Đối mặt với máy bay Mỹ

Ngày đăng: 05:05 21/04/2020 Lượt xem: 385

Đối mặt với máy bay Mỹ

QĐND - Lần đầu vào năm 1966, tôi cùng đoàn cán bộ của Bộ tư lệnh đi kiểm tra Binh trạm 31, Binh trạm 32 do đồng chí Nguyễn An-Tham mưu trưởng vận tải dẫn đầu. Cả đoàn đi trên một xe GAT 69...

QĐND - Lần đầu vào năm 1966, tôi cùng đoàn cán bộ của Bộ tư lệnh đi kiểm tra Binh trạm 31, Binh trạm 32 do đồng chí Nguyễn An-Tham mưu trưởng vận tải dẫn đầu. Cả đoàn đi trên một xe GAT 69. Khi xe đến ngầm Pác Pa Nang thì gặp địch thả pháo sáng và oanh tạc bừa bãi vào ngầm và hai phía đường lên, xuống ngầm. Đồng chí An động viên lái xe bình tĩnh, cứ cho xe chạy, giao cho một đồng chí cán bộ quan sát máy bay. Khi thấy máy bay thả bom xuống phía sau xe 50m, xe ta phải vù lên phía trước để tránh đợt thả bom tiếp theo, nếu dừng xe lại thì nhất định vướng phải bom địch. Xe ta cứ chạy vượt lên phía trước 3 lần như vậy cho đến khi thoát ra ngoài vòng oanh tạc của máy bay Mỹ. Từ đó, chúng tôi rút kinh nghiệm khi mình đã nằm trong vùng địch oanh tạc rồi thì nhất thiết không dừng, trái lại phải tăng tốc độ vượt thật nhanh ra khỏi vùng đánh phá để tránh địch...
 
Tổ trực chiến bắn máy bay địch của Trung đoàn công binh 98 trên đường Trường Sơn, năm 1970.
Ký họa của Vũ Đức Quỳnh.

Một lần vào mùa khô năm 1967, cơ quan tôi đi kiểm tra công tác ở Binh trạm 32 và Binh trạm 33... Xe chúng tôi đi cùng đội xe vận tải của Binh trạm 32 vào giao hàng cho Binh trạm 33 ở khu kho nam đèo Tha Mé. Khi tới mép ngầm Tha Mé thì gặp pháo sáng của địch, chúng liền ném bom bừa bãi. Một quả bom nổ gần xe, hất tung một mảng đất to vào giữa xe làm thủng tấm vải bạt xe đã cũ, nện mạnh vào vai anh Hoàng Phú Túc-Viện trưởng Viện Kiểm sát. Đau quá, anh kêu to: "Chết tôi rồi các anh ơi". Tôi ngồi sau anh, may không bị đập vào người. Tôi vội sờ lên người anh, chỉ thấy lưng anh bị ướt máu nhưng anh vẫn còn sống. Tôi nói to lên: "Còn sống, còn sống!", rồi chúng tôi nhảy xuống xe, cùng nhau đẩy xe ra cạnh đường để tránh bị địch đánh tiếp. Cùng lúc, chúng tôi đi cứu một xe khác đang bị cháy cách chỗ tôi chừng 50m. Khi biết không có cách cứu được chiếc xe cháy, chúng tôi bảo anh em lái xe kiên quyết vượt ngầm đến nơi an toàn. Kinh nghiệm ở chiến trường cho thấy, khi có xe cháy là địch tập trung đánh vào nơi có xe cháy. Vì vậy, để bảo đảm an toàn, cả đoàn xe phải nhanh chóng rút ra khỏi vùng xe cháy-mục tiêu oanh tạc của địch. Chúng tôi bình tĩnh dừng xe lại rút kinh nghiệm và cũng may anh Túc chỉ bị thương nhẹ.
Năm 1968, trước khi là Chính ủy Binh trạm 31, tôi được may mắn đi cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và cơ quan Bộ Tư lệnh tham gia chỉ đạo Binh trạm 42 chiến đấu chống địch nống lấn ra miền tây Thừa Thiên-Huế, khu vực A Sầu, A Lưới. Sư đoàn kỵ binh bay của Mỹ và một lữ đoàn ngụy Sài Gòn đánh ra biên giới Việt-Lào vùng núi Cô Ca Va. Nơi đây có một cái đèo cao, quân ta thường gọi là dốc "Con Mèo". Tiểu đoàn 6 với hai khẩu 37mm và 6 khẩu 23mm đã bắn rơi 59 chiếc trực thăng và 2 chiếc F4 của địch ở vùng A Lưới. Bộ đội Binh trạm 42 còn tiêu diệt hơn 100 tên địch. Báo chí phương Tây đã đưa tin thung lũng Cô Ca Va là "máy xay thịt quân đội Mỹ".
Khi làm Chính ủy Binh trạm 31, tôi đã nhiều lần đi cùng đoàn xe chở hàng lên phía trước, kiểm tra trận địa pháo cao xạ, chỉ đạo công binh khắc phục các đoạn đường địch phá hoại. Trong mùa khô năm 1968-1969, ta có đến hàng chục lần chạm trán với máy bay Mỹ. Đó là lần tôi và anh Nguyễn Văn Kỷ-Tham mưu phó công binh xuống binh trạm chỉ đạo thông đường ở trọng điểm Xiêng Phan địch đang tập trung đánh phá ác liệt, giao thông tắc nghẽn gần một tháng... Anh Kỷ, tôi và một cán bộ đại đội của Tiểu đoàn 25 công binh chốt giữ trọng điểm Xiêng Phan đi quan sát địa hình, xem xét những địa đạo địch tập trung đánh phá, trong đó có sông Pha Nốp. Chúng tôi cần nghiên cứu kỹ 2km trọng điểm ấy để tìm giải pháp khắc phục. Trên đường đi, khi có máy bay địch thì vào hầm chữ A trú ẩn, khi hết máy bay địch thì tiếp tục đi quan sát. Ba lần địch đánh phá, chúng tôi vẫn kịp chui xuống hầm ẩn nấp. Đến lần thứ 4, máy bay địch đến sớm hơn, hầm trú ẩn lại ở hơi xa. Khi chúng tôi vừa mới chạy tới miệng hầm thì một loạt bom nổ gần. Cả ba chúng tôi bị sức ép của bom làm choáng, ngã lăn ra. Không thấy chúng tôi ra khỏi hầm khi máy bay đã hết, tổ cấp cứu đến thì chúng tôi đã tỉnh lại. Anh Đặng Ba Binh-Trạm trưởng, gọi điện thoại phê bình đại đội không bảo đảm an toàn cho chúng tôi. Anh Kỷ bảo chẳng việc gì cả, đó là chuyện thường ngày mà!

 
Bộ tư lệnh Sư đoàn 471, năm 1972 (đồng chí Võ Sở ngoài cùng, bên trái). Ảnh do tác giả cung cấp.

Gần cuối mùa khô năm 1968-1969, Binh trạm 31 đảm nhiệm bảo vệ Cửa khẩu Cổng Trời-Lằng Khằng đã hoàn thành kế hoạch vận chuyển cấp trên giao cho. Bộ Tư lệnh lại gọi tôi về họp. Tôi được giao trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn xe 101 làm nhiệm vụ tăng cường cho Binh trạm 32 chạy vượt cung giao hàng cho Binh trạm 33 và Binh trạm 34. Trên đường trở về Sở chỉ huy Binh trạm 32, tôi gặp máy bay địch. Trời chưa tối hẳn, xe anh Đại và anh Ngữ đi trước, xe tôi theo sau. Tưởng rằng chạy xe vào sẩm tối là lúc máy bay AC-130 chưa ra, nào ngờ chúng ra sớm hơn mọi ngày. Chúng phát hiện được xe con của chúng tôi và đuổi đánh. Xe anh Đại, anh Ngữ chạy trước nên thoát được, còn xe tôi chạy sau bị dính đạn 40mm, hai bánh xe sau bị vỡ lốp, mảnh đạn xuyên qua cánh cửa phía trước nơi tôi ngồi, găm vào chân phải đau nhói, sờ thấy máu chảy ra ướt đẫm cả quần và chân. Đồng chí lái xe kêu lên: "Xe bị thủng lốp rồi thủ trưởng ơi!". Cố gắng, tôi động viên: "Cứ bình tĩnh!". Xe chạy tiếp một đoạn đường nữa đến trạm chỉ huy giao thông, ở đó xe anh Ngữ, anh Đại đang chờ. Xe tôi được kéo đi sửa chữa. Tôi theo xe anh Đại, anh Ngữ về Binh trạm 32 và điều trị ở đó mấy ngày rồi trở về làm nhiệm vụ chỉ huy Tiểu đoàn 101, cùng hai Binh trạm 31 và Binh trạm 32 hoàn thành vượt mức kế hoạch khi mùa mưa Trường Sơn đổ xuống.
Tôi về làm Chính ủy Binh trạm 42 từ đầu tháng 1-1970, lúc địch vừa dùng biệt kích, vừa dùng máy bay đánh phá hệ thống kho tàng, chỉ huy sở, căn cứ trú đậu xe, gây cho binh trạm nhiều tổn thất. Binh trạm 42 lúc đó gặp rất nhiều khó khăn song được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh và sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ trong binh trạm nên chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ giao hàng cho mặt trận B4 và B1, bảo đảm cho B4 mở được chiến dịch đánh về đồng bằng.
Binh trạm 31 có Cửa khẩu Xiêng Phan thì Binh trạm 42 có tuyến đường ngang B45 từ La Hạp đến A Lưới, A Sầu. Đây gần như một hệ thống trọng điểm bị địch đánh phá ngăn chặn rất ác liệt. Chất độc hóa học đã khai quang núi rừng, bộ đội ta phải sống trong các hầm hào đào ven đường hoặc xuyên núi. Khó khăn nhất là xây dựng hệ thống kho tàng, bãi trú đậu xe... Sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ trong binh trạm đã hình thành được thế trận vận tải hoạt động ở vùng tiếp giáp chiến trường nhằm đối phó với máy bay địch và bộ binh địch...
Binh trạm 42 hoàn thành nhiệm vụ, tôi được trên giao nhiệm vụ Phó chủ nhiệm chính trị bộ đội Trường Sơn và cùng công tác với anh Lê Xy-Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị. Đầu năm 1971, trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, anh Lê Xy cùng tôi xuống trực tiếp kiểm tra Trung đoàn 591 cao xạ và dừng chân tại khu vực Bản Đông-mục tiêu của Chiến dịch 719 của địch. Bộ chỉ huy chiến dịch cho biết, ngày mai địch sẽ về oanh tạc dữ dội bằng máy bay B-52 và máy bay cường kích, mở đầu cho cuộc hành quân quy mô lớn. Dù vậy, bộ đội Trường Sơn vẫn tiếp tục vận chuyển hàng hóa bảo đảm đủ các nhu cầu cho chiến dịch, nhiều xe vẫn vượt ngầm Bản Đông đi vào các chiến trường. Xe của anh Xy và xe của tôi đến bắc ngầm Bản Đông thì bị máy bay AC-130 phát hiện và đuổi đánh. Khi máy bay địch bắn thì xe tạm dừng nép lại vào bên đường, khi máy bay địch liệng lên thì xe ta cũng vọt tiến. Cứ tiếp tục như thế cho đến khi xe chúng tôi thoát khỏi sự truy đuổi của máy bay địch.
Box: "Đối phó với máy bay Mỹ, ngoài việc xử trí tức thời khi gặp địch đánh, cán bộ chúng tôi ở chiến trường Trường Sơn còn khai thác sơ hở của địch để kiểm tra hoặc chỉ huy bộ đội tranh thủ những thời cơ thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ. Về không gian trong một ngày đêm, địch không thể cứ đánh suốt chiều dài một cung đường, chúng đánh nơi này thì nơi khác chúng sơ hở, vì vậy khi tổ chức thế trận vận chuyển cần được tổ chức liên hoàn để khi thực hiện nhiệm vụ có thể khai thác sơ hở của địch. Vì thế trên chiều dài hàng trăm ki-lô-mét, bộ đội Trường Sơn vẫn tiến hành nhiệm vụ vận chuyển liên tục"...

 
Thiếu tướng VÕ SỞ (Nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Trường Sơn, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam).

tin tức liên quan