Chuyện lạ Trường Sơn - Hành trình của một bài thơ - Nguyễn Thị Kim Quy
Chuyện lạ ở Trường Sơn
HÀNH TRÌNH CỦA MỘT BÀI THƠ
Tạm biệt Đồng chí Quy
Lưu luyến xa ai lòng xao xuyến!
Nhớ người nhớ cảnh rất nên thơ
Ra đi mang nặng tình nghĩa lớn
Mỗi bước hành quân những thẫn thờ
Xin chào Quy
Xin gửi tặng những vần thơ
Của tâm hồn tôi tha thiết vô bờ
Tình đồng chí ôi! Tình thầy thuốc
Thời gian trôi. Nhưng làm sao trôi được
Nỗi nhớ người năm trước giúp nhau
Tận tình trong lúc ốm đau.
Ôi người đồng chí khắc sâu trong lòng
Thôi tạm biệt!
Tiến đi cùng đồng đội
Và kia miền Nam đang gọi lên đường
Lưu luyến xin ai đừng quên nhé ...!
Chiến trường đánh Mỹ để cùng nhau
Kháng chiến gian lao lòng vẫn nhớ
Mỗi đường kim hằn rõ tấm chăn khâu
Thôi tạm biệt
Ta gặp nhau dịp khác
Có thể là ở đây, hay ở Nam Hà
Mà xin hẹn ở quê nhà được chứ!
***
Ngay trong tôi, tôi cũng không hiểu rõ
Sẽ nghĩ gì sau buổi xa Quy
Nhưng vẫn tin rằng trong mỗi bước đi
Luôn nhìn thẳng, hướng về tương lai mà bước
Và mãi mãi trong tôi
Không bao giờ quên được
Ngày hôm nay và cả những ngày qua
Đất nước rồi đây!
Sẽ khải hoàn ca
Hết Mỹ xâm lăng Nam - Bắc một nhà
Tôi tin rằng ngày đó không xa
Sẽ gặp lại Quy ở Thành phố Nam Hà
Vẫn là Quy! Vẫn một bông hoa ...
Vẫn hồn nhiên vẫn sôi nổi chan hòa
Vẫn tha thiết như là điều tôi nghĩ.
***
Thôi chào Quy
Xin chào đồng chí
Tôi đi đây, và như thế được rồi!
Thời gian năm tháng sẽ trôi
Quyết tâm rồi sẽ có người đền ơn!
Lê Nam Tiến
Thôn Thạch Cầu, xã Nam Tiến, huyện Nam Ninh
(Hà Nam Ninh cũ)
Tà-Vằn-Oọc, Hạ Lào, Mùa khô 68, 69
Sau ngày nghỉ hưu là những ngày cùng đoàn đi làm từ thiện (ảnh minh họa)
Bài thơ trên đây của đồng chí Lê Nam Tiến đã tặng tôi mùa khô 1968-1969, sau khi đồng chí ra viện tiếp tục hành quân vào Nam chiến đấu.
Ngày 12/05/2012, tôi mạnh dạn gửi bưu điện bài thơ này nhờ Hội CCB xã Nam Tiến chuyển giúp đến gia đình đồng chí Tiến (vì không biết đồng chí Tiến còn ở quê không).
Đồng chí Nguyễn Giang Nam, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Nam Tiến đã nhận thư. Đồng chí là trung tá, ở C3 - D19 - F471 từ năm 1972 (là lính bộ binh).
Với sự nhiệt tình khi nhận được bài thơ có trong quyển “Rùa vàng trên đỉnh Trường Sơn” của tôi gửi kèm, đồng chí đã đọc. Đồng chí Nam đã bí mật đi dò hỏi từng đồng chí có tên là Tiến trong xã đã đi bộ đội và xác định có 5 đồng chí tên là Tiến!
Rồi đồng chí đi hỏi từng người về độ tuổi, và họ. Cuối cùng cũng tìm thấy 2 đồng chí cùng họ Lê, cùng tên Tiến ở trong xã.
