"Đường Trường Sơn chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975". Hoàng Kiền
HÀO KHÍ 30-4
------------------------------------------------------------------------
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
CHUẨN BỊ CHO CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY
MÙA XUÂN NĂM 1975
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Mỹ ngừng ném bom trên toàn bộ chiến trường Đông Dương, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Ngày 5 tháng 3 năm 1973, Quân ủy Trung ương đã triệu tập Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính uỷ Đặng Tính ra Hà Nội giao nhiệm vụ xây dựng đường cơ bản chiến lược Đông Trường Sơn, chuẩn bi cho kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đảng ủy, BTL Trường Sơn quyết tâm tổ chức triển khai xây dựng đường cơ bản. Hai đoàn Cán bộ được tổ chức đi thị sát tuyến. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên dẫn đầu đoàn đi tuyến phía Đông Trường Sơn. Chính ủy Đặng Tính dẫn đầu đoàn đi tuyến phía Tây Trường Sơn. Trên đường lên Pắc Sòong xe bị trúng mìn, đại tá Đặng Tính cùng 4 người hy sinh, thật là đau xót. Nhiệm vụ triển khai làm đường cơ bản lúc này đặt trọng trách chính lên Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.
Sau khi trực tiếp khảo sát nắm tình hình mọi mặt, Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh họp thông qua kế hoạch 3 năm (1974 - 1976) với yêu cầu: Nắm vững thời cơ, nỗ lực vượt bậc tạo thế, tạo lực cho chiến trường tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Nội dung kế hoạch như sau:
1. Cải tạo tuyến Tây Trường Sơn và xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn cùng với hệ thống đường ống xăng dầu, tạo nên cơ sở vững chắc cho vận chuyển khối lượng vật chất và cơ động Bộ đội, binh khí kỹ thuật ra chiến trường.
2. Dự kiến khối lượng vận chuyển 3 năm là 400.000 tấn, quyết tâm mùa khô 1973 - 1974 phải đạt 207.000 tấn.
3. Cơ giới hoá toàn bộ tuyến hành quân, bảo đảm hành quân đơn vị lớn và đưa binh khí kỹ thuật vào chiến trường.
4. Chuẩn bị tăng cường lực lượng cho chiến trường và bảo đảm vận tải chiến dịch.
5. Cải tiến tổ chức, bổ xung lực lượng vật chất trang bị đáp ứng nhiệm vụ với qui mô lớn và yêu cầu cao.
ĐƯỜNG ĐÔNG TRƯỜNG SƠN
Đây là một trục dọc xuyên suốt Đông Trường Sơn, điểm đầu từ Tân Kỳ - Nghê An, điểm cuối ở Chơn Thành - Bình Phước với tổng chiều dài 1.200 km, đi qua 11 tỉnh của Việt Nam. Thời gian xây dựng trong hai năm 1974 - 1975. Tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi
Tháng 2 năm 1973, Cục Tham mưu Công binh nhận nhiệm vụ khảo sát thiết kế cơ bản tuyến "Đông Trường Sơn" - một nhiệm vụ mới và rất nặng nề. Ngày 15 đến 19 tháng 5 năm 1973, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên báo cáo với Thường trực Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, và các Phó Thủ tướng Đỗ Mười, Phan Trọng Tuệ. Ngày 17 tháng 11 năm 1973, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã ký văn bản số 247/TTg phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đường Đông Trường Sơn với các nội dung chính như sau:
Đường Đông Trường Sơn điểm đầu từ Tân Kỳ - Nghệ An, điểm cuối là Chơn Thành - Bình Phước, tổng chiều dài khoảng 1.200 ki-lô-mét. Đường cấp 4 miền núi, nền đường rộng 9 mét, mặt đường 5,50 mét, cầu cống trên đường vĩnh cửu và bán vĩnh cửu. Bảo đảm cho hành quân cơ giới vận chuyển được cả hai mùa, tốc độ tối đa 60 ki-lô-mét trên giờ.
Thời gian thi công 3 năm tính từ ngày 01/01/1974. Tổng số vốn tương đương 560 triệu đô la Mỹ.
