"Sự hy sinh của Phụ nữ làng tôi" - Tác giả: VŨ HỒNG THÁI, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Thái Bình

Ngày đăng: 09:19 14/10/2019 Lượt xem: 986
SỰ HY SINH CỦA PHỤ NỮ LÀNG TÔI
(Viết về Người Thái Bình - Đất Thái Bình)

 Nét riêng quê lúa (ảnh minh họa)
         I. SỰ HY SINH
         Làng Bích Du, xã Thái Thượng nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi trân trọng và kính yêu làng như người thân yêu và bản thân mình. Đặc biệt, tôi trân quý, yêu thương và khâm phục những người mẹ, người thím, người chị, người cô, người em, người cháu là mẹ liệt sỹ, là liệt sỹ và là vợ liệt sỹ. Những người hy sinh suốt cả cuộc đời, cả thời chiến và thời bình.
         Họ đã từng và đã cùng người thương yêu đi xem hội Đền Hét mồng 8 tháng giêng, xem rước kiệu dâng hoa đêm Noel và đã chứng kiến trận thủy ngân giặc Pháp ném bom la fan cháy cả làng Bích Du. Hàng ngày họ cùng nhau trực chiến bắn máy bay, tàu giặc, cùng nhau làm ruộng, ra biển đánh bắt hải sản, cùng nhau sinh hoạt Đội, sinh hoạt đoàn …
         Nhưng vì chiến tranh do giặc Pháp, Mỹ gây ra họ phải xa hau và họ trở thành những người hy sinh của sự hy sinh. Bà Đỗ Thị Rú, mẹ nghèo không đất ở, phải ra dựng túp lều đắp tường đất ở bờ sông năm mươi, đánh dậm nuôi người con duy nhất đến khi 17 tuổi. Anh Đỗ Văn Sinh ra trận và mãi không về, mẹ Rú được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng.
        Bà Phạm Thị Muôn người phụ nữ tần tảo nhà chỉ cách nhà tôi con đường xóm, ngoài cấy lúa bà tranh thủ "buôn ngược bán xuôi" với các bà, các cô trong làng, sáng đi chợ Bái, chợ Cầu mua khoai, mua sắn, mua ổi, thị, na, chiều sang chợ Bàng chợ Gú, có khi mua cá gúng, cá thủ, cá bẹ về nướng đi chợ Vông, chợ Nụ, chợ Dành, chợ Thượng bán, cứ thế đi chợ quanh năm, đòn gánh trốc vai đến lỗi vai các bà u lên, đôi dép bằng lốp xe đạp cắt ra, quai như kiểu dép Thái Lan vẹt còn một nửa, ông nhà thì mải cùng các ông ngoài cày cấy là họp hành, tập luyện dân quân, thỉnh thoảng bốt Diêm Điền, bốt Cống Cát đi càn vào làng các ông xuống hầm bem, hoặc chạy ra rừng vẹt, lên đầm kênh.
         Nhưng rồi một đêm, bọn lính bốt Diêm Điền bắt lái đò 2 giờ chở bọn nó sang thộc vào làng Bích Du, chó cắn cứ tưởng người đi te vét biển, nó ập vào nhà ông Cảo, ông Thỉnh bắt hai ông đem ra kè Diêm Điền bắn, ông Cảo hy sinh, ông Thỉnh nghe tiếng nổ bắn em, nhao xuống sông Diêm, chúng bắn ông bị thương nặng cố bơi vào rừng vẹt được dân làng cứu, bà Muôn tần tảo một nách hai con, những năm đầu 1960 đê vỡ nước mặn vào đồng lúa không cấy được, bà xung phong cõng con đi khai hoang vùng Đông Bắc, nhưng khó khăn đủ bề mẹ con lại về, cái giường không có, bà tháo cái rương giữa nhà mà nằm, năm đói (1945) một cháu cách có dăm nhà chui vào, đói và rét cháu chết, khi có mùi mới biết. Muộn con gái lớn của bà phải nghỉ học phải đi nương nhờ cửa Phật, em là Bé tàn tật. Nhưng chịu khó chăm làm, có vợ đảm đang nay đã nên ông nên bà.
