Sau giải phóng Đà Nẵng, tôi trở lại Đông Hà vài hôm, rồi tôi quay vào Huế. Tôi tranh thủ nắm tình hình thành phố, nhất là các vấn đề liên quan đến xây dựng chính quyền, tập hợp thanh niên, hòa hợp với những người đã theo phía bên kia nay ở lại thành phố. Cứ nghĩ mình sẽ ở lại Huế lâu và còn thời gian, nên tôi không vội vàng gì trong mọi việc. Anh em trong đoàn ở Đông Hà cũng chuyển vào Huế, ở một ngôi nhà rộng gần bên sông Hương. Một số cán bộ tổng xã từ Hà Nội vào Huế giúp cho đoàn ổn định mọi công việc.
Đúng lúc ấy, đoàn của bác Đào Tùng, Tổng biên tập, trên đường vào B2 qua Huế. Tôi rất mừng vì trong đoàn có anh trai tôi, Trần Mai Hạnh, và các anh Văn Bảo, phóng viên ảnh Phạm Vỵ, Nguyễn Chí - thông tấn quân sự… và một số đồng chí nữa. Tôi chỉ là một phóng viên trẻ, nên lúc đó cũng chưa hiểu được mọi mặt của tình hình, chỉ linh cảm rằng: Tổng biên tập trực tiếp dẫn đoàn vào chiến trường cực Nam, hẳn sẽ có những sự kiện lớn.
Đoàn rất vội, chỉ ở Huế có một ngày. Tôi đưa bác Đào Tùng và anh em trong đoàn đi thăm Huế. Tôi nhớ lúc lên chùa Thiên Mụ, bác Đào Tùng đã gặp và nói chuyện với các nhà sư và các thiện nam tín nữ rất vui. Bác còn giảng giải cho tôi về chùa chiền và đạo Phật với một hiểu biết rất sâu sắc.
Sáng hôm sau đoàn đi. Tôi và anh Hạnh cũng chỉ kịp chụp với nhau một bức ảnh trước cửa trụ sở thuộc tổ chức Save Children của Anh ở Huế. Tôi đưa các anh trong đoàn ra chợ Đông Ba mua ít mỳ gói, pin đèn… cho chuyến đi vào trong còn nhiều khó khăn. Tôi không ngờ khi đó, bác Đào Tùng đã có trao đổi với tổng xã và một công việc mới đang chờ tôi.
Tôi nhớ nhất lúc chia tay, bác Đào Tùng ôm tôi rất lâu rồi ân cần dặn:
- Các bài của Mai Hưởng tốt. Anh Hoàng Tùng khen cậu đấy! Cố gắng nhé. Sắp tới công việc rất khẩn trương. Trong hoàn cảnh nào cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhé!
Tôi cảm ơn bác và chia tay anh Hạnh cùng các anh trong đoàn. Tôi cứ đứng nhìn đoàn xe đi mãi cho đến lúc khuất, trong lòng rất bâng khuâng, không biết khi nào gặp lại bác Đào Tùng, anh Trần Mai Hạnh và các anh trong đoàn.
Linh cảm của tôi không sai. Sáng hôm sau, đoàn công tác nhận được điện mật từ Hà Nội do Phó Tổng biên tập Đỗ Phượng ký, nội dung liên quan đến tôi, đại ý: “Đưa các phóng viên ảnh Vũ Tạo, Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành cùng phóng viên tin Mai Hưởng đi tiếp vào trong…”.
Mọi việc rất nhanh và thời gian chuẩn bị chỉ có vài ngày. Những trận đánh lớn liên tiếp nổ ra. Quân ta đang tiến mạnh từ Bắc vào Nam theo quốc lộ 1 với khẩu hiệu chiến lược “Thần tốc! Thần tốc hơn nữa!”.
Tổ mũi nhọn chính thức được thành lập do anh Vũ Tạo, phóng viên thông tấn quân sự làm tổ trưởng. Trong tổ có các anh Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm, phóng viên thông tấn quân sự và Đinh Quang Thành. Ngoài các phóng viên còn có Ngô Bình, lái xe và Thái, điện báo viên.
