Một đồng đội Trường Sơn của tôi. - Đại tá Nguyễn Trọng Tạo

Ngày đăng: 09:56 09/04/2020 Lượt xem: 1.207
HÀO KHÍ 30-4
 
------------------------------------------------------------------------

 
                             MỘT ĐỒNG ĐỘI TRƯỜNG SƠN CỦA TÔI
 
      Đất nước đang trong những ngày “giặc” CoVID-19 xâm lăng. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải căng mình, thần tốc; tranh thủ từng giờ, từng phút để chống dịch CoVID-19 và cũng là chống “giặc” CoVID-19… Thì vào một ngày cuối tháng 3-2020, tin buồn đến với chúng tôi: Hội viên Trần Văn Minh, Hội Trường Sơn ph­ường Hai Bà Trưng, thành phố phủ Lý, tỉnh Hà Nam qua đời tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hà Nam, do bệnh tim mạch!...
     Đội m­ưa, tôi đến ngay nhà đồng chí Chủ tịch Hội Tr­ường Sơn ph­ường Hai Bà Trưng. Cùng đi có cả đồng chí Chi hội Tr­ưởng để bàn việc tham gia cùng gia đình lo tang lễ cho đồng đội. Tại gia đình ở số nhà 231 đ­ường Trần Thị Phúc, chị Hiệp vợ anh Minh đang cùng con, cháu, họ hàng, bạn hữu…chung tay lo liệu. Dù đang trong giai đoạn chống dịch, nh­ưng chư­a đến những ngày quyết liệt cách ly xã hội. Bởi vậy, mọi ng­ười cứ đeo khẩu trang, rửa tay bằng dịch diệt khẩn, không bắt tay, chỉ nhìn nhau qua ánh mắt và ngồi cách nhau hơn 2m để bàn bạc công việc...
    Những vòng hoa, những nén nhang thơm để t­ưởng nhớ và tiễn đư­a ng­ười đồng chí, đồng đội của Bộ đội Tr­ường Sơn về nơi an nghỉ cuối cùng…
    Anh Trần Văn Minh mọi ng­ười th­ường gọi là Minh Điện. Quê anh ở xã Trung Lương, huyện Bình Lục. Trong chặng đường Binh nghiệp lẽ ra anh “nhập ngũ” ngày 30-6-1968. Đây là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời điểm quyết liệt. Anh Minh yên trí là mình sẽ trở thành anh bộ đội. Khi tập trung ở Đặng Xá, cách thành phố Nam Định khoảng hơn 6 cây số. Đến khi điểm danh xong, danh sách những người lên đường ngày hôm đó đã không có tên anh? Anh Minh hỏi những người có trách nhiệm đã được trả lời là quân số đủ rồi!
     Vậy là anh Minh lại phải quay về. Trong lòng anh buồn rười rượi. Thế là lần thứ hai nhập ngũ “trượt”. Lần trước là năm 1966, khi ấy anh Minh làm đơn tình nguyện lên đường, chính quyền xã cũng đã vào danh sách, gia đình đã liên hoan…Nhưng khi xếp hàng để điểm danh trước lúc lên đường thì anh Minh lại bị trê là “thấp, bé, nhẹ cân”! Sau lần nhập ngũ trượt ấy, anh Minh làm đơn đi học nghề điện. Tháng 8 năm 1966 có giấy nhập học. Ngày đầu nhập học cũng bị cán bộ quản lý học viên của trường bảo: Liệu cậu nhỏ bé thế này có đủ sức lực để làm thợ điện không? Thợ điện vất vả lắm đấy? Lúc đó anh Minh phải cam kết rằng mình có đủ nghị lực để học và trở thành thợ điện! Trong lòng anh Minh đã tự khẳng định là học và làm được. Bởi ở nhà, anh Minh tuy nhỏ nhưng cũng đã làm được đủ việc, kể cả gánh phân tro để bón lúa, cuốc ruộng, gặt hái cùng bố mẹ khi làm ruộng ở hợp tác xã…Khi học xong, anh Minh đi thực tập…Rồi tốt nghiệp. Anh được phân công về Chi nhánh Điện làm việc. Lúc đó chiến tranh ác liệt, Mỹ cho máy bay đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Các anh kéo mắc hệ thống dây điện 35 KV từ Văn Điển về Nam Định, chạy qua những vùng trọng điểm như Cầu Giẽ, Phủ Lý…Những lần máy bay Mỹ đánh phá hủy hoại hệ thống đường dây điện, những người thợ điện các anh đã phải ngày đêm khắc phục hậu quả trong điều kiện máy bay Mỹ đánh phá ngay nơi những người thợ điện đang làm việc!
     Tuy say mê với nghề thợ điện, nhưng anh Minh lúc nào cũng mơ màng về một ngày nào đó được lên đường làm “bộ đội”. Như cầu được, ước thấy. Ngày 6-7-1968. Anh Minh được báo là được lên đường nhập ngũ. Lần thứ ba anh Minh đi chào họ hàng và gia đình tổ chức liên hoan tiễn chân anh lên đường và chỉ có 20 người chủ yếu là lấy ở nhà máy Dệt. Khi quân lực gọi tên từng người để nhận quân trang, nhận xong, mọi người đã thay quần áo thường phục, mặc quân phục. Duy có anh không thể mặc được quân phục vì quần áo rộng thùng thình! Nhưng khi đến giờ phải hành quân, trong đội hình của bộ đội, có một người vẫn là “dân” - Chính là Trần Văn Minh – anh bộ đội mặc thường phục. Từ ga Đặng Xá, đơn vị đã liên hệ và cho anh em lên một tàu hàng chạy lên Phủ Lý. Xuống ga Phủ Lý, đơn vị hành quân bộ qua vùng đồi núi Ba Sao, Kim Bảng rồi vào Hòa Bình! Sau một ngày nghỉ ngơi, lúc đó anh Minh đã nhanh chóng đi sửa chữa quần áo, chủ yếu thu hẹp lại cho vừa vặn. Những ngày tiếp theo là học Điều lệnh, nội quy…Anh được biên chế vào A1- B1- C2- D3- E3- F320b. Đến lúc này anh Minh thấy yên tâm mình đã được đứng trong hàng ngũ của quân đội. Vậy là 3 lần lên đường, mãi lần thứ 3 mới là hiện thực.
     Với anh Minh, ngay từ khi còn bé được bà nội và mẹ thay nhau cõng trên lưng chạy loạn khi giặc Pháp càn quét dọc đường 21, từ Phủ Lý về Nam Định. Lúc này địch đã đóng bốt ở gần Cầu Sắt, Cầu Họ... Thời kỳ đen tối đó đã cho anh biết thế nào là giặc, là chiến tranh! Khi lớn lên, được học lịch sử càng thấy rõ hơn thế nào là đau khổ của một dân tộc bị thù trong, giặc ngoài làm nhân dân ta đau khổ? Đến khi Mỹ cho máy bay đánh phá miền Bắc, thì anh muốn được đi đánh Mỹ. Có một lần, thấy máy bay Mỹ đánh phá khu vực cầu Sắt, cầu Họ, anh đã vác khẩu súng K44 dài hơn cả thân mình chạy ra vìa làng rồi chĩa lên trời định bắn. Nhưng với suy nghĩ còn ẫu trĩ “nếu mình bắn nó, nó phát hiện rồi ném bom vào mình thì cả làng chết mất…” Máy bay đi rồi, anh lại mang súng về cất vào chỗ cũ, nơi bố vẫn treo ở trên tường. Lần ấy anh bị bố lên lớp. Tưởng bố gay gắt. Nhưng bố lại bảo: “Nếu con thích bắn súng, nay mai bố sẽ cho con đi bộ đội!”. Ôi! Sướng quá. Từ đó anh chỉ mong muốn được đi bộ đội. Nhưng chỉ khổ nỗi anh “thấp bé, nhẹ cân” quá! Và phải đến lần thứ 3 gọi nhập ngũ thì mong ước của anh mới trở thành hiện thực.