         Liệt sỹ Nguyễn Thị Sìu chị còn, nay độ tuổi 65 nhà chị sát nhà bà Muôn, nỏi từ thế hệ các anh chị tôi thường tụ họp thanh thiếu nhi hát: "Chúng mình cùng đoàn kết tiến lên", nhảy sạp, múa" Đây Liên Xô vui hát trên đồng hoa"… Sìu xinh xắn, hát hay, có 2 lúm đồng tiền, Sìu rất giỏi xới don (don lứa), xới día (con giá đỗ) Sìu đã bị thương do lần đại bác bốt Diêm Điền câu sang đang đêm nằm bên mẹ, mảnh ô bi phang cây cau đổ, phang qua mái rạ, lia qua giường chị Sỉu bị thương vào cổ và Sìu bị thương mất mảng bụng. Vì căm thù giặc, 16 tuổi Sìu xung phong theo tiếng gọi ba sẵn sàng làm chiến sỹ Trường Sơn, một năm gương mẫu chị vượt qua bom đạn cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đề bạt Tiểu đội trưởng. Nhưng chiến tranh đã cướp đi người con gái ưu tú của làng Bích Du khi Sìu vừa 18 tuổi.
         II. NHỮNG NGƯỜI VỢ LIỆT SỸ LÀNG BÍCH DU THỜI CHỐNG MỸ.
         Thời chống Mỹ tỉnh Thái Bình thực hiện "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Lớp lớp thanh niên ra trận, đa phần họ chưa lập gia đình, ấy vậy mà tôi nhẩm tính làng Bích Du cũng có 11 vợ liệt sỹ: Đỗ Thị Tươi vợ liệt sỹ Phạm Đức Nhạ; Vũ Thị Mách vợ liệt sỹ Bùi Đức Bồn; Nguyễn Thị Ẩn vợ liệt sỹ Vũ Văn Tuận; Vũ Thị Vân vợ liệt sỹ Bùi Bá Thin; Phạm Thị Miến vợ liệt sỹ Đỗ Quang Phán; Giang Thị Phin vợ liệt sỹ Bùi Đình Hách; Đỗ Thị Phiến vợ liệt sỹ Đăng Văn Thu; Phạm Thị Huê vợ liệt sỹ Đỗ Quang Nga; Giang Thị Mý vợ liệt sỹ Đặng Văn Hải; Đỗ Thị Chiền vợ liệt sỹ Giang Văn Hãn; Nguyễn Thị Miền vợ liệt sỹ Bùi Đình Thắng.
        Đêm qua nằm nghĩ 11 cặp đôi đặc biệt này cùng với trang lứa và thời ấy giá mình có tài thì phải viết được pho tiểu thuyết mới xứng. Thôi hãy viết gọn vài đôi đại diện nói lên sự hy sinh của họ.
         Vũ Thị Mách, con gái đầu chú ruột tôi, nhà ở bờ sông 50 (cánh đồng 50 mẫu). Mách giỏi giang đẹp người đẹp nết, ngoài chăm đàn em, Mách nuôi tằm, chăn ngan chăn vịt. Bồn con đầu, trưởng họ Bùi Đức, siêng năng lại có tài, riêng đánh rò bắt chim móc còng và chèo bẻo, chăn vịt đàn, kiếm cớ vào xin nước uống, thế rồi họ cưới nhau năm đầu những năm sáu mươi, nhờ trời được cháu đích tôn. Ông bà Rật và cả họ mừng lắm. Nhưng con được vài tháng - Bồn nhập ngũ, đi Nam, Mách chỉ nhận được một lần thư, nay cháu nội còn giữ. Mãi đến năm 1988 gia đình mới nhận được giấy báo tử Bồn hy sinh ở mặt trận Phía Nam sau 26 năm hy sinh Mách mong ngóng tin chồng, hy vọng nuôi con, học bổ túc, làm cán bộ phụ nữ, cán bộ hợp tác xã nông nghiệp. Năm báo tử chồng, Mách làm Phó Chủ tịch Uỷ ban xã. Đi họp huyện Mách biết có trường hợp báo tử rồi lại về, Mách đêm nằm cầu mong cái bằng Tổ quốc ghi công chồng sẽ có ngày trả lại, sang huyện họp ngồi đợi đò Mách khẽ nhẩm: "Tháng 9 nước vịn chân chung/ Sao anh đi mãi mà không thấy về/ Con đò vẫn đậu bến quê/ Sao anh đi mãi không về với em". Bao người thương yêu ngỏ lời nhưng chú tôi khuyên răn ở vậy, nay em đã 78 tuổi, là cụ nội rồi.
