Ông Thăng nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Ông kể rằng, cha mình là người nghiêm khắc và kín tiếng. Hầu hết các câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của người cha, ông Thăng biết được qua mẹ và những người đồng chí cùng hoạt động với cha mình.
Ông Dương Mạc Thạch là người dân tộc Tày, quê ở Tổng Ngần - Gia Bằng, nay là xã Minh Tâm. Ông sinh năm 1915, trong một gia đình có 6 anh chị em. Vốn có tư chất thông minh, nhanh nhẹn nên ông được bố mẹ cho đi học trường tây ở phố huyện Nguyên Bình. Học hết lớp 4, ông về nhà. Nhờ biết chữ, ông Thạch được chính quyền Pháp cho làm công việc liên quan đến ngành tư pháp.
Ông Thăng kể: “Bố tôi lợi dụng việc này để hoạt động cách mạng bí mật. Tháng 8-1934, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh hoạt bí mật tại chi bộ Nậm Lìn (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An) - chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng. Bố tôi là đảng viên lớp thứ 4-5, lãnh trách nhiệm hoạt động ở Nguyên Bình để phát triển Đảng. Đầu tiên, bố tôi giác ngộ anh trai cả và em trai của ông, sau đó là những người khác. Ngày 15-11-1935, chi bộ Đảng đầu tiên của xã Minh Tâm được thành lập do bố tôi làm Bí thư. Để tiện cho việc hoạt động cách mạng, bố tôi xin gia đình cho xuống ở ngôi nhà gỗ mới dựng giữa cánh đồng hoang vu, gần một hang đá”.
“Năm 1940, tổ chức Đảng phân công đồng chí Võ Nguyên Giáp vào Minh Tâm công tác với danh nghĩa thầy đồ người Kinh lên đây dạy học. Bác Giáp mở lớp chính trị dạy cán bộ Trung ương và cán bộ tỉnh Cao Bằng một tuần ngay tại cái hang gần nhà tôi. Mẹ tôi cùng một người dân khác chính là người tiếp tế lương thực, thực phẩm. Hồi đó, mẹ tôi phải đi giã gạo khắp nơi để tránh con mắt dò xét của lính Pháp. Từ nhà tôi đi lên chỗ tiếp lương chỉ khoảng 300m, nhưng mẹ tôi phải đi lòng vòng, giả như đi ra đồng chăm sóc ngô” - Ông Thăng kể.
Trong những ngày hoạt động bí mật, ông Thạch không ít lần bị địch khủng bố gắt gao. “Có lần tới một cơ sở bí mật, ông bị lính Pháp vây. Ông nhanh trí nhảy ra sau nhà, lăn xuống dưới vực thoát thân. Lần đó, ông bị dây gai rừng cào rách hết da thịt, máu chảy be bét” - Ông Thăng hồi tưởng lại chuyện được nghe về bố mình.
Là người am hiểu địa bàn, năm 1941, ông Thạch được giao nhiệm vụ tìm chọn chỗ làm việc cho Bác Hồ tại Cao Bằng và bảo vệ Người một thời gian. Ông Thăng nhớ lại: “Bố tôi kể, Bác Hồ hóa trang tài tình lắm, ngay cả bố tôi gần gũi như thế mà cũng không nhận ra. Lần đó, bố tôi đưa Bác Hồ đi công tác. Bác bảo, Xích Thắng (bí danh của bố tôi) đi trước đi. Bố tôi đi một đoạn rồi ngoái đầu lại nhìn, không thấy Bác đâu. Ông sợ quá, quay lại tìm thì thấy một cụ người Nùng răng đen, mặc áo rách, đội nón. Bố tôi đang hoang mang thì thấy cụ già ra hiệu. Ông biết đó là Bác Hồ mới yên tâm đi tiếp. Cả hai người tiếp tục đi cách nhau vào thôn thì gặp 2 tên lính Tây. Bố tôi thoát qua, còn Bác Hồ thì bị khám xét. Tuy nhiên, Bác đã lường hết được những tình huống có thể xảy ra và luôn có kế hoạch dự phòng xử lý linh hoạt nên cuối cùng 2 tên lính phải để cho Bác đi qua. Đây chính là điều mà bố tôi học hỏi được ở Bác sau này”.
Ngày 22-12-1944, tại rừng Trần Hưng Đạo, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) được cử làm chính trị viên của đội. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp), đội quân non trẻ đã giành được 2 chiến thắng quan trọng đầu tiên tại Phai Khắt và Nà Ngần (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Sau đó, chính trị viên Dương Mạc Thạch đã cùng với Đội trưởng Hoàng Sâm chỉ huy đội đánh thắng trận Đồng Mu (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) - một đồn Pháp có hệ thống phòng thủ khá vững chắc vào ngày 5-2-1945. Đầu năm 1945, khi đội phát triển thành nhiều đại đội, đồng chí Xích Thắng được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy một đại đội hoạt động dọc đường 3b, vừa vũ trang tuyên truyền, vừa chặn đánh quân Nhật ở Nà Phặc, Hà Hiệu, Đèo Giàng...
Không chỉ giỏi về quân sự, ông Dương Mạc Thạch còn có tài vận động thuyết phục quần chúng. Khi tiến về Bắc Kạn, ông đã làm công tác địch vận ở xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn thành công. Ở đó, người Hoa kiều rất nhiều. Họ thành lập một đơn vị tự vệ, lúc Pháp mạnh thì theo Pháp, lúc Nhật mạnh, họ lại theo Nhật. Ông Thạch đưa thêm 2 chiến sĩ là người to khỏe, bắn súng giỏi cùng đi tới gặp ông trùm người Hoa nói chuyện. Tên này ra tận cổng làng gặp ông Thạch, hai bên là hai hàng lính bảo vệ. Bọn chúng yêu cầu ông để súng ở ngoài, không cho mang theo vào trong nhà. Ông Thạch đồng ý và dặn 2 chiến sĩ đi cùng mình không được phản ứng.
“Sau này, người cận vệ đi cùng bố tôi kể rằng, ông Thạch gan lắm. Vào hang ổ của kẻ đối địch mà ông vẫn cười nói rổn rảng, tâm thế đĩnh đạc như đang ở nhà mình vậy. Ông Thạch bảo trùm người Hoa: Bạn sang Việt Nam làm ăn lâu rồi. Thời thế thế nào thì phải theo thế. Bây giờ Việt Minh mạnh, Nhật, Pháp yếu rồi. Theo Việt Minh là con đường sống. Bằng này quân của ông không làm gì được Việt Minh đâu. Việt Minh đánh tới nơi rồi. Sau một hồi nói chuyện, trùm người Hoa đồng ý theo Việt Minh. Hắn nói: Việt Minh cần lương thực gì, tôi sẽ lo cho. Rồi chính trùm người Hoa dẫn ông Thạch ra tận chỗ để súng, lấy 3 khẩu súng mới tặng cho ông” - Ông Thăng kể lại.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Dương Mạc Thạch đã trải qua nhiều cương vị khác nhau: Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Bắc Kạn; Trưởng phòng Quốc dân miền núi của Liên khu I; Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Yên Bái; Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban hành chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang (giai đoạn 1951-1970)... Tháng 8-1978, ông được nghỉ hưu và từ trần 1 năm sau đó.
Với những cống hiến quý báu cho cách mạng, người chính trị viên đầu tiên của QĐND Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Còn với ông Thăng, di sản quý nhất mà cha ông để lại chính là tấm lòng sắt son, kiên trung với Đảng. Đó là tấm gương để ông soi vào và phấn đấu mỗi ngày.
Nguyễn Bích
PS st Theo Báo Biên Phòng