      Sau thời gian tập luyện, tập hành quân, bắn đạn thật ở Miếu Môn Hà Tây, hành quân về Hà Nội tiếp tục huấn luyện. Có lần mỗi người đeo 18 viên gạch trong ba lô hành quân quanh Hồ Tây. Lưng và chân phồng rộp nhưng anh vẫn cố gắng. Hết khóa huấn luyện anh được điều lên tiểu đoàn làm liên lạc. Tiểu đội liên lạc có 6 người, lúc đó anh Thắng là con trai nhà văn Tô Hoài làm Tiểu đội trưởng và anh Minh là Tiểu đội Phó ở cùng với Chính trị viên tiểu đoàn Ban quê ở Nam Định. Một thời gian sau cấp trên có lệnh sáp nhập Trung đoàn để chuẩn bị đi B chiến đấu.
      Tháng 10 năm 1968, cục quản lý xe máy sang tuyển quân. Sau 3 đợt vẫn chưa thấy anh trong danh sách. Anh đã lên hỏi người phụ trách quân lực. Anh quân lực bảo: Các thủ trưởng mến cậu quá nên giữ lại…Nhưng sau đó anh cũng được về Nhà máy Q153 ở Đông Anh Hà Nội. Nơi đây đang sửa chữa xe tăng, xe xích ATL, ATS 59…Và anh được đi học lớp điện xe tăng và xe xích. Các thầy dạy đều đã học ở Liên Xô về. Nhiệm vụ khi học xong là vào sửa chữa xe ở chiến trường. Trong thời gian học tập anh và các học viên đã được gặp bác Trần Đại Nghĩa và bác Đinh Đức Thiện đến thăm nhà máy. Ở đây, có cả các chuyên gia Liên Xô hướng dẫn…
     Đầu năm 1971, anh được lệnh vào chiến trường Trường Sơn. Trước khi đi anh đã được về thăm gia đình 3 ngày. Biết bao tình thương của cha mẹ đã dành cho anh.  5 anh em được một xe Gát 63 chạy suốt từ Hà Nội vào tới Hà Tĩnh. Các anh nghỉ lại ở ven thị xã Hà Tĩnh. Anh được chủ nhà kể về ngôi nhà chỉ còn các nóc của mình. Các cánh cửa và gỗ bưng xung quang…đều đã được rỡ ra để lót đường chống lầy cho xe chở quân vào tiền tuyến…Minh và anh em vô cùng cảm động.
     Các anh vượt qua phà Xuân Sơn, Quảng Bình để đến điểm tập kết ở Khe Giát, cách sân bay dã chiến khoảng 3 km. Tại đây anh và đồng đội chứng kiến nhiều lần máy bay của ta lên, xuống và nghe được chuyện tại sân bay này máy bay Mích đã bí mật bay ra tiến công Hạm đội 7 của Mỹ... Có lần anh kể rằng: Tại Khe Giát, nơi tập kết khá nhiều xe ATS.59 của các đơn vị đem đến “Bệnh viện của xe” để sửa chữa. Anh và anh em lao ngay vào sửa chữa xe. Có lúc tổ trưởng đưa ra các tình huống hỏng hóc và yêu cầu từng người trình bày và tiến hành sửa chữa! Với anh, việc này không khó lắm vì ngần ấy năm học tập cả lý thuyết và thực tiễn ở Q153...
Ngày ấy, máy bay Mỹ đánh phá ở Quảng Bình, Vĩnh Linh rất ác liệt! Cường độ công việc của đơn vị rất căng thẳng. Xe hỏng hóc từ các đơn vị đem đến ngày càng nhiều. Toàn những xe kéo pháo và vận tải của Bộ đội Trường Sơn…
      Đến tháng 9 - 1971 anh và 5 anh em vừa được lệnh bổ sung cho đơn vị sửa xe cơ động T5 ở mặt trận B5 Quảng Trị. Lúc đó chiến sự đang diễn ra ác liệt. T5 đứng chân ở khu vực luôn bị pháo kích ở Hạn đội 7 và tàu chiến ở ngoài biển dội vào. Anh và đơn vị ngày đêm sửa chữa xe để những chiếc xe nhanh được ra xưởng đưa pháo, vũ khí áp sát căn cứ địch. Đó là xe của các đơn vị cao xạ 57 ly, 37 ly, pháo mặt đất 130 nòng dài…
Bước vào chiến dịch mùa xuân 1972, các loại pháo của ta liên tục nã vào Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà…Có lúc pháo nòng dài 130 ly từ Vĩnh Linh cũng nã vào căn cứ địch ở Quảng Trị …Nhiệm vụ của các “bác sỹ xe” phải áp sát các đơn vị chiến đấu để kịp thời sửa chữa những xe bị hỏng hóc. Đầu tháng 4- 1972, khi Gio Linh, Cam Lộ, được giải phóng, các “bác sỹ xe” được lệnh vào thu hồi xe của địch. Lúc đó anh được giao sửa chiếc tăng M41. Sửa xong chiếc tăng này, quân ta đã cắm cờ Giải phóng lên và đưa vào tham gia giải phóng Đông Hà. Ta đã thu được rất nhiều xe của địch nào là xe tăng M113, Dốt Zo, GMC, Zép… Các “bác sỹ xe” của T5 làm không hết việc. Các anh phải ưu tiên sửa nhanh xe kéo pháo để phục vụ tiến đánh Đông Hà và Quảng Trị, cao điểm 241. Chiều ngày 2-4-1972, khi quân ta tiến công quyết liệt vào điểm cao 241, Trung tá Ngụy Phạm Văn Đính, Trung đoàn Trưởng E6 thuộc sư 3 ngụy đã phản chiến, kéo cờ trắng đầu hàng cùng khoảng 1500 tên lính ngụy…
     Cùng lúc, một nhóm “bác sỹ xe” trong đó có anh được điều động gấp, ngược về một ngầm ở Đường 9, cách Cam Lộ khoảng 2 km. Ở đó có một xe kéo pháo và một xe tăng M41 bị hỏng. Anh kiểm tra thấy chiếc xe chỉ bị hỏng Rơ le liên động. Chỉ sửa mấy phút sau xe nổ máy được và rời khỏi ngầm. Rất may, chỉ mấy chục phút sau, một loạt đạn pháo ở ngoài biển đã bắn tới. Máy bay phản lực của địch cũng tới “choảng” bom vào con ngầm thì hai chiếc xe đã rời ngầm an toàn. Sau lần sửa chữa xe nhanh đó, anh được chỉ huy mặt trận B5 khen thưởng.  
     Theo yêu cầu ở mặt trận, anh và một số anh em lại ra Cam Lộ, rồi đường 9 về Trung đoàn Bông Lau 38 và Trung đoàn 45 để sửa chữa xe và bảo quản 2 khẩu 175 có biệt hiệu “Vua chiến trường” ta thu được của địch. Tại đây anh và đồng đội đã bắt được một tên tù binh, tuổi cũng khá lớn, nói tiếng khu 4. Hắn khai quê ở Hà Tĩnh làm lao công. Anh cùng đơn vị đưa hắn ta về nơi an toàn, thay nhau canh gác và sau bàn giao cho mặt trận B5.  
      Một hôm Trung tá Quang Lanh, chỉ huy cụm một mặt trận B5, là người trực tiếp quản lý các “bác sỹ xe” đến thăm và giao nhiệm vụ. Anh Minh đã biết bác ở Q153. Bác Lanh hỏi anh Trần Kiềm chỉ huy trạm: Ở đây còn mấy cậu thợ điện như cậu này? Anh Kiềm bảo: Còn một cậu nữa. Nghe vậy, Trung tá Quang Lanh bảo: Vậy các cậu ít cho cậu này xuống trực tiếp các đơn vị chiến đấu nhé. Mà để làm việc tại trạm thôi. Đúng là “bác sỹ chuyên khoa” quý thật! Thế rồi Ông Lanh Bảo: Nếu cần thì hướng dẫn qua điện thoại, hoặc bộ đàm cũng được. Bao giờ ở đó thực sự bó tay hãy cho cậu này xuống nhé! Có lẽ thành tích sửa xe M41 ở ngầm Đường 9 của anh Minh lần đó đã gây ấn tượng tốt đẹp với Trung tá Quang Lanh.
      Một hôm, Trung đoàn pháo 155 ly báo cáo có 3 xe bị hỏng, không khởi động được. Trạm đã cử anh - một thợ điện và một thợ máy, một thợ gầm lên đường về Hướng Hóa. Tới nơi, ê kíp “bác sỹ xe” đã khẩn trương giải phẫu, nổ xe… Tất cả các xe bị hỏng đã hoạt động tốt trở lại.
     Các anh nhận nhiệm vụ vào sát Đông Hà để sửa chữa một số xe ATL đang bị hỏng. Một nhóm 10 người trong đó có một y tá, hành quân ngày đêm. Trong chuyến này, có 2 đồng chí đã hy sinh đó là đồng chí Chất quê ở Nghĩa Hưng, Nam Hà, đồng chí Thế quê ở Nghệ An. Các anh bị rốc két, hỏa tiễn từ máy bay C130 bắn xuống trên đường hành quân.  10 chiếc xe chủ yếu là xe xích bị hỏng.  
     Tại đây, anh Minh bị sốt rét. Năm trong hầm chữ A, suýt nữa anh bị rắn lục cắn chết.  
    Sau khi cơn sốt rét tạm lắng, anh và đồng đội tiếp tục hành quân làm nhiệm vụ. Trên đường, đơn vị anh bị máy bay trinh sát OV10 chỉ điểm máy bay tiêm kích đến dội bôm. Một số đồng chí hy sinh và bị thương, trong đó có anh!
    Sau vài ngày điều trị vết thương tại bệnh viện dã chiến, sức khỏe của anh hồi phục. Tháng 5- 1972, Quảng Trị được giải phóng. Anh Minh được đơn vị đón và ngược ra Bắc chờ trở về đơn vị cũ Đ5 đóng ở khu Khe Giát- Quảng Bình. Chuẩn bị cho Đại thắng mùa xuân 1975. Cuối năm 1974. Đơn vị của anh được lệnh lên đường vào Tây Nguyên.
     Đơn vị hành quân cấp tốc ngày đêm. Đầu tháng 3-1975, đơn vị của anh luôn áp sát mặt trận để làm nhiệm vụ. Ngày 11 tháng 3 Buôn Mê Thuột được giải phóng, niềm vui tràn ngập...
     Sáng ngày 12-3-1975, Thủ trưởng tên là Tùng gọi anh Minh và 2 đồng chí nữa vào Trung tâm thị xã Buôn Mê Thuột nhận nhiệm vụ. Các anh đến sư đoàn bộ binh 23 ngụy ở Mai Hắc Đế. Tại đây cán bộ quân quản đã thu hồi được một khu vực có rất nhiều xe của địch. Ngay trên đường đi, anh em gặp một chiếc xe xích đặc chủng của ta. Nó không thể nổ được máy. Anh và anh em cho xe đến, câu điện từ xe của mình sang. Chỉ ít phút sau chiếc xe xích đặc chủng đã nổ máy. Khi xe hoạt động bình thường, anh em bộ đội ôm lấy nhau mừng vui. Nghỉ qua đêm, sáng sớm hôm sau anh em đã bắt tay vào nhiệm vụ. Rất nhiều xe nào là tăng MA13, Zép, Đốt giơ, GMC…Các “bác sỹ xe” lao vào giải phẫu xe…Chỉ ít thời gian sau, hầu như tất cả các xe đều “sống lại”.  