Đồng chí Nam đã đến gia đình đồng chí Lê - Tiến có tuổi cao nhưng xác định là không phải. Thế thì chỉ có anh Lê Nam Tiến họ nhà mình với độ tuổi trên 60 dưới 70.
Cầm bài thơ đến nhà vừa bối rối, vừa xúc động lại đúng ngày giỗ của đồng chí Lê Nam Tiến (anh hy sinh ngày 18/05/1971). Cả dòng họ bùi ngùi nhìn bài thơ và xác định đúng họ tên, thời gian trùng hợp với hoàn cảnh của đồng chí Tiến và của gia đình.
Ngăn dòng lệ trước ban thờ vong linh tổ tiên và đồng chí Tiến, đồng chí Nam được gia đình cho biết: Trước đó, gia đình đã đi xem nhà ngoại cảm. Họ thông báo: Ngày 17/5/2012 - trước ngày giỗ một ngày sẽ có người quê ở Hà Nam (tôi Kim Quy quê ở Bình Lục, Hà Nam) có biết đồng chí Tiến trước ngày hy sinh, lúc đồng chí hành quân vào Nam… Thật kỳ lạ!
Với mong muốn “Sẽ được gặp đồng chí ở thành phố Nam Hà”. Trông nom giữ gìn bài thơ cho đến năm 2009 tôi đã tặng bản gốc bài thơ cho Bảo tàng quân đội mà cựu chiến binh một thời lưu kỷ vật chiến tranh. Nơi nhận là 27 Lý Nam Đế - Hà Nội (Tôi chỉ gửi cho gia đình bản photo). Đồng chí Phó Chủ tịch Hội CCB xã Nguyễn Giang Nam (Số điện thoại: 0350.3919332 - 0168 932 8074) đã dày công tìm kiếm để giúp tôi hoàn thành tâm nguyện của đồng chí Tiến.
Đồng chí Tiến, trước khi ra viện đã tặng tôi một cái chăn dù pháo sáng của Mỹ do chính tay đồng chí khâu. “Mỗi đường kim hằn rõ tấm chăn khâu” trong bài thơ. Đó là bảo vật, là kỷ niệm chiến trường của đồng chí Tiến mà tôi luôn nâng niu, trìu mến, ấp ủ. Tôi dự định sẽ có ngày gửi về quê để tâm sự cùng đồng chí (khi ấy tôi không biết đồng chí hy sinh).
Ra Bắc thời gian đầu còn chồng chất khó khăn trong cuộc sống gia đình. Nay kinh tế đã khá vững chắc thì gửi về quê đã quá muộn. Trong khoảng năm 1970-1971, ở chiến trường anh có gửi thư về cho mẹ, rồi có giấy báo tử. Gần 30 năm mẹ đồng chí Tiến là cụ Lê Thị Kho khi còn sống luôn nhắc các em là “thằng Tiến vẫn quanh quẩn đâu đây chưa mất đâu”.
Mẹ mong mỏi con về nhưng không chờ được tin gì. Mẹ đã ra đi năm 1996. Anh là con lớn của cụ, sinh năm 1945. Học xong Phổ thông năm 1961, anh học Trung cấp Cơ điện ở quê. Đến năm 1963 anh rời quê hương ra Quảng Ninh công tác.
Anh phấn đấu lên làm Trưởng phòng Kế hoạch của đơn vị thủy sản Móng Cái. Lúc này em trai là Lê Quốc Sính đã tham gia thanh niên xung phong ở phía Bắc 1964.
Chiến tranh lan rộng thôi thúc thanh niên nhập ngũ. Anh rời chức Trưởng phòng Kế hoạch xung phong tình nguyện nhập ngũ vào bộ đội, huấn luyện vùng núi Yên Tử (Uông Bí - Quảng Ninh).
Đầu năm 1969, huấn luyện xong, anh lên đường đi B luôn, không từ biệt được mẹ và em gái ở quê. Chỉ có người vợ yêu quý tiễn anh ở Quảng Ninh (sau khi anh hy sinh chị cũng đi bước nữa và không về quê).
Mùa khô năm 1969, hành quân suốt dãy Trường Sơn gần ba tháng. Cơn sốt rét rừng đã làm anh phải vào điều trị tại Bệnh xá Binh trạm 36, cách Ngã ba Đông Dương bốn ngày đường nữa.
Nơi đó tôi là Quân y sĩ đã tiếp nhận anh vào khoa nội. Sau một tuần điều trị cơn sốt, anh đã tích cực tham gia mọi công tác giúp đỡ đơn vị - nhiệt tình cùng các đồng chí bệnh nhân khác.
Các anh còn nói: “Vào tới đội điều trị nhìn thấy các nữ quân y tận tình cứu chữa, vui vẻ với bệnh nhân các anh khỏe ngay”.
Trong thời gian điều trị anh Tiến đã viết thơ làm kỷ niệm, khâu chiếc chăn dù tặng tôi. Từ bệnh xá 36, anh lên đường tiếp tục vào Nam chiến đấu. Quên sao được ngày hôm đó là ngày 04/12/1968.
Ngày 27/07/2012, vợ chồng tôi tìm về thôn Thạch Cầu, xã Nam Tiến, Nam Trực, Nam Định - quê hương anh Lê Nam Tiến để làm tròn nguyện vọng của anh khi đi chiến đấu “Xin hẹn ở thành phố Nam Hà”; để được thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên và anh.
Gia đình anh đã trân trọng để chiếc chăn dù pháo sáng mà anh tặng tôi ngày nào để lên bàn thờ của anh. (Trước đó cháu ruột đồng chí Lê Nam Tiến là Lê Quốc Sáng đã lên Hà Nội nhận kỷ vật thiêng liêng từ gia đình tôi mang về). Vì anh Tiến không có một thứ gì để lại kể cả ảnh thờ. Chiếc chăn dù pháo sáng còn lại là kỷ vật của anh để thờ cúng và để nhắc nhở con cháu đời sau.
Cả họ Lê đều bùi ngùi nhớ thương cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm một thời ở quê hương của đồng chí Tiến. Đồng chí trung úy Nguyễn Tiến Ban, anh họ đồng chí Tiến cũng tham gia chiến đấu năm 1968 - 1971, tại K4 Thành phố Huế. Anh là chính trị viên C2, Đoàn 22 - 386 rồi đại đội xe máy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn năm 1975. Anh tham gia BCH Hội CCB của xã. Anh nói “câu chuyện cái chăn dù và bài thơ này là huyền thoại thứ hai của xã” (Vì trước đã có huyền thoại đồng đội kết nghĩa thời chống Pháp).
Cả gia đình rưng rưng lệ nhớ thương đồng chí Tiến. Trong dòng họ còn có đồng chí Lê Cao Miên, sinh năm 1952, Trung úy bộ đội quân khu 5 năm 1971 – 1982, Bí thư chi bộ xóm cũng góp nhiều chuyện kể về anh.
Biết chúng tôi về thăm đúng ngày Thương binh – Liệt sĩ nên cả xóm đều mừng. Anh Lê Xuân Thành, là em họ, ở cùng ngõ. Mặc dù đang chủ trì liên hoan cho toàn thương binh của xã tại nhà cũng mang rượu sang đón tiếp nhiệt tình. Anh đi bộ đội năm 1974, là thương binh, đã từng tham gia chiến trường Quảng Ngãi QK5, rồi tham gia chiến đấu tại Căm pu chia suốt chín năm…
Nếu còn thời gian thì câu chuyện sẽ dài mãi …
Gia đình, họ hàng đồng chí Lê Nam Tiến đã để lại trong tôi niềm xúc động, xen vào đó là niềm vui vì mình đã làm tròn nghĩa vụ với đồng đội đã khuất.
Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy
Quân y sĩ Binh trạm 36. ĐT: 0789199968