Với cựu binh Lê Xuân Miện (SN 1936, ngụ phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thì được sống, chiến đấu, phụng sự Tổ quốc trong những năm tháng chiến tranh luôn là niềm tự hào. Đặc biệt là những ngày chèo thuyền đưa đón cán bộ, chiến sĩ vượt dòng Pô Kô huyền thoại.
Chúng tôi gặp ông trong căn nhà nhỏ ở khu phố tĩnh lặng giữa lòng TP Thanh Hóa. 83 tuổi nhưng ông vẫn minh mẫn, nhớ chính xác ngày viết đơn xin ra trận rồi những ngày giờ tham chiến ở chiến trường.
Phục viên về địa phương với cấp bậc thượng sĩ, ông Miện vẫn luôn phấn đấu hết mình vì công việc: "Sống sao cho xứng đáng là người chiến sĩ cách mạng trung kiên, một lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân là điều mà tôi lựa chọn để trọn đời phấn đấu" - ông nói với tôi trong lần gặp khi ông vừa quay lại thăm dòng Pô Kô.
Ngày chiến tranh kết thúc, ông về quê và làm việc tại UBND TP Thanh Hóa cho tới lúc về hưu. Cuộc sống sau ngày đất nước thống nhất với ông thật viên mãn. Người vợ thảo hiền sinh cho ông 1 trai 2 gái. Các con đều có gia đình riêng, công việc ổn định, thành đạt. Gia đình luôn đạt danh hiệu "Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo".
Cựu binh Lê Xuân Miện ngày trở lại sông Pô Kô, tháng 11-2019
"Nghỉ hưu, tôi về tiếp tục tham gia các đoàn thể địa phương và nhiều năm làm trưởng khu phố Nam Cao. Từ ngày về quê, đây là lần đầu tiên tôi được trở lại dòng sông Pô Kô. Đồng đội giờ ai còn, ai mất tôi chưa có điều kiện cập nhật thông tin vì hơn 40 năm nay chúng tôi chưa có dịp gặp nhau" - ông Miện bùi ngùi.
Nhớ về thời chèo thuyền trên dòng Pô Kô, ông lấy ra rất nhiều kỷ vật đã gìn giữ cẩn trọng hàng chục năm qua. Trong đó có rất nhiều huân, huy chương chiến công mà ông được tặng. Ông bảo thời ấy khó khăn gian khổ, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng ý chí và tinh thần đấu tranh vì độc lập luôn cháy bỏng trong ông và đồng đội.
Hơn 40 năm trôi qua, ông mơ ước trở lại dòng sông Pô Kô nhưng không biết lúc nào mới thực hiện được. Rồi niềm vui bất ngờ đến vào đầu tháng 9-2019, ông được UBND huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) mời tham dự hội thảo về Di tích Lịch sử bến đò A Sanh tại xã Ia Khai, huyện Ia Grai và thăm bến đò xưa với tư cách là nhân chứng sống từng chiến đấu cùng thời với Anh hùng A Sanh - một người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên.
"Tôi thực sự bất ngờ và xúc động, cả miền Bắc chỉ có mình tôi được mời. Hôm trở lại Pô Kô, bến đò năm xưa không còn, sông bị chặn dòng để làm thủy điện nhưng cảm giác thật hạnh phúc. Những trận đánh, những lần đưa đón bộ đội qua sông cứ như đang diễn ra trước mắt tôi. Tôi được gặp lại một số người chèo đò cùng thời. Chúng tôi không biết nhau, vì giai đoạn đó chèo đò qua sông là hoạt động tuyệt mật. Nhưng qua những chuyện kể, tôi nhận ra đồng đội đã cùng vượt thác ghềnh đưa bộ đội qua sông ngày ấy" - ông Miện kể.
Rồi ông tiếp: "Thời điểm đó, lực lượng chia làm 3 phà cách nhau khoảng 500 m, vài ngày lại thay đổi vị trí để tránh sự theo dõi của kẻ thù. Ban ngày, thuyền được dìm xuống sông để tránh máy bay oanh tạc. Đêm, chúng tôi kéo thuyền lên chở bộ đội, vũ khí và lương thực qua sông. Dòng Pô Kô hẹp, dốc, đáy nhiều đá và rất hung dữ nên mỗi chuyến chỉ chở được 20 người. Công việc cứ vậy hết đêm này qua đêm khác, bắt đầu khi trời tối cho đến khi mặt trời ló dạng. Cũng có khi phải chèo cả ban ngày để kịp chi viện cho chiến trường, đặc biệt mùa khô 1964-1966".
Người lính già cho biết ông không thể diễn tả hết niềm vui trong chuyến đi này, khi biết tin tỉnh Gia Lai đang nghiên cứu để trình các cơ quan chức năng cho xây dựng một tượng đài ghi danh những người lái đò trên sông Pô Kô với hình mẫu là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân A Sanh (tên thật là Puih San, người dân tộc Jrai, mất năm 2000) với mong muốn các thế hệ mai sau sẽ nhớ mãi về những con người đã hy sinh thầm lặng, góp công vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống đế quốc Mỹ.
Ông Lê Thế Dũng, một cựu binh Trường Sơn (ngụ phường Tân Sơn), cho biết dù tuổi đã cao nhưng ông Lê Xuân Miện là người rất nhiệt tình tham gia các công tác đoàn hội tại địa phương và là một công dân gương mẫu.
"Bác Miện là người sống gần gũi, nghĩa tình với những cựu chiến binh như chúng tôi. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn hăng say nhiệt huyết với công việc đoàn thể, sống tình cảm với bà con khu phố. Bác Miện thực sự là tấm gương sáng về tuổi cao ý chí càng cao, xứng đáng để thế hệ đi sau như chúng tôi và những người trẻ tuổi học tập, noi theo" - ông Dũng nhận xét.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn
PS sưu tầm theo Người lao động