45 năm giải phóng miền nam: Ký ức người lính Trường Sơn: Cung đường nào cũng để lại nhiều kỷ niệm
45 năm giải phóng miền nam:
Ký ức người lính Trường Sơn: Cung đường nào cũng để lại nhiều kỷ niệm
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
2 giờ sáng trong căn hầm tối mịt, tỉnh dậy tôi mới biết mình còn sống, nhìn sang bên cạnh thấy hai đồng đội thân thể đã cứng đờ. Tôi cố gắng gọi tên họ lần cuối rồi vuốt mặt cho đồng đội an nghỉ…
Chiến tranh đã lùi xa, người lính Trường Sơn năm xưa nay đã ngoài 70 tuổi. Ngồi trầm tư bên cốc nước chè, cầm chiếc đài radio nhỏ chăm chú lắng nghe bài hát “Tiến về Sài Gòn”. Những kí ức năm xưa trên chiến trường lại ùa về trong ông.
Thà hi sinh nhưng không chịu khuất phục
Năm 1969, tròn 20 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Văn Đức (quê ở xã Quang Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) xung phong lên đường nhập ngũ. Ông vào C11- Quân khu 4, huấn luyện 3 tháng tại tỉnh Thanh Hóa. Đến tháng 2/1970-31973 ông lên đường vào chiến trường ở Binh trạm 42 Đoàn 559.
Tại đây, người lính trẻ nhận nhiệm vụ làm lính công binh, lái xe để thông đường. Đường Trường Sơn ngày ấy là tuyến vận tải chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giai đoạn 1969-1972 là giai đoạn địch đánh phá ác liệt nhất ở chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị.
“Chiến tranh gian khổ, ác liệt, lương thực thiếu… trên những cung đường bom, mìn, chất độc hóa học rải xuống suốt ngày đêm. Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài khiến đường đất nhầy nhụa, mùa khô thì nắng cháy, gió Lào thổi khô héo cả người....”- ông Đức nhớ lại.
Khó khăn nhất là nhiệm vụ thông đường để xe ra chiến trường và chúng tôi là đội tiền trạm, phá bom mìn.
Với ông Đức, cung đường nào, chuyến xe nào cũng để lại nhiều kỷ niệm, mỗi ngày đi qua mới biết mình còn sống. Có những lúc sự sống và cái chết mong manh đến nỗi không ai dám nghĩ đến. Đường đầy bom mìn, không biết nổ tung khi nào... nhưng một khi nhận nhiệm vụ là chúng tôi nghĩ chỉ có tiến chớ không bao giờ lui.
“Khi mọi người đang chuẩn bị ăn tối tại Cồn Tiên dốc Miếu tỉnh Quảng Trị thì một loạt bom B52 dội xuống. Tôi bị thương ở chân, mê man bất tỉnh tại chỗ. 2 giờ sáng, khi tỉnh dậy tôi mới biết mình còn sống, nhìn sang bên cạnh thì thấy hai đồng đội thân thể đã cứng đờ. Tôi cố gắng gọi tên lần cuối rồi vuốt mặt cho đồng đội an nghỉ. Đó là một ngày trung tuần tháng 12/1969” - ông Đức nhớ lại.
Tháng 10/1971, ông được đơn vị giao nhiệm vụ phá bom từ trường, bom bi… để thông đường vận chuyển, tiếp tế đạn dược, khí tài, nhu yếu phẩm trên đường mòn Hồ Chí Minh tuyến đường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.
“Lúc bấy giờ cả đơn vị chỉ có duy nhất một chiếc xe phá bom từ trường. Chiếc xe ấy được cải tiến từ xe ATC của Trung Quốc, tổ phá bom gồm 5 đồng chí. Đêm tháng 11/1971 trong đợt rà phá bom ở ngầm A Lin tỉnh Quảng Trị chiếc xe rà phá bom bị hất tung do bom nổ. Khi tôi tỉnh dậy thì hai đồng chí Đoàn và đồng chí Cao đã hy sinh. Chúng tôi đưa thi thể hai đồng chí về hầm rồi tiếp tục rà phá bom trên tuyến đường” - ông Đức nhớ lại.
Khi kể câu chuyện sống và chiến đấu những ngày ấy, ông Đức rưng rưng nước mắt: “Anh em khi đã vào cuộc chiến đấu rồi không ai màng gì đến bản thân cả. Dù mưa bom bão đạn, dù khó khăn gian khổ vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ".
"Tôi còn nhớ, vào khoảng 12/1971, bữa cơm chiều vội vàng. Tôi xuống suối để đi rửa bát thì nghe tiếng bom dội tung trời vào lán chúng tôi. Khi tôi quay lên thì thấy các đồng đội đã hi sinh mà lòng đau như cắt.
Gian khổ, ác liệt chỉ có chiến tranh. Khi đồng đội hi sinh, chúng tôi vội vàng làm lễ truy điệu đơn sơ rồi cố gắng chôn xác giữa những cây to để khỏi bị hổ ăn xác và bom xới”, ông Đức trải lòng.
Đau đáu nổi niềm... mong đồng đội được an nghỉ
Sau hiệp định Pari 1973, ông được tiếp tục giao nhiệm vụ về Sư đoàn bộ 473 với chức vụ Trung đội phó với công việc điều hành xe máy phục vụ sư đoàn chiến đấu.
Không chỉ làm nhiệm vụ chính là lái xe chở pháo, đạn, người lính Trường Sơn Nguyễn Văn Đức còn kiêm đủ nhiệm vụ như bốc vác hàng hóa, cõng thương binh, lái xe cho Đại tá Nguyễn Sỹ Chía, chính ủy sư đoàn 473...
Ông Đức còn được nhiều đồng đội biết đến bởi "tay nghề" sửa chữa xe, ông thường tự mày mò, sửa chữa xe để kịp thời chiến đấu. Khi nhắc lại chuyện này, ông cũng không nhớ nổi những năm đó mình đã sửa bao nhiêu chiếc xe của đồng đội bị hỏng do bị máy bay giặc "rải bom" tấn công...
Với những gì đã cống hiến, tháng 2/12/1975 lái xe Trường Sơn Nguyễn Văn Đức được nhận Huân chương "Chiến sĩ giải phóng hạng Ba" của chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam trao tặng.
Sau khi giải phóng miền Nam 30/4/1975, ông cùng đơn vị tiếp tục đi làm kinh tế ở đập Dầu Tiếng ở Tây Ninh. Năm 1978, vì lý do sức khỏe ông rời chiến trường về quê.
Hồi tưởng lại về cuộc chiến tranh đã qua, ông Đức vẫn đau đáu: "Khi chúng tôi vào chiến trường, anh em đã xác định thà hi sinh chứ không chịu bị khuất phục trước kẻ thù. Đồng đội, anh em của tôi đã ngã xuống vì nền độc lập vì quê hương đất nước nhưng có những sự hi sinh mà bây giờ tôi vẫn không muốn nhớ lại", gạt nước mắt ông Đức ngắt quảng trong câu chuyện.
"Khi bị giặc thả bom, đồng đội hi sinh không còn nguyên vẹn. Tôi và những người sống sót cố gắng nhặt nhạnh từng miếng thịt gói vào túi ni lông để an táng vội vàng. Và cả những đêm bị thương nằm dưới căn hầm tối mịt khi tỉnh dậy thì thấy động đội đã chết cứng đờ...", ông Đức nghẹn ngào kể lại.
"Chiến tranh là vậy. Gian khổ, ác liệt, chia ly... tôi may mắn hơn đồng đội là được sống sót. Ở thế giới bên kia tôi mong đồng đội của tôi được "yên giấc ngàn thu. Dù đồng đội không còn nhưng mong thế hệ sau sẽ mãi nhớ và khắc ghi trong lòng những gì đồng đội tôi đã hi sinh cho đất nước", ông Đức mong muốn.
( C. H sưu tầm)