Người nằm lại trên đỉnh Trường Sơn - Trần Xuân Doãn

Ngày đăng: 10:05 21/04/2020 Lượt xem: 336
NGƯỜI NẰM LẠI TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN
                                                                        TRẦN XUÂN DOÃN
 

 Tháng 4 năm 1971.
          Cuộc hành quân gấp vào chiến trường đã gần đến đích. Sau hơn một tháng vất vả băng đèo lội suối, vượt qua bom đạn, đơn vị chúng tôi đã đến được ngã ba "Dân Chủ" - nơi hội tụ của ba con đường vào Nam, qua Lào và ra Bắc.
          Đơn vị trinh sát kỹ thuật thuộc Cục Tình báo quân sự Bộ Tổng Tham mưu được tăng cường phục vụ cho Bộ Tư lệnh B70, bao gồm các sỹ quan và chiến sỹ có trình độ chuyên môn cao và hầu hết là những đồng chí có trình độ văn hoá hết phổ thông và một số đã tốt nghiệp đại học. Trên đường hành quân, mỗi người đều phải mang trên vai ba bốn mươi cân, nào quân tư trang, nào vũ khí, nào máy móc trang bị. Mặc dù vất vả gian khổ, nhưng chiến trường kêu gọi, những người lính chúng tôi đều rất phấn khởi, miệng luôn ca hát, mong sớm đến nơi được nhận nhiệm vụ chiến đấu.
          Trời Quảng Trị đang là mùa mưa. Những cơn mưa Trường Sơn kéo dài hết tháng này qua tháng khác. Đường mòn dốc đá tai mèo nhiều chỗ trơn như đổ mỡ. Chúng tôi mỗi người đều phải tự kiếm cho mình một "chiếc gậy Trường Sơn" để tạo ra ba điểm tiếp đất để đi cho chắc, thế mà vẫn cứ "vồ ếch" liên tục. Có cậu ngã bệt xuống còn trượt đi một đoạn xa như trượt băng, đau đến ê ẩm cả người mà vẫn cười, mà đúng là cái cười...ra nước mắt!
          Người dẫn đường đưa chúng tôi đến vị trí tập kết là đồng chí Đinh Văn Bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn 74 trinh sát đặc nhiệm. Đơn vị các anh có nhiệm vụ đi trước, nay quay lại đón dẫn chúng tôi. Bộ còn rất trẻ, trông anh chỉ tầm mười chín, hai mươi tuổi, nhưng tác phong lại hoạt bát, nhanh nhẹn như những người lính từng trải. Mỗi chặng đi, trước khi xuất phát, anh đều phổ biến tình hình hoạt động của địch để chúng tôi nắm được và đề phòng. Hiện đang là cuối mùa mưa, địch bằng mọi cách ngăn chặn ta trên các trục đường tiến quân ra trận. Ban ngày, chúng tung các toán thám báo và dùng máy bay trinh sát OV 10, trực thăng, L-19... để dò tìm phát hiện các đường hành quân của ta rồi gọi máy bay đến đánh. Đêm đến, chúng dùng bom tọa dộ, pháo tầm xa... đánh vào các trọng điểm và B52 giải thám, hòng cắt đứt đường tiến quân và liêu diệt ta. Suốt ngày đêm, tiếng bom. pháo nổ rung chuyển núi rừng, tiếng máy bay gầm rú khiến không gian như sôi lên. Từ chập tối đến sáng chúng liên tiếp thả đèn dù, pháo sáng soi rõ như ban ngày (ngồi trong hầm cũng đọc được báo), hòng dòm ngó phát hiện lực lượng ta. Nhưng các hoạt động như điên cuồng ấy không ngăn nổi bước chân của những người lính ra trận.
          Bộ là người dẫn đường, nhưng anh luôn bao quát cả đoàn quân. Thấy các đồng chí ốm đau, mệt mỏi tụt lại là anh đến động viên và mang giúp vũ khí trang bị, đưa anh em đi đến nơi đến chốn. Có lúc trên người anh mang tới hai, ba, ba lô và mấy khẩu súng. Nhìn anh, tôi thầm cảm phục, một con người luôn hết lòng vì nhiệm vụ, vì đồng chí.
