"Người về sau chiến tranh". Tác giả: Phạm Hồng Loan

Ngày đăng: 08:18 27/04/2020 Lượt xem: 611

HÀO KHÍ 30-4

------------------------------------------------------------------------

NGƯỜI VỀ SAU CHIẾN TRANH
(Viết về AHLLVT Bùi Văn Quảng-Sư đoàn 304, Trung đoàn 24, Đại đội 16-
Quê quán: xã Hải Long-huyện Hải Hậu-tỉnh Nam Định)

Tác giả: 
Phạm Hồng Loan
 
         Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, cả nước hân hoan xuống đường đón chào đoàn quân chiến thắng trong khúc khải hoàn ca. Hòa trong đội ngũ trùng điệp đó là những người lính xe thồ. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập, những chiếc xe đạp thồ đã thành phương tiện vận tải huyền thoại, là loại “vũ khí đặc biệt” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những người lính đã sử dụng phương tiện thô sơ ấy để đối đầu với các phương tiện chiến tranh tối tân của kẻ địch bằng ý chí sắt đá, kiên cường, quả cảm, quên mình trong gian khổ, bất kể ngày đêm vận chuyển hàng hóa cho chiến trường. Anh hùng Bùi Văn Quảng là một trong những con người trong đội quân đó.
         Sinh ra ở vùng đất địa linh, nhân kiệt, xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định - xã là quê hương của ba người anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, vào tháng 9/1965 người thanh niên Bùi Văn Quảng xung phong lên đường nhập ngũ. Đầu năm 1967, đơn vị anh nhận lệnh hành quân vào Nam. Trên lưng là ba lô trĩu nặng, khi trèo đèo vượt suối, lúc phơi mình dưới mưa bom, bão đạn,  phải đến 6 tháng sau, đơn vị anh mới đến và tập kết ở miền Đông Nam Bộ. Chưa kịp nghỉ ngơi, anh nhận lệnh bổ sung vào đoàn vận tải xe đạp thồ. Với những người lính sinh ra từ ruộng đồng, chỉ biết làm bạn với cái cày, cái cuốc, đây là một công việc hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm. Việc đầu tiên là tập đi xe. Làm sao để đạp xe trên đường bằng phẳng rồi đi trên những con đường quanh co, khúc khuỷu. Làm sao để đôi tay vững vàng, điều khiển xe an toàn. Làm sao để chân cứng, đá mềm. Công việc của các anh là hàng ngày cứ 5 giờ chiều đóng lương thực, vũ khí, đạn dược lên xe. Lầm lũi đi trong đêm để giao đủ cho các binh trạm, các đơn vị, chuẩn bị cho trận đánh.
         Lúc đầu,anh chỉ chở được 50kg. Dần dần, số lượng hàng tăng lên 100kg…200kg. Khi mọi việc đã thành thạo, xe anh luôn chở 300kg băng đèo, vượt dốc. Có những khi do yêu cầu cấp bách, anh chở tới 400kg một chuyến. Làm thế nào để một chiếc xe đạp nhỏ bé, mỏng manh có thể chở được khối lượng hàng lớn như thế? Với người lính, không khó khăn nào không vượt qua, anh Quảng cùng đồng đội tìm cách cải tiến chiếc xe của mình. Vành cũ được cắt ra, ghép vào vành mới. Khung ngang được lắp thêm một thanh gỗ nhỏ dựa vào chỗ giáp mối vừa là điểm tựa, vừa là cột chống đỡ. Lốp cũ được cắt ra từng đoạn lắp vào lốp xe đang dùng  bảo vệ cho săm không bị thủng. Để xe có thể bon bon trên các cung đường khi nham nhở hố bom, lúc vượt đèo, băng suối. Một mảnh gỗ hay sào tre được gắn thêm vào ghi-đông để điều khiển khi hàng chất đầy lên xe. Ngoài ra, một chiếc gậy được cắm thêm vào trục đứng của yên để đẩy xe tiến về phía trước hoặc hãm lại khi xuống dốc. Từ những con đường nhỏ hẹp đến những cung đường gập ghềnh, uốn lượn cheo leo trên đèo cao, suối sâu. Từ những nhịp cầu treo lắt lẻo mà chỉ cần sa sảy một chút, cả người và xe có thể rơi xuống vực, với óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, các anh đã biến xe đạp thành chú chiến mã có thể tung hoành trên mọi địa hình, mọi nơi, mọi lúc.
         Trước mỗi trận đánh, người lính vận tải xe thồ luôn sẵn sàng đi trước, vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men và tất cả những thứ cần thiết. Khi trận đánh kết thúc, các anh lập tức có mặt để đưa thương binh về tuyến sau. Đây là cách chuyển thương binh nhanh nhất, thuận lợi nhất. Từ một người chiến sĩ vận tải, thoắt cái anh trở thành y tá, hộ lý. Trên đường đi, anh vừa chủ động quan sát địa vật, địa hình đề phòng địch phục kích vừa theo dõi nét mặt, cử động, lắng nghe từng nhịp thở của người thương binh để có thể xử lí kịp thời. Trong quá trình vận chuyển, phải nhẹ nhàng, không gây chấn động mạnh nhưng kịp thời và an toàn là điều quan trọng nhất đối với người thương binh. Lúc đầu, các anh nhận nhiệm vụ 2 xe cáng một thương binh. Nhưng trong chiến tranh, điều gì cũng có thể xảy ra. Đã là người lính, không mấy ai chịu ngồi yên mà luôn tìm mọi cách để vượt lên. Tất cả vì đồng đội. Tất cả cho chiến thắng. Để vận chuyển được ba thương binh trên một chiếc xe, trong “cái khó ló cái khôn”, anh cùng đồng đội tìm cách buộc vào phía trước xe và gac-ba-ga phía sau hai chiếc thanh ngang chắc chắn, nối hai đầu võng cho hai người nằm, còn  người  bị thương nhẹ ngồi trên yên xe.
         Một buổi chiều, đại đội của anh nhận nhiệm vụ chở hàng đến núi Bà Đen ở Tây Ninh. Tránh bị địch phục kích, đơn vị lên kế hoạch vượt qua trảng trước 5 giờ chiều. Bom cày đạn xới đã biến nơi đây thành mảnh đất hoang tàn. Đó đây chỉ còn lúp xúp vài bụi cây. Vượt qua gần hết trảng, chợt anh nghe tiếng máy bay gầm rú. Một tốp trực thăng lao đến. Tiểu đội trưởng Bùi Văn Quảng ra lệnh ngắn gọn: “Tất cả nấp vào bụi cây. Nằm yên”. Một chiếc cán gáo rà xuống thấp, xoay vòng quanh chỗ các anh nằm. Cây cối ngả nghiêng như trong trận cuồng phong. Ngước mắt lên, anh nhìn rõ khuôn mặt đỏ gay của tên lính Mỹ, tay lăm lăm súng, xả đạn vào bất cứ chỗ nào khả nghi. Chợt anh nghe thấy tiếng hô: “Bắn”. Quay sang bên cạnh, anh thấy chiến sĩ Liễn đang giương súng, nghiến răng, ánh mắt như tóe lửa vào kẻ thù, sẵn sàng bóp cò. Anh gào lạc giọng: “Không được bắn. Lộ hết.” Chiếc máy bay lượn thêm ba vòng quanh lùm cây, rồi bay đi. Hình như vẫn còn nghi ngờ điều gì, nó quay lại, ném hỏa mù rồi bay vọt lên cao quan sát. Dù có phải hy sinh nhưng phía trước đang cần vũ khí, lương thực, vì huyết mạch con đường, anh và đồng đội tiếp tục nằm im, khi máy bay cút thẳng mới tiếp tục nhiệm vụ.
         Trong suốt dọc tuyến đường, không ít lần anh và đồng đội chạm trán với kẻ thù. Một đêm, khoảng 5 giờ sáng, tiểu đoàn của anh hành quân qua bốt Bù Đốp ở Phước Long. Chợt phía trước tiếng súng chát chúa, rền vang. Địch phục kích rồi. Tất cả lập tức tản ra, lựa từng gốc cây, mỏm đá chống trả kẻ thù. Vèo..vèo...Đạn bay ngang đầu. Chíu..chíu…đạn réo sát tai. Anh nằm xuống, bò đến gần cây cổ thụ bị bom phạt, đổ ngang đường. Tiếng súng ngày càng rát rạt. Chiếc túi cóc bên chiếc ba lô anh đeo trên lưng lỗ chỗ vết đạn. Lát sau, lại ầm ầm tiếng máy bay lao đến quần đảo. Đạn trên xả xuống như vãi trấu. Lựu đạn ném xuống như mưa. Cả khu rừng như trong trận đại hồng thủy. Bên anh, chiến sĩ Ước quê Ninh Bình bị thương vào gáy, máu tuôn đẫm áo. Anh bò đến, cõng đồng đội của mình: “Cố gắng lên. Tớ sẽ đưa cậu vượt qua vòng vây”. Ước thì thào, đứt quãng: “Anh để em lại, chạy đi” “Không được”. “Anh đi đi. Nếu không, cả hai cùng chết”. Chưa dứt lời, đầu Ước ngả sang một bên vai anh. Tiếp tục bò đi được một đoạn, thấy một hốc cây to, anh đặt Ước vào: “Cậu nằm đây nhé. Mình sẽ quay lại”.
         Nghe anh báo cáo, đại đội trưởng ra lệnh: “Cậu và hai người nữa quay lại ngay”. Đến nơi, một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra: Chỉ trong thời gian ngắn, lũ mối đã xông gần kín người chiến sĩ. Gạt nước mắt, gạt lũ mối rừng, anh lấy tấm tăng bọc thi thể đồng đội. Không để lại dấu tích, anh lặng lẽ xếp đá ghi dấu nơi Ước nằm. Công việc xong xuôi cũng là lúc anh gặp trinh sát. Thì ra đại đội 1 và đại đội 2 đã nhanh chân thoát khỏi vòng vây kẻ thù, tiểu đoàn cho trinh sát quay lại tìm. Ròng rã mấy ngày chỉ có nước suối, rau rừng cầm hơi, giờ đây trên tay anh đã có bát cháo loãng, xua cơn đói cồn cào.
         Năm 1973, anh được Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đằng sau vinh dự đó là đôi chân dẻo dai bền bỉ in dấu trên khắp miền Đông Nam Bộ, Quảng Trị. Để đến  năm 1970, anh vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường.
         Sau khi dự Đại hội tuyên dương anh hùng, chiến sĩ thi đua ở Lộc Ninh, anh là một trong những đại biểu ưu tú được cử đi thăm và nói chuyện với các đơn vị rồi trở ra Bắc báo công. Đoàn của anh vinh dự được đặt những viên đá xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước khi rời miền Bắc, đoàn được đón Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghe các vị lãnh đạo căn dặn: Các cô các chú ra thăm miền Bắc, khi quay về chiến trường báo cáo với đồng bào miền Nam cố gắng phấn đấu đến năm 1975 bác Tôn sẽ vào thăm miền Nam”. Câu nói đó vẫn in đậm trong anh cho đến bây giờ. Đó là nỗi khát khao cháy bỏng của nhân dân cả nước, là lời dự báo cho ngày thống nhất.

 


(Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Văn Quảng)
 
         Năm 1983, anh trở về quê hương tiếp tục đảm nhiệm công việc ở huyện Hải Hậu huyện với chức vụ Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Hải Hậu. Khi nghỉ hưu, anh tham gia thường trực Hội CCB huyện và các phong trào của xã Hải Long. Với Hội Cựu chiến binh, anh dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, cho hội viên nghèo vay vốn làm kinh tế, động viên mọi người xây dựng “Quỹ vì đồng đội”. Ở bất kỳ cương vị nào, bản chất người lính Cụ Hồ vẫn ngời sáng trong anh.

Phạm Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
 

tin tức liên quan