Gặp các vị tướng trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào

Ngày đăng: 08:21 06/12/2019 Lượt xem: 716


        Gặp các vị tướng trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào

 

                                      Nguồn: Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng

 Đại tá Phan Hữu Đại, nguyên Chính ủy Sư đoàn Ô tô vận tải 571, Bộ tư lệnh Trường Sơn nay đã hơn 90 tuổi. Khi được đặt câu hỏi: Bác đã có 10 năm chiến đấu ở Trường Sơn thời chống Mỹ, vị tướng nào nhiều kỷ niệm nhất với bác? Ông cười vui vẻ nói: Tất nhiên là ở Bộ tư lệnh Trường Sơn tôi có nhiều kỷ niệm với Trung tướng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Còn trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, đơn vị tôi trực tiếp phục vụ chiến dịch. Ngày đó, tôi tuổi 40, là Trung tá, Binh trạm trưởng kiêm Chính ủy Binh trạm 27 nên được gặp, làm việc trực tiếp với nhiều vị tướng chiến trường. Và ông kể...


 

Năm 1971, Mỹ-ngụy biết không thể dùng không quân để chặn tuyến vận tải của ta trên đường Trường Sơn, đồng thời muốn gỡ thế bị động ở chiến trường miền Nam và giành một số thắng lợi về quân sự để có tiếng nói trọng lượng trên bàn Hội nghị Paris về Việt Nam, chúng mở cuộc hành quân quy mô lớn mang tên “Lam Sơn 719” tại Đường 9-Nam Lào. 

Đại tá Phan Hữu Đại tại nhà riêng ở Hà Nội. Ảnh: HỒNG HUÂN

Cuộc hành quân này nhằm cắt đứt toàn bộ khu trung tuyến của Đường Hồ Chí Minh, cắt cái “dạ dày” Quân Giải phóng miền Nam và ngăn sự chi viện của miền Bắc. Đầu năm 1971, chúng tôi được Bộ tư lệnh Trường Sơn thông báo tình hình như vậy và giao nhiệm vụ vẫn vận chuyển trên Đường Hồ Chí Minh như cũ, có thêm vận chuyển trực tiếp phục vụ Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Chiến dịch mang mật danh B70.

Vị chỉ huy đầu tiên tôi gặp là Đại tá Phạm Hồng Sơn, Phó tư lệnh Mặt trận Đường 9-Nam Lào (sau này là Trung tướng, Phó giám đốc Học viện Quân sự cao cấp-nay là Học viện Quốc phòng), vào binh trạm để phổ biến tình hình. Anh hơn tôi hai tuổi, đậm người, bước đi nhanh nhẹn. Anh trải bản đồ và cho tôi biết những tin kỹ thuật ta mới nhận được. Sau khi giao nhiệm vụ cho binh trạm, kết thúc buổi làm việc, bỗng Đại tá Phạm Hồng Sơn hỏi tôi: “Anh Đại hình như quê Nghệ An, vì tôi nghe tiếng anh nằng nặng?”. Tôi thưa quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Ông cười, bảo thế là được gặp đồng hương. Ông quê Hưng Nguyên, bố vợ là nhà văn Đặng Thai Mai cũng người xứ Nghệ.

Vào chiến dịch, chỉ trong vòng 5 đêm, binh trạm của tôi đã đưa mấy trăm xe tăng, xe bọc thép, pháo cao xạ, pháo mặt đất... vượt cửa khẩu đến các khu tập kết của chiến dịch, chỉ bị một khẩu pháo gãy càng. Trong các đêm ấy, địch đã thực hiện 200 lần giội bom B-52 xuống cửa khẩu, vậy mà ta đưa được khối lượng xe, pháo như trên quả là kỳ công. Đại tá Cao Văn Khánh, Phó tư lệnh Mặt trận Đường 9-Nam Lào (sau này là Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng) đêm nào cũng gọi điện cho tôi hỏi về tình hình vượt cửa khẩu của tăng, pháo. Mỗi lần tôi báo cáo số lượng đã vượt an toàn, ông đều thốt lên những câu: “Tuyệt quá! Cảm ơn Binh trạm 27! Bộ tư lệnh mặt trận nhiệt liệt biểu dương các đồng chí!”.

