Bác Hồ với Báo Thiếu niên Tiền phong
Nguồn: Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương họp bàn về chuẩn bị cho việc trở về Thủ đô Hà Nội. Tại cuộc họp này, Bác Hồ đã mời đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Trung ương Đoàn tới làm việc. Bác chỉ thị: miền Bắc sẽ được giải phóng. Vì vậy, Đoàn Thanh niên cần phải khẩn trương chuẩn bị ra một tờ báo dành riêng cho các cháu thiếu niên, nhi đồng...
Chấp hành chỉ thị của Bác, đồng chí Nguyễn Lam giao nhiệm vụ chuẩn bị xuất bản tờ báo dành cho các em thiếu nhi cho Báo Tiền phong (thành lập ngày 16-11-1953) và Ban Thiếu nhi Trung ương Đoàn thực hiện. Đồng chí Phong Nhã, Phó trưởng ban Thường trực Ban Thiếu nhi Trung ương Đoàn trực tiếp triển khai nhiệm vụ này. Ngày 1-6-1954, tại xóm Dõn, xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh), huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Báo Tiền phong Thiếu nhi (sau là Báo Thiếu niên Tiền phong, ngày nay là Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng) số đầu tiên ra đời.
|
Tác giả (ngồi thứ nhất, từ phải sang) cùng các thế hệ cán bộ Báo Thiếu niên Tiền phong trong chuyến “về nguồn” thăm nơi ra đời số báo đầu tiên, tháng 3-1999. Ảnh: XUÂN TIẾN |
Trên số báo đầu tiên ấy đăng Thư gửi thiếu nhi toàn quốc của Bác Hồ nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Bức thư chỉ vẻn vẹn 51 từ nhưng chứa đựng đầy đủ thông điệp, tình cảm của Bác với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trên tờ báo số 4, ra ngày 19-12-1954, Bác đã viết bài “Tội nghiệp cho trẻ em Mỹ”, với bút danh Đ.X. Bài viết được văn phòng của Bác trực tiếp chuyển tới tòa soạn. Sau này, Bác đã gửi cho Báo Thiếu niên Tiền phong nhiều bài báo Bác viết riêng cho các cháu thiếu nhi, trong đó có các bài Bác giới thiệu những tấm gương thiếu nhi, những kinh nghiệm hoạt động của thiếu nhi quốc tế... Trong triển lãm “10 năm Báo Thiếu niên Tiền phong” tổ chức tại rạp Kim Đồng, phố Hàng Bài, Hà Nội (diễn ra 10 ngày liền), tòa soạn đã trưng bày một số bức thư của Bác gửi cho Báo Thiếu niên Tiền phong; nhiều số báo Thiếu niên Tiền phong mà Bác gạch chân bằng bút đỏ những bài báo đáng chú ý (do văn phòng của Bác gửi tặng). Có rất nhiều tấm gương thiếu nhi dũng cảm, gương thiếu nhi điển hình đăng trên báo Đội đã được Bác gạch bút đỏ và ghi chú “tặng thưởng Huy hiệu” của Người cho các em...
Tôi xin kể 3 mẩu chuyện cảm động thể hiện tình cảm của Bác với các cháu thiếu nhi và với Báo Thiếu niên Tiền phong.
Bác Hồ hỏi về một bài báo nhỏ
Một trưa tháng 4-1964, tại tòa soạn Báo Thiếu niên Tiền phong ở 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội, máy điện thoại của Tổng biên tập-nhạc sĩ Phong Nhã đổ một hồi chuông.
- Đồng chí có phải là Tổng biên tập Phong Nhã không?
- Vâng. Tôi là Phong Nhã đây. Xin lỗi, ai ở đầu dây đấy ạ?
- Tôi là cán bộ văn phòng của Bác đây. Bác vừa đọc bài báo “Sông Bạch Đằng từ cổ máu còn hồng” của An Ly, đăng trên Báo Thiếu niên Tiền phong số 361, ra ngày 10-4-1964. Bác chỉ thị cho chúng tôi hỏi lại các anh về một chi tiết: Tấm “bằng khen” mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tự tay viết tặng dân làng Yên Hưng vùng Quảng Yên ngày xưa đã phối hợp với quân nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng... ngày ấy có còn lưu giữ được không? Nếu còn thì nay ở đâu?
Nhạc sĩ Phong Nhã quá bất ngờ trước tình huống này. Cách đây ít hôm, nhà sử học trẻ tuổi Lê Văn Lan (là cộng tác viên đồng thời là cố vấn lịch sử cho Báo Thiếu niên Tiền phong từ ngày đó cho tới năm 2009), giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội-một cộng tác viên nhiệt tình của Báo Thiếu niên Tiền phong đã gửi cho ông bài báo có tựa đề “Sông Bạch Đằng từ cổ máu còn hồng”. Tác giả lấy bút danh An Ly. Bài báo đưa ra một câu chuyện rất hay còn lưu truyền trong nhân dân vùng Quảng Yên (Quảng Ninh) về việc tướng quân Trần Hưng Đạo đã tự tay viết tấm “bằng khen” gửi tặng dân làng Yên Hưng vì đã có thành tích trực tiếp giúp đỡ đội quân của Trần Hưng Đạo bí mật xây dựng hàng cọc trên sông Bạch Đằng chặn thuyền giặc. Hàng cọc bí mật ấy đã đâm thủng nhiều chiến thuyền của giặc Nguyên Mông, góp phần làm nên chiến thắng oai hùng của quân và dân ta trên sông Bạch Đằng thuở nào...
Nghe xong, nhạc sĩ Phong Nhã phải thú thật với đồng chí cán bộ văn phòng của Bác:
- Thưa anh, chi tiết mà Bác hỏi bất ngờ quá. Để chúng tôi hỏi lại nhà sử học Lê Văn Lan, tác giả bài báo này rồi thưa lại với các đồng chí để báo cáo với Bác...
Khi được tòa soạn trao đổi lại câu chuyện này, nhà sử học trẻ tuổi Lê Văn Lan rất bất ngờ nhưng cũng đầy sung sướng và cảm động. Thật không ngờ một bài báo nhỏ của mình viết cho các em thiếu nhi lại được Bác Hồ quan tâm đến từng chi tiết như thế. Theo đề nghị của Tổng biên tập Phong Nhã, giảng viên sử học Lê Văn Lan đã viết một bức thư diễn giải về chi tiết tấm “bằng khen” của Trần Hưng Đạo. Trong những lần đi điền dã nghiên cứu về vùng đất lịch sử Quảng Yên-nơi còn lưu giữ một bãi cọc Bạch Đằng mà lịch sử đã đề cập, anh thu thập được chi tiết nêu trên. Đáng tiếc là do biến cố của thời gian mà dân làng Yên Hưng không còn lưu giữ được tấm “bằng khen” ấy. Bức thư của Lê Văn Lan sau đó được gửi kèm với bức thư của tòa soạn gửi lên văn phòng của Bác để báo cáo với Bác...
Bức thư góp ý của Bác Hồ
Có một chi tiết vô cùng thú vị là: Ngày ấy, những người làm Báo Thiếu niên Tiền phong (thập niên 1950) còn khá “ấu trĩ”. Bởi vì cả tòa soạn không một ai có nghiệp vụ báo chí cơ bản, tất cả đều là những cán bộ Đoàn, cán bộ thiếu nhi có năng khiếu viết lách được phân công làm báo, thế nên có chuyện về cái măng-séc báo. Trên nhiều số báo (nhất là từ sau ngày 1-4-1958, Báo Thiếu niên Tiền phong chính thức trở thành tuần báo và có khuôn khổ 29x42cm), măng-séc của báo khi thì để ở đầu trang, lúc lại để ở cuối trang. Có số báo măng-séc lại được để ở giữa trang báo. Tòa soạn đã “phó mặc” cho họa sĩ trình bày bìa và tít báo.
Một hôm, Tổng biên tập Phong Nhã nhận được bức thư nhỏ góp ý của Bác. Trong thư, Bác viết: “... Tên của tờ báo mà các chú lúc thì để ở trên, lúc thì các chú lại để ở bên dưới. Các chú cho nó “chạy nhảy lung tung” thế thì các chú giáo dục tính kỷ luật, trật tự cho các cháu thế nào được...”. Khi đọc bức thư của Bác, Tổng biên tập Phong Nhã và cả tòa soạn như “bừng tỉnh” trước “sự hồn nhiên chủ nghĩa” và sự “ấu trĩ” trong làm báo của mình.
Bác Hồ kết nối việc kết nghĩa chị em Việt - Triều
Cuối tháng 7-1961, Báo Thiếu niên Tiền phong phát hiện và giới thiệu tấm gương em thiếu niên Phạm Đức Thụ, cứu được 7 em nhỏ thoát khỏi chết đuối trên sông Hồng. Em là chi đội trưởng, một học sinh chăm ngoan, học giỏi của Trường cấp 2 Liên Hiệp, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Sau khi được giới thiệu trên Báo Thiếu niên Tiền phong, em Phạm Đức Thụ đã được Bác Hồ tặng quà và huy hiệu vì thành tích dũng cảm quên mình cứu các bạn nhỏ. Một điều bất ngờ là: Khi đọc báo của Triều Tiên, thấy báo nêu tấm gương về chị Hàm Trinh Thuận, một nông trang viên ở Phố Khẩu, Hưng San, tỉnh Hàm Hưng Nam (Triều Tiên), đã dũng cảm cứu 7 em nhỏ thoát khỏi chết đuối, Bác Hồ đã gửi tặng quà, huy hiệu của Người cho chị Thuận. Bác cũng gửi một bức thư cho chị Thuận. Trong thư, Bác thông báo: Ở Việt Nam cách xa nghìn dặm với cháu cũng có một người em trai tên là Phạm Đức Thụ, 14 tuổi, cũng có hành động như cháu... Bác muốn cháu kết nghĩa chị em với cháu Phạm Đức Thụ ở Việt Nam... Chị Hàm Trinh Thuận đã viết thư gửi Bác Hồ cảm ơn về tình cảm mà Người đã dành cho chị. Chị cũng viết một bức thư nhờ Bác Hồ gửi cho Phạm Đức Thụ. Trong thư, chị đề nghị kết nghĩa chị em với Phạm Đức Thụ.
Văn phòng của Bác đã chuyển thư và quà của chị Hàm Trinh Thuận gửi Phạm Đức Thụ cho tòa soạn. Theo chỉ thị rất cụ thể của Bác, tòa soạn đã cử phóng viên mang thư và quà của chị Hàm Trinh Thuận về Liên Hiệp-quê hương của Phạm Đức Thụ. Tại đây, phóng viên của báo cùng với đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn Phú Thọ tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu giữa Phạm Đức Thụ với các em thiếu nhi của Liên đội Trường cấp 2 Liên Hiệp và các em được Thụ cứu sống. Buổi gặp gỡ, giao lưu diễn ra vô cùng cảm động. Phóng viên của báo cũng hướng dẫn Phạm Đức Thụ viết thư gửi chị Hàm Trinh Thuận... Toàn bộ diễn biến của sự việc cũng như nội dung bức thư của Phạm Đức Thụ được đăng trên Báo Thiếu niên Tiền phong. Sau này, khi vừa tròn 18 tuổi, Phạm Đức Thụ lên đường nhập ngũ. Anh vào chiến trường miền Nam chiến đấu và đã anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Thừa Thiên-Huế.
PHẠM THÀNH LONG - Nguyên Tổng biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong