NHỮNG MỐI TÌNH ĐƯỢC ƯƠM MẦM TRONG LỬA ĐẠN, Ghi chép của Nguyễn Bá Thuyết

Ngày đăng: 06:06 30/12/2019 Lượt xem: 662
NHỮNG MỐI TÌNH ĐƯỢC ƯƠM MẦM TRONG LỬA ĐẠN
Ghi chép – Nguyễn Bá Thuyết
 
Lớp người đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, họ lên đường đi chiến đấu với hoài bão hướng về một ngày mai chiến thắng, cuộc sống tươi đẹp và phồn vinh. Mang trong mình tình yêu dân tộc, yêu quê hương thiết tha, trong đó có cả những tình yêu lứa đôi được ươm mầm từ trong lửa đạn. Vượt lên tất cả mọi ác liệt hi sinh, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã đến với nhau xây đắp nên những mối tình hết sức đẹp đẽ trước mũi súng quân thù.
           Tình yêu nẩy mầm trong lửa đạn
          Trên chuyến xe về thăm chiến trường xưa của cựu chiến binh (CCB) trung đoàn 10 (E10), có gia đình ông Nguyễn Thế Truyền và bà Đặng Thị Xuân Phượng, cùng anh con trai họ, bác sĩ Nguyễn Thế Thanh, đó là kết quả của tình yêu giữa người con trai quê Hải Dương với người con Gái Phú Yên, được ươm mầm từ chiến tranh. Ông Truyền cho biết, ông sinh năm 1944, tại Xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tháng 2/1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông nhập ngũ, cuối tháng 4/1963 theo đoàn quân Nam tiến vào Phú Yên chiến đấu. Đến chiến trường Phú Yên, ông giao nhiệm vụ Trạm trưởng trạm phẩu tiền phương của E10-Ngô Quyền. Ông đã theo đơn vị chiến đấu, gắn bó với nhân dân Phú Yên từ 1965 đến cuối năm 1968. Đã cứu chữa cho hàng nghìn lượt thương, bệnh binh. Đồng thời, cũng đau đớn chứng kiến hàng nghìn lượt đồng chí, đồng bào ra đi vì bom đạn, bệnh tật, thiên tai và đói khát. Trong gian khổ ác liệt ấy đã nầy nở một tình yêu không hẹn trước, ông Truyền đã gặp và đem lòng yêu thương một người con gái Phú Yên, đó chính là bà Đặng Thị Xuân Phượng, người vợ đang ngồi cạnh ông.
          Bà Đặng Thị Xuân Phượng, sinh năm 1949, tại Hà Bằng, xã Xuân Sơn, Đồng Xuân, 14 tuổi tham gia du kích, tháng 2/1966 được tuyển vào bộ đội, học lớp y tá, biên chế vào đội phẩu của E10. Tròn 17 tuổi, Xuân Phượng đẹp như một bông hoa, rực rỡ, làm say đắm không ít những chàng trai ở chiến khu. “Tuy nhiên, kỷ luật lúc đó rất nghiêm minh nên nam nữ thương nhau chỉ biết lén nhìn trộm, không dám thổ lộ”, bà Phượng lên tiếng. Theo bà Phượng ông bà đến với nhau được như bây giờ là do cái duyên trời định và vun đắp. Hồi đó, trên núi ấy mà, nam thì nhiều, nữ ít lắm, nói chung trên núi là phụ nữ ai cũng đẹp. Nên phụ nữ luôn được nam giới dành cho sự quan tâm đặc biệt. Rất nhiều người đẹp trai, có chức quyền để ý cô nhưng cô lại bén duyên với chú Truyền. Lúc đầu chú cứ bám theo, lời qua tiếng lại… Đùa hóa ra thành thật!. Từ đó, cứ có cái gì ngon như đường sữa, bán kẹo… chú thường tán tỉnh và được cô ưu ái mang cho. Có lần cô đi lấy gạo, cả nhóm người bị lạc đường. Đến tối sợ cọp ăn thịt tất cả phải leo lên cây ngồi chờ đến sáng ngày mai, trinh sát phải đi tìm dẫn đường về. Cô trách chú sao không đi tìm, giận cả tuần không thèm nói câu nào. Chú chỉ cười và nói rằng không phải nhiệm vụ của chú, và chú có muốn cũng không ai cho đi. Yêu là thế thôi, cô cũng biết cháu ạ. Ở chiến trường hồi đánh Mỹ không sợ hi sinh, mà lại sợ kỷ luật. Lạ thế, các cô chú cũng không ai giải thích nổi.
            Những mối tình vượt lên bom đạn
          Cuối năm 1968, sau trận ngày 04/05 tháng tháng 4 ở Mỹ Thành, Hòa Thắng, E10 được lệnh rời Phú Yên vào miền Đông Nam Bộ, mang theo cả mối tình của những người lính bước theo chiều dài của chiến tranh. Đầu năm 1970, ông Truyền được phân công đi học lớp cao cấp quân y, lớp học ở trên đất Campuchia, bà Phượng tiếp tục công tác tại cục Hậu cần, B2 Miền Đông Nam Bộ. Sau ba năm biệt tin nhau, cuối năm 1972, ông Truyền về trạm trưởng trạm phẩu tại Đoàn 320, Mặt trận B2. Được tin cô cũng có ở đây, ông Truyền đã đi tìm và thật may mắn, ông đã tìm được bà Phượng, người yêu ba năm về trước. Được sự tác thành của các thủ trưởng và đồng đội, tháng 3 năm 1973, một đám cưới của bộ đội Việt Nam diễn ra giữa núi rừng Campuchia, có sự chúc phúc của đồng đội Việt Nam và đồng bào nước bạn Campuchia: “Lục thum ca bờ buôn!. Nghĩa là ông lớn lấy vợ!.”. Đúng là trời đất sinh ra ông để dành cho bà, cha mẹ sinh ra bà để dành cho ông. Rồi cô mang bầu, đến tháng 12 năm 1973, người con trai đầu lòng, kết quả của tình yêu đi qua lửa đạn Nguyễn Thế Thanh ra đời ngay giữa khu rừng Bến Cầu, Tây Ninh, và chính ông và một người đồng chí nữa là hộ sinh cho vợ. Ông Truyền cao hứng đọc: “Cha mẹ sinh con nơi biên giới rừng già/ Tiếng khóc chào đời sặc khói đạn bom/ Cha đặt tên con Thanh Bình theo đất nước/ Dẫu chiến tranh sự sống vẫn vuông tròn”. Tôi hỏi Cô: “Thế khi sinh con rồi làm thế nào cô vừa chiến đấu, công tác vừa nuôi con trong rừng?.”. Thay câu trả lời cô đọc: “Suốt cả chặng đường tiền tuyến, hậu phương/ Mẹ vẫn bồng con lên đường đi đánh giặc”. Đúng là tinh thần người lính trên chiến trường. Quả là quá vĩ đại!. Tôi thốt lên: - Mỹ nó thua ta là đúng rồi. Cả xe cười vang lên. Cô Phượng tiếp tục: - Nói giờ cháu nghe đơn giản vậy nhưng cơ cực lắm cháu ơi!. Làm phụ nữ nuôi con đã khổ rồi, nuôi con trong chiến tranh càng khổ. Có người bạn ở đơn vị cô cũng có đứa con sinh cùng thời gian với thằng Thanh nhà cô. Khi sinh ra sợ cháu khóc lộ bí mật, mẹ cháu quấn chặt mền lại. Đến khi mở ra thì nó đã mất rồi. Thằng Thanh nhà cô tham gia đánh Mỹ từ trong bụng mẹ, trải qua không biết bao lần chết hụt. Có lần nó ngã vào xoong canh, ông Truyền chữa bằng dầu nhớt suốt mấy tháng ròng mới khỏi. Đến ngày giải phóng dắt díu nhau về quê nội Hải Đương mới tin là con mình vẫn sống. Ông Lưu Công Thục, một cựu chiến binh E10, ngồi ghế trước thêm vào: - Bác Truyền đi đánh giặc về là người lời nhất, con người ta đi mất luôn. Bác đi một về ba, lại còn lấy được gái Phú Yên xinh đẹp nữa. Ông Phạm Trung Mạo cũng là cựu chiến binh E10 người Hải Dương tiếp lời: - Anh Ba Thục cũng nào thua kém gì, cũng lấy được vợ gái Tuy Hòa, con cháu đề huề, đóng đô ở thành phố còn thắc mắc gì nữa?. Tất cả cùng cười và đồng thanh: - Tất cả chúng ta hôm nay về đây đều được, đều hạnh phúc, chỉ thương những anh em hi sinh, bị thương giờ gặp hoàn cảnh khó khăn là rất thiệt thòi… Giải phóng, vợ chồng ông bà Truyền – Phượng ra miền Bắc, chuyển công tác, sinh thêm được một người con. Bây giờ ông bà đang sinh sống tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh bên con cháu.
         Sau câu chuyện của ông Truyền, các cựu chiến binh còn nhắc nhiều về những mối tình đẹp, nên duyên giữa trai Hải Dương, gái Phú Yên và ngược lại. Như cặp vợ chồng ông Vũ Quốc Hội, quê Thanh Miện, Hải Dương và bà Ngô Thị Hồng Lan, quê Đông Hòa, Phú Yên, hiện sinh sống tại khu phố 2, phường Phú Lâm. Cặp vợ chồng ông Sang, bà Sửu ở phường Phú Thạnh. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Đỗ, Phú Yên vợ là bà Vũ Thị Sửu ở Hòa Xuân Đông…
         Chuyến xe đưa các cựu chiến binh E10 về nhiều nơi trước đây là chiến trường xưa của họ. Chợ thành phố Tuy Hòa, xóm Đạo, phường 8, núi Nhạn… Nơi trước đây ta phải hi sinh hàng trăm cán, bộ chiến sĩ trong Xuân Mậu Thân, 1968 mới vào được. Đến dốc Bà Ền/ Tuy An, ấp Bắc Lý/Sơn Hòa, Hội Trường Mùa Xuân, thành An Thổ, Xuân Sơn, cầu Cháy… là những nơi diễn ra những trận chiến đấu vô cùng oanh liệt. Hàng nghìn người con từ miền Bắc, từ Hải Dương ra đi nay lấy Phú Yên làm nơi yên nghỉ. Đi đến đâu, kỷ niệm chiến tranh ùa về đến đó. Những người má hết lòng vì các con, những người đồng đội thân yêu, những người con trai, con gái nằm xuống mãi mãi tuổi hai mươi. Nụ cười rơi lệ, bó hoa thắm tươi, bánh trái được dâng lên với tấm lòng thành kính, nén nhang, lời cầu nguyện cho người đã khuất tỏa mùi hương thơm ngấm vào đất đá, cây cỏ, mây trời. Ai trải qua chiến tranh thì mới thấu hiểu sâu sắc giá trị cao quí của hòa bình.
         Xin cảm ơn người nằm xuống, xin cảm ơn người may mắn sống sót quay về. Những cống hiến hi sinh của quân giải phóng nói chung, của những người con Hải Dương nói riêng đã góp phần thắt chặt mối tình đoàn kết, kết nghĩa keo sơn Hải Dương – Phú Yên muôn năm bền vững./.

 
 CCB E10 THĂM PHỐ  TUY HÒA

 
CỰU CHIẾN BINH E10 TỪ TRÁI SANG PHẠM TRUNG MẠO, ĐẶNG THỊ XUÂN PHƯỢNG,
NGUYỄN THẾ TRUYỀN, LƯU CÔNG THỤC CHỤP ẢNH TẠI NHÀ BIA MỸ THÀNH 

Nguyễn Bá Thuyết
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
ĐT: 0944258548
tin tức liên quan