“Những chuyến ô tô đáng nhớ”. Hồi ức của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 07:09 23/04/2020 Lượt xem: 534
HÀO KHÍ 30-4
------------------------------------------------------------------------

NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ ĐÁNG NHỚ
Hồi ức của Thiếu tướng Hoàng Kiền

         Trong cuộc đời biết bao nhiêu chuyến xe ô tô để lại rất nhiều kỷ niệm. Đêm qua nằm đến hai giờ sáng nhớ lại những kỷ niệm về những chuyến xe đặc biệt đáng nhớ. Nhiều lắm những chuyến xe… nhưng tôi chọn điểm lại 20 chuyến làm kỷ niệm. Lưu lại cho con cháu xem biết về bố, ông, cụ có một thời như thế. Mời các đồng đội, bạn bè và ai quan tâm đọc cho hết những ngày ngồi nhà chống dịch covid - 19.
 
Phần thứ nhất: Những chuyến ô tô thời chống Mỹ.
 
* Chuyến ô tô thứ Nhất đáng nhớ : Đi khám bệnh.
         Năm ấy nhà khó khăn quá, bố ốm, đông em nhỏ, các bác đến bàn nhận nuôi trâu của Hợp tác xã. Em gái Hoàng Thị Thâm đang học lớp 2 phải nghỉ học chăn trâu, anh học lớp 4 vừa đi học vừa chăn trâu cắt cỏ. Vào một ngày tháng 6 năm 1963, đang nghỉ hè, thấy con trai cả gầy yếu quá, bố tôi sợ tôi bị lây bệnh lao của ông, thế là bố dẫn đi khám bệnh. Ngày ấy cả vùng phía Tây của huyện Giao Thuỷ chỉ có một bến xe khách Quất Lâm - Nam Định, một chuyến lên một chuyến về. Ba giờ sáng bố gọi dậy ăn củ khoai lang rồi hai bố con đi bộ ra cầu Tây cách nhà hai cây số đón xe. Lên đến bến xe Nam Định đi bộ vào Bệnh viện Lao của tỉnh khám. Năm ấy tôi 13 tuổi cao một mét rưỡi mà cân cả bì lúc no cũng được có ba lăm cân thôi. Bố dẫn đi khám bệnh mà lo suốt đêm không dám ngủ, vào cởi áo ra khám càng lo hơn. Nhỡ bị lao thì ai chăn trâu cắt cỏ cho...
         Khi Bác sĩ gọi bố tôi vài lấy kết quả, bố ra bảo may quá mày không việc gì, mừng quá đi chứ.
        Bố mua cho cái bánh mì, lần đầu tiên được ăn bánh mì ngon lắm. Bố tôi dẫn vào thăm cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh , hàng ít mà cũng chả có tiền mua gì, tất cả lại phân phối hết mà. Bỗng dưng tôi nhìn thấy thầy Minh người thành phố dạy tôi lớp 4, gần hết kỳ hai sau khi đưa tôi đi thi học sinh giỏi xong thầy chuyển về thành phố. Thầy đi nhanh quá không kịp chạy lại chào, nhìn Thầy đi xa khuất mất mà cứ tiếc ngẩn ngơ cho đến bây giờ. Hẹn có ngày quay lại tìm Thầy, không chắc có còn gặp được không.
* Chuyến Ô tô đáng nhớ thứ hai. Lên đường nhập ngũ.
         Hôm ấy đúng ngày Cách mạng thành công, 19 tháng 8 năm 1970 tôi lên đường nhập ngũ. Rời lớp xa trò với bao lưu luyến.
Thế rồi năm ấy thu sang
Tôi đi theo ánh sao vàng thắm tươi
Tiền phương thôi thúc lòng người
Tiễn thầy giáo tuổi hai mươi lên đường
Xa trò tạm biệt quê hương
Gió reo lá vẫy sân trường mưa tuôn
Chia tay tạm biệt người thân
Ô tô chờ đợi hành quân đường dài.
         Chúng tôi tập trung tại Phòng giáo dục huyện Xuân Thuỷ, hai mươi lăm thầy giáo cấp 1, cấp 2 nhập ngũ. Phòng giáo dục tổ chức bữa cơm liên hoan sau đó bàn giao quân cho huyện đội. Đúng 12 giờ trưa chiếc xe ô tô thùng đến đón, xe không có mui, mưa rơi tầm tã như trút nước. Tạm biệt quê hương lên đường đánh Mỹ. Đến Thành phố Nam Định tập trung trong hội trường rất lớn. Hơn 500 người phần lớn là giáo viên. Được ông Nguyễn Tất Tố - Trưởng ty giáo dục đến động viên. Sau đó biên chế vào các đại đội, trung đội, tiểu đội. Đời quân ngũ bắt đầu từ đây. Thay quần áo ra, mặc quân phục vào thành anh Binh nhì, cuộc hành quân bộ bắt đầu - Đời Bộ đội.
* Chuyến xe ô tô đáng nhớ thứ Ba: Vào chiến trường.
         Đầu tháng 11 năm 1970 chúng tôi lên đường vào chiến trường. Tàu hoả chở vào Vinh, dừng chân nghỉ tại Hưng Nguyên. Chiều tối xe ô tô ba cầu đến đón, trung đội ba mươi người lên một xe, khoảng 6 giờ tối bắt đầu hành quân. Khi ấy Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc, nhưng hành quân vẫn đi ban đêm, chạy đèn rùa. Mấy tiếng sau đến xã Cẩm Thắng huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà tĩnh thì dừng vào nhà dân nghỉ, tối hôm sau lại tiếp tục hành quân. Đêm nay đi qua đèo Ngang, trời có mưa nhẹ tối đen như mực, vẫn nghe dưới chân đèo tiếng sóng biển vỗ vào sườn núi rầm rầm. Đường xấu xóc lắm, những năm chiến tranh phá hoại máy bay, tàu chiến của Mỹ ngụy tập trung ném bom, bắn đạn pháo vào khu vực đèo ngang vô cùng ác liệt, mặt đường bị cày xới nay vẫn còn lổn nhồn gập ghềnh xóc lắc ngả nghiêng, trên con đường mấy cây số.
Đêm nay hành quân vượt qua đèo ngang
Mấy năm bom pháo tàu phang mịt mùng
Con đèo nằm ngang con đường chạy dọc
Xe leo khó nhọc hàng dọc hành quân
         Vào đến Cự Nẫm - Bố Trạch - Quảng Bình dừng chân. Mưa dầm mùa đông lạnh giá, bữa cơm thiếu rau xanh bắt đầu từ đây, ra vườn xin nắm rau lang của dân luộc ăn. Những chuyện vui về quê Bọ Mạ bắt đầu mở ra từ đây.
         ”Chú đi vô hay đi ra?.Nếu đi vô thế nào cũng có chú chết, nếu đi ra thì được cấp mới, mấy chú cho Bọ xin một chiếc mũ cối...Con đi ngang....”
         Vui thế đấy, chứ người dân Quảng Bình thật là tuyệt vời, xe chưa qua thì nhà không tiếc, nhường nhà cửa chỗ ở cho Bộ đội, giúp đỡ Bộ đội hết lòng, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Kiên cường giữ vững tinh thần
Mấy nơi có được như dân Quảng Bình.
         Đêm hôm sau chúng tôi tiếp tục hành quân. Đi qua thị xã Đồng Hới, trời sáng trăng mờ mờ , nhìn ra thị xã bị tàn phá hoàn toàn đổ nát hoang tàn. Cả thị xã chỉ còn lại một cổng thành cửa Bắc và một chiếc tháp chuông nhà thờ. Cảnh chiến tranh thật là khốc liệt.
Chặng dài gian khó vượt sang
Băng qua Đồng Hới âm vang Quảng Bình
Xưa kia thành luỹ xây trình
Tường cao kè rộng dáng hình oai phong
Bao đời thị xã trong lòng
Đỏ tươi mái ngói thoả mong vui đời
Thế mà chỉ mấy năm thôi
Đạn bom tàn phá tơi bời tan hoang.
         Vào đến nông trường Quyết Thắng của Vĩnh Linh thì dừng chân. Ở vùng tuyến lửa, đi qua Vĩnh Linh vào ban đêm, nhưng không khí chiến tranh bao trùm lên tất cả, bom đạn đánh phá những năm chiến tranh phá hoại vô cùng ác liệt, dấu vết vẫn còn, đường xe đi vô cùng gian nan.
Một vùng đất lửa mênh mông
Đạn bom tàn phá đường không còn đường.
Quân dân trung dũng kiên cường
Dìm trong lòng đất Quê hương chống thù.
         Dừng chân chuẩn bị vượt sông Bến Hải sang bờ Nam. Mấy ngày không vượt sông được lại quay ra Cự Nẫm .
* Chuyến ô tô đáng nhớ thứ Tư: Vượt Trường Sơn.
         Đêm hôm ấy Tiểu đoàn chúng tôi rời Cự Nẫm lên Ca nô, đoàn Ca nô chạy ngược nước lên phía Trường Sơn, sông sâu khá rộng, nhìn thấy làn nước trong xanh ngắt, không biết là sông gì. Mấy tiếng sau ca nô cập bến, xe ba cầu có mui đón, trung đội lại lên xe. Tiếp tục hành trình. Đi được mấy phút là xe bắt đầu lắc lư rồi nhảy lên dập xuống, nghiên bên này ngả bên kia. Không thể tưởng tượng được sao nó lại xóc đến thế. Do đường quân sự làm gấp, mưa dầm làm cho đất nhão ra thành bùn, các gốc cây trồi lên, các hòn đá hộc trồi lên thế là chiếc xe cứ như cóc nhảy vậy. Đồng đội trên xe bắt đầu say dần, nôn mửa dần, thế rồi nôn mửa ra xe hết, có người nôn ra mật xanh mật vàng. May mắn sao cả xe chỉ có mình tôi không bị nôn. Chạy khoảng ba tiếng đồng hồ xe dừng bánh. Lệnh xuống xe, từng người tụt xuống mà toát hết mồ hôi hột ra giữa đêm đông lạnh giá mưa phùn trên núi rừng Trường Sơn. Cuộc hành quân bộ bắt đầu từ đây.
* Chuyến ô tô đáng nhớ thứ Năm : Đưa đồng đội, đồng hương đi viện.
         Vượt Trường Sơn vào đến Đường 9 Nam Lào thì dừng chân, tôi được bổ xung vào Ban Công binh Binh trạm 32. Đầu năm 1971 quân Mỹ nguỵ mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra hòng cắt đứt tuyến đường Trường Sơn. Ta mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra quyết liệt, tổ khảo sát chúng tôi được cử đi trinh sát trọng điểm Phú Kiều trên đường 128 B. Một khu vực đèo dài khoảng 5 km, máy bay Mỹ ném bom tan nát, không còn ngọn cỏ cành cây, dù pháo sáng chúng thả trắng xoá cả một vùng mấy chục cây số vuông, dù bám vào các gốc cây cháy đen gần sát đất. Cả tổ đợi đến trưa nhanh chân cuốc bộ băng băng vượt qua, đường vẫn thông. Qua đèo đến trạm Barie, tôi được giao nhiệm vụ đưa một Thương binh quay lại về Trạm phẫu thuật của Binh trạm ở phía sau. Lại vượt đèo bằng ô tô giữa ban ngày. Cứ chờ thời cơ khi nó vừa ném bom xong là phóng qua ngay, may thoát qua được. Anh Thương binh bị thương vào mắt, bịt kín mặt, không nhìn thấy gì cả. Hỏi thăm biết anh là Đỗ Văn Hoá, cùng xã, ở thôn Tồn Thành, liền làng tôi . Sau này không gặp lại ở chiến trường nữa. Chiến tranh kết thúc về quê gặp lại, anh ấy lấy chị gái con bác Cừ chị gái mẹ tôi. Anh em kết nối thật thân tình.
* Chuyến ô tô đáng nhớ thứ Sáu : Cầm vô lăng.
         Ở Ban Công binh Binh trạm 32, tôi thường đi cùng anh Trần Văn Xuân là lái xe chở vật tư khí tài Công binh cấp cho các đơn vị. Binh trạm 32 phụ trách khu vực Bắc - Nam đường 9 có các trọng điểm: Văng Mu, Phú Kiều, Tha Mé rất ác liệt, nhiều chuyến hút chết. Ngồi trên xe cạnh tài Xuân, tôi để ý nên cũng như học lái xe đi thực tập vậy, cũng thích cầm tay lái.... cắt ly hợp vù ga lấy đà sang số, thuộc lý thuyết làu làu.