Giang Thị Phin - vợ liệt sỹ Bùi Đình Hách hai người cùng xóm Bạch Đằng. Phin đi biển giỏi hơn các bạn, ngoài xới día, xới don Phin còn giỏi sắn cá lèn, loại cá nhỏ hơn ngón tay nhưng mùa đông, mùa xuân béo mũm mĩm, nấu với củ chuối hột non, dấm mẻ, ít lá sắn thuyền thì thôi rồi. Hách - Phin họ để ý nhau từ ngày tham gia thiếu niên sao đỏ, đi tuần tra bờ biển lượn đài tâm lý, đi xem vật cầu. Năm ấy vật cầu xong là Hách lên đường. Hách ôm quả cầu lao vào nơi có Phin đứng và bất ngờ lao ra tung vào sọt bên hữu; Các cụ bảo năm nay được nghề ngư. Cuối năm Hách về phép trước khi vào chiến trường. Hai người sang hiệu ảnh Quang Dung chụp ảnh. Chị chủ hiệu thấy Phin đẹp, chị hóa trang và chụp cho Phin tấm ảnh kiểu Phi Nga trưng bày ở hiệu ai đi qua cũng hết lời khen. Không biết Hách ở binh chủng gì mà không thấy thư về. Phin lao vào công tác đoàn, thư ký đội sản xuất, chỉ trước ngày thống nhất một tháng có giấy báo Hách hy sinh, gia đình nhà chồng sót con, thương nàng dâu hiền thảo. Được quan tâm vào làm văn phòng Đảng ủy xã, trụ sở lại chuyển vào nhà đồng chí Diêm một cán bộ tích cực của xã, vợ đồng chí mất vì bệnh trọng. Sau mãn tang họ cưới nhau, giờ con đã đi làm Công an. Họ vẫn đi về gia đình nhà Hách giỗ chạp, gia đình quý Phin như con gái.
         Phạm Thị Huê - vợ liệt sỹ Đỗ Quang Nga. Bố chị Huê là anh mẹ tôi. Chị và Nga cùng trang lứa chúng tôi, cùng sinh hoạt Đội - Đoàn - Du kích - Làm đồng, đi biển, chị Huê khá xinh, thùy mỵ. Chị đi biển xới vọp, día giỏi, chị được mẹ dạy nghề đan cói, quài, bị, ró và áo bị cho người đi biển. Nga con nhà gia giáo đẹp trai, học giỏi câu cáy giỏi. Tối tối những  đêm trăng thanh chúng tôi Nga - Miên  - Thái lên gác chuông chùa Bích Du thổi sáo những  bài: Trăng sáng đôi miền, sòn sòn, sòn đô sòn, bài ca hy vọng… Khuya về tập trung du kích ở nhà ông Lặc, Sao đỏ ở nhà ông Roãn Chủ tịch. Đội thiếu niên Sao đỏ và trung đội du kích cơ động làng Bích Du hoạt động nổi tiếng giữ gìn an ninh, trực chiến bắn máy bay, và pháo ở bờ biển, ông Bùi Đình Ưng xã đội trưởng được đi báo cáo quân khu. Ấy thế mà mấy cặp nên vợ thành chồng: Nga Huê - Miến Lẫm - Miên Thiểm - Ấn Thuyết - Phố Diên và Miền Thắng. Nga nhập ngũ mấy tháng rèn luyện ở An Sinh - Kinh Môn rồi vào Nam không có thư về. Năm 1977 gia đình bố chồng chị Huê nhận được báo tử cả hai anh em Nga - Điềm hy sinh anh dũng ở mặt trận phía Nam. Chị Huê héo mòn, đi không vững. Bố mất sớm, mẹ thương con ốm quanh năm, chị xin phép về trông nom. Duyên số, chị tái giá với anh cán bộ miền Nam. Sau khi mẹ mất, chị theo anh vào trong đó ở tỉnh Phú Yên, noi gương cha mẹ cháu Hải trưởng thành là doanh nghiệp thành đạt.