Hướng tuyến đường 14 Đông Trường Sơn đi theo đường 15, 16 ở Bắc Đường 9, theo đường 14 cũ, Đường B45 đoạn Thừa Thiên, Công Tum, đoạn cuối Đường 14 và Đường 128 từ Plây Khốc trở vào.
Lực lượng khảo sát thiết kế do Cục Công binh Trường Sơn đảm nhiệm, được tăng cường cán bộ kỹ thuật của Viện thiết kế - Bộ Giao thông Vận tải, các trường đại học : Giao thông vận tải, Xây dựng, Mỏ địa chất cùng lực lượng khảo sát của các đơn vị thi công.
Bộ Tư lệnh Trường Sơn được giao thi công từ Khe Gát - Quảng Bình vào đến Chơn Thành - Bình Phước. Thành lập 16 Trung đoàn Công binh, trong đó có 2 Trung đoàn cầu độc lập, 14 Trung đoàn nằm trong đội hình các Sư đoàn 470, 472 và 473.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn chưa hoàn thành nên chỉ bảo đảm cho vận chuyển, cơ động trên từng đoạn. Sau năm 1975 các đơn vị tiếp tục thi công hoàn thành toàn tuyến.
ĐƯỜNG TÂY TRƯỜNG SƠN
Chủ trương cải tạo đường Tây Trường Sơn được triển khai tích cực. Sư đoàn công binh 472 đảm nhiệm toàn bộ tuyến Tây Trường Sơn. Hướng tuyến từ Bản Đông đi theo đường 22 - nối qua đường ngang đến Sa Ra Van, theo đường 23 đến Thà Teng, Bản Phồn; theo đường 16 đến A Tô Pơ nối tiếp vào đường 24, đường 128 qua ngầm Sê Sụ đến Phi Hà ngã ba Đông Dương đến Tà Xẻng hết đất Lào, cắt qua mỏm Đông Bắc Campuchia - về Việt Nam.
Tháng 8 năm 1974, do yêu cầu nhiệm vụ, Sư đoàn 472 rút về phía Đông Trường Sơn, bên Tây Trường Sơn để lại duy nhất Trung đoàn 34 thi công. Tiếp tục thi công mặt đường đá dăm nước, từ Bản Đông vào đến Sa Ra Van. Do khó khăn về kinh phí nên không có nhựa để tưới.
BẢO ĐẢM VẬN CHUYỂN TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN NĂM 1975
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm vận chuyển cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, cuối năm 1974, Sư đoàn Công binh 565 được thành lập. Lực lượng gồm Trung đoàn Công binh 34, Trung đoàn Công binh 576 và điều Trung đoàn bộ binh 39 thuộc Sư đoàn 968 sang chuyển thành Trung đoàn Công binh làm đường. Toàn Sư đoàn triển khai từ Bản Đông vào đến Phi Hà (Ngã ba Đông Dương), với chiều dài khoảng 700 km. Nhiệm vụ tập trung sửa đường bảo đảm giao thông cho cuộc hành quân đưa lực lượng vũ khí trang bị kỹ thuật hành quân cơ giới vào chiến trường tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đi đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng thời tiếp tục giúp đỡ Cách mạng hai nước bạn Lào và Campuchia.
LỰC LƯỢNG CÔNG BINH
Lực lượng Công binh Trường Sơn mở đường ô tô bắt đầu từ năm 1964 với Trung đoàn Công binh cầu đường 98. Bộ tiếp tục điều các Trung đoàn Công binh của Bộ Tư lệnh Công binh vào bổ xung cho Bộ Tư lệnh 559 mở đường Trường Sơn. Tổng số 11 đơn vị, gồm các Trung đoàn: 98, 279, 83, 10, 217, 289, 219, 251, 4, 5, 7, cùng hàng vạn Thanh niên xung phong và Dân công hoả tuyến.
Đến năm 1975, lực lượng Công binh Trường Sơn phát triển thành 4 sư đoàn công binh : 470, 472, 473, 565 và 2 Trung đoàn cầu 99 và 509. Những trục dọc trục ngang được mở ra cùng với sự phát triển của lực lượng Công binh Trường Sơn.
Các trục dọc đường 129 được mở mới, đường 23 được sửa chữa nối với đường 129 thành 1 trục dọc cùng với 3 trục dọc mở mới: 128, 22, 24. Tổng số tạo nên 4 trục dọc bên tây Trường Sơn, phía Đông Trường Sơn sau khi vùng giải phóng được mở rộng, một trục dọc đường 14 được mở tiếp nối dài. Toàn tuyến đến năm 1973 có 5 trục dọc. Các trục ngang được mở ra kết nối thành mạng đường rộng khắp chiến trường Trường Sơn.
Sang năm 1973 đến 1975 có 2 trục dọc chính Đông và Tây Trường Sơn, trong đó xây dựng cơ bản bên Đông Trường Sơn và cải tạo bên Tây Tường Sơn.
Các trục ngang quan trọng là đường 8, 12, 20; 16, 18, 9, B70, B45, B46, 128 (đoạn sang Việt Nam), 19, 13. Trong đó đường 9 là đường ngang 2 chiều. Đường ô tô Trường Sơn đã phát triển trên địa bàn nam Đông Dương, gồm 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Bao gồm 5 trục dọc 21 trục ngang trong đó có 13 trục ngang quan trọng vượt Trường Sơn. Tổng chiều dài gần 20 nghìn ki lô mét, trong đó làm mới là 15.734 ki-lô-mét, 785 ki-lô-mét đường xây dựng cơ bản, 5.530 ki-lô-mét trục dọc, 4.700 ki-lô-mét đường vòng tránh, 4.719 ki-lô-mét đường ngang. Đặc biệt có 3.140 ki-lô-mét đường kín, còn gọi là đường K.
Trong địa bàn phạm vi chiều dọc khoảng 700 km, chiều ngang bình quân 100 km đã triển khai một mạng đường "huyền thoại". Những chuyên gia quân sự của Hoa Kỳ đã ví đường Trường Sơn như "trận đồ bát quái".
KẾT QUẢ BẢO ĐẢM
Từ năm 1973 đến 30/4/ 1975 Đường ô tô đã bảo đảm vận chuyển bằng cơ giới 40 vạn quân, tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường; cơ động bằng cơ giới 10 Sư đoàn chủ lực vào tham gia chiến dịch. Đường Tây Trường Sơn bảo đảm là chính.
BẢO ĐẢM CƠ ĐỘNG VẬN CHUYỂN CHO CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH.
Tôi là trợ lý Phòng Công binh Sư đoàn 472. Khi Sư đoàn rút về phía đông, để lại 9 người thành lập Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây tôi là trợ lý, Ban chỉ đạo trùm lên Trung đoàn 34. Khi thành lập Trung đoàn Công binh 576, tôi được điều về làm Trợ lý Kế hoạch Trung đoàn. Sau đó Sư đoàn 565 được thành lập nhưng chưa có dấu, chỉ có con dấu "củ khoai" là Đoàn 565, lấy phiên hiệu của Đoàn chuyên gia quân sự 565 cũ đã kết thúc nhiệm vụ. Tôi được Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn 565 chọn điều về làm trợ lý Ban Công binh thuộc Phòng Tham mưu Sư đoàn. Sư đoàn Công binh 565 đảm nhiệm toàn bộ mạng đường Tây Trường Sơn từ Bản Đông đến Phi Hà - ngã ba Đông Dương.
Thượng tá Phạm tề, Cục phó Cục chính trị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn làm phái viên của Bộ Tư lệnh vào kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc Sư đoàn 565 bảo đảm cho hành quân cơ giới vào chiến trường. Lúc này đường Đông Trường Sơn đang xây dựng cơ bản, chưa thông suốt nên cơ động lực lượng, tăng pháo đi theo đường Tây Trường Sơn vào chiến trường là chính.
Trung tá Nguyễn Đức Lơi - Phó Tư lệnh Sư đoàn 565, Đại uý Mông Văn Quắn, Thượng sĩ Hoang Kiền, Thượng sĩ Nguyễn Văn Tuý đi tháp tùng đoàn, đi suốt chiều dài tuyến Tây Trường Sơn từ Đường 9 đến Phi Hà. Đến các đơn vị, đồng chí đều tập trung đơn vị phổ biến tình hình, tuyền đạt mệnh lệnh của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký ngày 7/4/1975 "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam, quyết chiến và toàn thắng". Khí thế cả Trường Sơn bừng lên hừng hực.
Trên đường vào thị xã A tô pơ, dọc theo quốc lộ 16, con đường làm từ thời Pháp thuộc, đường bằng, còn khá tốt. Mấy năm sống trong rừng núi âm u, nay mới nhìn thấy những cánh đồng lúa rộng bên nam đường, bản làng trù phú tươi đẹp. Nhìn lên bên phải là cao nguyên Bô lô ven, một vùng đất cao bằng chạy dài theo suốt dọc đường mấy chục cây số.
Đến bến ngầm và phà Sê Sụ, được anh em Công binh tại bến phà kể là: cách đây mấy tuần, một đoàn xe 12 chiếc đi ra, đang vượt sông bằng ngầm thì một cơn lũ ập về, cuốn trôi hết cả đoàn xe, nhìn thấy mấy chiếc còn mắc vào các bụi cây. Các chiến sĩ lái xe bám vào các ngọn cây cao trên các gò nổi giữa sông, hôm sau nước rút mới vào được, may không ai bị thiệt mạng.
Hôm nay qua sông bằng phà, đi đến trưa, trời nắng chang chang, xe pháo chạy rầm rầm, bụi bay mù mịt. Rừng khộp khô cằn, tìm mãi đến trưa mà không có nước nấu ăn. Dừng lại một vũng nước, tôi và Tuý, Hồng, lái xe đi nấu cơm. Chỉ có một vũng nước trên mặt kín đặc xác xúc vật chết thối rữa ra, do chúng khát nước đến uống rồi chết tại đây, loanh quanh mãi, Thượng tá Phạm Tề quát : gạt ra múc lên mà nấu, ở Nam Bộ có nơi người ta còn gạt phân ra múc nước lên nấu ăn được. Đành quay mặt đi gạt đống xác thối bùng nhùng múc nước lên nấu cơm ăn. Bữa ăn muộn còn ngon hơn cả mầm đá vua ăn.
Đi qua Sê Sụ khoảng 50 ki-lô-mét, gặp một đoàn xe của ta đang cháy ngùn ngụt, nhìn mà thật căm thù. Sau khi Hiệp định Paris ký kết, chúng ta rút hết lực lượng phòng không về phía Đông. Hôm ấy không quân nguỵ Sài Gòn bay sang đánh vào đoàn xe, chặn đầu, khoá đuôi, bắn cháy hết 60 xe ô tô của ta. Thật đau xót vô cùng. Bom đánh trúng doanh trại Tiểu đoàn 71 Công binh. Nhiều quả bom chưa nổ trên sân ngay đầu nhà chỉ huy Tiểu đoàn. Đơn vị vẫn tập trung nghe phổ biến quán triệt nhiệm vụ. Giữa đêm hôm ấy Bộ đội cùng nhau xông ra mặt đường khắc phục hậu quả đánh phá của địch. Tiếng máy húc ầm ầm, tiếng mìn phá đá vang vọng khắp núi rừng Tây Trường Sơn với khí thế thật hào hùng.
Đường thông, những đoàn xe tăng, xe kéo pháo, ô tô chở quân, ô tô chở hàng lại nối đuôi nhau rầm rập suốt đêm ngày ra trận tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bảo đảm cho đại quân cánh Tây tiến về giải phóng Sài Gòn.
Trên hành trình chuyến đi, ngồi trên xe con Bắc Kinh “đít vuông”, ghế cứng, đường xóc quá hai mông đau nhừ mọc ra một đống mụn nhọt, không thể ngồi được mà phải ngồi xổm suốt cả tuần, thật là khó chịu và đau đớn vô cùng. Mãi đến ngày 30 tháng tư năm 1975, Sài Gòn giải phóng, mừng quá rồi nó khỏi lúc nào không biết nữa…
Ngày 30 thàng 4 năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng , đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, niềm vui vô bờ bến đối với cả dân tộc và càng đặc biệt vui hơn đối với những Chiến sĩ trên chiến trường chúng tôi.
Niềm vui vui đến như mơ
Miền Nam giải phóng mong chờ bấy lâu
Cờ sao rực rỡ tươi màu
Bắc Nam thống nhất một bầu trời xanh.
Ngày 27/4/2020
Thiếu tướng Hoàng Kiền - Phó chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam.