Chuyện tình mộc mạc của 2 người lính Trường Sơn

Ngày đăng: 10:20 22/02/2020 Lượt xem: 2.585
CHUYỆN TÌNH MỘC MẠC CỦA 2 NGƯỜI LÍNH TRƯƠNG SƠN
                                          Nguyễn Châu
 Trưởng BLL Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 Anh hùng, tỉnh Hòa Bình
 

     Trong sự nghiệp Chống Mỹ Cứu nước, trên tuyến hành lang chiến lược Trường sơn –  Đường Hồ chí Minh huyền thoại đầy gian khổ, bom đạn, hy sinh, ác liêt, chết chóc ấy vẫn có nhưng tình yêu đơm hoa, kết trái. Điều đó cũng là một bình diện phản ánh sức sống mãnh liệt, ý chí quyết thắng, lòng tin vào thắng lợi cuối cùng cuả các cán bộ chiến sĩ Trương Sơn anh hùng. Trong hàng trăm các cặp đôi nên vợ nên chồng trong suốt 16 năm chiến đấu của bộ đội Trường Sơn cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, tôi xin kể về một mối tình, nở hoa ngay trong những năm ác liệt ấy. Đó là mối tình của anh chị Hoàng Thị Dung và anh Đoàn Hồng Kiêu.
      Chị Hoàng Thị Dung dân tộc Mường, sinh năm 1951, ở một vùng quê hẻo lánh vùng cao – Xóm Vé, xã Tân Vinh, Huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Mới bước qua tuổi 16 trăng tròn, khi giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, các anh chị lớn tuổi hơn thi nhau đi bộ đội lên đường cứu nước, thì tháng 2 năm 1967, chị cũng háo hức thuyết phục gia đình, để đi bộ đội cho bằng được.                               
       Vào bộ đội chị được biên chế vào Q163 –Tổng cục Hậu cần.  Vào những năm địch đánh phá ác liêt tuyến hành lang chiến lược 559, Do yêu cầu của chiến trường,  tháng 10 năm 1968, chị nhận lệnh đi B và được điều về C5- Q 300 ở chiến trường Nam Lào, cách ngã ba Đường 9 chừng 2 km. Qua một mùa Khô, sau khi được đơn vị cho ra Bắc để an dưỡng ở Sầm Sơn Thanh Hóa trong ba tháng. Đầu năm 1969, chị Hoàng Thị Dung được điều về Tiểu đoàn 41- Bộ Tư lệnh 559. Nhiêm vụ của Tiểu đoàn 41 là xây dưng cơ sở vật chất và huấn luyện. Nơi đây là trung tâm đào tạo, tập huấn cho cán bộ trung, sơ cấp từ chiến trường ra học tâp, sau đó trở lại các chiến trường. Tiểu đoan 41 sau này được đổi tên thành “Trường huấn luyện 69 – Bộ Tư lệnh Trường Sơn”.



   Ở Đơn vị mới là môi trường thân thiện, tình cảm của đồng chí, đồng đội, chị được làm quen với nhiều cán bộ trung cao cấp, lớn tuổi, đã có gia đinh, còn lại đại đa số là lính “phòng không”. Thời ấy, chị được coi là “bé bỏng” trẻ nhất đơn vị, xinh như búp bê nên được mọi người rất quan tâm. Ai cũng chỉ bảo, giúp đỡ tận tình, quý mến nhau như anh chị em trong gia đình.
       Trong thời gian từ năm 1969 đến năm 1972, chị Dung rất biết ơn, các anh, các chị lớn tuổi, đặc biệt là anh Mai Sơn, Hiệu trưởng Nhà trường, anh Dương, Khoa Xe máy…đã coi chị như em út trong nhà. Các anh chỉ bảo hướng dẫn để chị trưởng thành cả về năng lực và bản lĩnh công tác. Cũng chính nơi đây, một tình yêu, niềm hạnh phúc, một bước ngoặt trong cuộc đời của chị đã nảy nở. Chị đã cảm mến anh Đoàn Hồng Kiêu – một lái xe dày dạn kinh nghiệm, một Chiến sĩ Thi đua nhiều năm, môt Chiết sĩ Quyết thắng của nhiều chiến dịch vận chuyển hàng, vũ khí vào chiến trường.
     Còn một nửa cuộc đời của chị - anh Đoàn Hồng Kiêu sinh ra và lớn lên ở một vùng quê Nam Trực – Nam Định. Cũng như chị và lớp thanh niên thời đó, khi Tổ quốc lâm nguy, hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của Hồ Chủ tich “Không có gì quý hơn độc lập tự do” anh đã tình nguyện nhập ngũ khi mới tròn 17 tuổi. Ngày đầu gặp gỡ, cái làm rung động con tim của chị chính vì anh là con người ít nói, hiền lành như đất, thật thà, mộc mạc, chất phác nhưng lòng dũng cảm thì lỳ như sắt đá.
     Và, chuyện tình yêu của anh chị đã nảy nở đơm hoa “như tiểu thuyết” vậy.



    Câu chuyện bắt đầu từ một  lần chị đi kiểm tra chuyên môn, tài liệu mật ở Khoa Xe máy. Ở đấy, chị được anh Dương, Trưởng khoa giới thiệu về một người bạn thân, đồng hương  Nam Định rất “tuyệt vời” vừa về Trường học tập. Tưởng rằng cũng như các anh lớn tuổi khác hay đùa gán ghép cho vui, chị cũng vui vẻ vô tư chờ anh Dương gọi người đó lên. Hình như có duyên trời định, khi bốn mắt gặp nhau, chị đã có thiện cảm với con người này. Từ khi gặp nhau làm quen, rồi thân nhau, rồi nhớ nhớ thương thương… Tình yêu như định mệnh đến với anh chị từ lúc nào không biết.
          Kết thúc khóa học, cái gì sẽ đến tất sẽ đến. Nhà trường, Khoa đã tổ chức liền cho anh chị cùng một đôi yêu nhau nữa là anh Khiêm và chị Hiếu, quân của Binh trạm 14. Hai cặp đôi trong  hoàn cảnh chiến tranh, cùng tổ chức đám cưới một ngày, đủ thấy tình yêu, sức sồng mãnh liêt, tính nhân văn và lòng tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cưu nước nhân dân ta.  Anh chị và cặp đôi của chị Hiếu, anh Khiêm (quê ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh) cưới chung một lần nên sau này họ đã trở thành anh em kết nghĩa thân thiết.                     
             Lại nói về cái đám cưới của hai cặp đôi ấy. Trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn, đám cươí “đời sống mới” được tổ chức rất đơn sơ, mộc mạc nhưng đầy chất lính. Cũng như mốt của mọi đám cưới thời chiến tranh cứu nước thời ấy, trong một không gian nhà tranh rộng, ấm cúng, trang trọng một khẩu hiệu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” !. Lại nữa, quà tặng cho hai cặp uyên ương chỉ là các bài ca cách mạng, nhưng tràng vỗ tay, những lời chúc vui cười vô tư, trong sáng thì anh chị nhớ đến suốt đời.
   Đêm tân hôn, chả biết họ nói với nhau những gì, chỉ biết “tuần trăng mật” của họ chỉ vẻn vẹn có hai ngày để rồi anh lại trở lại chiến trường.  Trước khi chia tay, anh chị hẹn ước với nhau, đến ngày thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà, vợ chồng mình sẽ về ra mắt hai họ. Tiễn anh lên đường, nước mắt không sao kìm được, song chị vẫn cố cười, động  viên anh ra đi chân cứng đá mềm. Bởi chị biết trong ấy, D59 - E17, F471 những con chiến mã của Trường Sơn anh hùng đang chờ anh xuất kích cho một mùa chiến dịch lớn, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền Nam.             
       Bữa nay, chúng tôi có dịp đến thăm anh chị sau Tết nguyên đán Canh Tý. Ngôi nhà của anh chị vẫn ở cái Xóm Vé, Tân Vinh, Lương Sơn Hòa bình. Song bây giờ nó không con hẻo lánh như xưa.  Nơi này giờ đã sầm uất đông vui hơn nhiều. Sau hòa bình, anh làm rể nơi quê chị. Nhà có giỗ, tiếp tôi, ngoài anh chị còn có bốn anh con trai, bốn nàng dâu và cháu chắt đông tới 19 người. Tôi mới nghiệm ra, khi tình yêu có thêm lòng yêu nước, chung mục đích, qua thử thách chiến tranh ác liệt nó trở nên quá hoàn hảo và hạnh phúc hơn rất nhiều.
                                                                     Lương Sơn Tháng 2/2020  
 
               (Nguyên Minh Đức, biên tập)

tin tức liên quan