         Đỗ Thị Chiền - vợ liệt sỹ Giang Văn Hãn. Cùng làm nhiệm vụ trực chiến bắn máy bay Mỹ ở ụ súng 12 ly 7 gần bến đò Diêm Điền có những  hôm Hãn đổi ca trực cho chị Cải để Hãn được trực với Chiền. Nhớ nhất cái hôm ấy cả bên này, bên Mai Diêm và pháo ở Trà Linh bắn, trúng một máy bay Mỹ, nó chúc đầu xuống láng cạnh mố đò, thằng Mỹ còn ngồi trong ghế rơi xuống ruộng đầm mới. Ông Mậu, Hãn, Cải, Chiền xông vào hô giơ tay lên. Nhưng thằng giặc lái đã chết. Ông Đức cùng du kích mang đi chôn ở gồ mả xây. Hãn nhập ngũ, được 8 tháng sau đợt luyện tập bắn đạn thật, Hãn bắn giỏi đơn vị cho về 3 ngày, hai gia đình thương hai đứa cho làm lễ cưới gấp gáp vào hôm thứ 3, mẹ Hãn chỉ kịp mua cho Chiền chiếc nón lá mới, HTX xã mua bán ưu tiên bán cho hai cây Tam Đảo anh trai Hãn mượn Hợp tác xã ngư nghiệp chiếc đài Phi Líp 3 băng cho vui. Cưới xong bà con trong xóm ở lại nghe đài đến hết Tiếng thơ, cho nên hai đứa đêm tân hôn chỉ được quá nửa! 5 giờ Hãn phải sang đò cho kịp xe về đơn vị. Do vội vã nên chẳng kết quả gì. Chiền làm đồng, ra biển còn vui, về nhà đêm đêm vòn võ Chiền cầu mong: “Chiến trường hòn đạn mũi tên/ Cầu mong anh được bình yên trở về”. Đợi và chờ đến ngày Cải xã đội phó sang huyện đội nhận di vật của Hãn. Cải run run đỡ chiếc gối có thêu đôi chim câu ngậm cành hoa và bộ quần áo bộ đội mới, thương hai bạn Cải òa khóc. Hai tháng sau xã chuẩn bị và chờ mẹ Hãn khỏi ốm mới báo tin và tổ chức báo tử. Tháng, năm cứ trôi đi, và sự thương cảm của ông bà Tỉnh cũng tăng theo với Chiền. Con mình hy sinh cho nước đã đành, bà nhắc ông - Ông tính sao? Ông bảo: “Lâu nay tôi đã nghĩ” bà cứ để tôi xin ý kiến ông Chủ tịch”. Khi gặp ông Roãn chủ tịch một con người cả xã kính trọng. Sau khi nghe, ông cảm ơn tấm lòng ông bố chồng, đồng ý cho mảnh đất cát ngoài đê gần hầm trực pháo. Chỉ mấy ngày hai gia đình làm cho Chiền 3 gian nhà trên, đi ra biển thì gần, nhưng đi xin nước thì xa. Ông lại ra lò gạch mua chịu mấy trăm gạch cho Chiền xây giếng, trời thương, anh thợ xây một buổi không xong, Chiền mời cơm anh để anh làm nốt. Thế là Chiền có được Lộc bây giờ. Dân làng người cười thì ít, người mừng thì nhiều. Cụ Tỉnh khỏe hẳn ra, Thế mà ngấn ngút chả mấy chốc, Lộc lớn mau học giỏi - đỗ Bách Khoa, yêu cô bạn cùng trường kém Lộc 3 tuổi. Giờ họ đều là kỹ sư cùng làm ở xưởng đóng tàu Diêm Điền, Chiền đã trở thành bà nội của hai cháu kháu khỉnh. Ai cũng bảo: nhờ Hãn phù hộ đấy.
         Nguyễn Thị Miền - vợ liệt sỹ Bùi Đình Thắng. Họ về bà nội, Miền gọi tôi là chú, anh chị Rĩu chỉ sinh được có Miền. Cả nhà chăm sóc nâng niu như nâng trứng, nhà không giàu nhưng sống gia giáo. Miền lớn rồi vẫn chưa muốn chuyển lên Đoàn, cứ sinh hoạt ở thiếu niên sao đỏ, cái Đội này được anh Sơn phóng viên Công an viết phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Thắng thì còn đi học lớp 9 ở Thái Hưng nhưng vẫn tham gia du kích cơ động, nhà Thắng khá hơn, mẹ bán dầu hỏa, anh Công làm may, hai cụ hiền lành có tiếng. Thắng trắng, cao như Tây. Sau Mậu Thân (1968), Thắng nằm lèo xin ông Roãn đi khám bộ đội. Ông chửi “Mẹ mày, chưa đến tuổi”. Nhưng nghĩ: “Thằng Công quáng gà ở nhà, cho nó đi”. Thắng mừng được khám chắc là trúng, nhưng phải giữ chỗ Miền, không khi lên Đoàn, anh khác hỏi mất. Thắng viết mảnh giấy nhờ Vo cô em họ cùng Sao đỏ đưa cho Miền, hẹn tối ra gốc thị, Thắng đợi đến khuya chẳng thấy Miền - Hôm sau Thắng lại viết nhờ Diên (rủ). Miền bảo “Tớ không ra gốc thị mà ở gốc nhãn góc sân đình. Nhưng cậu phải cùng ra cơ”. Tối ấy, Thắng đợi gần nửa giờ mới thấy hai cô Diên Miền tới. Thắng cứ định nói thì lại run bắn lên, Diên hích vai Miền, Miền đấm nhẹ Diên, một lúc Diên kêu “tớ chưa cắt gác, tớ về cắt xong tớ ra” rồi chạy đi. Thắng cố hỏi “sao hôm qua không ra?” Miền nói “hôm qua mẹ ốm”. Cuối sân đình mấy cậu tò mò lảng vảng hắng ho trêu, Thắng bảo Miền, ta ra đường. Thắng đi trước Miền đi sau, Thắng bảo chim khách lại về làm tổ trên gác chuông chùa. Miền nói: em có thấy đâu. Thắng lùi lại đi sau, nhìn xuống ruộng: “Lúa tốt nhỉ?”. Mà lúa tốt thật, sắp trổ đòng, sương xuống mướt lá, đến hàng bà Đỡ, Thắng bảo Miền vào nói chuyện, Miền ứ vào, Thắng vào bê chiếc ghế dài ra, Thắng ngồi, Miền vẫn đứng. Thắng kéo vạt áo Miền mới ngồi nhưng cách ra đầu ghế. Thắng bảo 5 hôm nữa tớ đi, Miền bảo: đã biết đơn vị nào chưa, Thắng bảo mình thích đi Hải quân không biết có được không. Miền bảo anh chị Cải đi đặc công đấy. Đột nhiên mấy chú chuột rúc rích chạy qua chân Miền kêu, Miền kêu trời, ôm lấy Thắng,Thắng được dịp ôm chặt Miền, mấy hôm sau Miền sợ không dám gặp Thắng. Mai Thắng lên đường Miền mới nhận lời gặp ở gốc thị bên đường, Miền dúi cho Thắng chiếc khăn mùi xoa bằng vải phin lõn, bốn xung quanh dua chỉ đỏ hình núi, nhờ anh Miên vẽ cho hai con chim bồ câu con đậu, con bay rồi chạy về nơi tập trung. Thắng đi rồi, Miền nhớ, Miền thương và ốm ngây ngây. Miền lo lắm, bố biết thì chết mất, tại mấy con chuột. Rồi một tháng, hai tháng, ba tháng, mẹ bảo: ốm ở nhà không đi tập trung nữa, bà nấu cháu hà cho hành, tía tô, đánh cảm vẫn không đỡ, linh tính bà sờ bụng Miền, bà giật mình, bà khép cửa buồng, rít răng “Con ơi, bôi do trát trấu vào mặt bố mẹ rồi. Ông ấy giết cả mẹ con thôi”. Rồi bà ôm Miền không dám khóc thành lời. Những ngày sau đó hai mẹ con căng thẳng. Phá hay để, phá thì thất đức, bà giỗ Miền xem của ai, khi nghe, bà thương hai đứa, nhưng sợ, nó gì đã nhận, giờ lại đi xa, nhà người ta thì danh giá. Trưa qua ăn cơm xong, Miền đi rửa bát, ông nhắc bà: con nó ốm sao mà xanh vậy? bà lo quá. À ốm của con gái ấy mà, tối ấy bà sờ, không chửi mà chỉ lo. Miền cởi bao tượng cho dễ chịu nói: Bu ơi, chiều con ra hiệu may cắt áo, bác Công anh của Thắng bảo con xuống nhà ông bà muốn gặp, (không cho ai biết). Con xuống, bà kéo con lại gần vuốt tóc con, ông đưa cho con tờ giấy bảo: cháu đọc đi, con cầm mà người run bần bật, đúng chữ anh Thắng rồi, con vừa lau nước mắt vừa đọc”… Thắng bảo con xin lỗi bố mẹ, nếu Miền có mang độ 4 tháng thì đó là của con đấy. Nếu bên nhà Miền đồng ý con làm rể, con xin bố mẹ và anh chị chăm sóc cháu cho con…” Con không đọc được nữa, bà kéo con vào vỗ vai con, “Cháu yên tâm, ông sẽ lên thưa chuyện với ông bà, bà dặn: "con đi lại cẩn thận". Mẹ Miền thở phào, nhả bã trầu bà chửi yêu: Cha tổ cô! Bác Công bảo con: hôm xưa Moóc vào đưa thư này, Moóc ở xóm ngoài làm liên lạc tiểu đoàn, thủ trưởng ra họp, Thắng viết thư nhờ Moóc, nếu về được thì mang vào, nếu không mới gửi bưu điện, đơn vị vào đến Quảng Bình rồi. Mươi hôm sau, ông Kiệt, bác Công lên thưa chuyện với ông bà Rĩu. Cả làng nghe chuyện ai cũng bảo - Phúc đức quá. Tháng sau ngày đẹp họ Bùi cưới Miền về làm dâu, đám cưới đặc biệt là vắng chú rể mà đông vui quá. Miền sinh con lại đẹp hơn. Hai gia đình quý cháu hơn vàng, Miền được xã bố trí dạy vỡ lòng và công tác phụ nữ thôn, chỉ tội không biết Thắng ở chiến trường nào mà không có thư, có địa chỉ để viết cho Thắng. Thống nhất một năm rồi mà không thấy về, Miền phải nói dối con, bố con được đi học, học xong bố về. Rồi cuối chiều đông 1977, Đoàn cán bộ xã, thôn tới nhà báo tin - Thắng đã anh dũng hy sinh ở mặt trận phía Nam năm 1973, cả hai họ, bốn bên, cả làng thương mẹ con Miền, thương Thắng một người cha yêu thương con nhất mà chưa được bồng con ! Có lẽ Thắng đã phù hộ cho mẹ con Miền, cháu Thịnh lớn lên chăm ngoan học giỏi, hai sự tinh túy của Thắng, Miền đã hội tụ vào Thịnh. Năm 1986, Thịnh được xã cho đi học ở Nga giờ cháu làm việc ở Hà Nội, Miền đã thành bà.
         Hàng năm cứ ngày 27 tháng 7, hội vợ liệt sỹ xã Thái Thượng lại họp mặt ở nhà chị Phin, tuy gặp nhau luôn. Vậy mà khi họp mặt không đủ thì giờ mà kể, mà hỏi. Các chị vui cho nhau, vui cho con cháu trưởng thành. Vui với sự đóng góp cho làng, cho xã một vùng quê xưa nước mặn đồng chua, giờ là xã anh hùng - xã đạt chuẩn Nông thôn mới, vừa qua được Thủ tướng phê duyệt là khu kinh tế của tỉnh, của cả nước. Đúng là có sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ mới có hôm nay, trong đó có sự hy sinh cả đời của các mẹ, các chị liệt sỹ và vợ liệt sỹ. Vũ Thị Mách nói: Tôi đọc ở Bản tin của Tuyên giáo tỉnh về sự hy sinh, có lẽ Việt Nam đứng vào hàng đầu thế giới, chỉ tỉnh Thái Bình từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới ngày đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đã có hơn 40 vạn lượt người ra trận, hơn 51 ngàn người con anh dũng hy sinh, hơn 5000 mẹ Việt Nam anh hùng, trên 32 ngàn người là thương binh, bệnh binh; gần 3 vạn người bị nhiễm chất độc da cam đi ô xin, gần 6 ngàn người bị địch bắt tù đày. Có thể nói tỉnh ta không gia đình nào không có sự hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có sự đóng góp nhỏ bé của người thân yêu và chị em mình. 
Ghi chú: Tôi viết bài này để tỏ lòng biết ơn phụ nữ,  nhân ngày Phụ nữ  Việt Nam 20/10 và 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/2019; 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.

VŨ HỒNG THÁI
Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Thái Bình
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam
Số nhà 35/70 - tổ 5 - phường Bồ Xuyên - TP. Thái Bình
Điện thoại: 0913.291.342
Email: vuhongthaits@gmail.com

tin tức liên quan