Đội thuyền vận tải huyền thoại ở chiến trường Thành cổ

Ngày đăng: 04:29 13/04/2020 Lượt xem: 505
Đội thuyền vận tải huyền thoại ở chiến trường Thành cổ

 
 
Một số thành viên Đội thuyền vận tải xã Gio Hà chụp ảnh lưu niệm với Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường HCM Việt Nam nhân dịp trở lại xã Gio Mai

Sau thời gian bí mật đưa bộ đội qua sông Thạch Hãn, tiếp tế lương thực cho vùng Gio Linh mới giải phóng, Đội thuyền vận tải xã Gio Hà (huyện Gio Linh, Quảng Trị) đã cùng lực lượng vận tải đường thủy bộ đội Trường Sơn vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược từ Vĩnh Linh, Gio Linh vào phục vụ chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị…

Đội thuyền thầm lặng

Đội thuyền vận tải Gio Hà được thành lập và hoạt động từ ngày 20/4/1972, gồm những chàng trai trẻ là dân quân du kích địa phương. Kể lại ngày lịch sử này, ông Trương Quang Đới (SN 1953), Đội trưởng Đội thuyền vận tải xã Gio Hà rưng rưng kể: “Năm 1972, nghe tin vùng Gio Linh được giải phóng, tôi chạy chiếc thuyền máy 4 tấn rồi men theo dòng sông Thạch Hãn trở về quê hương, sau đó tôi tình nguyện cùng một số cán bộ và du kích xã tham gia đội thuyền vận tải chở lương thực thực phẩm, đạn dược, thuốc men tiếp tế cho chiến trường Thành cổ Quảng Trị và vận chuyển thương bệnh binh về tuyến sau”.
Ngày đó, ông Đới chưa tròn 18 tuổi từng phải trốn qua vùng đất Triệu Phong để tránh bị địch bắt quân dịch. Đội thuyền ra đời trong bối cảnh trên quốc lộ địch đánh phá ác liệt, các đơn vị bộ đội hành quân vào chiến trường Thành cổ bằng đường sông Thạch Hãn. “Có đêm đội thuyền chúng tôi đưa 1.500 quân từ Bắc sông qua bờ Nam sông Thạch Hãn ở ngã 3 Gia Độ để vào Thành cổ, chi viện lực lượng kịp thời cho chiến đấu”, ông Đới kể.
Trong những ngày đầu, Đội thuyền vận tải xã Gio Hà là lực lượng vận tải dẫn đường và sau đó tiếp tục làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí từ Vĩnh Linh, Gio Linh vào Thành cổ và chuyển thương bệnh binh theo hướng ngược lại… Đây là mũi vận chuyển quan trọng hỗ trợ các lực lượng chiến đấu ở khu vực Quảng Trị, nhất là các đơn vị phòng thủ trong Thành cổ có đủ đạn dược, thuốc men, lương thực chiến đấu bám trụ trong thời điểm Mỹ ngụy mở chiến dịch Lam Sơn 72 nhằm tái chiếm Quảng Trị hòng tạo thế mạnh trên bàn đàm phán tại Paris.
Thời điểm này, phía ta đã huy động tổng lực để phục vụ cho chiến dịch. Trong đó, chủ yếu là các đơn vị vận tải chủ lực của Đoàn 559, Tiểu đoàn 166 vận tải đường thủy bộ đội Trường Sơn (Tiểu đoàn ca nô 166, thành lập tháng 6/1972, sở chỉ huy đóng tại Mai Xá, Gio Mai) là đơn vị thường trực trên các tuyến đường thủy Gio Linh - Quảng Trị, do đồng chí Lê Hoan là Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Hoàng Anh Tuấn làm Chính trị viên. Phát hiện con đường tiếp tế cho Thành cổ, địch điên cuồng bắn phá ngăn chặn bằng mọi thủ đoạn. Đêm 21/7/1972, địch phát hiện đội thuyền máy của Đội thuyền vận tải Gio Hà thực hiện nhiệm vụ “tiếp lửa” cho Thành cổ Quảng Trị cùng thuyền của Tiểu đoàn ca nô 166 đang trên đường vượt “dòng sông lửa” Thạch Hãn, bất ngờ trúng phải thủy lôi của địch nổ tung thuyền, làm lái trưởng và 3 thủy thủ hy sinh. Đồng chí Hoàng Anh Tuấn (nay là Thiếu tướng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường HCM Việt Nam) khi ấy là Chính trị viên Tiểu đoàn ca nô 166 và những người còn lại bị thương nặng.

