Giữ mạch thông tin xuyên Trường Sơn tới Sài Gòn
(PL)- Cùng với những lực lượng khác, bộ đội thông tin đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, lập nên nhiều chiến công vang dội của bộ đội Trường Sơn.

Đầu tháng 4-2020, anh Võ Quyền (quê Quảng Bình) trong một lần đi rừng đã tình cờ phát hiện trên thân cây gõ đỏ đường kính gần 1 m có khắc tên hai chiến sĩ với thời gian lưu dấu là năm 1969. Những chữ khắc trên cây này không có dấu, tạm dịch một người tên là Việt Hùng (hay Việt Hưng), quê Đông Anh, Hà Nội; người còn lại là Quang Uy, quê Hòa Bình. Anh Quyền cho biết khu vực anh phát hiện thuộc khu vực Khe Đan, làng Ho, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Xung quanh vị trí này còn phát hiện dấu vết đường thông tin hai dây, bình sứ và bi đông đựng nước đã mục nát nằm ở hầm trú cá nhân.

“Dây như ruột, cột như xương”

Chúng tôi mang câu chuyện này trao đổi với Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Trường Sơn (giai đoạn 1971-1976), để hiểu hơn về những chiến công của bộ đội thông tin trên dãy Trường Sơn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần làm nên mốc son chói lọi - thống nhất đất nước 45 năm trước.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy cho biết cùng với các lực lượng như thanh niên xung phong, binh chủng công binh, quân chủng phòng không, lực lượng giao liên, binh chủng vận tải, bộ đội đường ống xăng dầu… thì binh chủng thông tin đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, lập nên nhiều chiến công vang dội của bộ đội Trường Sơn.

Tướng Phan Khắc Hy đúc kết: Binh chủng thông tin là cầu nối hệ thần kinh chỉ huy giữa Bộ tư lệnh với các chiến trường, các trận địa, các binh trạm.

Hệ thống thông tin khi ấy được kết nối từ núi rừng Trường Sơn đến tận đầu não chỉ huy tại Hà Nội và ra thẳng chiến trường. Vì là hệ thần kinh chỉ huy nên địch đã sử dụng nhiều cách, nhiều thiết bị để lùng sục, nghe lén và đánh phá trực diện vào trạm liên lạc, hệ thống đường dây nhằm gây cho ta nhiều thiệt hại.

Tướng Phan Khắc Hy cho hay giai đoạn đầu, hệ thống đường dây thông tin được làm cạnh đường ống xăng dầu nên khi đường ống bị đánh phá, kéo theo đường dây bị thiệt hại. Từ đó, bộ đội thông tin đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo khác nhau để đảm bảo thông tin thông suốt liên tục và đánh lạc hướng đối phương.

“Với tinh thần “coi dây như ruột, cột như xương sống” bảo vệ đường dây thông tin trong mọi tình huống, binh chủng thông tin đã hết sức dũng cảm, năng động, sáng tạo xây dựng được mạng lưới thông tin thông suốt liên tục 24/24 giờ. Đường dây này được xây dựng bằng nhiều phương thức khác nhau như vô tuyến, hữu tuyến, tải ba, tiếp sức, bộ đàm sóng ngắn… góp phần đổi mới về chất việc chỉ đạo, chỉ huy trên toàn tuyến Trường Sơn” - tướng Hy nói.

Tướng Hy kể thêm, có lần địch biết được sở chỉ huy của Bộ tư lệnh Trường Sơn tại Km3 đường 18 nên đã điều máy bay B52 rải thảm. Vụ rải thảm này đã khiến lực lượng phụ trách thông tin lúc bấy giờ hy sinh nhiều.

Theo tướng Phan Khắc Hy, cùng với hệ thống tuyến chi viện, hệ thống thông tin liên lạc dài 1.350 km xuyên suốt từ các binh trạm, trận địa, kho hàng, căn cứ… ra tận thủ đô Hà Nội còn có đường dây thông tin dành riêng cho vận hành hệ thống đường ống xăng dầu dài 1.400 km.

Ông kể bộ đội Trường Sơn khi ấy được biên chế hai trung đoàn thông tin, mỗi trung đoàn biên chế 1.000 quân. Do thường xuyên bị địch tìm cách phá hoại nên bộ đội thông tin phải lắp đặt hệ thống các kênh liên lạc để tương kế tựu kế với âm mưu đột nhập nghe lén của địch theo phương châm “coi dây như ruột, coi cột như xương”.

Giữ mạch thông tin xuyên Trường Sơn tới Sài Gòn - ảnh 1
Bộ đội thông tin sửa chữa máy thu để bảo đảm liên lạc thông suốt trên chiến trường. Ảnh: TƯ LIỆU

Giữ mạch thông tin xuyên Trường Sơn tới Sài Gòn - ảnh 2
Những dấu tích có thể là của bộ đội thông tin Trường Sơn khắc trên thân cây gõ đỏ. Ảnh: VÕ QUYỀN

Biến nỗi đau Lèn Hà thành hành động quyết thắng

Trong trang sử chói lọi về binh chủng thông tin trên dãy Trường Sơn khi ấy không thể không nhắc đến sự kiện bi hùng đối với lực lượng thông tin tại hang Lèn Hà (còn gọi là Trạm cơ vụ A69), nằm lưng chừng vách núi phía tây Trường Sơn, Quảng Bình. Nơi đây đã ghi dấu những công việc thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ thông tin. Thiếu tướng Phan Khắc Hy cho biết Trạm cơ vụ A69, Lữ đoàn 134 ban đầu do binh chủng thông tin liên lạc thành lập, sau đó bàn giao về bộ đội Trường Sơn.

Trạm cơ vụ A69 có nhiệm vụ bảo đảm thông tin từ Hà Nội đến Đường 9 Nam Lào cho các đơn vị chiến đấu trên địa bàn cụm kho của bộ đội Trường Sơn và các đơn vị chiến đấu không quân, đồn biên phòng, căn cứ hải quân. Ngoài ra, Trạm cơ vụ A69 còn là kho dự trữ chiến lược, thường xuyên dự trữ hơn 700 km dây bọc dã chiến sẵn sàng thay thế đường dây trần tuyến trục Bắc-Nam khi bị địch đánh phá.

Sau một thời gian thám thính, ngày 2-7-1972, máy bay địch đã bất ngờ tập kích rải thảm bằng nhiều loại vũ khí hủy diệt vào khu vực Trạm cơ vụ A69. Sự việc đã làm toàn bộ doanh trại bốc cháy, 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có 10 chiến sĩ là nữ. Trạm máy trên hang Lèn Hà bị hư hỏng nặng, mạng cáp nhập đài và hơn 1.500 m đường dây trong khu vực trạm bị phá hỏng. 

Nghe tin Lèn Hà bị đánh phá, rất nhiều đồng đội hy sinh, bộ đội thông tin khắp mạng lưới tim như nghẹn lại. Nhưng nhiệm vụ cho chiến trường miền Nam đang thúc giục từng giờ từng phút, tất cả chiến sĩ đều hiểu rằng không thể để mạng lưới thông tin bị gián đoạn lâu được. Mỗi người lính thông tin quyết biến nỗi đau thành hành động, tiếp tục xuyên Trường Sơn ngày đêm để đảm bảo kết nối thông suốt thông tin trên khắp các mặt trận.

“Có thể nói chiến công và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ thông tin liên lạc nói chung và Trạm cơ vụ A69 nói riêng đã góp phần làm nên mốc son lịch sử thống nhất đất nước 30-4-1975” - tướng Phan Khắc Hy nói.

Đóng góp to lớn của bộ đội thông tin

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, bộ đội thông tin liên lạc đã bảo đảm liên lạc luôn thông suốt, liên tục, chuyển nhận kịp thời các mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên và báo cáo của các đơn vị với cấp trên. Riêng tại tổng trạm thông tin Sở chỉ huy cơ bản của Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc đã chuyển nhận 40.959 công điện, có 633 điện tối khẩn, 139 điện đặc biệt và 2.113 điện tối khẩn dịch ngay.

Trong tháng 4-1975, cứ 80 giây có một công điện được chuyển nhận qua trung tâm vô tuyến điện của tổng trạm. Nhiều đơn vị gồm Quân đoàn 2, Quân đoàn 4, Đoàn 232, lực lượng pháo binh, đặc công đã tổ chức và sử dụng tốt thông tin vô tuyến điện cùng với các phương tiện thông tin khác phục vụ cho chỉ huy tác chiến thắng lợi, nhất là khi hành quân, cơ động lực lượng. 

PHONG ĐIỀN
(PS st Theo Pháp luật)