"Chuyện trên đường giao liên" - Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 06:03 11/03/2020 Lượt xem: 1.015
CHUYỆN TRÊN ĐƯỜNG GIAO LIÊN
Nguyễn Kim Chúc


Chân dung tác giả 
         Tuyến giao liên bộ Trường Sơn đã chấm dứt từ giữa năm 1973; Khi những Trung đoàn giao liên cơ giới được thành lập - đảm nhận đưa quân vào, quân ra. Nhưng những chuyện trên đường giao liên bộ không bao giờ kể hết và sẽ không bao giờ quên của những người đã từng qua dãy Trường Sơn. Tôi là một Chiến sỹ Trường Sơn đã chứng kiến nhiều chuyện vui buồn trên đường giao liên. Những cuộc gặp gỡ của những người thân quen không hề được hẹn trước thường để lại những cảm xúc vui buồn cho người trong cuộc và cả những người chứng kiến. Tôi sẽ kể ra đây một cuộc gặp gỡ như thế.
         Tôi bị cơn sốt rừng Trường Sơn quật ngã đúng thời điểm những cơn mưa rừng trút xuống hối hả. Đành phải chia tay đồng đội nhập viện điều trị. Đơn vị tôi đang hành quân vào tăng cường cho mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Cơn sốt rét rừng Trường Sơn đến rất nhanh và cũng nhanh chóng làm tê liệt người bệnh. Mới đầu lạnh toát sống lưng, mặt đỏ bừng, thở hắt. Người rét run bần bật. Nằm trên võng bạt lạnh buốt sống lưng, đồng đội lấy tấm ni lon 2,2m bọc dưới võng, đắp thêm mấy tấm chăn vẫn rét. Thế rồi lịm dần đầu óc quay cuồng bay vào chốn hư ảo … Y tá cặp sốt hơn 40o, anh em cáng vội vào viện và không biết gì nữa…
         Tỉnh lại, mở mắt nhìn nảy đom đóm, trước mặt loằng ngoằng dây truyền dịch. Đầu nhức, bụng căng tức muốn tiểu mà không ngóc đầu dậy được. Nhiều bóng người khoác Blu trắng quanh giường kế bên. Mùi chất thải của người xộc vào mũi, nghe tiếng nhận xét:
- Ca này khó qua khỏi!
         Thế rồi lại thiếp đi. Rồi lại tỉnh vì những tiếng động mạnh ở giường bên cạnh. Họ đang cuốn tăng võng khâm liệm đồng đội xấu số tên Phụng. Muốn ngồi dậy mà không thể. Cổ chân, cổ tay đều có dây chuyền dịch. Miệng đắng, đầu nhức. Toàn thân đau mỏi. Khẽ cử động chuyển tư thế nằm khác, liền bị tiếng con gái nhẹ nhàng nhắc:
- Cẩn thận kẻo chệch ven thì khổ.
         Lán cấp cứu có sáu giường ghép nứa đều có người nằm. Đến ngày thứ ba tôi được chuyển sang lán khác nhường giường cấp cứu cho bệnh nhân mới. Tôi đã qua cơn nguy kịch. Các thầy thuốc bảo may đưa vào cấp cứu kịp thời. Thì ra tôi bị sốt rét ác tính. Sau này về đơn vị cậu Chính - Chiến sỹ kế toán bảo: “Hôm ấy Trung đội trưởng sốt mê man tay bắt chuồn chuồn sợ sợ là …” Tôi lại càng thấy mình may mắn và tin tưởng vào hệ thống Quân y Trường Sơn … Thế rồi lại qua những phác đồ điều trị sốt rét rừng: cặp sốt, đo huyết áp, nằm sấp để tiêm mông buốt đến mang tai …
         Gần hai tháng nằm điều trị ở viện 46 Trường Sơn. Hôm nay tôi mới nhập Trạm 256 - Tiểu đoàn 17 giao liên - Binh trạm 44 Trường Sơn để đuổi theo đơn vị. Những ngày nằm viện đã bổ xung cho tôi nhiều nhận thức đáng quý. Sự sống và cái chết của người lính không chỉ là những mảnh gang, tiếng nổ của trận đánh mà còn là sự tranh chấp sinh tử trên giường bệnh, trên những trận tuyến thầm lặng khác. Nằm ở lán cấp cứu tôi nghe rõ tiếng Y sỹ Sùng nói với nữ Y tá chăm sóc bệnh nhân: “Cố gắng cho đồng chí Phụng ăn hết cốc sữa. Ăn được là sống, nếu không thì …” Đúng là Phụng không thể nuốt nổi, bón vào là ói ra … Tôi tự nhủ về đơn vị tôi và các Chiến sỹ của tôi sẽ tự tạo cuộc sống cho tốt đẹp hơn để có sức chiến đấu và công tác …

 
         Trên đường giao liên vào trạm 257, tôi nhập toán với đoàn dân y vào khu V. Đoàn phần lớn là nữ mới tốt nghiệp các trường Trung cấp Y. Tôi làm quen và nhập toán với ba cô Dược sỹ: Sắc quê Vĩnh Phú, Hồng Cẩm quê Hải Hưng và liền chị tên Lan quê Hà Bắc. Nhìn cách cư xử của họ dễ dàng nhận thấy họ rất yêu quý nhau cùng sát cánh trên đường hành quân. Các em có hiểu biết về Y tế nên hành quân trên dãy Trường Sơn dài ngày như thế những chưa em nào bị sốt rét. Da dẻ vẫn hồng hào, tươi trẻ, yêu đời lạc quan. Nhìn các em ba lô căng phồng, bộ bà ba vải Simili màu xanh rêu, may kiểu cách bó sát cơ thể con gái, chiếc mũ tai bèo, chiếc khăn rằn trên cổ, bước thoăn thoắt lên dốc xuống đèo mà ngưỡng mộ.
         Phần tôi mới ra viện mà chỉ quen hành quân cùng xe pháo. Giờ phải hành quân bộ trên đường giao liên, lên dốc xuống đèo là một thử thách không hề nhỏ. Chân như chân mượn, hai ống chân tê buốt. Mồm mũi tranh nhau thở. Hồng Cẩm đi chậm lại có ý chờ. Tôi ngước nhìn lên bắt gặp cái nhìn của Cẩm. Cô đep, mặt trái xoan, da trắng hồng, sống mũi thẳng, mắt lá răm, răng khểnh như lúc nào cũng cười. Cô bảo: - Cố lên anh Hoàng. Cái Sắc cũng dân “xin xà phòng với anh đấy”.
         Nghe nhắc tên mình Sắc đi chậm lại. Nhìn cô đúng dân miền sơn cước: tròn lẳn, đầy sức sống. Tôi tập trung vào từng bậc để vượt qua. Cái gì đeo trên người cũng cảm thấy nặng. Một chân bước lên bậc người muốn ngã về phía trước. Bước nốt chân sau lên thì ba lô trên vai như muốn kéo ngã ngửa về phía sau. Tôi tự lục vấn mình sao kém thế! Thua các em xa. Đôi chân nặng chịch, đầu gối mỏi nhừ, khát nước. Tôi mở bi đông uống ừng ực. Lan tới bên tôi nói nhỏ:
- Anh uống từ từ thôi. Chỉ nhấp một tí cho đỡ khát.
- Cảm ơn em. Tôi đóng nắp bi đông đứng thở dốc.
- Xuống dốc đỡ hơn lên dốc. Anh cố bám sát, anh em mình vừa đi vừa kể chuyện cho chóng đến trạm.
          Ra dáng liền chị, tôi thầm nghĩ.
        Xuống dốc quả thực nhẹ nhàng hơn lên dốc. Tôi kiên nhẫn từng bước đi xuống. Đã nghe thấy tiếng suối chảy và tiếng người phía trước - Tới điểm giao trực …
         Trước mắt tôi là một con suối lớn chắn ngang đường giao liên. Đá xếp thành hàng lộn xộn giữa dòng suối. Nhiều tảng đá lớn đã có ba lô, túi gùi xếp trên đó. Tiếng người huyên náo đổ xô về phía hạ lưu, chắc có chuyện gì đây. Tôi đặt vội ba lô lên một tảng đá chạy vội tới xem. Trước mắt tôi hình như Lan, mà đúng Lan thật đang ôm lấy vai một người đàn ông ở đoàn đi ra. Đôi vai cô đang run lê bần bật, cô đang khóc. Chuyện gì đây. Tôi đảo mắt tìm Cẩm, tìm Sắc. Hai cô đang đứng cách Lan không xa, mặt cúi gầm tay mân mê quai mũ tai bèo, nước mắt vòng quanh. Đồng chí giao liên dẫn đoàn đi vào đề nghị:
- Các đồng chí tản ra để họ được tự nhiên.