         Một hôm chở thuốc nổ về nhập kho xong , tôi nói với anh Xuân cho cầm lái một đoạn. Tôi cầm vô lăng, tài Xuân ngồi cạnh, cậu Hào ngồi sát cửa bên phải. Nổ máy lên nhấn ga cho xe chạy, bỗng nó lao băng băng lên sườn đồi, càng đạp phanh nó càng phóng hăng, cánh cửa bên phải bung ra, Hào văng xuống đất, chiếc xe đổ nghiêng may có cây to đỡ, nếu không nó đè chết cậu Hào. Hoá ra mình không đạp vào chân phanh mà đạp nhầm sang chân ga. Bài học nhớ đời...
* Chuyến ô tô đáng nhớ thứ Bảy: Gặp đồng đội đảo ngũ .
         Giữa năm 1974, Sư đoàn Công binh 472 chuyển sang phía Đông để xây dựng đường cơ bản Đông Trường Sơn. Để lại phía Tây có Trung đoàn Công binh 34. Cơ quan để lại 9 người thành lập Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây. Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn làm Trưởng ban, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiểu - Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn làm Phó ban, một số trợ lý trong đó có Thượng sĩ Hoàng Kiền. Ban chỉ đạo trùm lên Trung đoàn 34, một mô hình đặc biệt mở ra. Trong một chuyến đi kiểm tra đường vào tháng 8 năm 1974, sau trận mưa lớn, đi xem cầu cống đường xá ra sao. Chuyến xe có 5 người. Trung tá Nguyễn Đức Lợi, Thượng sỹ Hoàng Kiền, Thượng sĩ Nguyễn Văn Tuý, công vụ Nguyễn Văn Hồng cùng lái xe.
         Đi từ phía Nam đèo Phù la tuya vào, qua bản Phồn gặp chiếc cầu gỗ đang thi công bị nước lũ làm hỏng. Đoàn dừng xe xuống kiểm tra.
         Từ xa xa tôi nhìn thấy một đôi trai gái dắt tay nhau đi trên đường, nhận ra ngay cậu Long mới đảo ngũ . Tôi gọi to:
 - Long!
         Cậu ta giật bắn mình lên quay lại.
- Lại đây mau!
         Đôi trai gái run cầm cập tiến đến.
        Tôi báo cáo với Trung tá Nguyễn Đức Lợi, đây là cậu Long, chiến sỹ của Trung đoàn 34 đảo ngũ lần thứ ba. Hôm trước tôi xuống Tiểu đoàn làm việc, anh em đi bắt về, không có nhà giam nên để trong nhà ngủ thay nhau canh gác, lợi dụng lúc chiến sĩ gác ngủ gật thế là cậu ta trốn mất.
         Thủ trưởng Lợi lệnh: trói tay lại đưa về Trung đoàn. Tìm mãi chả có dây, thế là cắt dây rừng trói lại. Tôi hỏi:
 - Sao bắt về ba lần vẫn cứ trốn.
         Long thưa:
- Quê em ở miền Tây Nghệ An, em là dân tộc Thái. Bố mẹ em chết hết rồi, em yêu cô này là con gái của Bí thư huyện ủy Lào . Vợ em đang có thai.
         Thấy Long nói thế, cũng mủi lòng, tôi báo cáo với Trung tá Nguyễn Đức Lợi, tha cho cậu ta thủ trưởng ạ.
Trung tá Nguyễn Đức Lợi đồng ý cho cởi trói, chúng tôi cùng nhắc về làm ăn cho tốt, thành công dân tốt của nước Lào nhé.
         Hai vợ chồng chắp tay cám ơn rối rít: Khốp chay lai lai, khốp chay lai lai  (cám ơn nhiều nhiều, cám ơn nhiều nhiều).
         Chờ đôi vợ chồng trẻ Việt - Lào đi khuất vào trong rừng chúng tôi lại tiếp tục hành quân.
        Không biết Long dạo này ra sao, 46 năm rồi, biết đâu lại thành Trưởng bản Mường Phồn, bản nay đã thành Thị trấn Mường Phồn của nước Lào thân yêu.
* Chuyến ô tô đáng nhớ thứ Tám: Chuẩn bị đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
         Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm vận chuyển cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, cuối năm 1974, Sư đoàn Công binh 565 được thành lập. Lực lượng gồm Trung đoàn Công binh 34, Trung đoàn Công binh 576 và điều Trung đoàn bộ binh 39 thuộc Sư đoàn 968 sang chuyển thành Trung đoàn Công binh làm đường. Toàn Sư đoàn triển khai từ Bản Đông vào đến Phi Hà (Ngã ba Đông Dương), tập trung sửa đường bảo đảm giao thông cho cuộc hành quân đưa lực lượng vào chiến trường tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
         Tôi là trợ lý Phòng Công binh Sư đoàn 472. Khi Sư đoàn rút về phía đông, để lại 9 người thành lập Ban Chỉ đạo Miền Tây trong đó có tôi. Khi thành lập Trung đoàn Công binh 576, tôi được điều về làm trợ lý kế hoạch Trung đoàn. Sau đó Sư đoàn 565 được thành lập nhưng chưa có dấu, chỉ có con dấu "củ khoai" là Đoàn 565, lấy phiên hiệu của Đoàn Chuyên gia quân sự 565 cũ đã kết thúc nhiệm vụ . Tôi được Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn 565 chọn điều về làm trợ lý Ban Công binh thuộc Phòng Tham mưu Sư đoàn.
         Thượng tá Phạm tề, Cục phó Cục chính trị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn làm phái viên của Bộ Tư lệnh vào kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc Sư đoàn 565 bảo đảm cho hành quân cơ giới vào chiến trường. Lúc này đường Đông Trường Sơn đang xây dựng cơ bản, chưa thông suốt nên cơ động lực lượng, tăng pháo đi theo đường Tây Trường Sơn vào chiến trường là chính.
         Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh sư đoàn 565, đại uý Mông Văn Quắn, Thượng sĩ Hoang Kiền, Thượng sĩ Nguyễn Văn Tuý đi tháp tùng đoàn, đi suốt chiều dài tuyến Tây Trường Sơn từ Đường 9 đến Phi Hà. Đến các đơn vị, đồng chí đều tập trung đơn vị phổ biến tình hình, tuyền đạt mệnh lệnh của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký ngày 7/4/1975 gửi vào "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam, quyết chiến và toàn thắng". Khí thế cả Trường Sơn bừng lên hừng hực.
         Trên đường vào thị xã A tô pơ, dọc theo quốc lộ 16, con đường làm từ thời Pháp thuộc, đường bằng, còn khá tốt. Mấy năm sống trong rừng núi âm u, nay mới nhìn thấy những cánh đồng lúa rộng bên nam đường, bản làng trù phú tươi đẹp. Nhìn lên bên phải là cao nguyên Bô lô ven, một vùng đất cao bằng chạy dài theo suốt dọc đường mấy chục cây số.
         Đến thị xã A tô pơ ven sông Sê Công mới giải phóng, quang cảnh thanh bình tươi đẹp. Sáng nghe tiếng Bộ đội Pha thét Lào hô: Nưng - xong - xam - xi, bồi hồi nhớ lại những ngày huấn luyện chiến sĩ mới, sáng nào cũng dậy ra sân kho hợp tác tập thể dục tập trung Đại đội, hô vang : 1, 2, 3, 4....
         Bên bờ sông những thiếu nữ váy hoa ra tưới rau thật là thơ mộng. Hôm sau quay về Sê Sụ. Được anh em Công binh tại bến phà kể là : cách đây mấy tuần, một đoàn xe 12 chiếc đi ra, đang vượt sông bằng ngầm thì một cơn lũ ập về, cuốn trôi hết cả đoàn xe, nhìn thấy mấy chiếc còn mắc vào các bụi cây. Các chiến sĩ lái xe bám vào các ngọn cây cao trên các gò nổi giữa sông, hôm sau nước rút mới vào được, may không ai bị thiệt mạng.
         Hôm nay qua sông bằng phà, đi đến trưa, trời nắng chang chang, xe pháo chạy rầm rầm, bụi bay mù mịt. Rừng khộp khô cằn, tìm mãi đến trưa mà không có nước nấu ăn. Dừng lại một vũng nước, tôi và Tuý, Hồng, lái xe đi nấu cơm. Chỉ có một vũng nước trên mặt kín đặc xác xúc vật chết thối rữa ra, do chúng khát nước đến uống rồi chết tại đây, loanh quanh mãi, Thượng tá Phạm Tề quát : gạt ra múc lên mà nấu, ở Nam Bộ có nơi người ta còn gạt phân ra múc nước lên nấu ăn được. Đành quay mặt đi gạt đống xác thối bùng nhùng múc nước lên nấu cơm ăn. Bữa ăn muộn còn ngon hơn cả mầm đá Vua ăn.
         Đi qua Sê Sụ khoảng 50 ki-lô-mét, gặp một đoàn xe của ta đang cháy ngùn ngụt, nhìn mà thật căm thù. Sau khi Hiệp định Paris ký kết, chúng ta rút hết lực lượng phòng không về phía Đông. Hôm ấy không quân nguỵ Sài Gòn bay sang đánh vào đoàn xe, chặn đầu, khoá đuôi, bắn cháy hết 60 xe ô tô của ta. Thật đau xót vô cùng. Bom đánh trúng doanh trại Tiểu đoàn 71 Công binh. Nhiều quả bom chưa nổ trên sân ngay đầu nhà chỉ huy Tiểu đoàn. Đơn vị vẫn tập trung nghe phổ biến quán triệt nhiệm vụ. Giữa đêm hôm ấy Bộ đội cùng nhau xông ra mặt đường khắc phục hậu quả đánh phá của địch. Tiếng máy húc ầm ầm, tiếng mìn phá đá vang vọng khắp núi rừng Tây Trường Sơn với khí thế thật hào hùng. Đường thông, những đoàn xe tăng, xe kéo pháo, ô tô chở quân, ô tô chở hàng lại nối đuôi nhau rầm rập suốt đêm ngày ra trận giải phóng hoàn toàn Miền Nam.
         Trên hành trình chuyến đi, ngồi trên chiếc xe con Bắc Kinh đít vuông, ghế cứng, đường xóc quá hai mông đau nhừ mọc ra một đống mụn nhọt, không thể ngồi được mà phải ngồi xổm suốt cả tuần, thật là khó chịu và đau đớn vô cùng. Mãi đến ngày 30 tháng tư năm 1975, Sài Gòn giải phóng, mừng quá rồi nó khỏi lúc nào không biết nữa…
* Chuyến ô tô đáng nhớ thứ Chín : Về nước.
         Ngày 30 thàng 4 năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng , đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, niềm vui vô bờ bến đối với cả dân tộc và càng đặc biệt vui hơn đối với những chiến sĩ trên chiến trường chúng tôi. Vui chảy nước mắt ra.
Niềm vui vui đến như mơ
Miền Nam giải phóng mong chờ bấy lâu
Cờ sao rực rỡ tươi màu
Bắc Nam thống nhất một bầu trời xanh.
         Sư đoàn Công binh 565 tiếp tục ở lại nước bạn thi công cho hoàn chỉnh Cầu treo Bản Đông, cầu đã thông phục vụ vận chuyển cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, nay hoàn thành các việc còn lại. Hoàn thành rải đá dăm, cấp phối đồi, cấp phối sỏi suối từ Bản Đông đến Sa ra van.
         Tháng 4 năm 1976 Trung đoàn có lệnh rút quân về nước. Cơ quan Sư đoàn bộ mới xây dựng nhà bằng gỗ xẻ rất đẹp đàng hoàng, hội trường lớn bằng gỗ mới khánh thành. Tất cả bàn giao lại hết cho tỉnh Sa ra van. Chỉ duy nhất nhà ở của Trung tá Đào Kim Sơn - Tư lệnh Sư đoàn, cơ quan làm việc với bạn xin mang về tặng Tư lệnh.
         Cả Sư đoàn hành quân về nước, đoàn quân thắng trận trở về sau 15 năm hoạt động trên đất nước Cham Pa - đất nước Triệu Voi, đoàn kết bên nhau chống kẻ thù chung. Nhân dân các bản làng ra hai bên đường lưu luyến tiễn đưa nhìn theo đoàn xe với tình cảm thân thương trìu mến.
         Trung đoàn Công binh 34 là đơn vị rút về sau cùng. Sáu trăm cán bộ chiến sĩ đưa gần bốn trăm rưỡi bộ hài cốt đồng đội của Trung đoàn về cùng. Cuộc chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh rất lớn để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
         Sau gần sáu năm chiến đấu công tác trên đất bạn, tôi được trở về Tổ quốc thân yêu…

( Còn nữa )

tin tức liên quan