Vượt "dòng sông lửa đạn"

Ông Trương Hữu Bình (SN 1948), một thành viên Đội thuyền vận tải xã Gio Hà năm xưa kể, Đội thuyền vận tải Gio Hà gồm những chàng trai trẻ là dân quân du kích địa phương. Nay người còn kẻ mất, nhưng âm vang hào hùng của đội thuyền vận tải năm xưa vẫn còn đọng mãi, không thể nào quên những chuyến đò đêm đêm vượt qua những dòng sông lửa đạn. Theo ông Bình, Đội thuyền hoạt động chủ yếu vào ban đêm, từ đầu hôm tới rạng sáng. Ngày chui vào hầm, đến chiều tối lại lên đường… Nếu thuyền hỏng, bị đạn xuyên, ai trong đội cũng khắc phục được, nhưng máy thì chỉ có ông Đới. Ông Đới kiêm luôn mảng sữa chữa tàu hư hỏng để tiếp tục đưa vào làm nhiệm vụ.
Vợ chồng ông Đới là “đôi uyên ương” đầu tiên được tổ chức tiệc cưới ở lán trại vùng tản cư Gio Linh sau ngày hòa bình, với ít bánh kẹo, trà thuốc đạm bạc. Đến bây giờ, trong ký ức của bà Tạ Thị Mót (SN 1954, vợ ông Đới), nữ du kích Gio Hà năm nào vẫn không thôi ám ảnh khi nhớ lần đội thuyền cùng một số cán bộ, du kích được xã cử đi chở gỗ về làm lán trại ủy ban, bất ngờ chiếc thuyền đã trúng phải một loạt đạn pháo của địch. Mọi người chỉ biết nằm rạp xuống thuyền và khi tỉnh dậy, tôi thấy O Lợi máu chảy nhuộm đỏ cả một góc thuyền”, bà Mót kể.
Chỉ tay về 2 Huy chương kháng chiến hạng Nhì được Chủ tịch nước trao tặng cho vợ chồng mình, ông Đới nói: “Đó là phần thưởng cao quý và là niềm tự hào cho con cháu về một thời hào hùng đấu tranh của các thế hệ cha anh”. “Hiện, căn nhà nhỏ ở dưới làng đã dành cho con, còn nơi đang ở đây 6 hộ dân, có đến 5 hộ nghèo, nên vợ chồng tôi là hộ “giàu nhất xóm”, vợ chồng ông Đới dí dỏm.
Theo ông Đới, dù cuộc sống vẫn còn không ít vất vả lo toan, nhưng hôm nay còn được sống, được yên bình và được hưởng hạnh phúc sum vầy bên con cháu đã là may mắn lắm rồi. 3 đứa con gái đã “yên bề gia thất”, 3/5 đứa con trai đã có công ăn việc làm.
Ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai cho biết, xã Gio Mai trong thời chiến tranh chống Mỹ thuộc xã Gio Hà, đến tháng 2/1976 được chia tách thành xã Gio Mai và Gio Quang. Đây là một xã có truyền thống cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến, trong chống Mỹ được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng. Trong những năm chống Mỹ, Bến đò Mai Xá (Gio Mai) là nơi bí mật đưa cán bộ ra vào hoạt động vùng Triệu Hải từ năm 1967 - 1971. Bến đò Mai Xá cũng là nơi lực lượng đặc công thủy làm địa điểm xuất phát diệt tàu địch trên tuyến Cửa Việt - Cảng Đông Hà. Trong đó, trận đánh tiêu biểu ngày 1/2/1968 đã làm nên một “Bạch Đằng trên sông Hiếu”. Đặc biệt, trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, bến đò và đình làng Mai Xá là trạm trung chuyển lương thực, vũ khí của nhân dân xã Gio Mai, Đoàn 126 và Đoàn 559 phục vụ 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị…
Tiểu đoàn canô 166, gồm 3 đại đội vận chuyển bằng thuyền máy: Đại đội 7 (Đoàn Hồng Hà chuyển sang), Đại đội 8 (từ Đường 12 xuống), thành lập mới Đại đội 9 (gồm một số cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 7, 8 chuyển sang) và tăng cường một đại đội công binh rà phá bom mìn, 2 đại đội thanh niên xung phong để nạo vét luồng lạch, bốc xếp hàng hóa… Từ tháng 6 đến tháng 10/1972, Tiểu đoàn 166 đã chở hàng trăm chuyến hàng gồm lương thực, vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường Quảng Trị và đưa hàng nghìn thương binh về tuyến sau. Kết thúc 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, tiểu đoàn giải thể, các lực lượng tỏa đi các tuyến tiếp tục chi viện các chiến trường khác.

 
Duy Lợi
 

tin tức liên quan