Năm ấy mưa triền miên, dai dẳng và dữ dội. Đó là mùa mưa kỳ lạ nhất trong những mùa mưa lê thê thường thấy ở Trường Sơn. Nước mưa ngấm dần ngày này sang ngày khác làm đất rệu ra. Cây rừng, dưới sức nặng của màn mưa như có thể bật gốc bất cứ lúc nào.
Tác giả (bìa phải) chụp với hai người chị: Kim Anh và Mai Khanh, năm 1970. Ba chị em ngồi cạnh bãi đá bên suối. Những cây chống phía sau là giá đỡ máng nước từ trên cao đưa vào lán. (Ảnh: M.N)
Đêm đó, sau một ngày mệt mỏi chằng chống cho lán trại được chắc chắn, mấy đứa con gái ngủ thật say. Bất thình lình, cả vạt rừng bên trên đổ ập xuống. Chín đứa con gái ở tuổi mơn mởn thanh xuân đang say giấc trên võng đột ngột bị vùi lấp một cách thê thảm, vĩnh viễn.
Tôi và nhiều đồng đội khác hôm đó ở cánh rừng phía bên kia, nơi có những khoảnh đất rộng và bằng phẳng hơn, nên may mắn thoát chết.
Tất cả mấy đứa nó đều là bạn thân của tôi. Chúng rất đáng yêu bởi sự chăm chỉ, yêu đời và cứng cỏi. Bom B52 rải thảm, những con đường rừng dựng đứng trước mặt với gùi nặng trên lưng, đói, sốt rét và chất độc hoá học... vẫn không quật ngã được sức trẻ mười bảy, mười tám tuổi của chúng tôi, cho đến cái đêm kinh hoàng hôm ấy.
Đã có rất nhiều cái chết chùm như vậy sau Mậu Thân, khi bọn tôi thường xuyên bị đánh bom và phải lùi vào những cánh rừng ngày càng sâu hơn. Nhiều cái chết khác vì đói, sốt rét ác tính và bom. Cái chết đến, đột ngột, thường xuyên và ngày càng nhiều, quá đỗi bình thường khiến chúng tôi ít khi kịp đau đớn, khóc thương đồng đội, như lẽ ra phải thế.
Để tự an ủi mình, tôi thường nhẩm đọc trong đầu mấy câu thơ của nhà thơ Nga Esenin, vào những phút giây sinh tử đó:
“Thôi chào nhé, bạn ơi chào nhé!
Bạn thân yêu, tôi mang bạn giữa lòng.
Cuộc chia ly tự bao giờ định sẵn,
Hẹn một ngày tái ngộ chờ mong.
Thôi chào nhé, không một lời bịn rịn,
Bạn thân yêu, xin bạn đừng buồn,
Trên đời này chết là điều chẳng mới,
Nhưng sống thật tình cũng chẳng mới gì hơn!”
Đã hơn năm mươi năm trôi qua, thỉnh thoảng trong giấc mơ tôi vẫn thấy mình chạy lạc trong rừng, qua chỗ ấy, nơi có nấm mồ chung chín cô gái đồng hương yêu dấu đó, cùng bao nhiêu người anh, người chị, người bạn khác đã không về.
Những ngày này truyền thông rầm rộ đưa tin về ngày chiến thắng 30/4. Năm nào chúng ta cũng nói về chiến thắng lịch sử, về ngày chiến thắng với niềm tự hào... Nhưng ngoài kia, vẫn còn hàng triệu nỗi đau đang chìm khuất đâu đó, trong mỗi góc rừng, mỗi xóm thôn, dưới biển sâu...
Có thể những nỗi đau này sẽ vơi bớt nếu chúng ta nhắc nhiều hơn về những ngày này với ý nghĩa: Ngày chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước; ngày hoà bình, hoà giải hoà hợp dân tộc. Ngày mà đất nước có cơ hội để trở nên hùng mạnh, hoà vào dòng chảy của thế giới văn minh.
(PS st Theo Dân Việt)