang), tôi mới dần dần tranh thủ nói chuyện và tìm hiểu. Phải mất hơn một năm sau, cô ấy mới đồng ý lấy tôi và lễ cưới được tổ chức vào cuối năm 1973. Thời chiến nên vợ chồng cưới nhau một vài ngày là lại phải xa nhau, người Nam kẻ Bắc. Vợ hiền vẫn một lòng sắt son chờ chồng.
Chính do những lần về phép vội thăm vợ mà mãi tới đầu năm 1978, vợ chồng tôi mới sinh con gái đầu lòng. Lúc vợ sinh con, tôi không có mặt ở nhà (Phú Thọ, quê vợ) mà vẫn ở trong miền Nam chiến đấu ở mặt trận Tây Nam.
Thư từ cũng rất lâu mới đến nơi, nhưng khi đọc từng dòng chữ mà vợ gửi cho, nước mắt mình cứ rơi vì nghĩ tủi thân cho vợ và con mình, bố thì đi chiến đấu dài đằng đẵng chưa thể về thăm được, đành nhờ ông bà ngoại chăm vợ thay mình”, Đại tá Âu Văn Hùng tâm sự.
Bà Hoàng Thị Chung, SN 1952, (vợ Đại tá Hùng) cũng xúc động nhớ lại quãng thời gian vô cùng vất vả đó. Một mình mang nặng đẻ đau nhưng cố nén nhịn vì chồng phải đi làm nhiệm vụ do Tổ quốc và nhân dân giao phó.
“Khi ấy, cuộc sống còn khó khăn, một mình sinh con rồi chăm con ở quê nhưng nỗi nhớ chồng thì không thể nào kể xiết.
Thời chiến mà, có chồng đi chiến đấu ngoài mặt trận thì không biết sống chết lúc nào. Khi còn yêu nhau và lúc cưới, vợ chồng cũng tự nhủ rằng sẽ chấp nhận cả những hi sinh, mất mát miễn sao hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, với nhân dân và chiến thắng trở về. Chứ thú thật, người vợ nào ở hậu phương cũng đều có tâm lý lo chồng hi sinh ngoài mặt trận chứ không chỉ riêng mình.
Có một lần chồng tôi tranh thủ về thăm nhà đầu năm 1979, khi đó con gái lớn tôi được khoảng một tuổi lại nhất định không chịu nhận bố. Con cứ hỏi mẹ “chú nào đấy” chứ nhất định không cho ôm. Tối đến cũng không cho mẹ nằm ngủ cùng với bố mà còn đuổi ra ngoài.
Mẹ dỗ dành thế nào cũng không chịu. Thấy cảnh chồng chìa tay ra ôm con mà con lại tránh xa, lòng mình quặn thắt. Ánh mắt đượm buồn của chồng khiến tôi rưng rưng khóe lệ vì thương. Đến mấy hôm sau cháu mới quen thì bố lại phải lên đường chiến đấu…”, bà xúc động kể lại.
Nếm trải bao gian khổ, vất vả, hiểm nguy trên chiến trường, Anh hùng Âu Văn Hùng lòng lúc nào cũng hướng về người vợ yêu dấu nơi hậu phương và cô con gái bé bỏng. Mỗi khi vào buồng lái và cất cánh, những hình ảnh ấy luôn thôi thúc ông tiếp tục chiến đấu và chiến thắng, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao để trở về với gia đình.
Với nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, phi công Âu Văn Hùng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào tháng 2-1979. Hiện tại, vợ chồng ông có 3 người con với 8 người cháu nội ngoại.