Ký ức ngày đại thắng và câu chuyện hòa hợp dân tộc
Nguồn:Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng
Đất nước hoàn toàn giải phóng, thống nhất đã 45 năm nhưng ký ức một thời binh lửa và những ngẫm suy về câu chuyện hòa hợp dân tộc sau ngày đại thắng vẫn đượm nguyên trong chia sẻ của Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng...
Kỷ niệm sâu sắc và thời khắc vỡ òa
Phóng viên (PV): Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng tôi biết ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 nằm trong đội hình một trong 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trên đường tiến vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền, ông có những kỷ niệm đặc biệt nào?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi có rất nhiều kỷ niệm trong mùa xuân lịch sử ấy. Ở đây, tôi xin kể hai câu chuyện: Chuyện thứ nhất là cuộc hành quân thần tốc. Thời điểm khi Chiến dịch Tây Nguyên nổ ra thì Quân đoàn 1-Binh đoàn Quyết Thắng chúng tôi vẫn đang huấn luyện ở miền Bắc và chờ lệnh sẵn sàng chiến đấu. Lúc này, tôi đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 - Đoàn Triệu Hải anh hùng của Sư đoàn 320B, Chính ủy trung đoàn là đồng chí Trịnh Văn Thư. Theo phân công của cấp trên, đơn vị vẫn làm nhiệm vụ đắp đê ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) để nghi binh địch.
Ngày 18-3-1975, Trung đoàn 27 nhận lệnh lên tàu và xe ô tô hành quân vào Nam. Đơn vị đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc vào Đông Hà, Quảng Trị làm lực lượng dự bị cho đơn vị bạn đánh vào Huế và Đà Nẵng. Ngày 26-3-1975, các đơn vị bạn đã đánh cho địch ở Huế tan rã, phải bỏ chạy. Chúng tôi lại nhận được lệnh tiếp tục di chuyển theo hướng bắc đèo Hải Vân để cùng với các lực lượng sư đoàn mạnh của bộ đánh vào bán đảo Sơn Trà, tham gia giải phóng Đà Nẵng.
|
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu.
|
Tình hình chiến trường diễn biến quá nhanh. Cho đến thời điểm ngày 29-3, các đơn vị bạn lại đánh mạnh thì địch tại bán đảo Sơn Trà tiếp tục tan rã nhanh. Lúc này, đơn vị của chúng tôi hành quân qua chợ Cồn để vào bán đảo Sơn Trà thì tôi gặp đồng chí Nguyễn Hữu An-Tư lệnh Quân đoàn 2. Đúng lúc đó, qua đài 15W, chúng tôi nhận được lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài-Phó tổng Tham mưu trưởng là phải đưa toàn trung đoàn hành quân thần tốc cả ngày và đêm cùng với các lực lượng được tăng cường vào tập kết ở Đồng Xoài (Đông Nam Bộ).
Khi đơn vị của tôi và các đơn vị bạn hành quân đến đèo Ăng Bun (trên đường Trường Sơn) thì nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15W với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Sau khi nghe xong mệnh lệnh đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cán bộ, chiến sĩ như quên hết mệt mỏi, tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến về tiền tuyến.
Chuyện thứ hai xảy ra ở Lái Thiêu. Đó là tối 29-4, chúng tôi cùng với tổ trinh sát về tới ấp Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10km thì nhìn thấy bên kia khu nghĩa địa là ngôi làng, trong làng có một ngôi nhà lợp lá, trong nhà hãy còn le lói ánh đèn. Chúng tôi quyết định vào nhà. Tại đây, tôi đã được gặp má Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi là Sáu Ngẫu). Má đã cung cấp cho chúng tôi tấm bản đồ quý hơn vàng, vẽ chi tiết toàn tuyến phòng thủ của địch từ chi khu Lái Thiêu vào Sài Gòn. Má còn cập nhật tình hình địch đến thời điểm hiện tại và lưu ý nhiều thông tin quan trọng khi tiến vào Sài Gòn.