Tôi để lại ba lô và đồ đạc chính ở Huế, chỉ mang theo quần áo, máy ảnh và ít vật dụng cá nhân trong một cái túi. Khi ấy, tôi nghĩ là chỉ một thời gian sau sẽ quay lại Huế. Đối với tôi, việc chính là phải kết thúc các vấn đề đang làm ở Huế. Tôi cặm cụi ngồi viết nốt những bài trong kế hoạch theo dự định: “Về thăm khu phố An Cựu”, “Đêm lửa trại trên sông Hương”, “Những người tự vệ thành Huế”, “Về trong tình hòa hợp”... Thời gian không còn nhiều. Tôi cố gắng ghi chép những tư liệu đã có để chuyển về Hà Nội. Anh em ngoài ấy sẽ biên tập giúp cho hoàn chỉnh, vì nếu để lại thì không biết bao giờ mới có thể viết được.
Về phim ảnh, do tôi được phát một chiếc máy Hải Âu của Trung Quốc, nên phải cố lắm, anh Tư Phác mới cấp cho thêm hai cuộn phim ORWO của CHDC Đức. Phim đang là của hiếm, mà trong đoàn đã có tới 4 phóng viên ảnh. Nhưng tôi vẫn rất muốn có điều kiện chụp thêm vào những lúc cần thiết. Hai cuộn phim là quá ít, nhưng cũng là đủ trong điều kiện đó cho riêng tôi.
Chiếc xe do Bình lái là loại xe đít vuông của Liên Xô, tuy cũ, nhưng còn tốt hơn các loại xe Bắc Kinh hoặc Rumani “vừa đi vừa ngủ”. Đường xa, chiến trận, loại xe này lại hoàn toàn mới ở miền Nam, nên nếu hỏng cũng chẳng có thể đào đâu ra phụ tùng để thay. Nhưng mọi sự lo xa cũng chỉ nhắc mọi người quan tâm hơn đến xe cộ. Cuối cùng, anh Vũ Tạo bàn với anh Lâm Hồng Long và tôi là mang một chiếc xe Honda Dam mà chúng tôi mượn của Ủy ban quân quản Huế đi theo. Dù sao có Honda cũng cơ động hơn. Anh Tư Phác cũng bằng lòng. Kể ra việc làm đó cũng không đúng vì xe chúng tôi mượn ở Huế thì phải trả lại ở đó cho cơ quan quản lý, nhưng xét yêu cầu công việc, đặt việc thực hiện nhiệm vụ lên trên hết, điều ấy cũng có thể chấp nhận được.
Xin được kể đôi nét về các đồng nghiệp trong tổ mũi nhọn. Anh Lâm Hồng Long là phóng viên ảnh giàu kinh nghiệm, từng có vinh dự chụp ảnh Bác Hồ, là tác giả của bức ảnh “Bác bắt nhịp Kết Đoàn" nổi tiếng. Các anh Vũ Tạo và Hứa Kiểm đều là những phóng viên chiến trường dày dạn của Thông tấn quân sự. Có thể nói, không có mặt trận nào, chiến dịch lớn nào vắng các anh. Từ những năm chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, đến Đường 9 Nam Lào, Quảng Trị Khe Sanh...
Anh Vũ Tạo thì tôi đã từng gặp trên đường vào Quảng Trị năm 1972 cùng anh Nghĩa Dũng. Anh là một người điềm tĩnh, nhỏ nhẹ nhưng rất bản lĩnh và có những bức ảnh xuất thần. Nổi tiếng nhất là bức ảnh anh chụp một khẩu đội cao xạ đang bắn trả máy bay Mỹ. Khoảnh khắc bấm máy đúng lúc một quả bom nổ tung bên ụ pháo. Đấy là một bức ảnh tiêu biểu về khoảnh khắc bấm máy và nâng tầm của người phóng viên. Chí có lòng dũng cảm, sự gan dạ quyết tâm, sẵn sàng hy sinh thì mới thể đứng vững vàng và chụp được bức ảnh ấy.
Anh Hứa Kiểm thì cao lớn hơn, người dân tộc Tày, rất xốc vác và nhiều kinh nghiệm sống ở chiến trường. Có anh đi cùng, nhiều khó khăn đến mấy cũng tìm ra được cách giải quyết. Anh cũng là một tay máy xông xáo và chụp được nhiều bức ảnh độc đáo.
Anh Đinh Quang Thành thì là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa. Ảnh của anh có nhiều chất thơ và sự tìm tòi sáng tạo trong xử lý bố cục, anh sáng. Tôi nhớ nhất một lần được xem bức ảnh của anh chụp một cô thanh niên xung phong đứng chỉ đường cho xe bộ đội qua khu vực trong điểm. Cây đèn bão được dùng làm nguồn sáng tôn lên hình hảnh của người nữ chiến sĩ trong đêm và mang một vẻ đẹp rất khó quên.
Bình lái xe và Thái điện báo đều còn trẻ, cỡ tuổi như tôi. Bình xông xáo, ăn to nói lớn, có bố đang ở chiến trường Nam Bộ, nên với Bình, đường ra phía trước cũng là nơi anh có thể gặp lại cha mình. Thái, điện báo viên mới ra trường, tính tình có phầm trầm lặng, nhưng rất gan góc và nhẫn nại trong công việc của một điện báo viên. Không có anh thì chúng tôi không có cách nào liên lạc, nhận chỉ thị từ Tổng xã và chuyển bài về Hà Nội, mặc dù càng đi vào trong, khoảng cách với Hà Nội càng xa dần, máy 15 oát ngày càng khó liên lạc hơn. Ba anh em trẻ chúng tôi đi với các anh lớp trước thực sự là một may mắn lớn. Trong những lúc khó khăn và những ngày tháng nhiều biến động như vậy, kinh nghiệm và sự vũng vàng của các anh đã là chỗ dựa cho chúng tôi rất nhiều.
Xa cơ quan, nhiệm vụ nặng nề, anh em trong tổ dù mới được thành lập, có cả các anh bên thông tấn quân sự, thời gian ở với nhau cũng chưa nhiều, nhưng rất nhanh chóng có được sự gắn bó, thương yêu, đùm bọc và cùng nhau hoàn thành công việc của mình.
Mọi việc chuẩn bị xong, chúng tôi rời Huế, vào Đà Nẵng rồi đi về phía Nam. Mấy anh em ngồi ô tô còn cử một người thay nhau chạy xe máy bám theo, khi thì là anh Lâm Hồng Long, khi anh Đinh Quang Thành hoặc là tôi. Có khi là hai người đèo nhau cho đỡ buồn và cũng an toàn hơn trên những đoạn đường vắng.
Đội hình rất độc đáo rời Huế vào một buổi sáng sáng, khoảng 10/4. Cũng nhiều lưu luyến với Huế, với anh em trong đoàn và những người bạn mới. Tình hình thay đổi nhanh chóng. Tôi cảm nhận được những thay đổi vô cùng lớn lao đang đến, nhưng dù có là người lãng mạn đến đâu cũng không ai dám nghĩ rằng chúng tôi còn lâu mới quay lại Huế và chỉ vài tuần sau đó, chúng tôi đã có mặt ở thành phố Sài Gòn vào ngày chiến thắng.
Chúng tôi qua Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Nam, Quảng Ngãi và nhắm về Quy Nhơn. Đây cũng là một thành phố lớn mới đươc giải phóng. Toàn là những địa danh trước đây chỉ nghe đến hoặc nhìn thấy trên bản đồ, điều ấy có ấn tượng rất mạnh với tôi. Con đường 1 khi ấy vốn chẳng rộng rãi gì mà có những lúc chật cứng vì dòng xe cộ và những người lính đang hướng ra phía trước. Tôi nghĩ đến mấy câu thơ của Xuân Sách mà nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc: "Có những ngày vui sao, cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục...". Không khí trên đường hành quân đúng là như vậy.
Đêm đầu, chúng tôi ngủ ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Sau đó, anh em cứ hướng Nam mà đi. Đến đâu cần thì liên hệ với các đơn vị bộ đội hoặc cấp ủy, chính quyền cách mạng địa phương để làm việc, tìm nơi ăn nghỉ. Mọi việc rất linh hoạt. Bởi vì nếu đi theo hẳn một đơn vị bộ đội nào thì chúng tôi cũng rất khó xoay xở do đặc điểm công việc của mình.
Cảnh sắc con người, cuộc sống đâu cũng mới mẻ, cuốn hút, nhưng chúng tôi không được phép dừng lâu. Cần tiến nhanh ra phía trước. Mọi người đều hiểu điều ấy. Tôi nhớ nhất hôm rời Tam Kỳ, anh Lâm Hồng Long và tôi đi trên xe Honda. Do mải mê dừng lại chụp ảnh và hỏi chuyện, hai anh em tụt lại khá xa. Đến bữa ăn trưa, chúng tôi ghé vào một quán nhỏ gần Sa Huỳnh. Mấy bà má bán quán thương lắm, cứ lấy cơm cho ăn, nước dừa cho uống và hỏi chuyện miền Bắc. Biết anh Long là cán bộ tập kết, các má rất mừng. Quán nhỏ bên đường, lá cờ nửa đỏ nửa xanh treo trước quán bay trong nắng gió trong lành của miền Trung. Vậy là đủ tin yêu, quý mến rồi. Hai anh em chẳng có đồng tiền Sài Gòn nào. Tôi lấy mấy đồng bạc miền Bắc ra tặng các má chứ không dám nói là trả tiền. Mọi người xúm xít xem đồng tiền từ Hà Nội, rồi chuyền tay nhau, khen mãi đồng tiền ngoài đó đẹp.
Chúng tôi qua Sa Huỳnh vào buổi trưa. Biển miền Trung xanh trong lạ kỳ. Địa danh Sa Huỳnh, một cái nôi văn hóa, tôi chỉ được biết đến qua sách vở. Hai anh em nghỉ trưa, ngồi ở mỏm đá sát mép biển rất lâu. Anh Long cứ hướng mắt ra biển xa, ánh mắt rất bồn chồn, mong đợi. Tôi biết rằng anh đang nghĩ đến gia đình anh ở Hàm Tân, Phan Thiết. Khoảng cách ấy nếu đường thông chỉ cần một ngày chạy xe là tới. Hơn hai mươi năm xa gia đình, tôi hiểu tình cảm ấy trong anh. Rồi anh bảo tôi:
- Đất nước mình đẹp lắm! Mai ngày thống nhất, anh em mình cứ máy ảnh bên người, chạy xe máy từ Lạng Sơn đến Cà Mau, dọc đường rình rang thích đâu dừng đó, chụp con người, cảnh vật các vùng cũng đủ thấy sướng rồi!
Mong ước ấy sao đơn giản và đẹp như vậy trong một buổi trưa Sa Huỳnh vẫn còn tiếng pháo nổ xa xa… Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc ấy!
Chúng tôi vào Quy Nhơn, thành phố lớn thứ ba sau Huế và Đà Nẵng mà tôi được đến. Quy Nhơn có vẻ đẹp riêng với Gềnh Ráng, núi Một và cũng là một hải cảng lớn. Thành phố đã giải phóng được mươi ngày. Cuộc sống đã trở lại bình thường. Chúng tôi đi qua những đường tấp nập người, những khu chợ lớn đông vui, nhà thờ, chùa chiền đã mở của lại. Những người công nhân hỏa xa cùng với nhân dân thành phố đã nổi dậy, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng làm chủ Quy Nhơn. Nhiều đơn vị quân đội Sài Gòn đã mang súng trở về với lực lượng cách mạng truớc đó.