          Thế rồi, một thời khắc đau đớn đã xảy ra. Vào một buổi trưa, trong lúc chúng tôi đang mải miết hành quân thì máy bay B52 đến rải thảm. Điểm bom rơi cách chúng tôi không xa, làm sạt lở cả vách núi, đất đá bắn trùm ngập, rung chuyển núi rừng. Một hòn đá văng đến đánh trúng đầu đồng chí Bộ, khiến anh ngã vật, hy sinh không kịp nói câu nào. Chúng tôi vội đến đỡ anh dậy, làm động tác cấp cứu nhưng không kết quả. Nhìn anh nằm đó thanh thản như người đang ngủ, lòng ai nấy đau đớn vô hạn. Cả đơn vị lặng im vì tiếc thương anh, người đồng đội đáng kính, đáng yêu của mình. Tôi và đồng chí Thanh (Thanh đen) khâm liệm cho anh bằng tấm võng dù, rồi chôn cất tại một mỏm đồi cạnh ngã ba Dân Chủ. Vì trên đỉnh núi đá, nên chúng tôi phải xuống khe mang đất lên để đắp vào mộ anh. Ai cũng mong anh được yên nghỉ trên đỉnh dãy Trường Sơn hùng vĩ này. Vĩnh biệt anh, cả hàng quân đứng lặng với ba loạt súng vọng hồn. Chúng tôi không ai cầm được nước mắt, cứ lặng đi và ôm nhau không khóc được thành lời..
          Sau khi đồng chí Bộ hy sinh, chúng tôi kiểm kê lại các di vật của liệt sĩ để giao cho cơ quan chính sách gửi về gia đình. Ngoài mấy bộ quân phục, dưới đáy ba lô còn tấm ảnh của người yêu và 18 lá thư của cô ấy gửi cho anh. Chắc chắn rằng ở quê hương, cô giáo cấp 2 là người yêu của đồng chí Bộ cũng đang đỏ mắt ngóng chờ, vẫn hy vọng ngày toàn thắng anh sẽ trở về, họ sẽ xây dựng tổ ấm. Nhìn khuôn mặt dịu hiền và ánh mắt rực sáng đợi chờ của người trong ảnh, chúng tôi lại càng thấy tiếc cho anh, tiếc cho cô. Thế là chỉ trong một tích tắc, chiến tranh đã cướp đi khỏi bàn tay cô người thanh niên mà cô yêu dấu, gửi trọn niềm tin chờ ngày vui đến ngày chiến thắng.
          Liệt sĩ Đinh Văn Bộ quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Anh là con một (con độc nhất) của một gia đình mà bố anh là liệt sĩ, mẹ anh là Bí thư Huyện uỷ. Anh vừa học hết phổ thông thì xung phong đi bộ đội. Đúng ra theo chính sách, thì anh được miễn nhập ngũ, nhưng trong không khí cả nước sôi sục lên đường đánh Mỹ, anh đã xung phong bằng được để ra chiến trường. Khi đơn vị chúng tôi nhận quân tại địa phương, các đồng chí lãnh đạo đã nói rõ hoàn cảnh của gia đình và đề nghị đơn vị bố trí nhiệm vụ phù hợp, cố gắng tránh những điều bất trắc có thể xảy ra.
          Là những cán bộ đã nhiều lần đi nhận quân và cùng các đồng đội xông pha trận mạc, chúng tôi rất biết những trường hợp như đồng chí Bộ phải được bố trí thế nào. Nhưng khi nhìn người mẹ trong phút chia tay, trao tiễn đứa con duy nhất của mình ra trận, tôi càng khâm phục về những gì mà dân tộc ehúng ta đã hy sinh chiến đấu và đặc biệt là những người mẹ đã sẵn sàng trao đến đứa con cuối cùng của mình cho Tổ quốc. Sự chịu đựng, hy sinh đến như vậy cũng là tận cùng của phẩm chất một con người, bản lĩnh một dân tộc, chỉ mong cầu để đổi lấy được Độc lập - Tự do. Tôi biết rằng tuy là Bí thư của một huyện, nhưng mẹ vẫn là một người mẹ và tôi chắc rằng khi được tin đứa con duy nhất của mẹ đã hy sinh thì lòng mẹ sẽ đau đớn đến nhường nào!
          Khi tôi viết những dòng này thì thời gian đã qua đi gần 50 năm và chiến tranh đã kết thúc được hơn 40 năm rồi. Nhưng mỗi khi nghĩ lại ngày đó là tôi không sao quên được. Vì kỷ niệm đó đã khắc sâu vào trong tâm khảm tôi như một dấu son đỏ chói. Về một thời chiến tranh đã qua mà tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy đã có mặt nơi tuyến đầu Tổ quốc…
 
                                                     TRẦN XUÂN DOÃN
                                              CSTS Thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh
 
 

 
 
 
 
 

 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan