Chuyến đi B đặc biệt bằng xe đạp - Hoàng Đạo

Ngày đăng: 04:52 08/04/2020 Lượt xem: 484
 CHUYẾN ĐI B ĐẶC BIỆT BẰNG XE ĐẠP
                                                                     
          Tôi nhập ngũ tháng 8 năm 1972, về huấn luyện tân binh tại xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Hưng (cũ). Đầu tháng 12 năm 1972, chiếc xe gát 53 đón 19 anh em chúng tôi về tiểu đoàn bộ, tiểu đoàn 78 tại số 51 phố Phan Đình Phùng - Hà Nội. Sau 1 ngày và 2 đêm nghỉ ngơi, 15 anh em chúng tôi được tăng cường về C10 anh hùng, còn 4 anh em đơn vị chọn đi học lái xe mô tô 3 bánh. 15 anh em chúng tôi nhận mỗi người 1 chiếc xe đạp, đồng chí phụ trách tên là Đình. Chúng tôi kiểm tra xe đạp, ngày hôm sau nhận quân trang mới cùng các dụng cụ.
           Đúng 7 giờ sáng hôm sau, đoàn chúng tôi gồm 17 anh em, dẫn đầu là anh Nguyễn Văn Đình phụ trách chúng tôi hành quân đến Ninh Bình. Sau một ngày trên đường đi mặc dù rất vội vàng nhưng vẫn thấy các bà, các chị đang cày cấy trên đồng, vai mang súng ngắm nhìn vẫy chào chúng tôi, vì thấy lạ, thời buổi loạn lạc như thế lại có một đoàn bộ đội đi B bằng xe đạp.
          Ngày thứ hai, đoàn chúng tôi tiếp tục đi, đường rất xấu vì bị bom đạn cày sới. Đến Thanh Hóa thì trời tối, liên hệ vào nhà dân nghỉ qua đêm, xong không nấu ăn được vì máy bay Mỹ quần đảo liên tục. Chúng tôi đành nhịn đói. Ngày thứ 5 là ngày vất vả nhất, máy bay Mỹ luôn rình rập. Chúng tôi phải vượt qua ngã ba Đồng Lộc. Cách 10 km anh em chúng tôi được nghỉ ăn cơm nắm và uống nước gạo rang. Vừa ăn trưởng đoàn vừa quán triệt nhiệm vụ, máy bay Mỹ đánh phá ngã ba Đồng Lộc suốt ngày đêm theo quy luật, cách 3 km chúng tôi dừng lại chờ loạt bom. Anh em ngắm nhìn chỉ thấy đồi trọc, đất đá đỏ au sau những đợt bom cày xới. Chúng tôi là những lính mới, chưa được va chạm đạn bom song người nào cũng rất quyết tâm.
          Trận bom vừa dứt, đồng chí phụ trách hô “Tiến!”, anh em chúng tôi lên xe đạp nhanh. Chúng tôi thường bảo nhau, bom đạn chẳng sợ, chỉ sợ bục săm xe. Có chỗ bom vừa nổ, đất đá lấp kín đường, chúng tôi phải xuống vác xe cùng ba lô, gạo rất nặng, làm sao qua được toạ độ càng nhanh càng tốt. Sau một giờ vất vả anh em vượt qua đều an toàn thì xe của anh Nguyễn Văn Khánh bị bục săm, anh em dừng lại vá xe (xe nào cũng được trang bị 1 bộ vá săm).
          Tối hôm đó chúng tôi đã tới đầu tỉnh Quảng Bình, vào trạm thông tin ở đó nghỉ. Mặc dù vào tối nhưng anh em chúng tôi vẫn được ăn cơm chu đáo vì trên đường các anh đã thông báo cho trạm để chuẩn bị cơm nước. Chúng tôi được nghỉ một ngày để lấy lại sức, ngày hôm sau, tức là ngày thứ 7 của đoàn từ hôm rời Hà Nội. Trước khi xuất phát trưởng đoàn quán triệt anh em phải quyết tâm vượt qua phà sông Gianh dù máy bay quần đảo liên tục. Chúng tôi được xếp lên 2 chiếc thuyền gỗ đã cũ xong vẫn vượt qua sông an toàn. Lên bờ, đoàn cấp tốc vượt qua tọa độ bến phà rồi rẽ vào đường cấp phối 5 km. Đó là trạm K82C (tức là C10 anh hùng đóng tại huyện Bố Trạch - Quảng Bình). Chúng tôi được nghỉ ngơi mười ngày xong lại tiếp tục đi đến nam phà Quán Hầu, xã Bảo Ninh thì bàn giao xe đạp cho trạm thông tin ở đó và tiếp tục đi bộ vào K82B. Đến nơi, tôi và anh Nguyễn Đức Bất được đại đội phân công vào trạm CK5 tại bản Đông, nam sông Xê Pôn để bảo đảm thông tin cho mặt trận B4, B5. Đến khi ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam tôi được chuyển ra Hồ Xá - Vĩnh Linh.
          Tôi kể ra đây câu chuyện chuyến đi B đặc biệt, bởi vì tôi biết sử sách viết những chuyến bộ đội của ta đi B từ Mai Sưu - Hà Bắc vào đến mặt trận có những đợt phải mất 6 tháng. Do vậy chuyến đi B của anh em chúng tôi “nó” đặc biệt ở chỗ đang bom đạn như thế mà đi B lại đi bằng xe đạp. Sau này chúng tôi được biết, đi xe đạp vào để bổ xung phương tiện cho trạm K82C. Đó cũng là một kỷ niệm đặc biệt đối với lính thời chiến chúng tôi./.
 
                                                                                NGÔ QUANG ĐẠO
                                                                             Hội TS TP Bắc Ninh
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

tin tức liên quan