Từ tấm bản đồ và chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu, hôm sau chúng tôi dùng loa kêu gọi 2.000 lính ở trại Huỳnh Văn Lương đầu hàng. Đồng thời tấn công qua Lái Thiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng và vượt cầu Vĩnh Bình tiến thẳng vào bộ tư lệnh thiết giáp ngụy, chiếm luôn 13 căn cứ của lục quân công xưởng ở Gò Vấp và tổng y viện cộng hòa. Lúc đó là khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30-4.
PV: Trong những thời khắc đầu tiên khi Sài Gòn giải phóng, ông làm gì và cảm xúc lúc đó như thế nào?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Nhiệm vụ của chúng tôi sau khi đánh chiếm là phải giữ các mục tiêu. Đồng thời, tổ chức đăng ký, phân loại các tù binh là sĩ quan ngụy, phổ biến những chính sách của Quân Giải phóng với nhân dân và tù binh.
Trưa hôm đó, chúng tôi nhận được thông tin Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, chính quyền của tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện. Niềm vui, hạnh phúc tích tụ, kìm nén bấy lâu như được vỡ òa. Phút chốc, rừng cờ hoa và dòng người hân hoan đổ xô ra đường. Trong giờ phút lịch sử ấy, một cảm xúc khó diễn tả ngập tràn trong tôi. Tôi nhớ đến Đại đội trưởng xe tăng Hoàng Thọ Mạc vừa mới hy sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn; nhớ má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu-biểu tượng của các bà má Nam Bộ sẵn sàng hy sinh để góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng…
Sáng hôm sau, giữ lời hứa với má Sáu Ngẫu, tôi cùng một số anh em của trung đoàn trở lại ấp Búng thăm má. Cũng trên con đường mới đi hôm qua mà nay khác quá. Dọc đường đi, bà con ùa ra chào đón và mang theo nhiều hoa trái tặng đoàn. Má Sáu Ngẫu thấy chúng tôi về thì vui mừng lắm và nói rằng ước mơ được thấy ngày đất nước thống nhất của má đã thành hiện thực. Tôi thay mặt đơn vị cảm ơn má và hứa sẽ thường xuyên liên lạc với má. Tôi cũng nói chuyện với anh Sáu Châu, Huyện đội phó và chị Hai Mỹ, Bí thư Huyện đoàn Lái Thiêu đang có mặt ở đó quan tâm tới hai con của má là em Phước, 16 tuổi và em Đức, 14 tuổi, tạo điều kiện cho các em được học hành để sau này xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của chồng má và tấm lòng của má với cách mạng…
Hòa hợp dân tộc vì mục tiêu chung
PV: Trong rất nhiều nguyên nhân làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 có một nguyên nhân rất cơ bản, đó là lòng dân, mà có lần ông nói là nghệ thuật trận địa trong lòng nhân dân. Ông có thể nói thêm về điều này?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi cho rằng, nghệ thuật chiến tranh của ta chính là lấy nhân dân làm gốc, xây dựng trận địa trong lòng dân. Trận địa đã trong trái tim nhân dân rồi thì làm sao địch đánh nổi, ban ngày là dân nhưng ban đêm lại là quân. Tức là trận địa lòng dân thiên biến vạn hóa, làm cho địch không phân biệt được đâu là quân mình, đâu là đối phương. Chiến thắng mùa xuân năm 1975 là chiến thắng của trí tuệ và sáng tạo của toàn dân tộc.
Chiến tranh của Việt Nam là chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, phát huy cao độ sức mạnh của văn hóa Việt Nam, truyền thống, lịch sử Việt Nam. Chúng ta không chỉ có bộ đội chủ lực mà còn có bộ đội địa phương và dân quân du kích; chúng ta không chỉ tiến công bằng những đòn quân sự mà còn kết hợp cả chính trị, ngoại giao, binh địch vận…
Theo tôi, để có được lòng dân thì phải có được niềm tin. Khi dân đã tin, lòng dân quy tụ thì ta sẽ có sức mạnh vô địch, đánh bại mọi kẻ thù.
|
Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (thứ hai, từ phải sang) cùng gia đình má Sáu Ngẫu bên tấm bản đồ, tối 29-4-1975. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
PV: Từ câu chuyện về lòng dân, chúng tôi liên hệ tới một vấn đề, đó là hòa hợp dân tộc. Thực ra, không phải đến khi giải phóng miền Nam, chúng ta mới đề cập đến vấn đề hệ trọng này. Từ năm 1972, Tổng Bí thư Lê Duẩn (thời điểm đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng) đã từng khẳng định: Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm đó là hòa hợp dân tộc. Xin hỏi ông, trong lịch sử và trực tiếp là sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vấn đề này đã được thực thi như thế nào?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Suy nghĩ của Tổng Bí thư Lê Duẩn chính là xuất phát từ lịch sử, từ kinh nghiệm của cha ông, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và cũng từ tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là truyền thống đoàn kết, đùm bọc, nương tựa nhau của những người có chung cội nguồn con Lạc, cháu Hồng: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”... Đó còn là truyền thống nhân ái, vị tha, hòa hiếu của dân tộc đối với những người lầm đường lạc lối. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 31-5-1946, đã chỉ rõ: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”.
Từ truyền thống và tư tưởng nhân văn đó, ngay sau ngày miền Nam giải phóng, chúng ta đã chủ trương và thực hiện thống nhất đất nước về mặt nhà nước, tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Đồng thời, Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng ra thông cáo bắt buộc sĩ quan quân đội và viên chức thuộc chính quyền Sài Gòn đi học tập cải tạo nhưng không ai bị xét xử với các tội danh như tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người. Mặc dù không ít người trong số đó đã từng gây ra những vụ thảm sát với dân thường. Sau học tập cải tạo, những người này được phục hồi đầy đủ quyền công dân…
Những việc làm kịp thời và đúng đắn đó đã từng bước góp phần xoa dịu những mất mát và hận thù sau cuộc chiến tranh kéo dài mấy thập kỷ, đoàn kết mọi tầng lớp hướng vào mục tiêu chung, xây dựng cuộc sống mới, xã hội mới.
PV: Từ bài học lịch sử, chúng ta cần phải làm gì để khơi dậy sức mạnh của lòng dân và tinh thần hòa hợp dân tộc, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Đã 45 năm trôi qua, lịch sử dân tộc đã sang trang mới. Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Để tiếp tục khơi nguồn động lực cho đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, đúng là cần phải khơi dậy sức mạnh của lòng dân và tinh thần hòa hợp dân tộc. Điều này, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định. Trong đó, tôi nhớ trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X có một đoạn rất hay, vẫn còn nguyên tính thời sự, đó là: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, đề cao tinh thần dân tộc để tập hợp mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”.
Theo tinh thần ấy, chúng ta phải tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cả trong nước và quốc tế, cả nội lực và ngoại lực, tiếp tục đổi mới để đưa đất nước phát triển, đi lên. Trong quá trình đó, phải coi trọng xây dựng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Làm tốt dân chủ, đi đôi với giữ gìn kỷ cương phép nước; thực hiện mạnh mẽ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Cán bộ, đảng viên, nhất là cấp cao phải là tấm gương mẫu mực cho quần chúng tin và noi theo.
Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là một người lính đã đi qua cuộc chiến, tôi tự hào về thắng lợi vĩ đại của ngày 30-4-1975 và có niềm tin chắc chắn vào tiền đồ đất nước. Mỗi người ở các cương vị khác nhau cùng đồng tâm, nhất trí, góp sức mình cho sự nghiệp chung. Như câu nói của lãnh tụ V.I.Lênin: “Cách tốt nhất để kỷ niệm những ngày lễ hội là nỗ lực làm hết mình về những việc làm còn đang dang dở, làm tốt hơn những việc còn dang dở”.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
“Tôi cho rằng, nghệ thuật chiến tranh của ta chính là lấy nhân dân làm gốc, xây dựng trận địa trong lòng dân. Trận địa đã trong trái tim nhân dân rồi thì làm sao địch đánh nổi, ban ngày là dân nhưng ban đêm lại là quân”.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu
|
HOÀNG TIẾN – TUẤN TÚ (thực hiện)
( C. H sưu tầm)