     Anh Minh và đồng đội lại có lệnh trở về Buôn Mê Thuột ngay, xe đưa anh và đồng đội về một Buôn tên là Buôn Đoàn Kết, tiếp tục nhiệm vụ sửa chữa xe của các đơn vị pháo của ta. Các anh như những con thoi, hết nơi này lại nơi kia. Vừa ở Buôn Đoàn Kết lại lao tới nơi Trung đoàn Bộ của Trung đoàn Ngụy số 45 thuộc sư 23 Bộ Binh, gần sân bay Hòa Bình. Tại đây, anh dùng xe Zép đưa Thủ trưởng ra phía sân bay để khảo sát số lượng xe chết máy, ở đây có rất nhiều xe như: Zép, GMC, M113, M41…Chắc chúng đến đây rồi bỏ xe chạy. Anh em cùng anh khẩn trương làm việc được chiếc nào là có người lái ngay, chỉ hơn một ngày, hàng mấy chục xe đã được bàn giao cho mặt trận và lao vào chiến dịch...
      Minh và anh em nhận được lệnh điều một ê kíp “bác sỹ” hành quân gấp về Cam Ranh.
    Tại quân cảng Cam Ranh, các anh có nhiệm vụ sửa chữa khẩn cấp một loạt xe gần giống như xe khách, thường dùng để chở nhân viên ra sân bay. Số xe này sửa chữa xong sẽ cắm cờ giải phóng để chở quân tiến vào giải phóng các đô thị ven biển Trung Trung bộ…
      Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Minh và đồng đội được lệnh chuyển ra Bắc.  
     Được cấp trên cho về nghỉ phép thăm gia đình, Minh bất ngờ nhất khi được gặp người em trai thứ hai Phạm Quốc Lập. Nó nhập ngũ năm 1972 ở đoàn 52 Đặc Công quân khu 5. Không hiểu từ đâu, năm 1973 có tin đồn em đã bị địch bắt. Nhưng đâu phải vậy, trong một trận chiến đấu, hai bên giao chiến ác liệt, em đã bị thương, hiện mảnh đạn vẫn ở trong đầu. Mấy đồng đội của Lập hy sinh. Khi đơn vị đi tìm không thấy Lập đâu và cũng  không thấy xác. Thấy Lập bị thương, an hem du kích địa phương đã cứu chữa và đưa về tuyến sau điều trị…Bố mẹ anh vui mừng khôn tả, cùng một lúc hai người con trai từ chiến trường đã trở về.
     Minh tiếp tục công tác ở Q153 đến tháng 4- 1976 thì được chuyển ngành về cơ quan cũ Chi nhánh Điện Hà Nam. Lúc này người em trai thứ 3 cũng lên đường vào quân đội. 30 tuổi Minh mới xây dựng gia đình. Vợ chồng anh đã vượt qua những khó khăn của thời kỳ đất nước khôi phục sau chiến tranh và thời kỳ bao cấp! Người cựu Bộ đội Trường Sơn ấy đã không vượt qua được vết thương trong chiến tranh và chất độc da cam. Anh đã về với cõi vĩnh hằng.
     Tôi và đồng đội Trường Sơn đã ở bên anh và gia đình anh trong những ngày anh ra đi. Tất cả chúng tôi đều nhớ anh – một “bác sĩ giỏi chữa xe” ở Trường Sơn.                                    
 
Đại tá Nguyễn Trọng Tạo
PHÓ CHỦ TỊCH TT HỘI TRƯỜNG SƠN HÀ NAM.
HỘI VIÊN HVHNTTS VIỆT NAM.
tin tức liên quan