Chuyện về người thuyền trưởng tàu Không số

Ngày đăng: 07:41 01/05/2020 Lượt xem: 348


                   Chuyện về người thuyền trưởng tàu Không số


                                                    Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh (CCB) Đoàn tàu Không số - Trung tá Vũ Trung Tính, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã có 18 chuyến vượt biển từ Bắc vào Nam, dưới sự vây ráp gắt gao của kẻ thù, với ý chí sắt đá “Tất cả cho tiền tuyến” “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”…


Những chuyến đi sinh tử

Năm 19 tuổi, Vũ Trung Tính tốt nghiệp Khóa 2, Trường Trung cấp Hàng hải tại Hải Phòng, sau đó ông về công tác tại Xí nghiệp đánh cá Ninh Cơ, tỉnh Nam Định. Tại đây, ông đã xung phong lên đường nhập ngũ về Quân chủng Hải quân. Tháng 2-1964, ông được tuyển vào Trung đoàn 170 để huấn luyện. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khóa huấn luyện tân binh, Vũ Trung Tính được biên chế về Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam theo tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chuyện về người thuyền trưởng tàu Không số
Vũ Trung Tính những ngày đầu nhập ngũ. Ảnh nhân vật cung cấp.

Khoảng thời gian từ năm 1964, đến cuối năm 1970, Vũ Trung Tính phát triển, trưởng thành từ thủy thủ hàng hải lên đến thuyền trưởng, ông đã hoàn thành 18 chuyến vượt biển từ Bắc vào Nam thành công, dưới sự truy lùng gắt gao của địch, đưa hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. 7 năm thực hiện nhiệm vụ trên Đoàn tàu Không số, đã có 2 trong 3 tàu do ông làm thuyền trưởng, vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên, thuộc Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân, góp phần làm nên con đường huyền thoại: Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Sau “sự kiện Vũng Rô” con đường vận chuyển chiến lược vũ khí cho đồng bào miền Nam bị lộ, từ tháng 2 đến tháng 9-1965, chúng ta đã cho xuất phát 4 chuyến tàu từ Bắc vào Nam, thì 3 chuyến thất bại và một chuyến phải quay về bến xuất phát. Trước tình hình đó, cấp trên lệnh cho cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn 125: “Phải nghiên cứu lại con đường vận chuyển theo hướng mới, nhằm kịp thời vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ”…

Và tàu 42 do Vũ Trung Tính làm Thuyền phó hàng hải ngay lập tức được củng cố, kiện toàn lại lực lượng để thực hiện sứ mệnh này. Với quyết tâm tiếp nối lại đường vận chuyển trên biển để vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam một cách nhanh nhất. Nếu như trước đây, các tàu của ta với hướng đi ven bờ biển, thì nay, sẽ đổi hướng, đi vòng sang vùng biển quốc tế để tránh sự phát hiện của địch. Thử thách khó khăn nhất cho cán bộ, thủy thủ tàu chính là không có hải đồ biển của các nước quanh khu vực. Khó khăn mang tính chất bước ngoặt lịch sử, đảm bảo thông suốt con đường vận chuyển vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam được đặt lên vai cán bộ, thủy thủ tàu 42.

Chuyện về người thuyền trưởng tàu Không số
Ông Tính (thứ 2 từ trái sang) cùng những đồng đội đoàn tàu Không số năm 1965. Ảnh nhân vật cung cấp.

Lúc này trên tàu 42, cán bộ, thủy thủ được bố trí tăng lên 18 người, không phải 16 người như trước đây, đặc biệt để chuẩn bị cho chuyến đi, con tàu đã được đưa sang Trung Quốc cải trang thành tàu đánh cá của ngư dân nước ngoài. Cùng với đó, thay bằng đi theo phương pháp hàng hải Địa văn (đi theo hải đồ) thì nay phải đi theo phương pháp hàng hải Thiên văn (tức là dựa vào việc đo các phương vị của mặt trăng, mặt trời, các chòm sao để xác định vị trí trên đường đi).

Ông Tính lúc bấy giờ nhờ hiểu biết về thiên văn nên được chỉ huy Lữ đoàn và đồng đội tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách hàng hải Thiên văn dò đường đi. “Lúc đó tôi cũng sợ lắm, không ngờ mình lại làm cái việc mà trước đó chưa hề có tiền lệ, lại là chuyến vận chuyển rất quan trọng, nếu thành công chúng ta sẽ nối lại được tuyến vận chuyển biển sau khi bị địch phát hiện”. Ông Tính kể.