Tại văn phòng công đoàn của công nhân hỏa xa, ông Lê Văn Bảo, người đã hơn 30 năm làm thợ lái tàu, đã cho chúng tôi biết: Các đầu máy được cất giữ, bảo vệ và hoạt động trở lại ngay sau khi thành phố giải phóng. Tàu hỏa tuyến Quy Nhơn - Phù Cát đã hoạt động lại, tham gia chuyển quân và chở bà con hồi hương.
Chúng tôi cũng đến thăm nhà máy điện thành phố, nơi cũng đã hoạt động lại, gặp những người lính Sài Gòn trong 4 đại đội thuộc lực lượng quân bảo an địa phương đã trở về…
Ngày hôm sau, tôi đã viết ngay bài “Gặp những người khởi nghĩa” phản ánh cuộc sống mới ở Quy Nhơn sau ngày giải phóng. Rất tiếc là do hành trình quá vội và việc liên lạc với Hà Nội có trục trặc, nên tôi phải mang theo bài viết này đến tận Nha Trang! Từ đấy trở đi, việc chuyển bài về nhà rất khó khăn. Thời gian không cho phép chờ lâu. Càng xa Hà Nội, lại lên máy ở những thành phố lớn nên khả năng bắt sóng, phát tín hiệu ngày một khó khăn. Điều này làm anh em trong tổ và cá nhân tôi rất buồn. Tôi là phóng viên viết tin bài, những khoảnh khắc mà “một ngày bằng hai mươi năm" này, có mặt tại chỗ mà không chuyển được thông tin về là điều rất bức xúc và cả một nỗi ân hận lớn về trách nhiệm của mình cũng như khát vọng nghề nghiệp. Cái khó nhất là phải thường xuyên di chuyển, không có thời gian ổn định để có thể căng ăng ten thật cao ở những nơi xa thành phố.
Rời Quy Nhơn, chúng tôi qua Phú Yên. Nắng gió Tuy Hòa gợi nhớ tới Trần Mai Ninh với bài thơ Nhớ Máu:
“Ơ cái gió Tuy Hòa...
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng.
Gió đi ngang, đi dọc,
Gió trẻ lại lưng chừng
Gió nghĩ,
Gió cười,
Gió reo lên lồng lộn …”
Nha Trang ngày chúng tôi đến cũng đã giải phóng được mươi ngày. Điểm độc đáo ở thành phố biển xinh đẹp này là quân Sài Gòn rút đi khi quân giải phóng vẫn chưa tới. Cấp ủy ở địa phương cùng với các cơ sở cách mạng chủ động thành lập chính quyền và quản lý thành phố trước khi quân giải phóng tiến vào.
Trong mắt tôi, Nha Trang ngày ấy đẹp lắm. Có cái gì đó rất mới mẻ, tinh khôi từ thành phố nổi tiếng này, trên những con đường dọc theo mép biển, những hàng dương xanh và cả khu chợ Đầm vẫn rất rộn ràng với cuộc sống thường ngày. Mấy anh em đi chụp ảnh trên đường Biệt thự, đến viện Paster gặp các bác sĩ, nhân viên, gặp những trí thức, rồi cả các học sinh của thành phố.
Chúng tôi ở trong một khu nhà của thành ủy. Mọi việc ăn ở có người chăm lo. Tôi nhớ có một chị cán bộ văn phòng thành ủy tên là Hòa, người gày, nhưng gương mặt rất đẹp và hiền. Chị lo cho chúng tôi đủ thứ cần thiết. Khi rời đi, chị còn đưa cho Thái, điện báo viên đôi dép cao su mới vì dép của Thái đã cũ, quai đứt hết cả. Các cô gái Nha Trang rất đẹp. Có những cuộc giao lưu, nhiều câu hỏi rất hay về miền Bắc, về Hà Nội mà chúng tôi phải trả lời. Anh Đinh Quang Thành được nhiều cô vây quanh nhất vì anh có dáng vẻ rất nghệ sĩ, lại là người nói chuyện rất có duyên.
Khi ấy, những trận đánh ở Phan Rang đang quyết liệt, rất gần chúng tôi rồi.
Trần Mai Hưởng
(PS st Theo Tin tức)