         Mọi người tản ra. Cẩm, Sắc và ba đồng chí đi cùng người đàn ông bên Lan thu dọn nơi họ đứng. Lúc này tôi mới để ý bếp lửa bên họ vẫn còn cháy âm ỉ. Chiếc ăng gô đổ nghiêng, miệng ăng gô vẫn còn vướng rau rừng và một vài con cua đá mai đỏ vàng nằm trên cát … Tôi dần dần hiểu ra câu chuyện …
         Khách vào, khách ra khoác ba lô theo hiệu lệnh của giao liên chuẩn bị rời điểm giao trực. Người thân của Lan cùng ba người bạn đeo gùi đi ra. Lan ngửa mũ tai bèo trong đó có những gói thuốc bổ, lọ sâm mà người đi B được phát vẫn bám theo anh, nằn nì chi đó. Đến gần chỗ tôi ngồi anh dừng lại nắm tay Lan, nói khẽ:
- Thôi! Để anh đi theo anh em kẻo muộn.
         Lan ấn mũ tai bèo về phía anh
- Anh đi ra hậu phương lớn! Em đi vào khó khăn gian khổ còn nhiều lắm. Em giữ lấy, nó rất cần cho em sau này.
         Lan ngả người như muốn ngã vào anh. Anh đưa cả hai tay đỡ lấy vai Lan, cúi sát Lan anh bảo:
- Dũng cảm lên em, Em cứ vào trong công tác cho tốt, ra Bắc hồi phục sức khỏe anh lại vào tìm em …
         Qua Cẩm và Sắc tôi mới biết người đàn ông trong đoàn đi ra là chồng Lan. Cẩm bảo:
- Ba chị em vừa đặt ba lô lên tảng đá gần chỗ bốn anh đang ngồi nấu gì đấy. Bất ngờ chị Lan hỏi:
- Anh Thanh hả - Sao anh lại ở đây.
         Người đàn ông đang điều khiển ăng gô canh vào bếp lửa, giật mình vì có người gọi đúng tên mình làm ăng gô đổ, rau, cua đá đổ cạnh bếp. Nhìn cảnh ấy Lan chạy tới ôm lấy anh mà khóc. Sắc tiếp lời:
- Nghe chị Lan gọi anh Thanh hả. Bọn em mới biết đấy là chồng chị. Chị ấy nói với bọn em: Tên chồng chị là Thanh. Hai người sinh ra và lớn lên cùng một miền quê Kinh Bắc. Anh đi B đã hơn bốn năm. Học xong Trung cấp Y chị Lan tình nguyện đi B với hy vọng gặp được chồng ở chiến trường để chăm sóc sức khỏe cho anh và mong có con để mẹ anh vui tuổi già với cháu. Nào ngờ chị Lan đang trên đường đi vào, chồng chị lại đi ra.

 
         Lan bần thần nhìn theo chồng khoác gùi nhỏ bám trên lưng theo đồng đội với đôi mắt đầy nước. Lan không ngờ gặp chồng trong hoàn cảnh như vậy. Ngày xưa anh cân đối, cơ bắp cuồn cuộn, miệng cười rất xinh. Họ yêu nhau từ câu hát: “… Trên rừng ba mươi sáu thứ chim, ơi là thứ chim …” ở đình làng. Giờ chỉ nhận ra anh từ giọng nói, đôi mắt đen sâu thẳm và đôi mày rậm. Anh thay đổi đến ngạc nhiên: môi thâm, má hóp, chân tay khẳng khiu. Gặp nhau chưa nói được với nhau những điều cần nói, cần hỏi đã phải rời xa …
         Đồng chí giao liên dẫn đoàn đi vào và mọi người đã khoác ba lô trên vai lên đường. Lan như người mất hồn khoác ba lô đứng dậy. Nhưng không thể, Lan ngồi bệt xuống đất chân duỗi thẳng chiếc ba lô to đùng đè nặng lên người trông tội nghiệp. Tôi, Cẩm, Sắc cũng xúm lại đỡ Lan đứng dậy. Tôi chợt nghĩ: Buồn đến thế, đau khổ đến thế, thất vọng … đến thế là cùng … Chiều muộn hôm ấy, bọn tôi mới về tới trạm 257. Hình như mọi người đã biết chuyện, mọi ánh mắt đổ dồn vào Lan. Tôi tìm gặp Phong - Dược tá Bệnh xá giao liên ở trạm này - đồng hương với tôi, quen thân từ buổi nằm viện 46. Câu đầu tiên Phong hỏi tôi:
- Vợ chồng gặp nhau ngất xỉu hả anh?
- Đâu có. Tôi phản bác.
- Anh em đi vào bảo thế mà!
         Thì ra tin nhanh thật. Đúng là trong đoàn cùng đi vào nhìn cảnh gặp nhau của vợ chồng Lan. Có người bình phẩm ra miệng: “Buồn đến ngất xỉu”. Khi về đến Trạm lại trở thành “ôm nhau ngất xỉu” …
         Tôi bàn với Phong tìm cách để cho vợ chồng Lan nói chuyện với nhau qua điện thoại. Chả là tôi đã nghĩ ra và đã nói với Lan: “Cố lên tới trạm 257 tôi sẽ tìm cách để Lan nói chuyện với chồng qua điện thoại”. Điều đó đã giúp Lan có thêm sức để tới Trạm. Phong đồng ý với đề nghị của tôi.
         Tôi, Phong và Lan vào lán chỉ huy Trạm xin được liên lạc điện thoại với trạm 256 - nơi chồng Lan và các bạn đang nghỉ lại. Trạm trưởng Uyển đồng ý ngay. Rất tiếc mấy tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn không liên lạc được với Trạm ngoài. Chiến tranh là thế, đêm Trường Sơn là thế. Ban ngày địch đánh phá gây tắc đường, đứt dây thông tin. Đêm đến đường thông, dây thông tin được nối lại. Nhưng đường dây liên lạc chỉ có một phải nhường cho cấp trên chỉ đạo, chỉ huy vận tải, cầu đường, chỉ huy đánh địch đang đánh phá tuyến … Lan buồn bã về lán nghỉ … Phần tôi và những người chứng kiến và nghe kể cuộc gặp gỡ của vợ chồng Lan đều cảm thấy ái ngại mang theo nỗi buồn man mát chuyện tình thời chiến chinh.
         Sáng hôm sau đoàn rời Trạm 257 về Trạm 258 đã không có Lan đi cùng. Cơn sốt rét rừng Trường Sơn đã đến với Lan ngay tối hôm ấy và phải nhập Bệnh xá giao liên điều trị. Tôi, Sắc, Cẩm vẫn đi nhóm cuối cùng trong đoàn mang đầy tâm trạng thương nhớ Lan. Tôi đọc Chinh phụ ngâm: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi chuân chuyên …”. Cẩm liền lên tiếng:
- Thôi anh! Vắng chị Lan đã buồn lắm rồi.
         Rồi chúng tôi nói chuyện về Lan, về việc chị bị sốt rét rừng phải nằm Bệnh xá giao liên. Tôi lại nghĩ đến phác đồ điều trị sốt rét. Người bệnh lại phải nằm xấp bất kể trai hay gái, tụt mông ra, Y tá sờ nắn vào mông tìm vị trí tiêm. Bất ngờ kim tiêm cắm mạnh vào mông, đau nhói. Y tá nhắc người bệnh: “Co chân lên”. Nếu không đau, không buốt … Y tá bắt đầu bơm thuốc vào người bệnh buốt tới mang tai. Chưa hết có người còn bị “áp xe” tụ mủ. Lại phải mổ, điều trị như một vết thương hở mất cả tháng trời …
         Tới trạm 258 chúng tôi chia tay Sắc. Sắc theo đoàn về Ban dân y tỉnh Kon Tum. Tôi, Cẩm còn đi với nhau thêm ba ngày nữa. Cẩm về Ban dân y khu V, tôi về đơn vị ở đường 16. Trước khi chia tay chúng tôi đều hẹn ngày gặp lại và nhắc tới Lan... Hai năm sau vào tháng 7 năm 1970 tôi gặp lại Cẩm ở Trạm giao liên Nam Trà Mi. Cẩm nhắn tôi: “Ngày chiến thắng tìm em ở thành phố Tam Kỳ”. Sáu năm sau tôi gặp lại Sắc ở Trạm giao liên Bắc Kon Tum. Riêng Lan tôi chưa gặp lại. Tháng 8 năm 1970 tôi qua trạm 257 giao liên Trường Sơn. Nhưng không gặp Phong - anh đã ra Bắc học Y khoa. Hỏi chuyện về Lan không ai biết cả. Ôi! Chiến tranh là thế, chuyện gì xẩy ra với người lính cũng đều là những kỷ niệm vui hoặc buồn. Còn chuyện gặp chồng của Lan theo các bạn là vui hay buồn đây…?

 
Nguyễn Kim Chúc
Phó CTTT Hội Trường Sơn Sư đoàn 471
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan