SƯ ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 571 - BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ
SƯ ĐOÀN Ô TÔ VẬN TẢI 571 - BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
TRONG CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ
Đại tá Nguyễn Văn Ninh
Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam
Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 571
Sau chiến thắng giòn giã ở Tây Nguyên, quân ta tiến đánh địch ở khắp các chiến trường, giải phóng thêm một số vùng đất đai rộng lớn, đẩy địch vào bước suy sụp mới phải từ phòng ngự chiến lược chuyển sang rút lui có cụm chiến lược.
Một cục diện mới đã mở ra. Thời cơ mới đang hình thành từ thực tiễn chiến đấu của quân dân ta và từ bộ óc vĩ đại của Đảng ta. Bộ Chính trị thấy rằng thời cơ chiến lược đã tới và hạ quyết tâm “Nắm vững thời cơ, với tư tưởng chỉ đạo: thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể để chậm".
Các đơn vị ô tô vận tải chiến lược được chọn làm lực lượng chủ lực chủ yếu cơ động các binh đoàn chủ lực và binh khí kỹ thuật thần tốc, táo bạo tiến vào Nam Bộ, tạo bất ngờ đối với địch, nhanh chóng áp sát Sài Gòn từ nhiều hướng, thực hiện tổng công kích.
Sư đoàn ô tô vận tải 571 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, ngày 2/3/1975 nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn chuẩn bị 1000 xe vận tải để làm nhiệm vụ cơ động gấp. Quân đoàn 1 - lực lượng dự bị chiến lược của Bộ từ Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) vào Đồng Xoài chuẩn bị cho trận quyết chiến lịch sử (trước đó Quân đoàn đã từ Ninh Bình di chuyển vào Vĩnh Linh).
Bộ xác định, thời gian chậm nhất là ngày 3 tháng 4 Quân đoàn 1 phải xuất phát, và ngày 25 tháng 4 là hạn cuối cùng phải có mặt tại Đồng Xoài.
Mệnh lệnh này đến trong thời điểm hầu hết lực lượng xe của Sư đoàn đang trên đường vận chuyển ở Tây Trường Sơn. Nhưng nhờ có hệ thống thông tin được tổ chức chặt chẽ, Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã kịp thời điện khẩn cấp cho các đơn vị nhanh chóng trả hàng, thu quân về nhận nhiệm vụ. Mặt khác, Sư đoàn tập trung toàn bộ lực lượng lái xe và thợ sửa chữa ở hậu cứ của các Trung đoàn, các trạm tiểu tu, trung tu, khẩn trương chuẩn bị kỹ thuật cho số xe tại trại. Đồng thời, tiến hành chuẩn bị công tác hậu cần, quân y, nhằm bảo đảm sức khỏe, ăn uống, sinh hoạt cho bộ đội theo phương án cơ động liên tục trên đường. Công tác chính trị được phát huy hơn lúc nào hết. Mọi cán bộ, chiến sĩ đều nhận thức đầy đủ về thời cơ lớn, thấu suốt ý đồ thần tốc, táo bạo của trên.
Đi đôi với công tác chuẩn bị xe, Sư đoàn đã tổ chức thêm các chốt, trạm chỉ huy điều hành và tăng cường cán chỉ huy, nhân viên thông tin vô tuyến trên đường hành quân suốt chiều dài hơn 1000 km .
Để đảm bảo đội hình nhanh, gọn, an toàn, Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã tổ chức hiệp đồng với Bộ Tham mưu Quân đoàn về tổ chức đội hình, chỉ huy hành quân, chỉ huy chiến đấu khi gặp địch, và công tác đảm bảo hậu cần.
Tổ chức hành quân được sắp xếp thành 3 đội hình lớn, mỗi đội hình có 3 Tiểu đoàn xe, chở gọn một Trung đoàn bộ binh, hành quân cách nhau 5 ngày. Ngày 29 tháng 3, đội hình thứ nhất xuất phát 268 xe, cơ động gọn 2 Trung đoàn và Sư đoàn bộ 320B từ Vĩnh Chấp tiến vào Đường 9 theo Đường 22 Tây Trường Sơn rồi tạt sang Đường 14 đến Đồng Xoài. Cùng ngày, một lực lượng xe vận tải vào Huế, Đà Nẵng cơ động Trung đoàn 27 (cũng của Sư đoàn 320B) theo quốc lộ 1, qua Đà Nẵng vừa giải phóng đến Quy Nhơn, rồi rẽ Đường 19 lên Buôn Ma Thuột, theo Đường 14 đến Đồng Xoài.
Ngày 3 tháng 4, đội hình thứ 2 xuất phát gồm 395 xe, cơ động Sư đoàn 312 và cơ quan Quân đoàn bộ.
Ngày 8 tháng 4, đội hình thứ 3 xuất phát gần 400 xe, cơ động Sư đoàn phòng không 367 và chở đạn dược, xăng dầu đi theo đoàn binh khí kỹ thuật của Quân đoàn.
Như vậy là chỉ trong vòng 10 ngày, Sư đoàn 571 đã sử dụng 1.053 xe ô tô vận tải (cả 32 xe dự phòng và hộ tống đi theo đội hình), cơ động đại bộ phận Quân đoàn 1 (còn sư đoàn 308 ở lại làm lực lượng dự bị chiến lược) hành quân bằng cơ giới hoá theo Đường 22 Tây Trường Sơn đến Sê Sụ rồi tạt sang Đường 14 qua Plâyku, Đức Lập xuống Đồng Xoài.
Trên đường hành quân, các đội hình xe phải đi qua nhiều địa hình vừa xảy ra chiến đấu như Kon Tum, Plâyku, Buôn Ma Thuột, mảnh đạn đầy đường, xe pháo, súng đạn của địch vứt ngổn ngang khắp chốn. Đường Trường Sơn giữa mùa nắng, trời rất oi bức, gió bụi mịt mù, đội hình xe của Sư đoàn nối tiếp nhau kéo dài hàng trăm cây số. Lính bộ binh, lính lái xe, người nào cũng phủ một lớp bụi đỏ quạch; mỗi xe được bố trí hai lái, anh em thay phiên nhau chạy suốt ngày đêm. Bộ binh ngủ ngồi trên thùng xe. Xe chỉ được tạm dừng nghỉ để bộ đội ăn uống và lái xe tranh thủ kiểm tra, sửa chữa kỹ thuật. Ai cũng hiểu rõ, lúc này thời gian là lực lượng, thời gian là chiến thắng. Tất cả đều hăm hở quyết tâm tiến nhanh tới đích.
Sau hơn 10 ngày đêm hành quân liên tục, ngày 11/4 đội hình đầu tiên đã đến Đồng Xoài, đội hình thứ hai đến ngày 17/4 và đội hình cuối cùng đến ngày 19/4, tất cả đều đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với hơn một nghìn xe cơ động mấy vạn quân và nhiều binh khí kỹ thuật trên đường rừng núi dài 1200 km, vượt thời gian Bộ Tổng Tư lệnh quy định 6 ngày.
Sự có mặt của Quân đoàn 1 tại Đồng Xoài vào trung tuần tháng 4 đã góp phần tạo nên ưu thế tuyệt đối, bất ngờ áp đảo kẻ địch trên hướng Tây Bắc Sài Gòn, khiến chúng càng rối loạn thêm về chiến lược.
Trong khi đang triển khai nhiệm vụ cơ động Quân đoàn 1 vào Đồng Xoài thì cuối tháng 3 Sư đoàn nhận lệnh dùng hơn 600 xe vận chuyển gạo và đạn từ Đông Hà theo đường số 1 vào Đà Nẵng đảm bảo cho Quân đoàn 2 chiến đấu.
Sau đó, ngày 6 tháng 4 Sư đoàn nhận được lệnh của Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải sử dụng toàn bộ số xe hiện có của Sư đoàn tại Đà Nẵng để cơ động Quân đoàn 2 tấn công địch theo đường số 1 vào phía Nam.
Ngày 8 tháng 4, đồng chí Lê Trọng Tấn cử đồng chí Thiếu tướng Giáp Văn Cương, Phó Tổng Tham mưu trưởng cùng đồng chí Hoàng Trá, quyền Tư lệnh Sư đoàn 571, dùng trực thăng bay ra Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn tại Gio Linh để làm công tác hiệp đồng.
Như vậy, từ ngày 9 tháng 4, trong khi trên hướng Tây Trường Sơn hơn 1.000 xe của Sư đoàn đang trên đường cơ động Quân đoàn 1 đến Đồng Xoài, thì ở hướng đông 669 xe của Sư đoàn đã tập kết từ chân đèo Hải Vân đến sân bay Đà Nẵng để cơ động các lực lượng của Quân đoàn 2, thần tốc tiến theo quốc lộ số 1, vừa đi vừa đánh địch, giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung, nhanh chóng áp sát Sài Gòn từ hướng đông. Lực lượng xe của Sư đoàn được tổ chức theo các khối hành quân của Quân đoàn. Công binh đi trước gặp cầu hỏng là khắc phục ngay (dọc đường đã phải lắp ghép cầu phao qua 6 con sông lớn do địch đã nổ mìn khi tháo chạy). Tiếp theo là lực lượng xe tăng thiết giáp nhằm đè bẹp các ổ đề kháng của địch. Sau đó là bộ binh và pháo binh. Mỗi khối hành quân có một Trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ. Cuối cùng là đội hình xe chở đạn dược và lương thực, thực phẩm, có thể đủ ăn trong một tháng.
Khẩu hiệu “Thần tốc, táo bạo" được dán trên mũ các chiến sĩ và dán ở cánh cửa của từng xe.
Dọc đường hành quân, bộ đội đi qua địa phận các tỉnh trên trục đường số 1 từ Đà Nẵng trở vào, đến đâu cũng nhận được sự đón tiếp nồng thắm của nhân dân.
Trong sự hoảng loạn, quân địch đã tháo chạy, địch phát hiện lực lượng của Quân đoàn 2 tiến công theo đường số 1, trong cơn tuyệt vọng, chúng đã dùng máy bay, tàu chiến điên cuồng bắn phá vào đội hình cơ giới và tung biệt kích quấy rối phía sau. Theo yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng, mọi hoạt động của lực lượng xe đều phụ thuộc vào ý đồ tác chiến của bộ binh. Mọi diễn biến và các yêu cầu phải xử lý trên đường đều thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ thông minh, trình độ và kinh nghiệm vốn có của từng cán bộ, chiến sĩ vận tải. Ở tất cả các mũi tiến công, địch đều tập trung các loại hỏa lực nhằm bắn vào đội hình xe cơ động bộ binh tiến công. Song, các chiến sĩ lái xe của Sư đoàn 571 vẫn bình tĩnh, dũng cảm, vững vàng tay lái đưa các chiến sĩ bộ binh xông lên đánh chiếm hết mục tiêu này đến mục tiêu khác, lần lượt tiến công giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, sân bay Thành Sơn, Phan Thiết, Hàm Tân, sau đó tiến sát Xuân Lộc, kịp thời tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau khi cơ động Quân đoàn 2 vào vị trí tập kết, Sư đoàn ô tô vận tải 571 được lệnh để lại 250 xe để cơ động lực lượng đánh thọc sâu của Quân đoàn tiến đánh các vị trí ngoại vi, rồi đánh thẳng vào nội thành Sài Gòn. Lực lượng còn lại được lệnh khẩn cấp quay ra Nha Trang cùng với các đơn vị của Sư đoàn vừa mới ở hướng Tây Trường Sơn xuống, chở đạn hỏa lực phục vụ các cánh quân đang tiến công đánh chiếm Sài Gòn.
Đúng 17 giờ ngày 26 tháng 4, các cánh quân của ta từ 5 hướng cùng nổ súng tấn công, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ở hướng Quân đoàn 2, trận bão lửa của gần chục tiểu đoàn pháo binh trút xuống đầu giặc vừa dứt, đội hình xe cơ giới của Sư đoàn 571 cơ động lực lượng đánh thọc sâu của quân đoàn từ các cánh rừng cao su ào ào xông lên theo tiếng kèn đồng của bộ binh.
Trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ, xe của Sư đoàn 571 đã cơ động bộ binh của Sư đoàn 304 đánh chiếm Trường huấn luyện thiết giáp, một phần căn cứ Nước Trong. Trước sự ngoan cố chống cự, phản kích quyết liệt của địch suốt đêm 26 và cả ngày 27, các chiến sĩ lái xe đã sát cánh cùng với các chiến sĩ bộ binh chiến đấu ngoan cường vừa đánh địch mặt đất, vừa đánh trả máy bay địch đang lồng lộn trên không oanh tạc bừa bãi. Giữa trưa ngày 29 tháng 4, Sư đoàn 304 đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Nước Trong.
Sáng ngày 29 tháng 4, thực hiện lời kêu gọi của Bộ Chính trị và lệnh động viên của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, các chiến sĩ lái xe của Sư đoàn đã nhanh chóng vận chuyển đạn pháo lớn cho trận địa pháo tầm xa của ta ở Nhơn Trạch, đảm bảo kịp thời cho trận pháo kích dữ dội vào sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 5 giờ sáng ngày 29 tháng 4, mở màn cho trận Tổng công kích.
Tiếng nổ của loạt pháo hạng nặng vừa dứt ở sân bay Tân Sơn Nhất, đội hình xe của Sư đoàn cơ động lực lượng đánh thọc sâu của Quân đoàn 2 vượt qua các ổ đề kháng của địch, tiến sát đông bắc cầu Sài Gòn khi trời chưa sáng rõ.
Sáng ngày 30 tháng 4, lực lượng đánh thọc sâu của Quân đoàn 2 được xe của Sư đoàn 571 cơ động, có chi viện của ba trận địa hỏa lực, có đặc công, biệt động dẫn đường nhằm thẳng hướng Sài Gòn. Dọc đường quân ta vừa tiến công, vừa dùng hỏa lực tiêu diệt các ổ đề kháng của địch đánh chiếm Đài Phát thanh ngụy.
Phía bắc cầu Rạch Chiếc, Tiểu đội trưởng lái xe Dương Quang Lựa, Đại đội 5, Tiểu đoàn 964, Trung đoàn 512, Sư đoàn 571 đã cùng đồng đội chiến đấu rất dũng cảm, tiêu diệt nhiều địch và bắt sống nhiều tù binh. 9 giờ 30 phút, xe của Nguyễn Văn Nam và xe của Dương Quang Lựa cơ động đơn vị trinh sát, đặc công bám sát xe tăng thuộc Lữ đoàn 203 vượt qua cầu Rạch Chiếc, bon nhanh trên đường Hồng Tập Tự, tiến về hướng Định Độc Lập. Xe tăng đi trước mở đường, xe của Nam và Lựa bám theo sau, bỗng dưng xe của Nam phải dừng lại bởi trục truyền động vướng phải bùng nhùng dây thép gai trên đường do bánh xích xe tăng nghiến đứt bật lại phía sau. Xe của Dương Quang Lựa chở các chiến sĩ bộ binh, đặc công tăng tốc bám sát theo xe tăng xông thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ ngụy quyền, buộc chúng đầu hàng vô điều kiện lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4. Đây là xe ô tô vận tải quân sự đầu tiên bám sát xe tăng của Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 có mặt tại Dinh Độc Lập trong giờ phút huy hoàng của dân tộc.
Cũng sáng ngày 30 tháng 4, một bộ phận xe của Sư đoàn 571 cơ động Sư đoàn 325 và Sư đoàn 7 đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy và khu Bộ Tư lệnh các binh chủng của địch. Đồng thời, khoảng 500 xe của sư đoàn đưa các lực lượng của các quân, binh chủng và lực lượng an ninh vào tiếp quản Sài Gòn.
Như vậy, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, Sư đoàn ô tô vận tải - Bộ đội Trường Sơn đã sử dụng gần 1.800 xe các loại vận chuyển vũ khí đạn dược, cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo kịp thời cho các hướng chiến trường tác chiến. Đồng thời, thần tốc cơ động Quân đoàn 1 từ hậu phương vào vị trí tập kết triển khai chiến dịch; cơ động Quân đoàn 2 vừa đi vừa đánh địch trên đường số 1 giải phóng các tỉnh Duyên hải miền Trung, tiến vào Sài Gòn đánh chiếm Dinh Độc Lập - hang ổ cuối cùng của Mỹ Nguỵ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đây là bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh ta đã sử dụng một lực lượng lớn xe ô tô để cơ động gọn một quân đoàn trên một hướng chiến dịch. Đồng thời, thực hiện việc cơ giới hoá lực lượng bộ binh vừa đi, vừa đánh, tiến lên đánh trận then chốt, quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH XE CỦA SƯ ĐOÀN 571 TRONG XUÂN NĂM 1975
VÀ CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ
Đội hình lớn xe ô tô của Sư đoàn 571 vượt ngần ở Trường Sơn.
Cơ động bộ đội Quân đoàn 2 giải phóng các địa phương dọc miền Trung. (ảnh trên và dưới).
Trên đường thần tốc cùng Quân đoàn 2 tiến đánh Sài Gòn.
Xe ô tô chở lực lượng bộ binh Quân đoàn 2 tiến về Dinh Độc Lập sáng ngày 30/4/1975
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến về Sài Gòn.