Mọi thứ đã sẵn sàng, đúng đêm 15-10-1965, tàu 42 rời bến chở theo 60 tấn vũ khí trong niềm tin và hy vọng sẽ góp phần không nhỏ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Từ Hải Phòng, tàu 42 phải đi qua Hải Khẩu, Trung Quốc vòng qua đảo Hải Nam, tiếp tục qua quần đảo Bầy Sư (Trung Quốc), vượt biển bằng phương pháp hàng hải Thiên văn, căn cứ sao trời, trăng để xác định phương vị cho tàu đi luồn lách, tránh địch phát hiện...

Sau 5 ngày lênh đênh trên biển, đến khoảng 14 giờ ngày 20-10-1965, tàu chuyển hướng vào bờ thì bị tàu khu trục của Mỹ phát hiện, ngay lập tức máy bay Mỹ cũng áp sát theo dõi từng động thái của tàu 42, dưới biển tàu Mỹ áp sát, có những lúc tàu địch chỉ cách tàu ta khoảng 1 liên (gần 200 mét). Đối mặt với địch, lúc này 18 thủy thủ trên tàu xác định sẽ chiến đấu một trận sinh tử với địch, sau đó sẽ phá hủy tàu giữa biển khơi. Trước cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, chính ông Tính là người đưa ra cách, thay bằng chạy vào bờ thì chuyển hướng chạy về hướng cảng Subic (cảng quân sự của Mỹ tại Philippines).

Quyết định mang tính đánh cược tính mạng mình với địch, không ngờ khi tàu chạy theo hướng đó được khoảng 50 hải lý, thì bỗng dưng tàu và máy bay địch ngừng theo đuổi. Như vậy, kế hoạch đã thành công, mà theo ông Tính: “Nếu chạy theo hướng về cảng quân sự của Mỹ chúng sẽ không nghi ngờ là tàu chở vũ khí của ta, còn chạy theo các hướng khác nhất định tàu sẽ lộ, cùng nghĩa với việc cả tàu sẽ hy sinh”.

Mặc dù thoát khỏi tầm vây ráp của địch, không vì đó mà chuyển hướng vào bờ ngay mà cán bộ, thủy thủ tàu 42 đã giả đánh bắt cá liên tục 4 ngày trên biển để tránh sự nghi ngờ. 4 ngày lênh đênh trên biển, 4 ngày không được nối liên lạc với đất liền và cũng là thời gian chỉ huy Lữ đoàn 125 xác định tàu 42 bị lộ và hy sinh.

Theo kế hoạch trước khi xuất phát là tàu sẽ vào cửa Bồ Đề, tỉnh Cà Mau, nhưng do địch vậy giáp quá chặt sau những ngày lênh đênh trên biển, đến ngày 24-10, tàu 42 đã cập bến phụ Rạch Kiến Vàng, tỉnh Cà Mau an toàn sau 10 ngày đấu trí, đấu sức với giặc cùng với những sóng gió của biển khơi. Cập bến sau 8 tháng bị gián đoạn, niềm vui không tả xiết của những thủy thủ trên tàu 42 và đồng bào miền Nam ruột thịt. Hơn thế nữa, con đường vận chuyển vũ khí trên biển đã được nối lại bằng một hướng đi mới, cách đi mới sau “sự kiện Vũng Rô”.

Chuyến đi tháng 9-1969 của tàu 154 mở đầu đợt vận chuyển mới sau sự kiện Tàu 235 của đồng chí Nguyễn Phan Vinh chiến đấu và hy sinh ở Hòn Hèo - Ninh Hoà - Khánh Hoà. Cuối tháng 8-1969, tôi cùng với các đồng chí trong đơn vị được giao nhiệm vụ chở đoàn cán bộ Quân chủng Hải quân đi Quảng Châu - Trung Quốc nhận tàu mới cho Đoàn 128.  Trong  ngày 2 và 3-9-1969, tại Quảng Châu - Trung Quốc, chúng tôi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, của Đảng ta qua đời. Cả đoàn công tác ngậm ngùi nhớ thương Bác. Ông Tính nhớ lại.

Đoàn công tác vừa về tới cảng Hải Phòng, ông Tính nhận được quyết định điều động sang Tàu 154 phụ trách thuyền phó Hàng hải, cùng cán bộ, thủy thủ tàu tổ chức vận chuyển  58 tấn vũ khí vào Cà Mau. 19 giờ ngày 17-9-1969, từ cảng K20 Hải Phòng, tàu xuất phát theo kế hoạch của Tàu 42 mới đi trinh sát về. Qua gần 10 ngày lênh đênh trên biển, sóng to, gió lớn, gặp nhiều tàu khu trục của Mỹ hoạt động, nhiều tàu buôn nước ngoài, tàu 154 tìm đủ mọi cách để luồn lách tránh địch đưa hàng vào Cà Mau an toàn quay ra Bắc. Chuyến đi thành công tốt đẹp.

Ngày 24-8-1970, Tàu 154 lại nhận được kế hoạch chở 58 tấn vũ khí vào Bạc Liêu, khi tàu vừa vượt qua đảo Hải Nam - Trung Quốc thì gặp gió mùa Đông Bắc tràn xuống, sóng to, gió lớn, lại bị hải quân Mỹ theo dõi liên tục. Tàu 154 sau gần 1 tuần luồn lách tránh địch để thoát hiểm vào gần tới bờ thì trời đã gần sáng, chưa xác định được bến vào vì không bắt được liên lạc với bến. “Lúc này đồng chí Lê Quốc Thân hỏi tôi còn thời gian quy ra ngoài hải phận quốc tế nữa không, tôi trả lời không còn đủ thời gian, quay ra sẽ bị bao vây và địch bắt sống, tốt nhất là vào bờ nếu xảy ra chiến đấu thì huỷ tàu” ông tính nhớ lại.

Tình thế khẩn trương, ngay sau đó, cấp ủy hội ý và đi đến thống nhất phương án tiếp tục vào gần bờ để tìm luồng vào. 5 giờ sáng thì tàu đã phát hiện được cửa Ghềnh Hào. Mặc dù đã sử dụng tốc độ thấp để vào cửa nhưng vì tàu hàng nặng, thuỷ triều xuống thấp, ngoài cửa không có cây cối, vật che khuất nên tàu vừa dò luồng từ từ tiến vào cửa sông Ghềnh Hào, vừa phải ủi qua 2 hàng đáy của dân để vào sâu trong luồng thì mới có cây cối để nguỵ trang.

“Khi tàu đang dần tiến vào sâu cửa Ghềnh Hào thì phát hiện trên bờ có một người mặc bộ quần áo bà ba đen, vai khoác khẩu súng AR-15 của Mỹ. Chúng tôi đoán đây là lính nguỵ đi tuần cửa sông, tôi đã đề xuất với đồng chí thuyền trưởng La Minh Tốt và đồng chí Chính trị viên Phạm Văn Bát hạ xuồng cao su cho 3 đồng chí lên bờ tìm cách bắt sống "tên lính nguỵ", không được nổ súng. Các đồng chí nhất trí phương án của tôi đề xuất và cho 3 thủy thủ mang một khẩu B41 và 2 khẩu AK bơi xuồng vào bờ. Bằng chiến thuật mau lẹ, 3 đồng chí đã bắt sống tên lính nguỵ. Tên này đã khai báo không phải là lính nguỵ mà là du kích đi gác cho cuộc họp ở bến. Các đồng chí bắt dẫn đến cuộc họp thì đúng vậy”.

Đến 7giờ 30 sáng, tàu nguỵ trang xong thì có 1 máy bay trinh sát OB - 10 đảo trên tàu 2 vòng rồi bay thẳng. Các đồng chí ở Ghềnh Hào xin 10 tấn vũ khí, nhưng nếu bốc hàng giữa ban ngày, mà tàu chỉ cách đồn địch gần 1 cây số rất dễ bị bại lộ, nên chỉ huy tàu thống nhất phương án là di chuyển về bến Vàm Hố, lúc đó trời tối sẽ tiến hành giao hàng theo đề nghị của các đồng chí ở Ghềnh Hào.

 Đến 19 giờ cùng ngày, chờ thuỷ triều lên, chúng tôi rút lui khỏi cửa Ghềnh Hào, tàu 154 vọt ra Bắc ngay. Chuyến đi thành công rất tốt đẹp. Thật táo bạo và bất ngờ vào cửa ngõ đồn Ghềnh Hào giao vũ khí cho quân giải phóng giữa ban ngày. Trường hợp này đối với Đoàn 125, Đoàn tàu Không số có một không hai mà tàu 154 đã thực hiện rất thành công.

Những chuyến đi mang tính chất bước ngoặt lịch sử ấy, là cơ sở để sau này tàu 42 và tàu 154 là 2 tàu đầu tiên được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thuộc Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân.

 Sau này, Vũ Trung Tính tiếp tục tham gia Đoàn tàu Không số cho đến năm 1970 ông được cử đi học tại Liên Xô (cũ) và tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông lại tiếp tục cùng những con tàu xông pha, chiến đấu tại vùng biển Tây Nam của nước nhà.

“Hơn 30 năm sống đời quân ngũ, trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng 7 năm làm nhiệm vụ tại Đoàn tàu Không số thuộc Lữ đoàn 125. Với việc tổ chức và thực hiện 18 chuyến vượt biển từ Bắc vào Nam trót lọt là khoảng thời gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi”, ông Tính kể.

Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng

Năm 1991, ông Vũ Trung Tính về hưu với cấp hàm Trung tá. Tại quê nhà, thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, được sự tín nhiệm của nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội, giữ chức Bí thư chi bộ, rồi Bí thư Đảng ủy xã. Hiện nay, ông là người đảm nhận vai trò Trưởng ban Liên lạc truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển của tỉnh Thanh Hóa với hơn 200 người tham gia.

Chuyện về người thuyền trưởng tàu Không số
Ông Tính cùng vợ mở cửa hàng buôn bán ngư cụ nghề biển tại quê nhà.

Chiến tranh đã kết thúc 45 năm, rời quân ngũ cũng đã gần 30 năm, dù đã bước qua tuổi 80, nhưng những phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong ông vẫn còn sáng mãi. Tuy tuổi đã cao, nhưng những năm qua ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội như: Hội CCB tự quản, CCB tham gia xây dựng nông thôn mới, CCB phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… “Những câu chuyện về tàu Không số tôi kể ra hôm nay, để các thế hệ con cháu sau này có thể nhận thức sâu sắc hơn về một thời cha ông chúng ta đã sống, chiến đấu như thế nào để có nền độc lập, tự do, cuộc sống hòa bình, phát triển như hôm nay. Đó cũng chính là hành trang chúng tôi để lại cho con cháu, cho các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ hiện nay”, ông Tính nói.

Chuyện về người thuyền trưởng tàu Không số
Hàng ngày ông Tính thường xuyên cập nhật thông tin trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng.

Khi được hỏi về suy nghĩ của ông về Bộ đội Cụ Hồ hôm nay, ông phấn khởi: “Tôi rất tự hào, rất phấn khởi, Bộ đội Cụ Hồ thời chiến cũng như thời bình, họ đã và đang thực sự lan tỏa và phát huy phẩm chất Bộ đội của dân, do dân vì dân… Thời bình, họ là lực lượng xung kích trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, cháy rừng; giúp nhân dân vùng sâu, vùng xa, xóa đói giảm nghèo; tham gia cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt hiện nay, Bộ đội Cụ Hồ đang là những người nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ở biên giới, bộ đội là lực lượng chốt chặn tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở kiểm soát bệnh dịch, trong nội địa bộ đội nhường doanh trại cho công dân cách ly, trực tiếp giúp dân cách ly phòng, chống dịch bệnh, nghiên cứu các trang thiết bị y tế, kịp thời phát hiện sớm bệnh dịch…. Trong khó khăn gian khổ, Bộ đội Cụ Hồ luôn là lực lượng sát cánh cùng dân, giúp dân đầu tiên và hiệu quả nhất… Đó cũng chính là niềm tự hào, phấn khởi, là tình cảm tin yêu, quý trọng của toàn dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ hôm nay".

Chia tay ông, chúng tôi rộn lên niềm vui, lòng kiêu hãnh, tự hào về những con người của một thời oanh liệt, máu lửa, tham gia trận mạc khắp các chiến trường và đến hôm nay, về với đời thường, vẫn sáng mãi với phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Những con người “gan bền-chân đất” như ông, đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của cuộc tổng tiến công và nổi dậy bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan