"Trường Sơn huyền thoại" - Chùm bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền - (Tiếp theo Phần II*)

Ngày đăng: 07:18 12/05/2020 Lượt xem: 559
-----------------------------------------------------------

Mãi còn trong trái tim tôi
Bao miền ký ức một thời Trường Sơn
 
Trân trọng giới thiệu một số phần chính về Trường Sơn - Con đường huyền thoại.
 
 
PHẦN II
NHỮNG CON ĐƯỜNG
(Tiếp theo)


         V. ĐƯỜNG DÂY THÔNG TIN

         Thông tin liên lạc có vai trò đặc biệt quan trọng bảo đảm cho chỉ huy tác chiến. Trên chiến trường Trường Sơn địa hình rừng núi hiểm trở, địa bàn rất rộng, cơ động vô cùng khó khăn, thông tin liên lạc lại càng quan trọng hơn.
         Bộ đội thông tin Trường Sơn được hình thành ngay khi thành lập Đoàn 559 và cùng phát triển với quá trình hoạt động và phát triển lực lượng của Bộ đội Trường Sơn. Từ đơn vị ban đầu ở cơ quan đoàn bộ với phương thức bảo đảm thông tin liên lạc vô tuyến điện là chính, cùng với một ít điện thoại dây bọc cho một số cơ quan chỉ đạo các cấp. Chỉ đạo qua điện đài, mật mã là phương thức liên lạc quan trọng của thời kỳ đầu. Khi nhiệm vụ phát triển, không gian mở rộng, thời gian khẩn trương, lực lượng phát triển trong đội hình binh chủng hợp thành của chiến trường Trường Sơn, một đòi hỏi cấp bách xuất hiện: Phải kết hợp phương thức liên lạc chỉ đạo với phương thức liên lạc chỉ huy, tiến lên lấy phương thức liên liên lạc chỉ huy là chủ yếu.
         Một quyết định đúng đắn khi tuyến dây trần được mở ra. Đầu năm 1967, triển khai xây dựng tuyến dây trần tải ba nối hậu phương từ Khe Ve - Minh Hoá - Quảng Bình vượt Trường Sơn sang phía Tây, từng bước phát triển sâu vào phía trong. Cuối tháng 2/ 1967, đã nối thông thông tin tải ba từ Sở chỉ huy (SCH) Bộ Tư lệnh 559 đến các Binh trạm 1 và 2. Sau hơn bảy năm, từ tháng 5/1959 đến tháng 2/1967, mạng thông tin liên lạc bảo đảm cho chỉ huy trên tuyến duy nhất chỉ có vô tuyến điện báo mã dịch, ngoài ra có một số đài 2W và thông tin vận động, quân bưu bổ trợ, nay đã có đường dây tải ba tới các đơn vị từ Bắc đường 9 trở ra là một bước tiến hết sức quan trọng.
Mùa khô năm 1967 – 1968, mạng dây tải ba đã nối đến các đơn vị từ sông Bạc trở ra. Tháng 11/1970, mở đợt tổng công kích thi công mạng thông tin dây trần cuối tuyến. Đến năm 1970, đã triển khai tuyến dây trần có chiều dài 950 km, đường dây cáp 200 km. Toàn mạng dây trần bố trí 11 tổ cơ vụ, 120 tổ canh dây. Đúng 15giờ ngày 16/3/1970, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên từ SCH của BTL đã nói chuyện với Phó Tư lệnh Nguyễn An tại Binh trạm 37 khu vực ngã ba Đông Dương. Mạng tải ba đã thông suốt.
         Đường dây thông tin tải ba được xây dựng hoàn thành bao gồm hai trục. Bắt đầu từ Khe Ve vượt Trường Sơn sang Lào kéo dài đến ngã ba Đông Dương vượt Trường Sơn về Việt Nam, xuyên qua Tây Nguyên chọc thẳng đến Lộc Ninh ( Đông Nam Bộ ). Sau đó phối hợp với Bộ Tư lệnh Thông tin nối từ Khe Ve vào theo đường Đông Trường Sơn đến Bù Đăng, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Lúc đỉnh điểm, đường thông tin dây trần có chiều dài trên 3.000 ki-lô-mét liên hoàn, khép kín khu vực Lộc Ninh (Đông Nam Bộ) bên cạnh Trung ương cục. Bảo đảm liên lạc từ Tổng hành dinh trực tiếp tới các hướng chiến trường và Bộ Tư lệnh Miền.
         Mạng vô tuyến điện tiếp sức: Đây là mạng hữu tuyến điện không dây. Để đối phó với cuộc tiến công của Mỹ - nguỵ ra Đường 9 Nam Lào mà ta đã dự kiến âm mưu, kế hoạch của địch, chúng sẽ cắt đường dây trần vào phía Nam, rất khó khăn cho chỉ huy trên toàn tuyến của Bộ Tư lệnh. Giữa năm 1970, theo đề nghị của BTL 559, các khí tài, cán bộ và nhân viên kỹ thuật VTĐ tiếp sức đã được Bộ bổ sung cho Trường Sơn. Vào tháng 10/1970, các tổ khảo sát lên đường chọn các đỉnh núi cao trên nghìn mét để đặt trạm. Ba trạm tiếp sức được triển khai, đã bảo đảm thông tin thông suốt từ SCH của BTL đến điểm cuối là SCH Sư đoàn 470 ở khu vực Phi Hà ngã ba biên giới. Tuyến tiếp sức đưa vào sử dụng, thêm một phương tiện liên lạc thoại đường dài trực tiếp, làm cho mạng thông tin Trường Sơn tăng thêm phần vững chắc và có thêm kênh để liên lạc hàng ngày.

         Bảo đảm thông tin trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào: Để đối phó với cuộc hành quân Lam sơn 719 của Mỹ nguỵ, bảo đảm cho chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đồng thời bảo đảm cho chỉ huy vận chuyển chiến lược, mạng thông tin bảo đảm bổ sung được triển khai. Sau hơn mười ngày nỗ lực của ba trăm cán bộ, chiến sĩ thông tin đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ. Đến 10/12/1970 đã thông liên lạc đoạn từ SCH của BTL (TĐ 3000) đến khu vực Mường Nòong với dung lượng 6 kênh liên lạc tải ba. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào mở ra. Thực hiện chỉ thị của BTL Trường Sơn, lực lượng thông tin đã phát huy cao khả năng hiện có, tổ chức mạng thông tin liên lạc chỉ huy trực tiếp đến các đầu mối trực thuộc tham gia tác chiến và hiệp đồng với yêu cầu "giữ vững được bí mật tuyệt đối trong chuẩn bị, vững chắc trong chiến đấu".
         Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào được triển khai. Ngày 28/2/1971, giữa lúc chúng ta đang giành chiến thắng vang dội, chiến sự đang diễn ra ác liệt tại Bản Đông - Sê Pôn, đài AFP đưa tin: Quân Việt Nam Cộng hoà đã chiếm được thị trấn Sê Pôn, đích cuối cùng của cuộc hành quân "Lam Sơn 719". Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên gọi điện ngay vào Bộ Tư lệnh Tiền phương, cho là địch tuyên truyền xằng bậy. Tổng hành dinh từ Hà Nội gọi điện vào chỉ đạo cần xử lý vụ việc ngay. Tư lệnh đã cử người đi ghi âm tiếng nói của đồng chí Bun Đi - Chủ tịch huyện Sê Pôn ngay trong ngày. Qua hệ thống trực ban của Tổng cục Chính trị để truyền băng ghi âm về đài tiếng nói Việt Nam qua đường dây tải ba. Vào tối ngày 29/2/1971, Đài Tiếng nói Việt Nam, phát đi lời của đồng chí Bun Đi: "Thị trấn Sê Pôn chưa hề có một tên địch nào đặt chân đến, nhân dân vẫn làm ăn bình thường và sẵn sàng chiến đấu". Địch bị đo ván trong cuộc khẩu chiến này.
         Chuyển hướng sang Đông: Tháng 1/1973 Trung đoàn Thông tin 596 được thành lập, trực thuộc BTL . Cuối năm 1973 đường dây "Thống nhất" của BTL Thông tin đã vào đến khu vực A Lưới, A Sầu - Tây Trị Thiên. Đầu tháng 3/1974, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho BTL Trường Sơn nhanh chóng tiếp nhận tuyến dây "Thống nhất". Trung đoàn Thông tin 49 dây trần tải ba được thành lập để tiếp quản, quản lý khai thác tuyến tải ba "Thống nhất", bảo đảm cho các nhiệm vụ quan trọng. Đến tháng 3/1974, Trung đoàn 49 tiếp nhận xong toàn bộ tuyến dây trần từ A72 Quảng Bình, qua tây Trị Thiên - Huế đến Bến Giằng - Quảng Nam, dài 885 km đường cột với 100 tổ canh dây, 12 trạm cơ vụ.
         Lực lượng thông tin Trường Sơn đã được xây dựng đồng bộ gồm có 2 trung đoàn chuyên sâu, 1 trung tâm kết hợp vô tuyến, vô tuyến tiếp sức, hữu tuyến dây bọc cùng 6 tiểu đoàn thông tin tổng hợp thuộc các sư đoàn, 41 đại đội thông tin thuộc các đơn vị trung đoàn và tương đương đã triển khai hệ thống thông tin đồng bộ. Nhất là khi xây dựng được đường dây hữu tuyến tải ba từ Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng đến các chiến trường, là cơ sở vững chắc để chuyển đổi từ chỉ đạo là chính sang lấy chỉ huy trực tiếp là chính.
         Với phương thức: Thông tin dây trần tải ba, thông tin tiếp sức kết hợp cùng đa phương tiện thông tin khác hình thành hệ thống thông tin vững chắc. Với hai tuyến đường dây trần Đông và Tây Trường Sơn tổng cộng dài gần 3000 km và hơn 1 vạn km đường dây bọc cùng các phương tiện vô tuyến điện tiếp sức, các tổng trạm thông tin tại sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh và các khu vực đồng bộ. Mạng thông tin liên lạc đã toả xuống rộng khắp chiến trường Trường Sơn và kết nối với các chiến trường.
         Nhiệm vụ:
         Bảo đảm cho chỉ huy trên chiến trường Trường Sơn, thông suốt từ Bộ Tư lệnh tới các đại đội, các trạm điều chỉnh giao thông, các trận địa pháo.
         Bảo đảm cho Bộ Tổng Tư lệnh chỉ huy đến các hướng chiến trường.
        Các lực lượng thông tin với khẩu hiệu “Coi dây như ruột, coi cột như xương“, tổ chức rải dây, trực ở các trạm trên các đỉnh núi cao, sẵn sàng nối dây khi bị địch đánh phá, đánh biệt kích thám báo phá hoại, bảo đảm thông tin kịp thời, thông suốt trong mọi tình huống.
         Bộ đội thông tin đã góp phần quan trọng vào chiến công của Bộ đội Trường Sơn nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung.
         Thông tin của BTL Trường Sơn cùng Binh chủng Thông tin Liên lạc của Bộ đóng góp quan trọng cho Tổng hành dinh chỉ đạo, chỉ huy các chiến trường trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 , đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thông tin Trường Sơn cũng là một con đường - Đường dây thông tin trong hệ thống Đường Trường Sơn.
         Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đánh giá: Mạng thông tin đa phương thức, lấy đường dây trần tải ba làm chủ lực là một công trình huyền thoại trong huyền thoại.
         Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, 4 tập thể được tuyên dương AHLLVTND trong đó có Trung đoàn thông tin 596, một cá nhân là Thượng sĩ Hồ Đức Trợ.


THÔNG TIN TRƯỜNG SƠN

Trường Sơn trùng điệp mênh mông
Mạng đường mở nối liên thông hai miền
Thuở đầu từ tuyến giao liên
Vươn nhanh phát triển vượt lên không ngừng
Quân ra mặt trận điệp trùng
Cung đường hướng tới toàn vùng rộng sâu
Thông tin tốc lực rải mau
Khởi đầu dây bọc tiếp sau dây trần
Luồn khe vượt núi băng ngàn
Mở ra cả mạng toàn đoàn kết liên
Muôn vàn gian khó vượt lên
Bom rơi đạn nổ chí bền lòng son
Ngày đêm truyền lệnh vẹn tròn
Tiền phương chiến thắng vang giòn khắp nơi.

Bước chân đạp núi đội trời
Từng cung thầm lặng trạm rời canh dây
Với sao ngắm cảnh trên mây
Chân bay tay nối thông ngay kịp thời
Tinh thần ý chí luyện tôi
Âm thầm lặng lẽ sáng ngời niềm tin
Coi dây như ruột của mình
Cột như xương vững dáng hình thẳng ngay
Chiến công thầm lặng đêm ngày
Thông tin toả sáng đường dài Trường Sơn.

 

Thiếu tướng Hoàng Kiền
( còn nữa )

tin tức liên quan