3. ĐƯỜNG GÙI THỒ:
Nhằm đẩy mạnh công tác vận chuyển, Đoàn 559 chủ trương dùng voi, ngựa để tải hàng. Đoạn đường từ động Vàng Vàng sang phía tây đã làm con đường gùi, đi qua các dãy núi cao ngất, vách đá tai mèo lởm chởm. Việc vận chuyển rất khó khăn. Sau nhiều cuộc họp bàn bạc, phương thức vận chuyển bằng xe và súc vật thồ được trên chấp nhận. Đường giao liên được cải tạo mở rộng đủ tiêu chuẩn cho voi, ngựa, xe đạp thồ hàng.
Trung ương cấp cho Đoàn 559 số bạc hoa xoè đủ mua 20 con ngựa và 3 thớt voi để thồ hàng. Một số cán bộ và thanh niên địa phương có khả năng thuần hoá voi, có tài nuôi ngựa được bổ sung cho Đoàn 559. Sau mấy tháng hoạt động, gạo và đường nuôi voi và ngựa gần bằng số hàng chúng thồ được. Đoàn 559 đành giao voi, ngựa cho nông trường Ba Rền - Quảng Bình sử dụng.
Phương thức dùng xe đạp thồ được đẩy mạnh. Nhiệm vụ mở đường xe thồ được triển khai. Đoàn 70 chuyển hẳn sang Tây Trường Sơn để mở đường xe thồ. Đoạn đường từ Sê Pôn (trên đường 9) đến Mường Nòong, La Hạp để chuyển hàng tới Pê Hai giao cho Khu 5. Trung đoàn 70 phát động học tập chiến sĩ xe thồ Ma Văn Thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, tổ chức bảo đảm chu đáo, quyết tâm giành thắng lợi chuyến đầu ra quân chở hàng bằng xe thồ.
Ngày 1 tháng 3 năm 1962, tuyến đường thồ bằng xe đạp ở phía nam đường 9, dài gần 80 ki-lô-mét hoàn thành. Có một số đoạn dốc nên cũng khó khăn. Để bảo đảm cho trục đường mới ở Tây Trường Sơn có thế vững chắc và ổn định, Đoàn 559 tiếp tục mở hai trục dự bị gần như chạy song song với nhau gặp đường Bản Đông - Mường Nòong ở ngã ba Tà Beng. Hai trục đường này do Trung đoàn 70 mở và hoàn thành vào tháng 5 năm 1962. Tuy vậy, do các trục này nằm trong vùng lực lượng trung lập Lào quản lý, nên các hoạt động của ta vẫn phải tuyệt đối giữ bí mật. Việc vận chuyển trước mắt gặp nhiều khó khăn, mỗi ngày chỉ được 2 tạ hàng, chủ yếu là lương thực và nông cụ.
Giai đoạn này việc vận chuyển trên trục đường phía đông gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm địch đã tổ chức các cuộc càn quét qui mô cấp đại đội, tiểu đoàn đánh sâu vào hành lang của ta, gây khó khăn cho công tác vận chuyển. Đoàn 71 phải rút ra hậu cứ để củng cố. Một số cơ sở của ta bị mất, đe doạ nghiêm trọng đến an toàn của cả tuyến đường. Sau hai lần rút ra, vào lại củng cố, tháng 10 năm 1962 tuyến này mới hoạt động trở lại. Do có nhiều khó khăn, năm 1962 tuyến phía đông của Trung đoàn 71 chỉ chở được 105 tấn hàng các loại và đưa được 233 người vào chiến trường. Nhiệm vụ vận chuyển chủ yếu của Đoàn 559 tập trung ở tuyến Tây Trường Sơn do Đoàn 70 thực hiện, trong đó có vai trò quan trọng của đường xe thồ. Năm 1962, Đoàn 559 được trang bị 700 xe đạp thồ, đã phát huy hiệu quả thay thế, bổ sung cho phương pháp gùi hàng trước đây. Chỉ riêng trong năm 1962, Đoàn 559 đã đưa vào chiến trường 961 tấn vũ khí, 7.800 tấn gạo, đưa đón 1 vạn cán bộ chiến sĩ vào ra chiến trường.
Năm 1963, Đoàn 569 nhận bổ sung thêm 450 xe đạp thồ nữa. Do địa hình phức tạp nên có đoạn thồ hàng, có đoạn vẫn phải gùi gánh.
Năm 1963, Trung đoàn 70 đảm nhiệm trục A (trục chính) vận chuyển từ Làng Ho đến A Té, tổ chức thành 31 trạm vận tải trong đó có 9 trạm thồ, 22 trạm gùi gánh. Trung đoàn 71 phụ trách đường B từ nam Bản Đông đến Bạc với 24 trạm, có 7 trạm thồ, 2 trạm đường sông, 15 trạm gùi gánh.
Năm 1964 Trung đoàn Công binh 98 của Bộ được điều vào Trường Sơn. Trung đoàn đã triển khai làm đường thồ từ Bạc vào tới ngã ba biên giới với chiều dài 200 ki-lô-mét. Các Trung đoàn 70, 71 tiếp tục nâng cấp, sửa chữa đường thồ cũ, tổng chiều dài đường xe thồ chính lên tới hơn 500 ki-lô-mét.
Cho tới cuối năm 1964, lực lượng công binh trên tuyến 559 đã hình thành, bao gồm lực lượng trực thuộc hai Trung đoàn 70 và 71, Trung đoàn công binh 98, cùng lực lượng vũ trang Quân khu 4, thanh niên xung phong, giao thông Khu 4 đã xây dựng được tuyến hành lang vận chuyển gồm nhiều trục đường gùi, tiến tới thồ, vận chuyển chi viện sức người sức của cho cách mạng Miền Nam.
Sang năm 1965, đường ô tô phát triển vào sâu bên Tây Trường Sơn, đường giao liên, đường xe thồ được mở ra phát triển xuống phía nam dọc theo Hạ Lào. Trên tuyến đường này vừa là đường giao liên đi bộ vừa phát triển thành đường gùi, xe đạp thồ đã thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vào chiến trường đạt kết quả tốt.
Trên cơ sở đường xe thồ, cải tạo mở rộng và nắn chỉnh một số đoạn cho phù hợp. Vận chuyển cơ giới mở ra, hơn một nghìn chiếc xe đạp thồ kết thúc sứ mạng lịch sử, được thu hồi đưa vào kho bảo quản. Chiến tranh kết thúc, cùng với việc phân chia chiến lợi phẩm, các xe đạp cũng được phân phối cho cán bộ. Tôi được phân phối một chiếc khung xe đạp thống nhất sản xuất năm 1962, các phụ tùng hỏng hết chỉ còn lại khung xe, ghi đông, đùi đĩa. Tôi đã vác chiếc khung xe từ Xa Ra Van, Nam Lào về quê mua thêm phụ tùng lắp hoàn chỉnh để đi. Từ năm 2012 chiếc xe đạp này được đưa vào trưng bày trong Bảo tàng Đồng Quê ở tầng 1 phòng ĐỜI CHIẾN SĨ, tại vị trí "XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN ĐI CỨU NƯỚC" , để mãi mãi tự hào về con đường Trường Sơn huyền thoại.
Trong 14 năm, từ 1959 đến 1973, đường giao liên, gùi thồ Trường Sơn đã hình thành và phát triển trên cả hai hướng Đông và Tây Trường Sơn, trong đó bên Tây Trường Sơn là chủ yếu. Nó có chiều dài hơn 3000 ki-lô-mét trong đó có hơn 500 ki-lô-mét đường voi, ngựa, xe đạp thồ. Tuyến đường này đã tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn. Đã vận chuyển vào chiến trường hàng chục nghìn tấn vũ khí, khí tài, hàng chục nghìn tấn gạo cùng hàng quân nhu khác.
Đến 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Mỹ ngừng ném bom trên toàn chiến trường Đông Dương. Đường Giao liên bộ, gùi, thồ cơ bản kết thúc nhiệm vụ, chuyển sang hành quân bằng cơ giới.
Năm 1974, các đơn vị giao liên đường bộ tổ chức thành hai trung đoàn giao liên cơ giới gồm Trung đoàn 572 và Trung đoàn 573 bảo đảm hành quân cơ giới cho 40 vạn quân vào chiến trường tham gia cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Bộ đội giao liên, gùi thồ, những người chiến sĩ trên các cung đường mòn trên đỉnh Trường Sơn với "Đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm", bằng trí thông minh, lòng dũng cảm, mưu trí, tinh thần phục vụ thật tận tuỵ, đã tạo ra các trạm giao liên bí mật, kín đáo suốt chiều dài đại ngàn Trường Sơn; là nơi dừng chân ăn nghỉ cho cho "khách". Các Trạm gia liên ổ chức dẫn đường hàng ngày cho các đoàn quân trên đường ra mặt trận, nuôi dưỡng thương bệnh binh ốm đau khi hành quân qua trạm; đưa thương binh ra Bắc, đã đưa nhiều đoàn cán bộ cao cấp của Trung ương vào ra chiến trường. Gia liên Trường Sơn xứng đáng với 10 chữ vàng "Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường".
Chiến công lớn lao, sự hy sinh chịu đựng gian khổ của bộ đội giao liên anh hùng để lại ấn tượng sâu đậm. Chiếc gậy Trường Sơn trên đường hành quân bộ, đoàn xe hành quân cơ giới thần tốc mãi mãi là hình ảnh tuyệt đẹp của người chiến sĩ giao liên Trường Sơn.
Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, hai tập thể là: Trạm giao liên 73/Binh trạm 37 và Tiểu đoàn giao liên 17/ Binh trạm 44 (Sư đoàn 471); Chuẩn úy Nguyễn Viết Sinh (Trung đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn 11 giao liên, Binh trạm 3), Thượng sĩ Hồ Sĩ Tư (Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 16 giao liên Binh trạm 37) được tuyên dương danh hiệu AHLLVTND.
ĐƯỜNG GIAO LIÊN, GÙI THỒ
Soi đường dẫn lối ta đi
Dài theo đất nước diệu kỳ mở ra
Suối reo vượn hót chim ca
Rừng xanh thác trắng muôn hoa khoe mầu
Núi cao vách đứng vực sâu
Mưa chan nắng rát muỗi bâu, vắt vờn
Sương mù bao phủ sườn non
Chân đồng đạp núi, lòng son vượt đèo
Áo xanh vành mũ tai bèo
Bám theo sườn đá tai mèo Trường Sơn
Quân vào hào khí nước non
Quân ra võng cáng cong đòn trĩu vai
Mồ hôi thấm đất đường dài
Đưa thương binh nặng ra ngoài hậu phương
Vượt qua mưa nắng gió sương
Đường dây cầu nối tình thương hai miền
Ơi em cô gái giao liên
Đôi chân khắp nẻo mọi miền em đi
Đường gùi, thồ thật diệu kỳ
Đậm sâu dấu tích sử ghi muôn đời
Đường ra tiền tuyến ngược xuôi
Đạp bằng gian khó người người nối nhau
Con đường thống nhất khởi đầu
Âm vang vọng mãi một màu Trường Sơn.
Thiếu tướng Hoàng Kiền
( còn nữa )