" Ông già và cô con gái câm trên núi Chúa" - Tác giả:Nguyễn Kim Chúc, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam, CTV Trang TT&BT Trường Sơn

Ngày đăng: 05:47 01/01/2020 Lượt xem: 951
Ông già và cô con gái câm trên núi Chúa
NGUYỄN KIM CHÚC
 
         Những năm 69 - 70 của thế kỷ trước những Chiến sỹ Pháo binh đánh căn cứ Chu Lai không ai quên được ông già và cô gái câm trên núi Chúa. Ông già là chủ nhân của nóc ông Khôi. Người dân nơi đây gọi buôn, làng, là nóc đặt theo tên già làng. Còn cô gái câm là con gái ông. Dân làng gọi cô là cô Bảy. Cô Bảy đẹp lạ lùng. Khuôn mặt thanh tú, đôi mắt lá dăm, đôi lông mày đậm, nước da trắng xanh. Cô cười có lúm đồng tiền và chiếc răng khểnh vừa phải bên trái lại càng xinh. Chỉ phải cái cô không nghe thấy và không nói được. Nhưng việc gì cô cũng biết, làm gì cũng thạo và hay thân thiện giúp đỡ cánh Bộ đội miền Bắc chúng tôi.
         Nóc ông Khôi ở chân núi Chúa - Ngọn núi cao nhất vùng này. Nó là một phần của dãy Trường Sơn hướng ra biển; làm ranh giới để phân định các tỉnh Kon Tum - Quảng Ngãi - Quảng Nam. Núi Chúa quanh năm mây mù che phủ; Rất ít khi trời quang mây tạnh. Những lúc trời quang nhìn thấy tứ phía: trước mặt là biển, là căn cứ không quân Chu Lai với sự nhộn nhịp lên xuống của đủ loại máy bay. Khu vực Nóc ông Khôi nhìn căn cứ Chu Lai với đủ hình hài của nó. Đêm đến rực rỡ ánh điện: từ cảng Kỳ Hà phía bắc xuôi xuống phía nam hơn chục km là những sân bay, nhà sửa chữa máy bay, kho bom Trung An, bồn chứa xăng dầu, trải dài xuống phía Bình Sơn - Quảng Ngãi. Cánh pháo binh đánh căn cứ Chu Lai phải xuống gần căn cứ hơn nữa, mới là địa bàn hoạt động. Nơi ấy cũng là làng cũ của các nóc ông Chài, ông Khôi … bây giờ. Bom đạn Mỹ đã đẩy đồng bào lên cao - tới núi Chúa, mới tổ chức cuộc sống yên ả. Họ phát rẫy làm nương để nuôi sống họ và đóng góp cho Cách mạng. Những ngôi nhà lợp lá Trung quân mọc lên và được nối dài theo dân số. Mỗi hộ ở một gian, một bếp lửa. Hành lang đi lại chung và cũng là chỗ Bộ đội giải phóng mắc võng qua đêm.
         Nóc ông Khôi là nơi đông dân cư nhất. Có già làng đủ quyền uy. Hơn hai chục bếp lửa, đêm đến ấm cúng tình quân dân. Ngày ấy chúng tôi coi đây là một hậu phương vững chắc. Những nếp nhà lợp lá Trung quân dưới tán cây cổ thụ hay lẩn khuất trong những hang đá rộng rãi thoáng mát luôn là nơi trú ngụ của Bộ đội, của các lực lượng qua đây để về phía đông đánh căn cứ không quân Chu Lai, về phía nam tới vùng đất Ba Tơ - Quảng Ngãi. Từ đây đi về phía Đông Bắc là hướng Tam Kỳ, Kỳ Sanh khói lửa. Ngược hướng Tây Bắc về vùng Nước Oa căn cứ Cách mạng của khu V. Cũng ở nóc ông Khôi này chúng tôi gặp gỡ nhiều đoàn khách trong số đó có các văn nghệ sỹ như nhà thơ Liên Nam, nhà văn Phan Tứ; có các đoàn dân y gùi thuốc men và dụng cụ y tế về vùng sâu Quảng Ngãi. Có buổi sáng mới tan hết sương mù chúng tôi gặp một mũi Đặc công thuộc Tiểu đoàn 402 đánh chi khu Trà Bông về. Đồng chí mũi trưởng còn nhờ bọn tôi thay băng cho đồng chí. Đồng chí bị đạn AR 15 găm vào bắp tay phải, đầu đạn vẫn còn nằm trong đó. Lính Đặc công, lính Pháo binh đánh căn cứ Chu Lai, gặp nhau không bao giờ hết chuyện. Trong số họ phần đông là anh em ở Hải Phòng, Thái Bình và các tỉnh thuộc châu thổ sông Hồng vào Nam đánh Mỹ đã có thâm niên.
         Mỹ nhảy vào miền Nam năm 1965 kéo theo các nước chư hầu: Nam Triều Tiên, Úc … vào theo. Bọn chúng biến Chu Lai thành căn cứ quân sự lớn với hàng vạn lính. Sân bay Chu Lai mỗi ngày hàng trăm chiếc F105. F4, AC130 … cất cánh đi đánh phá miền Bắc nước ta, đánh phá tuyến đường Trường Sơn. Khu đậu trực thăng Trung An cũng chứa hàng trăm chiếc từ cần cẩu bay, CH53, CH47 đến các loại trực thăng vũ trang. Chúng chở quân đi đánh phá giết hại đồng bào ta. Khu sân bay cho các loại cánh quạt nhỏ cũng có hàng chục chiếc OV10, OV2, L19, L20 liên tục cất cánh dòm ngó chỉ điểm cho các trận địa pháo: Ông Sầm - Châu Ổ - Trà Bồng bắn phá ngăn chặn ta. Bọn chư hầu Nam Triều Tiên chốt giữ những cao điểm quanh căn cứ chúng bắn không tiếc đạn giết hại đồng bào ta. Quanh căn cứ Chu Lai trở ra 10km là một vùng bình địa, chất độc hóa học giết chết hết cây cối, bom cày đạn xới, đẩy đồng bào dân tộc lập làng lâu đời ở những nơi đây, phải rời làng lên núi. Các nóc của đồng bào càng lên cao càng nhìn thằng Mỹ, thằng chư hầu như trong lòng bàn tay. Đồng bào đã chỉ cho chúng tôi thằng Mỹ, thằng Ngụy, thằng chư hầu đang ở đâu. Kể cho chúng tôi nghe tội ác của bọn chúng và giúp chúng tôi rất nhiều trong việc lựa chọn các phương án tác chiến. Đồng bào thật sự là tai, là mắt chỉ bảo cho quân giải phóng chúng tôi.
         Thiên nhiên ưu đãi cho khu vực nóc ông Khôi khí hậu mát mẻ nên chúng tôi thu được rất nhiều sản vật của rừng cải thiện cho bữa ăn. Nấm dai và mộc nhĩ nhiều vô kể. Rau tàu bay, môn thục, rau đớn … cũng nhiều vô kể. Ở đây còn hợp với cung đường đi các hướng. Nóc ông Khôi thành nơi tập kết, nghỉ ngơi giữa các chuyến đi công tác của bọn tôi… Phân đội chỉ huy hôm ấy hẹn nhau: cánh đi Hòn Rơm, Răng Cưa và hướng Bình Sơn (Quảng Ngãi) gặp nhau ở nóc ông Khôi để khớp các phần tử đo đạc. Cũng là lúc Chính trị viên Lụa ghé qua. Ông triệu tập bọn tôi dưới tán cây cổ thụ có những nhánh rễ bò ngang mặt đất người ngồi nhẵn bóng. Cạnh đấy ông già đang ngồi vót nan. Mở đầu Chính trị viên dõng dạc:
- Thưa các đồng chí! Thế ta là thế đi lên …
         Ông già vội đứng dậy chém cây dựa vào rễ cây phản bác;
- Bố láo! … Mọi người ngỡ ngàng nhìn ông
- Thế ta là thế đi xuống! Đi xuống khỏe hung chớ …
         Nói rồi ông cầm dựa, xuống dốc. Chúng tôi hiểu chuyện đế luôn:
- Vâng! Thưa già làng. Thế ta là thế đi xuống, đi xuống khỏe hung mà.
         Tưởng ông già giận bọn tôi, nhưng ngay buổi sáng hôm ấy khi bọn tôi chuẩn bị giải tán về nấu ăn trưa, thì cô Bảy ôm một bó rau dớn tới đưa cho bọn tôi ra hiệu bảo ông già cho bọn tôi nấu ăn. Tính ông già là vậy. Ông thương bọn tôi lắm, nhưng ông cũng rất cương quyết. Ông chỉ cho bọn tôi đi kiếm rau rừng ở một khu vực nhất định. Các khu khác tuyệt đối cấm. Anh Chín, anh Mười con trai ông cũng chạc tuổi bọn tôi bảo:
- Chớ đi vào khu ông cấm. Ở đó rất nhiều bẫy thú, chông, thò rất nguy hiểm mà!
       Một hôm ông bảo bọn tôi: - “Chúng bay đi dép “chân xe” hư rồi. Ngày mai tao dẫn bọn bay đi cắt “chân máy bay” về làm dép tốt hơn”. Đúng hẹn bọn tôi háo hức theo ông già đi cắt “chân máy bay” về làm dép. Nghe đồn sườn đông núi Chúa rất nhiều máy bay rơi. Anh Chín, anh Mười đều nói: “Máy bay Mỹ cứ lượn vòng bên núi Chúa là tự đâm vào núi - Chết”. Chúng tôi háo hức bước theo già làng. Hết lên dốc, lại xuống thung, lại lên dốc. Cuối cùng cũng tới được chỗ máy bay rơi. Ông già dừng lại cuốn thuốc rê hút, bảo bọn tôi:
- Chân máy bay đó, đi kiếm lẹ đi.
         Chúng tôi tản ra, tìm những chiếc lốp hì hục cắt. Một lát sau cả bọn tôi mới vỡ ra là mình nhầm: “Chân máy bay không cắt làm dép được”. Bởi vì cắt được lớp cao su bên ngoài, bên trong thay lớp bố như lốp ô tô lại là những lớp dây thép ken dày đặc. Bỏ cuộc chúng tôi tìm kiếm những thứ còn quý hơn. Lúc này chúng tôi mới thấy nơi đây đúng là “nghĩa địa” của các chủng loại xác máy bay: phản lực, trực thăng, cánh quạt … Chúng tôi cắt dây điện, gỡ những mạch điện tử, lấy loa tai nghe, tháo đồng hồ còn chạy trên chiếc L19 rơi ngay sườn núi … Thấy bọn tôi không cắt lốp. Ông già bảo:
- Kiếm lẹ chân máy bay đi còn về chớ.
         Tôi nói với ông già:
- Máy bay Mỹ xấu lắm, chân nó cũng xấu lắm chúng con không dùng nó đâu. Mà cũng không cắt được nó đâu bố.
- Bọn bây không được làm biếng.
         Nói rồi ông cầm dựa cắt lốp. Lát sau ông nói lớn:
- Thôi bỏ! Đúng rồi, nó xấu chân nó cũng xấu! Về …
        Chúng tôi lại rời nóc ông Khôi đi về hướng Đông về với dãy núi Răng Cưa, Hòn Rơm rồi về phía Kỳ Sanh tìm nơi đặt trận địa bắn. Chúng tôi còn về hướng Đông Nam về với vùng Bình Chánh - Bình Sơn - Quảng Ngãi thiết bị đạn bắn phá bọn Mỹ ở Chu Lai. Lần nào cũng vậy cô Bảy cũng theo chân đưa tiễn bọn tôi và chỉ cho bọn tôi biết hôm trước bọn Mỹ đổ quân ở đâu. Có lần ông già bảo cô: “Thích theo bọn tôi thì ông cho theo luôn”. Cô gật đầu tắp tự. Ông lại bảo: “Theo bọn nó mày làm được gì”. Cô ra hiệu: “Sẽ nấu cơm giặt đồ cho bọn tôi”. Ông lại bảo: “Bọn nó không ăn cơm cô nấu, nó ăn đồ Mỹ cơ”. Cô chưng hửng. Để yên lòng cô con gái yêu ông ra hiệu: “Ở lại chăm làm rẫy chờ bọn tôi về”. Cô nghe theo ông. Bọn tôi đồ chừng cô cũng hiểu bởi mỗi lần đi hoạt động như thế, chúng tôi không mang theo soong nồi nấu nướng chi hết. Tất cả trông vào mấy chiếc bánh sắn, bánh dong riềng, ít gạo rang trong gùi. Về dưới đó bọn tôi sẽ lần theo bọn “Mỹ lết” lấy đồ của chúng mà sài.
         Chia tay ông già, tạm biệt cô Bảy chúng tôi đi và luôn mong ngày trở về nóc ông Khôi trên núi Chúa. Bởi về nơi đây cũng giống như về quê nhà miền Bắc của chúng tôi vậy. Xa quê hương lên đường đánh Mỹ chúng tôi mang theo kỷ niệm của các miền quê. Nơi có cây đa, bến nước, sân đình. Nơi vang lên những tiếng kẻng, tiếng trống báo hiệu cho xã viên ra đồng, hội họp hay đập lúa ở sân hợp tác xã. Ở nóc ông khôi này cũng vậy dưới sự điều khiển của ông già hơn hai chục nóc nhà cũng làm ăn tập thể, theo kiểu làm ăn hợp tác xã. Cũng có hiệu lệnh đi rẫy, đêm đêm vẫn tụ tập bình công chấm điểm, phê phán nhau và nhắc nhở nhau làm cho tốt. Chúng tôi không nghe được tiếng đồng bào. Song anh Chín, anh Mười nói lại là họ phê phán nhau cũng ghê lắm như kiểu họp bình điểm hợp tác xã quê nhà. Nhiều năm chưa về thăm nhà. Nghe bà con làm ăn tập thể phê phán nhau cũng đỡ nhớ quê. Sau này hết chiến dịch chúng tôi hành quân từ nóc ông Khôi men theo các triền núi về vùng Nước Oa - Trà My. Đi qua bao nhiêu làng vẫn thấy bà con làm ăn tập thể và chúng tôi hiểu ra rằng: Ở miền Bắc do làm ăn hợp tác xã nên thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Thì ở ngay tuyến đầu đánh Mỹ người dân cũng một lòng theo Đảng theo Bác Hồ làm ăn tập thể. Bộ đội cần người cung cấp lương, tải đạn, cần cáng Thương binh dân có ngay. Họ hăm hở lên đường theo Cách mạng. Ở làng đã có người ở lại chăm lo cho gia đình họ. Ta quyết đánh và quyết thắng Mỹ. Dù đã rời xa nóc ông Khôi nhưng chúng tôi vẫn nhớ những người dân Cách mạng nơi đây. Lại càng nhớ ông già và cô gái câm trên núi Chúa./.

 
“Bộ đội Cụ Hồ”, đi dân nhớ, ở dân thương. Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Nguyễn Kim Chúc
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
 

tin tức liên quan