Cảm tình từ... câu chào

Vừa nhập ngũ vào Trung đoàn Đường ống xăng dầu 592, Bộ đội Trường Sơn ở Bản Đông, bên dòng sông Sê Pôn thuộc tỉnh Savannakhet (Lào), cô gái 18 tuổi Trần Thị Thanh Kiêm cùng một nhóm nữ chiến sĩ được phân công đến Đại đội 8, Tiểu đoàn 968 của trung đoàn để mang lời ca tiếng hát phục vụ bộ đội.

Một chiều tà, trên đường ra suối tắm giặt, 6 chị em gặp các chiến sĩ nam đi xây dựng tuyến ống về. Đi cuối hàng, chị Kiêm nhỏ nhắn nhất nhưng lại cất tiếng dõng dạc nhất: “Em chào các anh đi làm về ạ!”. Mãi sau này chị mới biết, câu chào của chị đã làm cho anh Tích để ý. Anh bảo, lúc chưa “quen hơi bén tiếng” thì theo lẽ thường, thương tất cả chị em đã vào Trường Sơn gian khổ và ác liệt. Nhưng hôm ấy, vì thấy Kiêm “mau mồm” nên nảy nở… cảm tình!

Vợ chồng ông Trịnh Trung Tích và bà Trần Thị Thanh Kiêm bên bức hình “Cô gái gánh ngoàm” do nhà báo Hoàng Kim Đáng chụp ở Trường Sơn, năm 1974. Ảnh: PHẠM XƯỞNG.

Anh Tích làm thợ trực vận hành máy bơm xăng dầu. Chị Kiêm làm mọi việc được phân công: Trực điện thoại, nuôi quân, vận tải, thủ kho, biểu diễn văn nghệ… Vào chiến dịch, chị còn tham gia thi công đường ống. Hòa cùng khí thế Trường Sơn đánh Mỹ, mặc cho máy bay địch oanh tạc, đạn réo bom rơi, “mỗi phuy xăng đổi máu xương một người” như đã từng xảy ra trên đường vận chuyển qua suối Trạ Ang, anh chị chỉ muốn làm thật tốt mọi việc, góp phần tiến nhanh đến ngày đất nước sạch bóng quân thù.

Chính ủy trung đoàn quán triệt: “Ở chiến trường, tình yêu chân chính là động lực để chiến sĩ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Và ở tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn thì tình yêu là “Máy ta thêm một vòng quay/ Miền Nam sẽ bớt những ngày đau thương”. Tích và Kiêm được coi như một điển hình của tình yêu Trường Sơn!

Tháng 4-1974, Trung đoàn 592 được chọn một người tham gia đoàn của bộ đội đường ống Trường Sơn luyện tập dự hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân vào cuối năm tại Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Kiêm được chọn, theo đoàn ra Trạm TQ-90 ở Quảng Trị tập luyện. Tham gia hội diễn, đoàn đoạt giải xuất sắc. Kiêm hát bài “Đường bên Đông Trường Sơn”-nhạc và lời của nhạc sĩ Minh Vỹ, điệu slow rock: “Nơi Trường Sơn soi mình bên bờ Biển Đông/ Là nơi thân thương khúc ruột miền Trung anh dũng/ Là nơi con đường 14 chạy về chiến trường xa/ Qua bao núi biếc non cao trập trùng/ Đi trên mảnh đất quê ta anh hùng/ Như muôn tia nắng hồng soi tới bên bờ Biển Đông…”. Tiết mục đoạt giải A của Kiêm được thu thanh ngay và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Kết thúc hội diễn, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tặng đoàn 10 chữ: “Bộ đội Trường Sơn văn nghệ giỏi, chiến đấu giỏi”. Ngay sau đó, ca sĩ Hoàng Chè đề cử và Ban lãnh đạo Đoàn Văn công Trường Sơn gợi ý, mời Kiêm ở lại Hà Nội làm diễn viên của đoàn nhưng chị khiêm nhường: “Em rất cảm ơn! Em đã dành trái tim mình cho dải đất Trường Sơn rồi!”. Sự kiện này đã chinh phục anh Tích một cách tuyệt đối. Anh bảo: “Một trái tim đã “hạ gục” một trái tim”! 

Bức ảnh cưới đặc biệt

Ngày 10-5-1975, Trung tá Đoàn Kiểm, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 592 cho gọi Tích và Kiêm. Ông hoan nghênh tình yêu của hai người và gợi ý tìm việc chuyển ngành cho Kiêm, còn Tích tiếp tục ở lại đơn vị công tác. Đôi uyên ương thành thật: “Chúng em yêu nhau đã gần 5 năm, từ khi đất nước còn chia cắt hai miền. Nay Tổ quốc thống nhất, chúng em muốn cưới, rồi xây dựng hậu phương”.

 Khi hai người lên đường về quê đăng ký kết hôn, đồng chí Bảo, Phó ban Chính trị (về sau là Chủ nhiệm Chính trị) của Trung đoàn 592 đã đưa cho anh Tích tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo Trường Sơn và dặn giữ cẩn thận để “góp vào ảnh cưới”. Đó là bức ảnh chị Kiêm gánh ngoàm, chị Lan (quê Văn Tố, Tứ Kỳ, Hải Dương) vác ống, cười giòn dưới nắng Trường Sơn, giữa rừng cây đã bị bom địch thiêu trụi bên dòng Sê Pôn. Ảnh do anh Hoàng Kim Đáng-phóng viên Trường Sơn chụp giữa năm 1974.

Chỉ huy Trung đoàn 592 cho chiếc xe Gaz 69 đưa hai người ra Đông Hà (Quảng Trị), kịp chuyến xe ca đưa đoàn cán bộ ra Bắc công tác đã xuất phát trước đó. Một tháng sau, hai vợ chồng trở vào trung đoàn, mang thuốc lá và chè khô mời đồng đội. Trung đoàn trưởng Đoàn Kiểm mới thật sự tin rằng họ đã thành đôi.

Giờ đây, bức ảnh “Cô gái gánh ngoàm” chụp ở Trường Sơn đã được anh chị in sao thành 3 tấm khổ lớn để treo tường, tặng 3 gia đình của 3 người con, coi đó là tư liệu giáo dục lịch sử truyền thống cho hậu thế.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG