"Trường Sơn huyền thoại" - Chùm bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền (Phần II)

Ngày đăng: 06:36 09/05/2020 Lượt xem: 513

-----------------------------------------------------------

Mãi còn trong trái tim tôi
Bao miền ký ức một thời Trường Sơn
 
Trân trọng giới thiệu một số phần chính về Trường Sơn - Con đường huyền thoại.
 
 
PHẦN II
NHỮNG CON ĐƯỜNG

           Đặc điểm vị trí địa lý

         Trường Sơn là một dãy núi cao, rừng đại ngàn trải dọc Bắc - Nam, phân cách giữa ba nước và nằm gọn trong lòng ba nước. Phía sườn Đông Trường Sơn thuộc Việt Nam, phía sườn Tây Trường Sơn thuộc về hai nước bạn Lào và Campuchia. Phía Việt Nam có dải cao nguyên Tây Nguyên rộng lớn. Phía Lào có cao nguyên Bô Lô Ven kéo đến Đông Bắc Campuchia cũng rộng lớn không kém. Thời tiết khí hậu phức tạp khác nhau, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, chủ yếu là dân dộc thiểu số, kinh tế lạc hậu, đời sống nghèo nhưng có truyền thống đoàn kết đấu tranh lâu đời, trung thành với cách mạng với kháng chiến. Trường Sơn có vị trí chiến lược để mở đường chi viện chiến trường xuyên ba nước Đông Dương.

