CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN – ĐÒN MỞ ĐẦU CHIẾN LƯỢC CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG NỔI DẬY MÙA XUÂN 1975 LỊCH SỬ.
Tiến tới kỷ niệm 45 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2020)
CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN – ĐÒN MỞ ĐẦU CHIẾN LƯỢC
CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG NỔI DẬY MÙA XUÂN 1975 LỊCH SỬ.
Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4.3 đến 3.4.1975), được coi như đòn mở đầu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 của quân và dân ta đã tạo nên bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến trường. Mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc.
Tây Nguyên lúc đó ( 1971 – 1975) có diện tích khoảng 60.000 km2, gồm các tỉnh: Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn, Đắk Lắk và một phần tỉnh Quảng Đức. Núi rừng Tây Nguyên đã từng được người Pháp coi là "mái nhà Đông Dương". Trong chiến cuộc, ai làm chủ được địa bàn này sẽ làm chủ được Đông Dương. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bùng nổ. Thay chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ càng chú trọng hơn vị trí chiến lược quân sự này. Suốt hơn 20 năm dòng, Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn đã tăng cường nhiều biện pháp để kìm kẹp đồng bào các dân tộc, ngăn chặn phong trào cách mạng ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, với tinh thần quật khởi, quân và dân Tây Nguyên đã liên tục đấu tranh, từng bước đánh bại âm mưu, hành động xâm lược của địch. Bước vào xuân-hè năm 1975, Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương đã quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (mang mật danh A 275). Ngày 9-1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường; đồng thời, đề ra nhiệm vụ quân sự mùa xuân 1975, thực hiện một bước kế hoạch tác chiến chiến lược. Quân ủy Trung ương xác định trong mùa khô 1974-1975, hướng tiến công chủ yếu của ta là Tây Nguyên và bổ sung nhiệm vụ cụ thể của chiến dịch Tây Nguyên là: Phải tiêu diệt 4 đến 5 trung đoàn bộ binh, 1 đến 2 trung đoàn thiết giáp; nhiều tiểu đoàn bảo an, trung đội dân vệ, cố gắng đánh quỵ hoặc tiêu diệt 1 sư đoàn, đánh thiệt hại Quân đoàn 2 của ngụy Sài Gòn. Giải phóng một phần tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức gồm 3 thị xã Cheo Reo, Gia Nghĩa, Buôn Ma Thuột. Trọng điểm là tỉnh Đắc Lắc, trong đó mục tiêu then chốt là Buôn Ma Thuột, mục tiêu quan trọng là 3 quận lỵ: Đức Lập, Thuần Mẫn, Kiến Đức. Hướng phát triển chủ yếu là Cheo Reo, Gia Nghĩa. Ngày 5-2, Bộ Chính trị cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng vào chiến trường Tây Nguyên làm đại diện của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, bên cạnh Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Đồng thời Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Trung tướng Hoàng Minh Thảo được bổ nhiệm làm Tư lệnh mặt trận; Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk huy động mọi khả năng hiện có của địa phương phục vụ mặt trận. tiếp đó Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 232 (tương đương Quân đoàn) tại Nam Bộ. Trong Đoàn 232 gồm có 2 Sư đoàn bộ binh số 3 và số 5, Lữ đoàn pháo binh 232, Trung đoàn công binh 32 và một số đơn vị trực thuộc khác. Đồng chí Nguyễn Minh Châu được bổ nhiệm làm Tư lệnh; đồng chí Trần Văn Phác được bổ nhiệm làm Chính ủy.
Mục tiêu của Chiến dịch Tây Nguyên đặt ra nhằm: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch giải phóng các tỉnh Nam Tây Nguyên, tạo thế chia cắt chiến lược thực hiện chiến lược giải phóng miền Nam (1975). Khu vực Nam Tây Nguyên gồm các tỉnh Phú Bổn, Đắc Lắc, Quảng Đức. Hai chiến tuyến trên chiến trường Tây nguyên lúc này. Về phía địch có Sư đoàn bộ binh 23, Lữ đoàn dù 3, Trung đoàn bộ binh 40, 8 liên đoàn biệt động quân, Lữ đoàn tăng thiết giáp số 2, 30 tiểu đoàn bảo an và các đơn vị binh chủng chuyên môn kỹ thuật…Về phía lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm 5 Sư đoàn (10, 320A, 316, 968, Sư đoàn 3) và 4 Trung đoàn bộ binh là ( 25, 271, 95A, 95B), Trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn xe tăng - thiết giáp 273 và một số đơn vị binh chủng chuyên môn kỹ thuật. Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm: Tư lệnh, Trung tướng Hoàng Minh Thảo; Chính ủy Đặng Vũ Hiệp.
Sau các hoạt động nghi binh tích cực thu hút địch lên hướng Bắc. Ngày 4/3/1975, bộ đội ta bước vào tác chiến tạo thế, chặt đứt giao thông địch trên trục đường 19 và 21, chia cắt chiến lược các tập đoàn địch ở Tây Nguyên và đồng bằng. Ngày 8/3, Sư đoàn 302 nổ súng tiêu diệt cứ điểm Cẩm Ga, chiếm giữ đường 14 ở khu vực này, chia cắt chiến dịch quân địch ở Bắc và Nam Tây Nguyên. 2 giờ 30 phút ngày 10/3, các mũi tiến công của ta chính thức bước vào tác chiến chiến dịch, Sư đoàn 10 nhận nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Đức Lập, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 198 đặc công đồng loạt mở 5 mũi tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là trận đánh then chốt chủ yếu. Sau hơn một ngày chiến đấu quyết liệt ta đã chiếm đánh sân bay thị xã buôn ma Thuột, sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm xong điểm cao Chư Ebua, từ 6 giờ đến 8 giờ ngày 11/3 pháo binh của ta từ các hướng bắn dồn dập vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Tiếp đó các đơn vị bộ binh và xe tăng quân ta chia thành 3 mũi, tiến công đánh thẳng vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Đúng 11 giờ trưa ngày 11/3, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã được kéo lên trên cột cờ của sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy, quân ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, hoàn thành trận đánh then chốt mở đầu thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên.
Cay cú bị đánh bất ngờ vỡ trận. Từ ngày 12 đến 15/3, địch dùng hàng trăm lượt chiếc trực thăng đổ quân của Sư đoàn 23 ( chỉ thiếu Trung đoàn 45) xuống các khu vực điểm cao 351, Phước An, Tân Trại, chiếm các vị trí có lợi trên đường 21 nhằm phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột. Ngay sáng 14/3 quân ta tiến công tiêu diệt tiểu đoàn ngụy ở chân điểm cao 581, chiều 15/3 quân ta nã pháo vào điểm cao 581, sáng 16/3 quân ta tiến công vào Nông Trại, tiêu diệt gần hết Trung đoàn 45 ngụy, số còn lại chạy về Phước An. Ngày 17/3, quân ta tiếp tục tiến công tiêu diệt và làm tan rã gần hết cụm quân ở Phước An. Ngày 18/3, quân ta đánh trận tiêu diệt Sư đoàn 23 ngụy ở Chư Cúc, đập tan cuộc phản kích của địch, hoàn thành trận then chốt thứ hai của chiến dịch Tây Nguyên. Sau khi mất Buôn Ma Thuột, Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống Việt Nam Cộng hòa quyết định “ tùy nghi di tản”. Đây là một quyết định hoàn toàn sai lầm về chiến lược.
Khoét sâu sai lầm của địch, ta tung Sư đoàn 320 vào truy kích, tập kích tập đoàn địch rút chạy trên đường 7, từ 17 đến 23/3 quân ta tiêu diệt hầu hết lực lượng này gồm 1 trung đoàn bộ binh, 5 liên đoàn biệt động quân, 3 thiết đoàn và các đơn vị khác, giải phóng Cheo Reo, Củng Sơn. Đồng thời, từ 18 đến 24/3/1975, Sư đoàn 968, Trung đoàn 95A, và Trung đoàn 271 tiến vào giải phóng các thị xã Kon Tum, Plâyku và Gia Nghĩa.
Qua 20 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 24-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi. Sau đó, quân ta tiếp tục phát triển chiến đấu xuống vùng duyên hải Nam Trung bộ, phối hợp với quân dân địa phương lần lượt giải phóng các tỉnh: Phú Yên, Khánh hòa, kết thúc chiến dịch vào ngày 3/4/1975. Kết quả chiến dịch, ta đã tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 – Quân khu 2 quân đội ngụy Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu 28.000 tên địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1096 xe quân sự, giải phóng 5 tỉnh trên đại ngàn Tây Nguyên là: Kon Tum, Gia Lại, Đắk Lăk, Phú Bổn, Quảng Đức và một số tỉnh ở duyên hải Trung bộ. Những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.
Chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu là đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột đã thể hiện sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng mà cụ thể là sự chỉ đạo của Bộ Tham mưu tối cao là Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về tất cả các mặt, từ việc chọn chiến trường, thời điểm, chọn vị trí đột phá cho đến việc chớp thời cơ phát triển chiến dịch đến những thắng lợi tiếp theo to lớn hơn. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, còn địch bị động, bị suy sụp và tan rã về chiến lược, dẫn đến co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường. Chiến thắng Tây Nguyên đã mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
PHẠM HUY CHƯƠNG.
( Nguồn tài liệu tham khảo: Lịch sử quân sự việt Nam)