Đợt 1 chiến dịch phản công của ta vừa kết thúc, tôi nhận được điện mời họp của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Đây là lần đầu tiên tôi được làm việc với Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nhưng trước đấy nhiều năm, tôi vẫn ấn tượng mãi với một câu nói hóm hỉnh của ông hồi tôi còn ở Hà Nội. Hôm đó triển lãm chiếc xe ô tô du lịch mang tên Chiến Thắng do mấy nhà máy cơ khí trong và ngoài quân đội hợp tác sản xuất. Ông đến xem, có anh phụ trách triển lãm đến hỏi ý kiến. Ông nói thẳng thừng: “Chiếc xe của các anh nhìn lấc cấc lắm!”. Cách ông dùng chữ thật khác người. Tôi còn được nghe chuyện của Thiếu tá Ngọc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Xe 101 kể lại. Thời điểm gặp ông, tiểu đoàn anh vừa bị đánh cháy 20 xe ở cua chữ S trên Đường 9. Ông đi kiểm tra, biết sự việc tức giận nói sẽ tước quân hàm của anh. Ngọc gỡ ngay quân hàm đưa ông, nói: “Lần sau có thể tôi sẽ mang đầu về nộp cho thủ trưởng”. Ông nhìn thẳng vào anh tiểu đoàn trưởng xe cứng đầu hỏi lại: “Anh nói như vậy là thế nào?”. Ngọc trả lời: “Tôi nói vậy là vì xe tôi trên đường vận chuyển không có pháo cao xạ bảo vệ, xe cháy, người cũng chết”. Nghe ra có lý, biết mình nóng nảy, ông làm lành, trao lại quân hàm cho Ngọc. Biết chuyện này, ai cũng khen Ngọc là người thẳng thắn, gặp được thủ trưởng Thiện là người biết phục thiện. Lúc đó làm việc trực tiếp với đồng chí Đinh Đức Thiện tôi cũng hơi... sợ. Nhưng ông rất chăm chú nghe tôi và một binh trạm trưởng đi cùng là anh Nguyễn Văn Lạn trình bày tình hình phục vụ mặt trận. Cuối cùng, ông hỏi có đề nghị gì không? Tôi đề nghị tổng cục cấp vài trăm chiếc đệm hơi khi vận chuyển thương binh nằm đỡ bị xóc và xin 100 áo giáp, mũ sắt cho lính lái xe tránh mảnh của máy bay AC-130 bắn đạn 40mm. Vừa đề đạt xong, thủ trưởng đã quay lại quắc mắt nói với hai trợ lý đi theo: “Các anh là lũ quan liêu, chuyên trò báo cáo láo, hiện còn hàng nghìn đệm cao su, mũ sắt, giáp sắt trong kho, sao không chuyển cho bộ đội 559?”. Buổi chiều cuộc họp xong, Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện mời tôi và anh Lạn ăn cơm. Khi chúng tôi xin phép ra về, ông vỗ vào vai hai chúng tôi thân mật dặn dò đi đường cẩn thận. Rồi chỉ sau hai ngày, mỗi binh trạm nhận một lúc hai đại đội xe Zil 157 mới tinh. Và khoảng nửa tháng sau đã thấy các thứ tôi đề đạt chuyển vào binh trạm. Thế là trong tay chúng tôi có lực lượng vận tải khá hùng hậu.

Sư đoàn Ô tô vận tải 571 chở hàng vượt Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Ba ngày sau, tôi lại nhận được điện của bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập để phổ biến quyết tâm mở đợt 2 của chiến dịch và giao nhiệm vụ cho Binh trạm 27. Tôi đi xe suốt đêm, đến 7 giờ sáng thì tới bộ chỉ huy đóng tại phía bắc Đường 16 bên dãy lèn đá. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Mặt trận Đường 9-Nam Lào (sau này là Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và Thiếu tướng, Chính ủy Lê Quang Đạo (sau này là Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị rồi Chủ tịch Quốc hội) chủ trì hội nghị. Tôi đã được nghe Chính ủy Lê Quang Đạo nói chuyện trong nhiều cuộc họp. Ông rất điềm đạm, khi trình bày vấn đề thường chặt chẽ, có sức thuyết phục. Vào cuộc họp, ông nói vắn tắt mấy lời khai mạc rồi nhường lời cho Tư lệnh Lê Trọng Tấn.

Tư lệnh Lê Trọng Tấn lần đầu tiên tôi được gặp, nhìn bên ngoài không có gì đặc biệt, mặt hơi gầy, không oai vệ như nhiều cấp tướng khác, cách nói thì giản dị chân chất, chắc chắn. Trong lúc biểu dương các đơn vị chủ lực cơ động của bộ, ông cũng khen ngợi và nhấn mạnh đến vai trò lực lượng tại chỗ của các binh trạm thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn. Sau khi đánh giá tương quan lực lượng, tay ông nắm lại, đặt trên bàn, nói: Chúng ta quyết đánh bại địch trong đợt 2 chiến dịch phản công này, vấn đề chủ yếu hiện nay không phải là cách đánh, vì nó đã được giải quyết một cách đúng đắn. Vấn đề là có bảo đảm hậu cần đầy đủ cho đến cuối của chiến dịch không... Rồi ông làm việc trực tiếp với tôi, chấp nhận tất cả những điều tôi đề đạt như: Cấp cho binh trạm hai chiếc thuyền sắt K61 để vận chuyển hàng qua sông Se Banghiang mùa nước lũ; thu gom đạn D74 còn bỏ lại các trận địa cũ để sử dụng ngay trong đầu chiến dịch và quy định giờ G cho toàn mặt trận là 5 giờ sáng, như vậy sẽ kéo căng lực lượng không quân địch, tạo điều kiện cho xe binh trạm tranh thủ vượt trọng điểm.

Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu được hai ngày, cũng là khi các kho đầy ắp hàng. Những ngày cuối chiến dịch, tin tức từ đài quan sát của binh trạm tới tấp bay về: Ta và địch đang quần nhau ở đèo 500, rồi ta đang đại phá Bản Đông... Chiến dịch vừa kết thúc, ở sở chỉ huy của binh trạm, tôi nhận được cú điện thoại từ Hà Nội giọng xứ Nghệ, tự giới thiệu tên Đạm, cán bộ tham mưu Tổng cục Hậu cần. Anh vui vẻ: “Xin thông báo với anh Đại là chị nhà đã sinh cháu, mẹ tròn con vuông”. Tôi đã có hai cháu gái, thực tình rất muốn có con trai, tuy vậy không dám hỏi thẳng mà hỏi một câu chung chung: “Cháu có khỏe không anh?”. Trả lời: “Hoàng tử khỏe lắm!”. Tôi bỗng thấy trong người phấn khởi, nửa tin nửa ngờ, hỏi lại: “Anh nói gì tôi chưa nghe rõ?”. Anh Đạm nói rành rọt trong máy: “Chị sinh cháu trai, cháu rất khỏe. Anh nghe rõ chưa?”. Tôi mừng quá, toát cả mồ hôi trán. Mấy anh em trong binh trạm biết chuyện xúm lại chúc mừng và hỏi tôi đặt tên cháu thế nào. Một anh bàn góp: Phải đặt cái tên thật kêu, như: Phan Đại Phá Bản Đông. Đúng hôm nay là ngày đại phá Bản Đông, nhưng tôi quyết định đặt tên con là Phan Trường Sơn và nói với anh em, tên này để nhắc nhở cháu lớn lên nối gót cha anh. Cậu Vượng, cần vụ của tôi cười bảo: “Nếu mùa khô năm ngoái cụ Nguyên (Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên) không giục thủ trưởng tranh thủ về Hà Nội mấy ngày thì làm gì có cuộc đặt tên hoàng tử hôm nay”. Tôi cười: “Thì chính cậu cũng muốn về nên giục tớ hăng hơn ai hết”. Rồi thầy trò cùng cười khì.


PHẠM QUANG ĐẨU
( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan