"Đánh úp Ban Mê Thuột" - Trích “Một thời hoa lửa” của Nguyễn Việt Phát
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 45 NĂM
NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM
ĐÁNH ÚP BAN MÊ THUỘT
(Trích “Một thời hoa lửa” của Nguyễn Việt Phát/2012/NxbTN)
Cuối tháng 11/1974, chúng tôi được lệnh hành quân về phía tây sông Pô Cô, tức là rời hậu cứ 830 ven đường 220 (cách cống Ba Lỗ chừng 5 km) để ngược trở về Diên Bình, Tân Cảnh – Đăk Tô, vượt sông Pô Cô đoạn Đăk Mót Lốp, đi sâu về Ple Lang Lố sát biên giới Campuchia, nơi mà 4 năm về trước là hậu cứ của chúng tôi. Một cuộc hành quân hết sức bất ngờ, bí mật. Mãi mấy ngày sau chúng tôi mới được biết là hành quân sâu vào phía nam Tây Nguyên.
Dọc đường hành quân, tôi thấy từng đoàn xe tải, xe tăng, xe kéo pháo các loại bám đuôi nhau trên con đường công binh Sư 470 của Binh đoàn Trường Sơn mới mở, một cảnh tượng mà nhiều năm ở chiến trường chưa bao giờ thấy. Những đoạn qua nơi trống trải, người ta dựng dàn như dàn mướp ngụy trang cho mặt đường để tránh lũ trinh sát OV10, L19 dòm ngó. Thi thoảng lại thấy những phuy xăng bằng túi nhựa khổng lồ chôn lộ thiên ven đường, dưới tán cây rừng để cung cấp xăng dầu cho xe pháo. Vòng sang phía tây dãy Chư Mom ray, chúng tôi xuyên sang đất bạn, gặp bạt ngàn rừng cây khộp xù xì, mặt đất phủ đầy loại cỏ mịn vàng và những bụi le cằn cọc.
Lặng lẽ, bí mật hành quân chừng nửa tháng, chúng tôi dừng chân tại khu vực suối Đắk Đam, ranh giới giữa Việt Nam – Căm Pu Chia và đón tết 1975 ở đó. Với tôi đây là cái tết thứ tư tại chiến trường, đơn giản và chóng vánh. Ăn tết xong, chúng tôi được lệnh đi trinh sát chuẩn bị chiến trường. Trước khi đi, Trung đoàn trưởng Trương Tăng Thái trực tiếp gặp chúng tôi giao nhiệm vụ, yêu cầu bí mật tuyệt đối, đặc biệt không được mang theo thư tín, địa chỉ đơn vị, gia đình quê hương. Lúc này chúng tôi mới được biết là ta chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột.
Mục tiêu trinh sát đầu tiên là căn cứ Núi lửa – Đức Lập, sau chuyển sang khu vực sát phía tây thị xã Ban Mê Thuột. Cả tháng trời chúng tôi lặn lội xuyên rừng, leo trèo, bắc dàn đặt máy phương hướng bàn trên những ngọn cây cao nhất để giao hội vào từng mục tiêu. Rừng nơi đây khác hẳn với Kon Tum, bằng phẳng, toàn cây khộp và bụi le gầy, thi thoảng có một ngọn đồi thấp nhô lên với toàn thứ đá đen xì. Thú rừng nhiều lắm, có hôm gặp cả đàn bò tót chạy ầm ầm, cả đôi chim công xòe đuôi múa rất đẹp khiến chúng tôi ngẩn ngơ chiêm ngưỡng nhưng tuyệt đối không được bắn. Tây Nguyên đang mùa khô nên thật khắc nghiệt, có ngày đi cả buổi mới lấy được bi đông nước từ vũng nước đục ngàu in đầy dấu chân thú rừng. Nhưng bù lại, ở các khe suối cạn lại có rất nhiều cua đá và rùa vàng, một món ăn bổ dưỡng cho lính.
Quá trình chuẩn bị chiến trường, không ít lần chúng tôi gặp những tình huống bất ngờ, hồi hộp, đòi hỏi xử trí nhanh và khôn khéo. Một hôm cả nhóm trinh sát đang nghỉ trưa bóc lương khô ăn bên một khe cạn thì đột nhiên thấy đoàn xe “bò vàng” tiến vào. Tất cả lên đạn sẵn sàng chiến đấu, đề phòng có địch cải trang dân khai thác gỗ vào rừng dò la tin tức. Đợi một lúc không thấy gì khả nghi và hình như họ cũng chưa nhìn thấy ta nên chúng tôi lặng lẽ tránh. Thế nhưng ở mũi trinh sát khác, vì hai bên đã trông thấy nhau nên quân ta buộc phải giữ dân lại để bảo đảm bí mật, sau chiến dịch mởi thả họ về.
Một lần khác tôi đang vắt vẻo trên ngọn cây săng lẻ cao ngất, chờ anh em bên dưới buộc cành cây vào dây dù để tôi kéo lên, làm dàn đo máy phương hướng bàn thì nghe tiếng sột soạt bên dưới. Tôi nhìn xuống thấy một đàn voi đi qua, trên lưng voi là những quản tượng đóng khố. Tôi nép mình vào cành lá nín thở, quan sát và lo ngại có thám báo đi cùng đàn voi vào rừng để tìm quân ta. Nếu chúng phát hiện ra tôi trên ngọn cây thì hết đường chạy. Rất may đoàn voi đi qua vô sự. Lúc xuống đất, tôi trách anh em tại sao không báo động cho tôi biết, mọi người chống chế rằng bất ngờ quá, mà cũng không biết bằng cách nào báo vì tôi ngồi trên cây cao quá. Thật hú vía bởi trước đây, đơn vị trinh sát của tôi năm 1971 đã có anh bị quân trạm giao liên đi săn tưởng là khỉ bắn chết rơi từ trên cây xuống tại khu vực ngã ba Đông Dương. Năm 1972, một anh đang trên đài quan sát 715 gần thị xã Kon Tum bị trực thăng bắn chết khi đang tụt xuống đất.
Trên đường trinh sát, nhiều lần chúng tôi phát hiện dấu hiệu bẻ cây đánh dấu khác thường của thám báo địch. Gặp tình huống đó, chúng tôi nhanh chóng cắt đường để tránh tao ngộ chiến. Đánh nhau lúc này không phải là nhiệm vụ của trinh sát. Khó khăn nhất cho tác nghiệp lại là những hôm nhiều gió, phải ngồi hàng giờ trên ngọn cây, chờ lặng gió mới đo chính xác được vật chuẩn mà đồng đội dựng trên ngọn cây cách xa chừng bốn năm cây số hoặc cột ăng ten đài phát thanh của Ban Mê Thuột. Khi giao hội vào một số chốt của địch ở Bản Đôn, tôi đâu có biết đó là một địa danh nuôi voi nổi tiếng của Tây Nguyên (Phải gần ba mươi năm sau, trong lần đi khảo sát chọn vị trí xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp tại Ya Mơ, tôi mới có dịp được đến Bản Đôn cưỡi lên lưng voi nổi tiếng của cao nguyên hùng vĩ ấy).
Sau đợt trinh sát Ban Mê Thuột về, bộ tô châu mới của tôi tơi tả vì leo trèo trên ba chục cây khộp, một loài cây họ dầu, lá to, thân xù xì thô ráp. Khi họp để bình bầu khen thưởng, tôi vô tư khai báo đã ăn quá tiêu chuẩn một bánh lương khô vì đói, thế là đại đội trưởng Vinh phê bình và đề nghị hạ cấp từ tặng bằng khen của Trung đoàn xuống tặng giấy khen cho tôi.
Sau thời gian chuẩn bị, đêm 9 rạng sáng ngày 10/3/1975 ta tiến công Ban Mê Thuột. Vì hành quân đêm, mỗi người được gắn một miếng lân tinh sau ba lô để người sau nhìn thấy bám nhau mà đi. Gần nửa đêm, ai cũng díp lại bởi cơn buồn ngủ ập đến. Thế là chân thì đi mà mắt lại nhắm nghiền, thỉnh thoảng lại giật mình choàng tỉnh. Tới lúc nghỉ giải lao thì hầu như ai nấy đều tranh thủ tối đa để chợp mắt, đến nỗi sau mỗi lúc nghỉ giải lao, mọi người phải lay nhau dậy để đi tiếp. Khoảng nửa đêm chúng tôi đến gần chân núi Chư Duê, cách Kho Mai Hắc Đế non cây số và ém mình vào khe cạn, gốc cây, bụi cỏ chờ giờ G. Không gian trước trận đánh vô cùng tĩnh lặng. Đúng 2 giờ 30 phút, pháo binh ta từ hướng sông Sê Rê Pốc bắn dồn dập, cấp tập, đạn pháo bay qua đầu chúng tôi sáng rực trời. Sau đó là xe tăng ta đồng loạt rồ máy, cán đổ những cây rừng mà công binh cưa sẵn một nửa để che mắt địch, bất ngờ ập vào căn cứ tổng kho Mai Hắc Đế dưới chân núi Chư Duê.
Gần sáng, tổ đài trính sát chúng tôi theo chân bộ binh sư 316 lao lên chiếm đỉnh Chư Duê. Khi băng qua chiến hào của địch, tôi thấy xác địch ngổn ngang, có thằng lính bảo an người dân tộc chết dưới chiến hào mà chưa kịp nhắm mắt. Rồi chúng tôi nhanh chóng chọn nơi đặt máy quan trắc. Một mỏm đồi nhỏ và trọc lốc, toàn cỏ tranh, chi chit chiến hào nhưng lại quá đông bộ đội của nhiều đơn vị cùng có mặt chiếm lĩnh nên cảnh tượng lố nhố, có phần hỗn loạn. Bỗng bọn địch từ chân đồi dùng trọng liên 20 ly bắn lên, khiến mọi người bất ngờ và hoảng loạn. Đơn vị bộ binh dưới chân đồi lập tức ào tới, xóa xổ ổ đề kháng đó của địch. Mặc dù có máy viễn vọng kính phóng đại 40 lần, nhưng bằng mắt thường và cự ly quan sát gần nên tôi cũng thấy rõ xe tăng ta quay nòng pháo về phía sau húc đổ cổng kho Mai Hắc Đế, dẫn bộ binh ta xông lên, cảnh tượng giống như một cuốn phim.
Đến gần trưa thì quân ta làm chủ khu kho Mai Hắc Đế và vùng xung quanh. Máy bay địch lồng lộn thả bom bừa bãi, khiến bom rơi cả vào sở chỉ huy của địch. Cao xạ 37 ly của ta bắn trả quyết liệt hất chúng ra xa. Một số khu vực trong thị xã và sân bay Hòa Bình địch đang chống trả quyết liệt. Càng về trưa trời càng nắng gay gắt khiến mọi người khát khô miệng, đơn vị cử người xuống chân đồi chặt mía về cho anh em giải khát.
Sáng 11/3, tiếng súng đã im dần trong thị xã, Trung đội trưởng trung đội trinh sát Lê Đình Điệt dẫn tôi (tiểu đội trưởng) và một số anh em tìm đường vào trung tâm Sư đoàn 23 ngụy để thu chiến lợi phẩm. Sau khi băng qua ngã Sáu, khách sạn Anh Đào, vượt qua một loạt doanh trại và xác địch còng queo, đen cháy ngổn ngang dọc đường, chúng tôi tìm được khu kho hậu cần. Lần đầu tiên được thấy một kho đường sữa khổng lồ như vậy, tôi dùng dao găm rạch một bao đường, hứng vào ba lô và nhét thêm hơn chục hộp sữa ông Thọ cho đầy. Khi ra cửa, thấy một đôi giày da sĩ quan mới bóng, tôi nhặt liền. Sau đó nhanh chóng về nơi tập kết tại một cánh rừng khộp ngoài khu kho Mai Hắc Đế, đề phòng Mỹ lại dùng B52 trải thảm hủy diệt như hồi đánh thị xã Kon Tum tháng 5 năm 1972.
Khi chúng tôi gùi chiến lợi phẩm về tới nơi thì nhóm của Trung đội trưởng trung đội kế toán Lê Xuân Hạnh bắt được một tù binh giải về. Lúc đầu tên tù binh sợ ta bắn nên van xin liên tục và không chịu ăn uống gì. Sáng hôm sau đói quá hắn ngỏ ý xin ăn. Thấy chúng tôi đối xử tử tế, hắn bình tĩnh trở lại và khai tên là Lê Gia Công, sinh viên đại học Luật năm thứ ba, quê Sài Gòn mới đi lính nhưng được đeo lon trung úy và được phiên chế về đơn vị thám sát, chuyên chặn bắt sóng vô tuyến điện của ta. Nhận định tên tù binh này quan trọng, Đại trưởng trinh sát C17 Lê Hữu Vinh trực tiếp lấy cung. Qua thẩm vấn, tên tù binh cho rằng đây chỉ là trận đánh nhỏ, vì theo mật mã chúng dịch được từ sóng điện vô tuyến thì Sư đoàn 316 và các đơn vị chủ lực của ta đang chuẩn bị đánh lớn ở Kon Tum và Play Cu, toàn bộ Sư đoàn 23 của chúng đã hành quân lên đó để ứng chiến. Tên tù binh Công còn nói nếu sư 23 của chúng còn ở Ban Mê Thuột thì ta khó đánh nổi. Là người lính, chúng tôi đâu có biết mưu kế lừa địch của ta lúc đó mà chỉ lơ mơ biết rằng, trước khi hành quân vòng sang đất bạn áp sát Ban Mê Thuột, Trung Đoàn 40 có để lại một số đơn vị nhỏ nghi binh kiểu lập trận địa pháo giả, dùng bộc pháo nổ cầm chừng như mọi bận vậy thôi. Nhưng với hàng chục ngàn bộ đội, tăng pháo rầm rầm, chuẩn bị cả tháng trời đánh Ban Mê Thuột là vậy, mà kẻ địch không hề hay biết thì quả là quá tuyệt vời về công tác nghi binh và giữ bí mật của ta.
Sau khi tên tù binh đã hoàn hồn, tỉnh táo, đến phiên canh gác của mình tôi tò mò hỏi nếu sau này hết chiến tranh thì anh làm gì. Công trả lời sẽ học tiếp trường luật và làm thương gia vì cả gia đình là thương gia. Tôi lại hỏi hắn biết gì về miền Bắc XHCN. Anh ta thận trọng trả lời rằng trong trường Luật cũng được nghiên cứu qua về chủ nghĩa cộng sản. Công cho rằng, mô hình ấy có nhiều điểm hay, nhưng nếu ông Máx có sống lại thì anh ta sẵn sàng tranh luận rằng, nếu một xã hội không còn buôn bán, không còn tiền tệ thì xã hội không còn lý do tồn tại nữa. Tôi cũng chẳng dám tranh luận thêm vì thực ra mình có hiểu lắm đâu chuyện trìu tượng, to tát ấy. Năm ngoái vào Đảng cũng chỉ được học bồi dưỡng sơ sơ. (Mãi sau này, khi đất nước đã bước sang thời kỳ đổi mới, tôi mới có dịp nghiệm lại lời viên trung úy tù binh ngày ấy, thấy hắn nói có điểm có lý). Thế rồi tên tù binh quan trọng đó được giao cho cấp trên, trước khi người của trên xuống áp giải anh ta đi, chúng tôi còn tranh thủ dặn với rằng dọc đường không nên đối xử tệ với anh ta. Không biết số phận người tù binh ấy bây giờ ra sao.
Vài ngày sau, chúng tôi lên xe cơ động về Khánh Dương đánh địch nhảy dù hòng tái chiếm Ban Mê Thuột. Dọc đường gặp từng toán tàn quân ngụy quần áo xộc xệch, đói khát, kéo lê trên đường và xin ăn. Chúng tôi đành bớt khẩu phần lương khô của mình dành cho họ và dặn họ nên trở về gia đình, ra trình diện chính quyền cách mạng.
Đánh địch đổ quân ở đèo Phượng Hoàng xong, cả Trung đoàn hành tiến xuống Phan Rang đánh địch tháo chạy. Mũi của anhTâm gọi pháo bắn vào Vịnh Cam Ranh khiến tàu há mồm của địch không thể vào được bờ để bốc tàn binh. Ba ngày sau, toàn Trung đoàn 40 nhận lệnh quay trở lại Ban Mê Thuột để xuôi theo đường 14 tiến về Sài Gòn. Lúc này tin thắng trận khắp nơi dồn dập báo về. Cả Trung đoàn tạm trú quân trong một đồn điền cà phê ven đường 14. Mỗi thân cây cà phê cao vài ba mét, lá to, quả chín mọng đỏ au. Chúng tôi thi nhau vặt cà phê, đổ vào mũ sắt ngụy dã nhừ vỏ, lấy hạt cho vào nồi quân dụng ninh nhừ như nấu bánh trưng. Khi nồi cà phê đã chuyển màu đen, sền xệt, bỏ vài cân đường và sữa chiến lợi phẩm vào rồi dùng ca Mỹ múc ra húp xì xụp. Tối đó cả đơn vị trợn tròn mắt lên không tài nào ngủ được. Thì ra lúc này mới biết thế nào là cà phê Ban Mê Thuột, còn kiểu uống cà phê như thế chắc chỉ đời lính chúng tôi mới có.
Vài hôm sau cả Trung đoàn 40 hòa chung đội hình của Binh đoàn Tây Nguyên, rùng rùng hành quân trên hàng trăm xe pháo vừa lấy được của địch, nhằm thẳng Sài Gòn tiến quân giữa ban ngày với đội hình dài hàng chục cây số, với khí thế ngút trời như bài hát Giải phóng miền Nam đang vang lên dưới rừng cờ giải phóng tung bay phần phật trước mũi đoàn xe của Quân đoàn 3 vừa được thành lập.