I. ĐƯỜNG GIAO LIÊN, GÙI THỒ

         1. ĐƯỜNG GIAO LIÊN
         Đường giao liên, con đường chi chi viện chiến lược được triển khai mở đầu cho đường Trường Sơn. Vạn sự khởi đầu nan, muôn vàn khó khăn gian khổ mở ra ...
        Nguyên tắc tối cao đã được Trung ương dặn: "Việc mở đường không được ai biết...Không được để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một thứ tang chứng".
"Hàng" chủ yếu là vũ khí, mà tiêu chuẩn số 1 là không có dấu vết chế tạo tại Liên Xô, Trung Quốc, phải là súng cũ của Pháp và các nước không phải là Xã hội chủ nghĩa. Vũ khí ban đầu chủ yếu ta thu được của Pháp gồm súng trường Maz, tiểu liên Tuyn khoảng 20 tấn. Một số quân trang quân dụng, ống nhòm, địa bàn, bản đồ cũng được lệnh thu hồi giao cho Đoàn 559. Nếu vũ khí trang bị của các nước Xã hội chủ nghĩa phải xoá hết dấu vết. Tất cả được bao gói bảo quản bằng mỡ, gói bằng giấy pẩ phin, mỗi gói 25 kg, bảo đảm khi cần thiết có thể chôn xuống bùn đất, ngâm dưới nước lâu ngày không bị han gỉ, hư hỏng.
         Trên cơ sở kết quả khảo sát, toàn tuyến được bố trí làm 9 đội, quân số giảm dần từ đội đầu đến đội cuối, mỗi đội tổ chức một chi bộ. Đội 1 đóng ở Khe Hó gần vị trí chỉ huy Tiểu đoàn 301. Lần lượt các trạm bố trí tiếp theo hướng Tây Nam điểm cuối đặt trạm 9 là Pa Lin - Bắc A Lưới – tỉnh Thừa Thiên, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Đầu tháng 7 năm 1959, việc rải quân trên tuyến đã xong. Lực lượng trinh sát được bổ sung cài cắm trên tuyến tích cực nắm địch, thông báo kịp thời cho từng trạm và chỉ huy đoàn.
         Để bảo đảm tuyệt đối bí mật đoàn đặt ra khẩu hiệu có tính chất như mệnh lệnh là "Ở không nhà. Đi không dấu. Nấu không khói. Nói không tiếng". Trong thời gian đầu, đường đi hoàn toàn là những đường chưa có lối, rẽ núi, băng rừng. Phương châm là "xuyên sơn mà đi, cứ đỉnh núi mà soi, không được trùng với các lối mòn cũ". Lời của một câu hát "Trường Sơn ơi trên đường ta qua không một dấu chân người.." là hoàn toàn đúng với sự thật của thời kỳ này.
         Ngày 13 tháng 8 năm 1959, sau 8 ngày đêm chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn đã vào đến Tà Riệp tuyệt đối bí mật và an toàn.
         Sau những chuyến hàng đầu tiên thành công, ngày 12 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng quyết định chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức Đảng trực thuộc Tổng Quân uỷ.
         Cuối năm 1959, do có kẻ đầu thú khai báo, địch tăng cường củng cố "phòng tuyến chống thâm nhập", tăng cường đóng đồn dọc đường 9, bọn bảo an, thám báo lùng sục các làng hai bên đường 9. Vào một đêm cuối tháng 10 năm 1959, trong khi bảo vệ cho đội 6 và đội 7 giao hàng ở nam đường số 9. Tổ trinh sát do thiếu uý Nguyễn Minh Thông phụ trách lọt vào ổ phục kích của địch tại bờ sông Đắc Krông. Nguyễn Minh Thông cùng đồng đội chiến đấu diệt 4 tên địch rồi hy sinh. Thượng sỹ Trần Tương bị thương nên bị địch bắt về căn cứ. Chúng tra tấn dã man. Anh một mực khai là cán bộ nằm vùng nên đã bị chúng thủ tiêu. Các đội vận tải rút lui an toàn. Tổ trinh sát do Võ Sĩ Bơi, súng trong tay có mặt ở đó nhưng do yêu cầu giữ bí mật nên nén lòng, náu mình để bảo vệ bí mật cho tuyến chi viện.
         Nguyễn Minh Thông, Trần Tương là những chiến sỹ đầu tiên hy sinh trên tuyến vận tải quân sự 559, để lại trong lòng đồng đội và nhân dân địa phương niềm cảm phục và tiếc thương vô hạn.
         Tháng 10 năm 1959, trong khi giao hàng tại đồn điền cà phê Rô- Mơ của một doanh nhân người Pháp, đội 6 và đội 7 đã để quên một gói súng. Hôm sau vợ chủ đồn điền phát hiện được báo cho anh Cha - Mồm là cai đồn điền có cảm tình với cách mạng. Cha - Mồm đem giấu súng đi và báo cho ta đến lấy. Một tháng sau anh đã bị địch thủ tiêu. Từ sự việc ấy địch đã đánh hơi thấy hoạt động vận tải của ta, sự chi viện từ Miền Bắc cho Miền Nam. Địch đã tổ chức một trận càn qui mô cấp trung đoàn. Tuy chúng không phát hiện thêm được gì, nhưng việc vận chuyển cũng phải dừng lại một thời gian.
         - Ngay sau những "sự cố" trên, tháng 10 năm 1959 Đoàn 559 quyết định chuyển sở chỉ huy và hệ thống kho tàng, sở chỉ huy của Tiểu đoàn 301 ra Làng Mít (Quảng Bình) bên bờ hữu ngạn sông Kiến Giang.
         - Cùng với tuyến giao liên từ Miền Bắc vào Miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn tiến dần vào phía Nam, ở Trung Bộ các con đường giao liên được mở tiếp vào các khu căn cứ, từ miền Đông Nam Bộ các đội vũ trang tuyên truyền cũng soi đường ra Bắc.
         Tại Trung Bộ, Liên Khu uỷ Khu 5 tổ chức các đường dây hành lang vận chuyển từ Pa Lin qua các khu căn cứ vào các tỉnh duyên hải miền Trung và lên Tây Nguyên.
         Tháng 5 năm 1959, Tổng Quân uỷ, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn B90 tăng cường cho Liên Khu 5 soi đường nối liền hai chiến trường Khu 5 và Nam Bộ, nối thông hành lang chiến lược Nam - Bắc.
         Ngày 20 tháng 6 năm 1959, Đoàn B90 vượt qua thượng nguồn sông Bến Hải theo đường giao liên hành quân qua miền Tây các tỉnh Trị - Thiên vào Quảng Nam. Tiếp đó Liên Khu uỷ Khu 5 quyết định sáp nhập đoàn B90 với đội vũ trang công tác tỉnh Đắc Lắc lấy phiên hiệu là B4. B4 chia làm 2 bộ phận soi đường vào Nam Bộ.
         Ở Nam Bộ từ cuối năm 1958 Xứ uỷ Nam Bộ đã chủ trường mở tuyến giao liên bắt liên lạc với Trung ương. Các đội công tác xuyên qua những vùng rừng núi chưa từng có dấu chân người ở Bù Đăng, Bù Gia Mập (Phước Long), Sơ Nia (Quảng Đức).... tiến ra cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngày 30 tháng 10 năm 1960, đội thứ nhất của B4 đã bắt liên lạc được với đại đội 59 liên Tỉnh uỷ miền Đông Nam Bộ. Ngày 4 tháng 11 năm 1960, đội vũ trang tuyên truyền tỉnh Phước Long đã bắt liên lạc được với đội thứ 2 của B4 tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
         Thiết lập được tuyến hành lang giao liên từ Trung Bộ vào miền Đông Nam Bộ, tuyến giao liên vận tải quân sự liên hoàn, thật sự trở thành cầu nối giữa căn cứ địa Miền Bắc với tiền tuyến Miền Nam.
         Địch mở hai cuộc càn quét liên tiếp dọc theo đường số 9. Trước sự truy lùng ráo riết của địch nhân dân các thôn, bản Bắc đường số 9 phải sơ tán vào rừng. Khu vực Bắc đường số 9 dọc tuyến hành lang trở thành "vùng trắng". Sau khi lực lượng Đoàn 559 rút ra Làng Mít, nhiều đoàn được cử đi tìm đường mới nhưng đều không có kết quả. Trên thực tế mùa mưa năm 1960 hoạt động vận chuyển của Đoàn 559 gần như ngừng trệ.
         Tròn 18 tháng, trải qua hai mùa khô và một mùa mưa, Đoàn 559 đã tiến được những bước tiến quan trọng trên con đường chiến lược Bắc - Nam. Từng bước soi đường mở lối đầu tiên, tiến tới thành lập được tuyến hành lang giao liên, vận tải quân sự dài hàng trăm ki-lô-mét trong điều kiện địa hình hiểm trở, chia cắt, địch lùng sục càn quét gắt gao. Trên con đường rừng ấy, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên, hơn hai nghìn cán bộ chiến sĩ đã được bảo đảm hành quân vào chiến trường.
         Cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 đã mở ra chương khởi đầu cho bản trường ca hào hùng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
         Ngày 17 tháng 1 năm 1960, phong trào đồng khởi ở Bến tre bùng lên. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời để động viên đoàn kết nhân dân Miền Nam vùng lên đấu tranh giải phóng Miền Nam, thôi thúc sự chi viện của Miền Bắc Xã hội chủ nghĩa cho Miền Nam ruột thịt. Nhiệm vụ của Đoàn 559 cần tiếp tục được triển khai tích cực.

         2- CHUYỂN HƯỚNG SANG TÂY TRƯỜNG SƠN
         Trước nguy cơ bị lộ, trong một lần đồng chí Võ Bẩm lên báo cáo với Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn. Đồng chí gợi ý: "Thử nghĩ xem có con đường nào khác có thể tránh được sự rình mò của địch không?". Thượng tá Võ Bẩm đã nghĩ đến con đường phía tây Trường Sơn trên đất bạn Lào. Ông dẫn đầu một bộ phận luồn rừng tìm đường sang phía tây Trường Sơn. Khoảng tháng 1 năm 1961, ông về Hà Nội gặp đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung) báo cáo chuyển hướng sang Tây Trường Sơn.
         Đồng chí Trần Lương được cử thay mặt Đảng ta trao đổi với bạn Lào, được Đảng bạn đồng ý. Theo yêu cầu của Bạn, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ tháng 1 năm 1961, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bộ đội Pa Thét Lào tiến công địch, giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, khu vực đường số 8, đường số 12. Cuối tháng 4 năm 1961, liên quân Việt - Lào tiến công địch trên đường số 9, giải phóng một loạt căn cứ quan trọng Sê Pôn, Mường Phìn, Mường Pha Lan.
         Với thắng lợi liên tiếp của liên quân Việt - Lào, một vùng giải phóng rộng lớn từ Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng xuống Khăm Muộn, Xa Va Na Khét, nối thông với vùng giải phóng Hạ Lào và Miền Nam Việt Nam tạo điều kiện cho Đoàn 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn.
         Ngày 16 tháng 4 năm 1961, Đoàn 559 khẩn trương "lật cánh" sang Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn Lào.
         Trên cơ sở kết quả khảo sát trước do Đoàn trưởng Võ Bẩm tiến hành, đoàn khảo sát đã tiến hành trinh sát hai tuyến bên Tây Trường Sơn dài ngày. Một tuyến vượt qua động Vàng Vàng, vượt qua biên giới Việt - Lào ở chân đỉnh núi Cô Lơ Tu Tu, cao 734 mét tới Bản Đông, qua Tà Beng, tới La Hạp. Một tuyến đã soi trước, cũng được khảo sát lại. Đó là tuyến qua Vàng Vàng, qua Tam Bôi, Huội San, đến Sa Đi vào Mường Nòong, xa về phía Tây Trường Sơn hơn.
         Tháng 5 năm 1961 hai tuyến đường giao liên trên đất Lào đã khai thông từ Việt Nam vượt Trường Sơn sang Lào vào đến La Hạp để vượt Trường Sơn sang Thừa Thiên của Việt Nam.
         Ngày 7 tháng 6 năm 1961, Đoàn 559 xây dựng đề án tổ chức lực lượng trình Bộ Tổng Tham mưu, lực lượng trực thuộc được tổ chức thành ba đường, trong đó một đường trong nước, hai đường bên đất bạn Lào nhằm bảo đảm tính ổn định cho nhiệm vụ vận tải trong tình hình mới.
        Tháng 8 năm 1961, Đoàn 559 có hai đoàn tương đương cấp trung đoàn là Đoàn 70 (phiên hiệu mới của Tiểu đoàn 301) và Đoàn 71 để bảo đảm hai tuyến vận tải Đông Trường Sơn (cũ) và Tây Trường Sơn (mới).
         Chỉ tính trong mùa khô 1960-1961, Đoàn B70 đã giao cho chiến trường được 30 tấn vũ khí, bảo đảm lương thực cho gần hai nghìn cán bộ vào chiến trường...Bác Hồ đã khen ngợi và nhắc nhở: "Đoàn 559 bước đầu làm được như vậy là giỏi, nhưng cần nghiên cứu làm tốt hơn".
         - Năm 1961, Bộ Chính trị cử Thiếu tướng Trần Văn Quang - Cục trưởng cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu vào Nam Bộ cùng 600 cán bộ khung cơ quan Miền, đó cũng là lúc Liên Xô phóng tàu vũ trụ Phương Đông 1 (12/4/1961), nên Đoàn được đặt tên là "Đoàn Phương Đông", vào chiến trường theo đường giao liên Tây Trường Sơn.
         Đồng thời ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ Quốc phòng quyết định quyền hạn của Đoàn 559 tương đương cấp sư đoàn. Tháng 11 có quyết định sáp nhập đường dây thống nhất vào Đoàn 559.

 

Thiếu tướng Hoàng Kiền

( còn nữa)

 

tin tức liên quan